Bình Định: Nhiều vấn đề pháp lý cần xem xét lại trong Bản án dân sự sơ thẩm số 149/2022/DS-ST của TAND thị xã An Nhơn

08/11/2023 15:00 | 6 tháng trước

(LSVN) - Sau khi Tòa an nhân dân (TAND) tỉnh Bình Định tuyên hủy Bản án dân sự sơ thẩm số 149/2022/DS-ST của TAND thị xã An Nhơn; đồng thời, chuyển hồ sơ vụ án cho TAND thị xã An Nhơn giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm, một lần nữa, vấn đề tranh chấp đất đai giữa các hộ dân hiện nay đang nổi lên nhiều bất cập trong việc xem xét, xử lý đánh giá các chứng cứ của toà sơ thẩm.

Nhà đang tranh chấp nhưng bà Oanh vẫn chuyển nhượng cho người khác.

Nhà đang tranh chấp có được chuyển nhượng cho người khác?

Trước đó, ngày 27/12/2022, TAND thị xã An Nhơn ra Bản án số 149, tuyên bà Đào Thị Thử (SN 1971, ngụ khu vực An Ngãi, phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) trả lại nhà, đất và chấm dứt hành vi cản trở quyền sử dụng đất (QSDĐ), quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất thuộc thửa đất số 344, tờ bản đồ số 5, diện tích 256,2m2 tại khu vực An Ngãi cho ông Nguyễn Ánh Ngọc (SN 1980, ngụ khu vực Phò An, phường Nhơn Hưng). Bà Thử không đồng ý với bản án nêu trên nên đã làm đơn kháng cáo gửi đến TAND tỉnh Bình Định.

Tại phiên tòa xét xử ngày 26/9, bà Thử trình bày, bà và bà Võ Thị Bích Oanh (SN 1970, ngụ khu vực Tiên Hòa, phường Nhơn Hưng) là quan hệ chị dâu em chồng. Ngày 21/6/2017, bà Oanh đến nhờ bà giúp đỡ bằng cách làm giả thủ tục chuyển nhượng QSDĐ và nhà ở gắn liền với đất thuộc thửa đất số 344 mà gia đình bà đang ở qua bà Oanh đứng tên. Ngôi nhà trên thửa đất này là am tự cúng kính, là nhà từ đường họ Đào, gia đình bà 3 thế hệ với hơn 10 người hiện đang sinh sống tại đây. 

Việc chuyển nhượng QSDĐ là để bà Oanh thế chấp vay ngân hàng, đồng thời rút sổ đỏ của bà Oanh đã thế chấp ngân hàng làm sở hữu nhà (sổ hồng). Sau đó, bà Oanh thế chấp sổ hồng rút sổ đỏ trả lại cho bà. Vì không hiểu pháp luật, bà đã làm theo kịch bản mà bà Oanh đã dàn dựng. Hai bên cùng nhau lập giấy mượn sổ đỏ vào ngày 21/6/2017 có bà Ngô Thị Hương và bà Nguyễn Thị Tuyết làm chứng.

Ngày 26/7/2017, bà và bà Oanh đến Phòng Công chứng số 3 thực hiện công chứng hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ và nhà gắn liền với đất. Tuy nhiên, sau khi làm các thủ tục chuyển nhượng đứng tên, bà Oanh không trả lại sổ cho bà.

Ngày 26/12/2018, UBND phường Nhơn Hưng mời bà và bà Oanh đến giải quyết, hòa giải theo đơn tranh chấp của bà. Trong lúc vụ việc đang tiến hành giải quyết thì cuối chiều ngày 26/12/2018, bà Oanh làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng nhà, đất này cho ông Nguyễn Ánh Ngọc. Bà không có tranh chấp liên quan gì với ông Ngọc, yêu cầu hủy giấy chứng nhận QSDĐ đã chỉnh lý cho ông Ngọc và bác đơn khởi kiện của ông.

