Ai bảo vệ quyền lợi Luật sư khi hành nghề?

01/10/2021 22:15 | 2 năm trước

(LSVN) - Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Luật sư trong hành nghề là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của tổ chức xã hội - nghề nghiệp Luật sư, đã được quy định rõ trong Luật Luật sư năm 2006 (sửa đổi năm 2012) và Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Trong quá trình hoạt động, Ủy ban bảo vệ quyền lợi Luật sư thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Ban bảo vệ quyền lợi Luật sư Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội thời gian qua đã đạt được một số kết quả bước đầu, từng bước tạo dựng được sự tin cậy của đội ngũ Luật sư. 

Thực trạng ban đầu của vụ việc khiếu nại

Ngày 14/7/2020, Công ty Luật TNHH Việt Phương - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội bị Chi cục Thuế quận Đống Đa xử phạt vi phạm hành chính hơn 39 triệu đồng khi kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thuế, thời kỳ từ 2015 đến 2019. Lý do xử phạt vì Công ty đã “kê khai chi phí tiền lương, tiền công và tiền bảo hiểm bắt buộc” của Giám đốc Công ty là Luật sư Mai Thị Dung (mô hình công ty luật TNHH một thành viên do một Luật sư làm chủ) “vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế để tính thuế thu nhập doanh nghiệp”. Nhận thấy việc xử phạt không đúng, Luật sư đã khiếu nại nhưng Chi cục Thuế vẫn giữ nguyên quan điểm nên Luật sư tiếp tục khiếu nại lên Cục Thuế thành phố Hà Nội, đồng thời có văn bản đề nghị Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội và Liên đoàn Luật sư Việt Nam bảo vệ quyền lợi cho Luật sư. 

Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội và Liên đoàn Luật sư Việt Nam ngay sau khi tiếp nhận khiếu nại của Luật sư Mai Thị Dung đã nhanh chóng có công văn gửi các cơ quan có thẩm quyền, đồng thuận với quan điểm khiếu nại của Luật sư vì thấy cần phải xem xét lại nhiều vấn đề chưa hợp lý, chưa đúng pháp luật. Tuy nhiên văn bản phúc đáp của cơ quan thuế vẫn không thay đổi, vẫn cho rằng quyết định xử phạt vi phạm hành chính là đúng và không trái quy định của pháp luật. Khi vụ việc đang trong quá trình xem xét, chưa có quyết định giải quyết khiếu nại của Cục Thuế thành phố Hà Nội thì kết thúc nhiệm kỳ IX Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội. 

Bắt đầu nhiệm kỳ X, sau khi Ban Bảo vệ quyền lợi Luật sư Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội được thành lập (viết tắt là Ban BVQLLS), ít ngày sau đã tiếp tục nhận được hồ sơ, văn bản đề nghị bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Luật sư Mai Thị Dung và Công ty với nội dung, quan điểm vẫn giống như đã nhiều lần phản ánh trước đây.

Cách tiếp cận và giải quyết vụ việc của Ban BVQLLS

Sau khi nghiên cứu xem xét toàn bộ hồ sơ vụ việc, cũng có thành viên của Ban BVQLLS bày tỏ sự lo ngại, thiếu tin tưởng vào kết cục cuối cùng vì cho rằng đây là một thực tế rất khó thay đổi, vẫn thường gặp khi hành nghề. Bởi lẽ, cả Đoàn Luật sư và Liên đoàn đều đã có văn bản phản ánh những nội dung không đúng trong vụ việc này nhưng cơ quan Thuế vẫn bác bỏ và có quan điểm ngược lại. 

