/ Pháp luật - Đời sống
/ Xử lý thế nào với hành vi thu mua, thuê tài khoản ngân hàng, thuê thông tin cá nhân?

Xử lý thế nào với hành vi thu mua, thuê tài khoản ngân hàng, thuê thông tin cá nhân?

11/08/2023 16:16 |

(LSVN) - Theo Luật sư, hành vi thu mua, thuê tài khoản ngân hàng, thuê thông tin cá nhân có thể tùy vào mục đích của đối tượng mua, tùy tính chất và mức độ mà xem xét trách nhiệm về xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự với các tội danh khác nhau.

Ảnh minh họa.

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội Facebook có rất nhiều hội nhóm đăng tải các nội dung thu mua, thuê tài khoản ngân hàng, thuê thông tin cá nhân với nhiều mục đích khác nhau. Những bài đăng này nhận được rất nhiều lượt tương tác dưới phần bình luận, chủ yếu là đối tượng học sinh, sinh viên.

Trước tình trạng trên, theo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cho biết, hiện nay, phương thức, thủ đoạn liên quan đến hoạt động mua bán tài khoản thanh toán rất tinh vi. Các đối tượng thường lợi dụng danh nghĩa nhân viên ngân hàng đang chạy chỉ tiêu mở thẻ ngân hàng, tài khoản thanh toán để nhắm vào đối tượng là học sinh, sinh viên hoặc công nhân, người lao động có thu nhập thấp, ít hiểu biết về pháp luật nhằm mở tài khoản miễn phí hoặc mức phí thấp. Sau đó, thỏa thuận mua hoặc thuê lại của chủ tài khoản, từ đó phân phối lại trên không gian mạng để kiếm lời bất chính.

Vậy, theo quy định pháp luật, hành vi này sẽ bị xử lý thế nào?

Theo Luật sư Nguyễn Văn Đồng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội phân tích, hành vi thu mua, thuê tài khoản ngân hàng, thuê thông tin cá nhân có thể tùy vào mục đích của đối tượng mua, tùy tính chất và mức độ mà xem xét trách nhiệm về xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự với các tội danh khác nhau.

Theo quy định tại khoản 5, 6, Điều 26, Nghị định 88/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 143/2021/NĐ-CP, mức phạt hành chính đối với hành vi mua, bán trái phép tài khoản ngân hàng như sau: Phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng với hành vi mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 01 - dưới 10 tài khoản thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Phạt tiền từ 50 - 100 triệu đồng với hành vi mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 10 tài khoản thanh toán trở lên mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, buộc người vi phạm nộp vào ngân sách Nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Trường hợp mua, bán trái phép tài khoản ngân hàng từ 20 tài khoản trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 20 triệu đồng trở lên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng" quy định tại Điều 291, Bộ luật Hình sự 2015. Hình phạt lên đến đến 07 năm đối với một trong các trường hợp: Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng 200 tài khoản trở lên; Thu lợi bất chính 200 triệu đồng trở lên.

Ngoài ra tùy mục đích thu mua tài khoản ngân hàng mà đối tượng thực hiện hành vi sẽ bị truy cứu các tội tương ứng, nếu sử dụng thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng này để chiếm đoạt tài sản thông qua thủ đoạn gian dối thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Nếu dùng thông tin cá nhân của người khác để đưa thông tin sai sự thật, để bôi nhọ, xúc phạm thì phạm tội "Vu khống". Nếu thu mua các tài khoản ngân hàng, thông tin cá nhân khác để làm giả các tài liệu, giấy tờ thì sẽ bị xử lý về tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức"; tội "Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức".

Cũng theo Luật sư, hiện nay nhiều loại tội phạm còn sử dụng các tài khoản ngân hàng được thu mua, các thông tin cá nhân là CCCD của những người bán để mở tài khoản ngân hàng. Sau đó, thông qua thủ đoạn dùng các tài khoản này để nhận tiền lừa đảo, rửa tiền vi phạm pháp luật.

Chính những hành vi thu mua và thuê thông tin cá nhân này là nguyên nhân phát sinh nhiều loại tội phạm như: tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"; tội "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản"; tội "Vu khống"; tội "Làm nhục người khác"; tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức"; tội "Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức"… Vì vậy, Luật sư kiến nghị cơ quan chức năng cần mạnh tay dẹp bỏ vấn nạn thu mua tài khoản ngân hàng, thông tin cá nhân này, tránh nguy cơ bùng phát nhiều loại tội phạm.

Theo đó, Luật sư cũng khuyến cáo, khi có ai đó nhờ đăng ký mở tài khoản, thuê mở tài khoản thì người dân nên tỉnh táo, cảnh giác. Nếu phát hiện mình bị lừa, cần thông tin ngay đặc điểm, thông tin cá nhân, số điện thoại của đối tượng nhờ mở tài khoản cho cơ quan Công an để ngăn chặn kịp thời.

MINH QUÝ

2 người cùng nhận là chủ nhân biển số đẹp: Xử lý thế nào? 

Nguyễn Hoàng Lâm