Luật sư Hoàng Tùng (người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn là bà Thử) cho rằng, lời khai của các đương sự, người làm chứng về việc chuyển nhượng nhà, đất, mượn sổ đỏ là mâu thuẫn với nhau, tòa án cấp sơ thẩm không tiến hành đối chất làm rõ, không đưa những người cư trú tại nhà bà Thử có tranh chấp tham gia tố tụng trong quan hệ pháp luật đòi lại tài sản là ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

“Nhà, đất đang có tranh chấp hòa giải tại phường Nhơn Hưng ngày 26/12/2018 nhưng cũng ngày này bà Oanh chuyển nhượng cho ông Ngọc là vi phạm điều kiện chuyển nhượng quy định tại Điều 188 Luật Đất đai. Do đó, tôi đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo yêu cầu hủy bản án sơ thẩm của bà Thử”, Luật sư Hoàng Tùng nhấn mạnh.

Nhiều vấn đề pháp lý cần được xem xét lại

Cũng theo Luật sư Hoàng Tùng, tại Bản án số 138, Hội đồng xét xử TAND tỉnh Bình Định nhận định, tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào kết quả giám định chữ ký và chữ viết Võ Thị Bích Oanh tại mục “Người nhận sổ” và lời khai người làm chứng là bà Ngô Thị Hương và bà Nguyễn Thị Tuyết tại mục “Người làm chứng” trên giấy mượn sổ đỏ ngày 21/6/2017 để buộc bà Thử trả lại nhà, đất và chấm dứt hành vi cản trở QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất thuộc thửa đất số 344 cho ông Ngọc là chưa chuẩn xác. 

Bởi lời khai của các đương sự về việc chuyển nhượng nhà, đất, thực hiện giao tiền, nhận nhà, cho ở nhờ đối chiếu với thỏa thuận tại hợp đồng có nhiều mâu thuẫn; lời khai của người làm chứng tại các biên bản hòa giải tranh chấp giữa bà Thử và bà Oanh tại UBND phường Nhơn Hưng và tại Tòa án là không thống nhất với nhau. Chẳng hạn, tại Điều 3 của hợp đồng chuyển nhượng, bà Thử và bà Oanh có thỏa thuận rằng, bà Thử giao nhà ngay sau khi bà Oanh giao đủ tiền. Theo bà Oanh, bà đã giao đủ 1,35 tỉ đồng nhưng bà cho bà Thử ở nhờ. Còn bà Thử không thừa nhận mà cho rằng, hợp đồng chuyển nhượng giữa bà và bà Oanh là hợp đồng giả tạo, chỉ làm thủ tục chuyển nhượng cho bà Oanh mượn sổ đỏ để đứng tên thế chấp ngân hàng nên không có việc nhận tiền, giao nhà và cho ở nhờ, thể hiện là giấy mượn sổ đỏ ngày 21/6/2017 và sau khi chuyển nhượng, bà Oanh không trả sổ đỏ nên phát sinh tranh chấp được UBND phường Nhơn Hưng tổ chức hòa giải…

Hội đồng xét xử TAND tỉnh Bình Định cho rằng, Tòa án cấp sơ thẩm không tiến hành đối chất giữa bà Thử, bà Oanh với những người làm chứng theo Điều 100 của Bộ luật Tố tụng dân sự để làm rõ việc bà Oanh giao tiền cho bà Thử hay không, vì sao không thực hiện giao nhà theo thỏa thuận tại Điều 3 của hợp đồng mà lại cho bà Thử ở nhờ, từ đó đến nay bà Thử có sửa chữa, xây dựng thêm gì hay không… Mặt khác, tại phiên tòa, bà Thử khai và được bà Oanh thừa nhận, hiện tại ngoài bà còn có các con của bà cư trú tại nhà, đất tranh chấp nêu trên. Do vậy, Tòa án cấp sở thẩm không đưa họ tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong tranh chấp đòi lại tài sản là ảnh ảnh hưởng đến quyền lợi của họ. 

Ngoài ra, trong Bản án số 138 cũng nêu rõ: “Cho nên, việc thu nhập chứng cứ và chứng minh không được thể hiện đầy đủ. Tại phiên tòa phúc thẩm không thể thực hiện bổ sung được nên Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm để đối chất, xác minh làm rõ. Do bản án bị hủy nên cấp phúc thẩm không xem xét nội dung kháng cáo”. 

SA HÀ - NHUẬN KIỆT

 

Từ khoá : lsvn.vn LSVN