/ Luật sư - Bạn đọc
/ Không vay tiền nhưng có nợ tại FE Credit - Ai chịu trách nhiệm?

Không vay tiền nhưng có nợ tại FE Credit - Ai chịu trách nhiệm?

06/03/2021 11:02 |

(LSVN) - Theo Luật sư Đặng Văn Cường, các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Luật sư cũng nhận định rằng hệ thống pháp luật hiện hành, dù đã có quy định nhưng chưa bảo đảm đầy đủ, toàn diện để làm cơ sở xử phạt đối với các hành vi vi phạm không thuộc lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, tần số vô tuyến điện,...

Theo thông tin, mới đây một số cá nhân phản ánh bị Công ty tài chính VPBank (FE Credit) làm giả hồ sơ vay tiền. Trong đó, các khoản vay này đứng tên và số CMND của khách vay với nhiều thông tin sai lệch nhưng vẫn được giải ngân.

Nhiều người tỏ ra rất bất ngờ khi được phía ngân hàng thông báo đang có một khoản nợ xấu tại FE Credit được lưu giữ trên Trung tâm thông tin tín dụng Quốc gia (CIC). Đặc biệt, đây đã là khoản nợ xấu ở nhóm cao nhất (Nhóm 5 – Nợ có khả năng mất vốn). Đặc biệt, những cá nhân có khoản vay này chưa từng làm thủ tục vay tiền hay phát sinh khoản vay nào bên phía FE Credit.

Bên cạnh đó, hiện nay có rất nhiều công ty tài chính sử dụng các số điện thoại ẩn danh để mời chào khách hàng vay tiền.

Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam về vấn đề này, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp cho biết, hiện nay, tình trạng nhiều người dân cho biết không vay tiền nhưng lại có thông tin khoản vay trong hồ sơ của ngân hàng đang là vấn đề được dư luận quan tâm. Người dân cho biết họ không ký bất kỳ hồ sơ vay vốn nào, không cung cấp thông tin để vay tiền nhưng lại có nợ xấu tại Ngân hàng và bị đòi nợ. Trong khi đó hệ thống của ngân hàng lại thể hiện thông tin số CMND của người dân đang có khoản nợ tại ngân hàng chưa trả và cho biết thông tin CMND và hồ sơ vay vốn là có người cung cấp để vay vốn và đã được giải ngân.

Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp.

Trong trường hợp này có thể nói dữ liệu cá nhân của khách hàng đã bị lộ hoặc bị đánh cắp. Về nguyên tắc thì người nào thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo pháp luật; hoặc mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người khác thì là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý tùy tính chất, mức độ hành vi vi phạm.

Về nguyên nhân của tình trạng lộ lọt thông tin và xuất hiện hồ sơ vay vốn giả mạo thì có thể kể đến những sự mất an toàn trong vấn đề bảo mật thông tin hiện nay, nhất là bảo mật thông tin qua mạng. Trên các nền các nền tảng ứng dụng lớn hiện tại như facebook, zalo, google,... hầu như mọi người đều công khai các thông tin cá nhân cơ bản như họ tên, địa chỉ, số điện thoại, email,... nhiều người còn dùng số chứng minh thư, thẻ căn cước công dân để làm lớp bảo mật cho tài khoản của mình trong trường hợp bị hack tài khoản. Hoặc khi tham gia các giao dịch thường ngày trong đời sống chẳng hạn như thuê phòng khách sạn, sử dụng các dịch vụ mua bán, làm đẹp, phòng khám tư nhân,... Phần lớn các doanh nghiệp đều có một hệ thống cơ sở dữ liệu (data) điện tử để thực hiện việc quản lý, chăm sóc và tìm kiếm nguồn khách hàng.

Do đó, các thông tin cá nhân này rất dễ bị trao đổi, thậm chí là bán data khách hàng để phục vụ mục đích thương mại. Việc để lộ bí mật thông tin cá nhân dẫn đến việc người xấu dễ dàng lợi dụng để thực hiện các hành vi lừa đảo, cụ thể ở đây là làm giả hồ sơ để vay vốn ngân hàng. Đây cũng là lý do mà chúng ta thường nhận được các cuộc gọi rác, tin nhắn rác, thậm chí là các cuộc gọi mạo danh, lừa đảo, đe dọa, tống tiền,… mà người lừa đảo thường biết hết các thông tin cá nhân của người bị hại. 