Với tư cách Trưởng Ban BVQLLS và Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội phụ trách lĩnh vực này, tôi đã trực tiếp tổ chức buổi làm việc gồm một số thành viên của Ban BVQLLS với Luật sư Mai Thị Dung để nắm rõ hơn toàn bộ thực trạng vụ việc. Chúng tôi đã rà soát quy trình thủ tục xử lý cụ thể của Chi cục Thuế quận Đống Đa cũng như tìm hiểu thêm các tình tiết, chứng cứ pháp lý khác, nhất là các điều khoản quy phạm pháp luật có liên quan của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp, Luật Luật sư, Luật Ban hành quy phạm pháp luật và các Nghị định, Thông tư có liên quan. Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội - Luật sư Đào Ngọc Chuyền đã tích cực ủng hộ, nêu rõ quan điểm đồng thuận với cách thức và quy trình xem xét giải quyết vụ việc này của Ban BVQLLS.

Sau quá trình thụ lý, nghiên cứu xem xét vụ việc, thấy rằng:

Thứ nhất, khoản 2 Điều 9 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 32/2013/QH13 ngày 19/6/2013 không quy định tiền lương, tiền công của chủ Công ty TNHH một thành viên là khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ và điểm 2.6 khoản 2 Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 78/2014/TT-BTC quy định tiền lương, tiền công không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân: “Tiền lương, tiền công của chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (do một cá nhân làm chủ); thù lao trả cho các sáng lập viên, thành viên của hội đồng thành viên, hội đồng quản trị mà những người này không trực tiếp tham gia điều hành sản xuất, kinh doanh”. Tuy nhiên, quy định này mô tả không rõ ràng, đã dẫn đến 02 cách hiểu rất khác nhau về việc tiền lương, tiền công không được trừ, cụ thể như sau:

- Tiền lương, tiền công của chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (do một cá nhân làm chủ) nếu những người này không trực tiếp tham gia điều hành sản xuất, kinh doanh.

- Tiền lương, tiền công của chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (do một cá nhân làm chủ) không cần phân biệt họ có hay không tham gia trực tiếp điều hành sản xuất, kinh doanh.

Qua thu thập hồ sơ tài liệu liên quan, đã phát hiện tình tiết "khá thú vị" và có ý nghĩa rất quan trọng là đã từng tồn tại 02 cách hiểu trái ngược nhau về vấn đề này tại Tổng cục Thuế:

- Ngày 16/10/2014 Tổng cục Thuế đã ban hành công văn số 4568/TCT-TNCN xác định các khoản tiền công, tiền lương này “được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp” khi Cục Thuế tỉnh Nam Định có công văn hỏi về vấn đề này.

- Thế nhưng cũng vấn đề tương tự như vậy, ngày 03/3/2015 Tổng cục Thuế có công văn số 727/TCT-CS đã xác định các khoản tiền công, tiền lương này lại không được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khi Cục Thuế thành phố Đà Nẵng có công văn hỏi về vấn đề này.

Luật sư, Thạc sỹ Đào Ngọc Lý, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.

Thứ hai, căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nếu các văn bản quy phạm pháp luật quy định một vấn đề không rõ ràng dẫn tới cách hiểu khác nhau thì phải căn cứ và áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn. Do vậy, phải áp dụng quy định của các văn bản pháp luật (Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Luật sư, Luật Doanh nghiệp, Luật Bảo hiểm xã hội) thì các khoản tiền này được tính vào chi phí doanh nghiệp để tính thuế. 

Thứ ba, cần lưu ý, hoạt động nghề Luật sư là nghề đặc thù và có điều kiện, phải tuân thủ theo Luật Luật sư (Bộ Tư pháp cấp Chứng chỉ hành nghề Luật sư, Liên đoàn Luật sư cấp Thẻ Luật sư và Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động cho tổ chức hành nghề Luật sư). Theo đó, người chủ công ty TNHH một thành viên phải là Luật sư làm Giám đốc công ty nên đương nhiên họ là người lao động trực tiếp, do vậy phải được chi trả tiền lương, đóng BHXH bắt buộc theo quy định của pháp luật nên khoản chi phí này phải được khấu trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Căn cứ vào việc phân tích và thẩm định hồ sơ như trên, thấy rằng nội dung khiếu nại của Công ty luật TNHH Việt Phương là có căn cứ, cần phải tiếp tục có giải pháp đấu tranh để kiến nghị hủy quyết định xử phạt hành chính không đúng quy định của pháp luật. Đồng thời đề nghị Liên đoàn Luật sư Việt Nam chủ trì, phối hợp với Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội trong việc đối thoại với các cấp có thẩm quyền để kiến nghị sửa đổi Thông tư và Nghị định nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Tổ chức hành nghề Luật sư (mô hình công ty luật TNHH MTV) nói riêng và cho các doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nói chung (mô hình công ty TNHH MTV).

