Xử phạt các hành vi đăng video có nội dung phản cảm, câu like liệu có quá nhẹ?

19/10/2020 09:26 | 3 năm trước

(LSVN) - Hiện nay, trên mạng xã hội tràn lan những video có nội dung nhảm nhí, giật gân, nhằm mục đích lôi kéo càng nhiều lượt xem càng kiếm được nhiều tiền. Đáng lo ngại là những video nhảm nhí này đã thu hút hàng triệu người xem, ảnh hưởng đến nhận thức, lối sống, thậm chí cả nhân cách của trẻ em, phần nào kéo văn hóa nghe – xem của xã hội đi xuống. Thế nhưng, vì nhiều lý do, những nội dung này vẫn xuất hiện tràn lan, khó kiểm soát.

Đánh giá về vấn đề này, có thể thấy rằng những video này đáng phải bị lên án, cần phải được các cơ quan chủ quản có trách nhiệm cũng như cộng đồng mạng lên án, phê phán một cách quyết liệt và dứt khoát. Bởi những video này đều đăng tải, tuyên truyền tới những người xem, và trong đó có cả các em còn đang trên ghế nhà trường cũng theo dõi, những việc làm hay hành vi phản cảm, làm sai lệch tư cách đạo đức.

Ví dụ như trường hợp các video của Hưng Vlog như lấy trộm tiền trong lợn của các em gái, em trai, đập vỡ để lấy mang đi tiêu dùng. Đây là một hành vi xấu, các em học sinh từ nhỏ đã được dạy là không lấy trộm tiền, không được lấy những thứ không phải của mình mang đi tiêu dùng. Hay như việc nấu một con gà nguyên lông, cho nguyên con, không cần làm sạch, vệ sinh hay làm sạch ném vào nồi. Để khi người khác vớt lên ăn sẽ nhìn thấy nguyên con gà với toàn lông lá. Cách ăn như vậy nếu mọi người nhìn thấy sẽ cho rằng mất vệ sinh, thiếu thiện cảm trong ăn uống, gây bức xúc vì ăn uống thô tục.

Bởi vậy, trách nhiệm của chúng ta hiện nay là phải quyết liệt lên án, cũng như tẩy chay các video này bằng những nút dislike (không thích) hoặc đưa report (báo cáo) hoặc có thể comment (nhận xét) vào các video này để tránh việc các blogger, youtuber hay các facebooker đăng tải các video nhảm, xàm, giật gân, câu view hay câu like như vậy.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể là tại Nghị định 15/2020/NĐ -CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số, vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, Điều 101 Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội như sau:

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:
a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;
b) Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc;
c) Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn;
d) Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc;
đ) Cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu;
e) Quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm;
g) Cung cấp, chia sẻ hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia;
h) Cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm…
…3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.

Đối với các hành vi đăng video có nội dung nhảm nhí, giật gân, câu like, câu view, tùy từng trường hợp cụ thể rõ ràng, những người đăng tải sẽ bị xử phạt từ 10 triệu đồng – 20 triệu đồng. Ngoài ra những người đăng tải các video lên như vậy còn phải bắt buộc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật. Nếu như trong quá trình đăng tải dẫn đến gây thiệt hại tới quyền và lợi ích của người khác thì họ còn phải đền bù thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 cho người mà họ gây thiệt hại.

Tôi nghĩ rằng, mức xử phạt hiện nay vẫn còn thấp, chưa đủ sức răn đe. Bởi có thể thấy, qua việc xử phạt Hưng Vlog đối với các video “nhảm”, câu view, câu like: xử phạt lần thứ nhất là 7,5 triệu đồng đối với việc “nấu cháo gà nguyên lông”, lần thứ hai là 10 triệu đồng là “đập vỡ những con lợn tiết kiệm, lấy trộm tiền của các em đi tiêu dùng”, việc xử phạt có lẽ vẫn còn chưa đủ cao, chưa đủ sức răn đe.

Việc gia tăng mức xử phạt đối với các video này một phần sẽ giúp họ có sự “đắn đo”, “suy nghĩ, cẩn thận” hơn trong việc đăng tải bất kỳ một video hay clip nào lên mạng, nhất là những video dễ “gây phản cảm” như “nấu cháo nguyên con gà không làm lông”, hay như việc “ăn cắp, ăn trộm tiền trong lợn tiết kiệm của các em” đáng lẽ cần phải lên án thì nay lại được những người xem ủng hộ, hay đồng tình hoặc được share (chia sẻ). Việc này sẽ gây nên những hiện trạng về tiêu cực đạo đức, ảnh hưởng đến những tính cách của một bộ phận người xem.