Nguyên nhân chủ yếu phải kể đến đó là vấn đề quản lý trong khâu kiểm duyệt hồ sơ của các ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty tài chính. Không thể phủ nhận trách nhiệm lớn nhất trong việc để lọt các hồ sơ giả mạo vay vốn sau đó thực hiện giải ngân thuộc về chính các tổ chức tín dụng đó. Mặc dù thông tin có rất nhiều sai lệch trong hồ sơ, nhưng phía ngân hàng không tiến hành xác minh chính xác mà đã giải ngân cho người vay.

Rõ ràng rằng, việc không xác minh những thông tin cơ bản như số CMND, giới tính, ngày tháng năm sinh, dẫn đến nhiều sai sót trong hồ sơ vay vốn,... thể hiện sự buông lỏng quản lý, thậm chí là vô trách nhiệm của các ngân hàng bởi để xảy ra những sai sót đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người không liên quan. Những thông tin cần xác minh là hết sức cơ bản khi thực hiện một bộ hồ sơ vay vốn chứ chưa nói đến những tài liệu chứng minh quan trọng khác.

Hiện nay việc bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng đã được quy định chung tại Hiến pháp, Bộ luật Đân sự, rải rác trong các văn bản luật và văn bản hướng dẫn có liên quan. Có rất nhiều văn bản pháp luật đề cập tới các khía cạnh của dữ liệu cá nhân như: Hiến pháp 2013, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự sửa đổi, Luật Giao dịch điện tử, Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Luật Công nghệ thông tin, Luật Trẻ em, Luật an ninh mạng, Luật An ninh quốc gia… Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác,…

Do đó, các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật hiện hành, dù đã có quy định nhưng chưa bảo đảm đầy đủ, toàn diện để làm cơ sở xử phạt đối với các hành vi vi phạm không thuộc lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, tần số vô tuyến điện, thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Ngoài ra, việc xử lý hành vi mua bán thông tin cá nhân gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân, ví dụ như khó truy ra đầu mối ai là người tiết lộ, đánh cắp, sử dụng thông tin cá nhân; nhiều hành vi vi phạm chưa được thể chế phù hợp với tình hình thực tế. Tình trạng vi phạm pháp luật về dữ liệu cá nhân phổ biến nhưng chế tài cho các hành vi này còn thiếu hoặc nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Tình trạng đánh cắp, mua bán thông tin cá nhân còn diễn ra trên không gian mạng cũng do quy định của pháp luật chưa chặt chẽ. Có nhiều văn bản pháp luật đề cập tới các khía cạnh của dữ liệu cá nhân nhưng chưa có văn bản nào quy định cụ thể về các nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân. 

Theo Luật sư, hiện tại mới chỉ có Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 quy định về nguyên tắc bảo vệ thông tin cá nhân nhưng theo hướng cá nhân tự bảo vệ thông tin cá nhân của mình và tuân thủ quy định của pháp luật. Điều này đặt ra vấn đề cần bổ sung thêm các nguyên tắc khác để bảo vệ dữ liệu cá nhân. Chính vì vậy mà khi Dự thảo Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân do Bộ Công an đề xuất được Chính phủ thông qua, sẽ tạo ra cơ sở pháp lý vững chắc bảo vệ sự an toàn thông tin cá nhân chủ thể cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân trên không gian mạng. Đồng thời, quy định này tạo tiền đề thuận lợi cho công tác xử phạt, phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao của Bộ Công an trong thời đại mới.

Không vay tiền bỗng nhiên có nợ xấu: Người dân phải làm gì?