Như vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào để Cục Thuế thành phố Hà Nội và Ban BVQLLS có thể cùng nhận rõ và thống nhất các vấn đề pháp lý nêu trên cũng như làm rõ một cách thuyết phục những ý kiến phản biện trái chiều của nhau? Do đó, vấn đề mấu chốt tiếp theo là phải xúc tiến và tổ chức được buổi làm việc trực tiếp với Cục Thuế thành phố Hà Nội. Trên cơ sở này, Ban BVQLLS chủ động trao đổi và đã nhận được sự đồng thuận, phối hợp rất tích cực và hiệu quả của Luật sư Phan Trung Hoài – Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam phụ trách lĩnh vực này và một số thành viên Ủy ban Bảo vệ quyền lợi Luật sư của Liên đoàn.

Sau khi Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội có công văn gửi Cục Thuế thành phố Hà Nội ngày 29/6/2021, hai bên nhiều lần điện thoại chia sẻ và cuối cùng cũng thống nhất được ngày mở cuộc họp, thống nhất nội dung, thành phần dự họp cũng như các vấn đề có liên quan khác đến cuộc họp đối thoại. Luật sư Phan Trung Hoài cũng đã kịp thời cử Luật sư Đặng Thị Bích Nga - thành viên Ủy ban Bảo vệ quyền lợi Luật sư của Liên đoàn Luật sư Việt Nam tham gia đoàn công tác, cùng các thành viên Ban BVQLLS phân tích, trao đổi thấu đáo nhiều vấn đề từ trước đó nên buổi đối thoại ngày 16/7/2021 tại Cục Thuế thành phố Hà Nội đã thành công tốt đẹp và đạt kết quả rất khả quan.

Mặc dù thời gian này thành phố Hà Nội đang phải thực hiện giãn cách xã hội, không thể tổ chức họp mặt đông người, nên tôi cùng Ban BVQLLS, Luật sư Mai Thị Dung và cơ quan thuế vẫn phải thường xuyên xem xét, cân nhắc, trao đổi qua thư điện tử các chứng cứ pháp lý và các vấn đề có liên quan đến việc giải quyết khiếu nại của Luật sư Mai Thị Dung và Công ty.

Ngày 30/7/2021, Cục Thuế thành phố Hà Nội có công văn số 29934/CTHN-KTNB gửi Tổng cục Thuế phản ánh thực trạng và kiến nghị của Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội về vấn đề này để cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết.

Ngày 27/9/2021, Chi cục Thuế quận Đống Đa ban hành Quyết định số 36117/QĐ-CCT-KTI-HBXPVPHC hủy bỏ toàn bộ nội dung Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Luật TNHH Việt Phương đã ban hành ngày 14/7/2020 nêu trên.

Đôi điều cảm nhận từ kết quả giải quyết vụ việc

Như vậy, ai là người bảo vệ quyền lợi Luật sư khi hành nghề? 

Theo tôi người đầu tiên, người rất quan trọng, nếu không nói là quan trọng nhất, đó chính là vị Luật sư đã nhận vụ việc với khách hàng. Bởi lẽ khi hành nghề, Luật sư phải nắm rất vững các quy định của pháp luật cùng Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam, phải hiểu rõ và chính xác các quyền và nghĩa vụ cơ bản của mình mới có thể ứng xử và tác nghiệp chuẩn xác phù hợp, nhất là trong những tình huống éo le phức tạp hoặc khó xử. Mặt khác về cơ bản, Luật sư phải thực hiện hết các quyền và nghĩa vụ của mình, nếu cơ quan tiến hành tố tụng hoặc cơ quan có thẩm quyền khác vẫn không đáp ứng hoặc có hành vi xâm phạm trái pháp luật đến hoạt động hành nghề thì khi ấy mới phải kiến nghị đến Đoàn Luật sư. 