Tuy nhiên, khi tăng mức xử phạt, các cơ quan quản lý nhà nước nên tùy trường hợp hoặc tránh việc lạm dụng, xử phạt một cách tùy tiện. Tuy rằng việc xử phạt là nhằm mục đích răn đe, nhưng cũng đồng thời phải tạo được tính tuyên truyền, tính nhân đạo đúng với đường lối chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, những quy định của pháp luật mà Chính phủ đã đề ra.

Hiện nay, để tăng cường việc xử phạt được nghiêm minh, đúng tinh thần của luật pháp, đúng với tiêu chí pháp chế xã hội chủ nghĩa, tôi nghĩ rằng các cơ quan quản lý nhà nước phải bổ sung, hoàn thiện thêm những quy định của pháp luật, đồng thời cũng phải sửa đổi, tiếp thu, tiếp nhận các ý kiến đóng góp từ các bộ ban ngành, các doanh nghiệp, các thành phần khác trong xã hội.

Kiến nghị một số giải pháp

Theo tôi hiện nay, để ngăn chặn hoặc ít nhiều làm giảm được những tác động tiêu cực hay hành vi đăng tải các video vi phạm như trên đã nêu nhằm mục đích câu like, câu view… trái với tư duy, đạo đức lối sống của người dân thì cần phải có sự góp đóng góp từ phía cơ quan quản lý nhà nước, sự quan tâm giám sát chặt chẽ của những người theo dõi. Nhất là của những bậc cha mẹ luôn theo dõi quan sát việc xem các video của các em trên mạng xã hội cũng như ý thức tự giác của các bloger, facebooker hay youtuber khi đăng tải các video nhằm mục đích câu like, câu view trên mạng xã hội.

Luật sư Vũ Văn Biên.

Thứ nhất, về phía các cơ quan quản lý nhà nước một mặt phải hướng dẫn, giải thích, tuyên truyền pháp luật cho người dân nhận biết được những video vi phạm như thế nào, vi phạm ở góc độ nào? Việc giải thích tuyên truyền pháp luật tốt nhất hiện nay, theo tôi phải nhanh chóng đưa ra được khuôn khổ pháp lý rõ ràng. Đảng và Chính phủ nhà nước ta đã rất nhạy bén, kịp thời, làm chủ đưa Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 nhanh chóng đi vào cuộc sống. Tuy nhiên nếu xem xét kỹ toàn bộ Nghị định này, chúng ta cũng thấy văn bản này hiện đang còn tồn tại một số vướng mắc, một số thiếu sót về việc định nghĩa như: thuần phong, mỹ tục của dân tộc là gì (trước đây tại Thông tư 14/2014/TT-BVHTTDL có hướng dẫn thế nào là vi phạm thuần phong, mỹ tục, nay văn bản này đã bị bỏ), hoặc là “phản cảm” là gì? Bởi vì thực tế hiện nay, có những video thực tế chỉ gây “phản cảm”, chứ không vi phạm về thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Hay nói đúng hơn hiện nay, Đảng và Chính phủ nên tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật và các văn bản pháp luật được đầy đủ, đúng đắn, kịp thời hơn.

Thứ hai, về phía những người theo dõi các video. Tôi khuyến nghị những người theo dõi video đăng tải trên mạng xã hội hãy là những người xem thông minh và có suy nghĩ. Nếu nhận thấy các video nhảm, làm ra để câu view, câu like người xem video hãy nhấn nút dislike (không thích), đưa report (báo cáo) hoặc có thể comment (nhận xét) vào dưới các video này. Những hành vi này chắc chắn sẽ góp phần làm cho người đăng video khi có một lượt người xem.

Ngoài ra các bậc phụ huynh nên kiểm tra, giám sát hoặc theo dõi những chương trình mà các em đang xem nhất là những em còn đang trong độ tuổi đi học để tránh các em xem và học hay bắt chước những thói quen không tốt được lan truyền trên mạng xã hội.

Thứ ba, đối với những người đăng tải video lên mạng xã hội. Trước khi đăng tải video, hãy chú ý rằng việc đăng tải video là nhằm mục đích lan tỏa những thông điệp, những thông tin tích cực, những thông tin đúng đắn với đạo đức, tư cách phù hợp của người Việt Nam, phù hợp với những quy định của pháp luật Việt Nam hiện thời. Không nên chỉ nhằm đạt mục đích câu view, câu like để kiếm hay tăng lượt xem, lượt theo dõi trên các mạng xã hội. Những người đăng đừng bất chấp tất cả, chỉ vì đồng tiền mà gây tổn hại mà vi phạm pháp luật, vi phạm về tư cách đạo đức con người.

Luật sư VŨ VĂN BIÊN
Trưởng chi nhánh Văn phòng Luật sư An Phước
/dang-phat-tin-bai-anh-kich-dong-bao-luc-bi-phat-den-100-trieu-dong.html