Với những khoản vay bị FE Credit làm giả nhưng đang được lưu giữ trên Trung tâm thông tin tín dụng Quốc gia (CIC), Luật sư Cường khuyên người dân cần liên hệ, trao đổi với đại diện ngân hàng để làm rõ các thông tin liên quan đến khoản vay đó và phản ánh, khiếu nại với ngân hàng yêu cầu giải quyết xóa nợ. Quá trình làm việc người dân lưu ý nên bảo mật thông tin cá nhân. Trường hợp ngân hàng không giải quyết thỏa đáng thì người dân có thể làm đơn khiếu nại, kiến nghị cơ quan công an, Hội bảo vệ người tiêu dùng, thanh tra ngân hàng… để được xem xét, giải quyết.

Trong trường hợp này, khi phát hiện ra những khoản vay bị làm giả được lưu trữ trên Trung tâm thông tin tín dụng Quốc gia (CIC) thì phía bên ngân hàng cần phải giải quyết nhanh chóng, dứt điểm để lấy lại uy tín cho doanh nghiệp cũng như tránh những rắc rối lâu dài cho cá nhân. Người dân sau khi nhận kết quả giải quyết cần tiến hành tra cứu kiểm tra lại tình trạng nợ xấu tại website của CIC để xác nhận chắc chắn khoản nợ trên đã được xóa.

Dưới góc độ pháp lý thì với những hồ sơ bị làm giả để vay vốn, trong quan hệ dân sự sẽ được xác định là giao dịch dân sự vô hiệu, cụ thể được quy định tại Điều 127 Bộ Luật dân sự 2015: Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, cưỡng ép, đe dọa. Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó. Vì vậy, giao dịch này sẽ không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa các bên.

Bên cạnh đó, việc đánh cắp dữ liệu thông tin và làm giả hồ sơ vay vốn nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì đối tượng thực hiện có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 hoặc tội “Lừa đảo chiếm đoạt tại” sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017. Phía ngân hàng cần phối hợp cơ cơ quan Công An để cung cấp thông tin, xác minh và nhận diện đối tượng lừa đảo, kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật.

Luật sư Cường cũng đề cập đến việc trong thời gian gần đây, nhiều người dân phản ánh tình trạng xuất hiện các công ty tài chính sử dụng các số điện thoại ẩn danh để làm phiền, mời chào khách hàng vay tiền. Câu chuyện bị quấy rối, làm phiền qua điện thoại là câu chuyện không của riêng ai. Tình trạng này gây khó chịu và không ít rắc rối cho người dân trong công việc cũng như trong cuộc sống. Theo quy định tại Điều 13 của Nghị định 91/2020/NĐ-CP ngày 14/8/2020 của Chính phủ về chống tin nhắn rác, thư điện tử, cuôc gọi rác thì nguyên tắc gửi tin nhắn quảng cáo, thư điện tử quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo như sau:

1. Không được phép gửi tin nhắn quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo đến các số điện thoại nằm trong Danh sách không quảng cáo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định này hoặc Người sử dụng không đồng ý nhận quảng cáo trước đó.

2. Đối với quảng cáo qua tin nhắn và đối với số điện thoại ngoài Danh sách không quảng cáo, Người quảng cáo chỉ được phép gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo đầu tiên và duy nhất. Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết việc gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo.

3. Trường hợp Người sử dụng từ chối nhận quảng cáo hoặc không trả lời sau khi nhận tin nhắn đăng ký quảng cáo đầu tiên, Người quảng cáo không được phép gửi bất kỳ tin nhắn đăng ký quảng cáo hoặc tin nhắn quảng cáo nào đến số điện thoại đó.

4. Phải chấm dứt việc gửi đến Người sử dụng nhận các tin nhắn quảng cáo, thư điện tử quảng cáo hoặc thực hiện gọi điện thoại quảng cáo ngay sau khi nhận được yêu cầu từ chối của Người sử dụng.

Tùy vào hành vi vi phạm và tính chất, mức độ vi phạm mà người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đến 100.000.000 đồng theo quy định tại Điều 94 Nghị Định 91/2020/NĐ-CP về vi phạm quy định liên quan tới thư điện tử, tin nhắn, gọi điện thoại cung cấp thông tin về sản phẩm, dịch vụ. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thu hồi số điện thoại do thực hiện hành vi vi phạm.

YÊN CHI

Cá nhân, tổ chức dùng tiền ảo làm phương tiện thanh toán là vi phạm pháp luật 04/03/2021 18:11

Lê Minh Hoàng