Thực tế hoạt động thấy rằng, đôi khi Luật sư tham gia tố tụng, khi chưa thực hiện hết quyền của mình, mới gặp trở ngại đã lập tức có phản ứng không phù hợp hoặc vội vàng làm đơn đề nghị gửi đến Đoàn Luật sư. Cách tiếp cận này là chưa đúng, vô tình đã biến các thành viên của Ban BVQLLS thành Luật sư tiếp tục thực hiện giúp công việc của tổ chức hành nghề trong khi họ không hề có nghĩa vụ thực hiện Hợp đồng dịch vụ pháp lý. Mặt khác, với hơn 10 thành viên, Ban BVQLLS Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cũng không thể đáp ứng được những nhu cầu không phù hợp đó khi số lượng thành viên của Đoàn đến nay đã gần 5000 Luật sư. Trên thực tế vẫn có một số Luật sư chưa làm tốt điều này, thậm chí đôi khi còn vi phạm nghiêm trọng quy tắc đạo đức trong quan hệ với cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, quan hệ với khách hàng, quan hệ với đồng nghiệp. Thời gian vừa qua Ban BVQLLS Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội đã gặp không ít các trường hợp đáng tiếc như vậy. 

Khi phối hợp giải quyết vụ việc này, chúng tôi rất vui và hoan nghênh Luật sư Mai Thị Dung đã nắm vững và làm tốt điều này. Khi buộc phải chấp hành việc xử phạt vi phạm hành chính không đúng của cơ quan chức năng, Luật sư đã biết kiềm chế và biết cách thu thập, lưu giữ những chứng cứ quan trọng, đã tuân thủ chấp hành ngay việc nộp phạt hơn 39 triệu đồng rồi tiến hành thực hiện quyền khiếu nại hành chính đúng theo quy định của pháp luật. Cũng phải ghi nhận sự dũng cảm, trách nhiệm của Luật sư Mai Thị Dung đã tích cực phối hợp với Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội và Liên đoàn Luật sư Việt Nam, kiên trì theo đuổi khiếu nại cơ quan Thuế, kiên định bảo vệ lợi ích hợp pháp không chỉ của mình mà của cả nhiều Tổ chức hành nghề và nhiều doanh nghiệp khác. Bởi lẽ, vấn đề nhạy cảm này không phải ai cũng dám đương đầu và trên thực tế có lẽ cũng không phải không có người muốn né tránh, buông bỏ.

Với sự kiên định của Luật sư Mai Thị Dung, sự quyết tâm chủ động và linh hoạt của Ban BVQLLS, sự quan tâm của Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cũng như sự phối hợp kịp thời của Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã tạo nên sự chuyển biến rõ nét và thay đổi tích cực của cơ quan Thuế khiến kết quả đạt được rất tốt đẹp và có ý nghĩa hết sức quan trọng trong hoạt động bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Luật sư khi hành nghề.

Nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày Luật sư Việt Nam (10/10/1945-10/10/2021), vừa đúng thời điểm thành công vụ việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Luật sư và tổ chức hành nghề (không còn bị xử phạt hành chính oan uổng trong lĩnh vực Thuế), tôi phấn khởi chia sẻ niềm vui nhỏ bé này như muốn dâng tặng lẵng hoa tươi thắm nhất của Ban BVQLLS, của Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội tới các đồng nghiệp Luật sư yêu quý cùng đông đảo các bạn đọc.

Luật sư, Thạc sỹ ĐÀO NGỌC LÝ

Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội

Trưởng Ban Bảo vệ quyền lợi Luật sư Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội

Vai trò của Luật sư trong hoạt động tư pháp theo tinh thần Hiến pháp 2013

Từ khoá : lsvn.vn LSVN