Bàn về hình phạt tiền được quy định tại Bộ luật Hình sự 2015

17/02/2024 22:46 | 3 tháng trước

(LSVN) – Phạt tiền là một trong các hình phạt được liệt kê tại Điều 32 và quy định cụ thể tại Điều 35 Bộ luật Hình sự. Theo đó, phạt tiền là hình phạt chính trong Bộ luật Hình sự có nội dung buộc người phạm tội phải nộp một khoản tiền sung quỹ nhà nước, do Tòa án tuyên phạt đối với người này.

Ảnh minh họa. 

Quy định về hình phạt tiền trong Bộ luật Hình sự

Hình phạt là biện pháp cưỡng chế của Nhà nước được quy định trong Bộ luật Hình sự, do Tòa án quyết định trong bản án có hiệu lực pháp luật đối với người hoặc pháp nhân thương mại bị kết án với nội dung tước bỏ hay hạn chế quyền, lợi ích của người, pháp nhân thương mại đó, qua đó nhằm giáo dục cải tạo và phòng ngừa tội phạm.

Phạt tiền là một trong các hình phạt được liệt kê tại Điều 32 và quy định cụ thể tại Điều 35 Bộ luật Hình sự. Theo đó, phạt tiền là hình phạt chính trong Bộ luật Hình sự có nội dung buộc người phạm tội phải nộp một khoản tiền sung quỹ nhà nước, do Tòa án tuyên phạt đối với người này. Khi áp dụng hình phạt, thì hình phạt tiền vừa có thể là hình phạt chính, vừa có thể được áp dụng là hình phạt bổ sung. Đối với mỗi tội phạm, người phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung, qua đó để hỗ trợ cho hình phạt chính đạt được mục đích và phòng ngừa tội phạm.

Nội dung của hình phạt tiền là sự tước bỏ khoản tiền nhất định của người bị kết án để sung quỹ Nhà nước. Với mục đích trừng trị về kinh tế được áp dụng đối với người bị kết án phạm một số tội do Bộ luật Hình sự quy định, nhằm tước đoạt các khoản tiền nhất định, qua đó giáo dục, cải tạo họ trở thành người có ích cho xã hội.

Xu hướng ngày càng mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt tiền vì nó thể hiện cách đánh giá cũng như nhìn nhận mới của Nhà nước và xã hội về tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của một số tội phạm. Đặc biệt, trong các trường hợp sai lầm của cơ quan tư pháp đối với bị can, bị cáo thì có thể sửa chữa được nên nhà làm luận rất quan tâm đến hình phạt này.  Do đó, trong Bộ luật Hình sự 2015, phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính, mở rộng hơn so với Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009) cho phù hợp với thực tiễn xét xử và chính sách hình sự, được áp dụng đối với các trường hợp sau đây: người phạm tội ít nghiêm trọng, người phạm tội nghiêm trọng do Bộ luật Hình sự quy định; người phạm tội rất nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, trật tự công cộng, an toàn công cộng và một số tội phạm khác do Bộ luật Hình sự quy định.

Ngoài ra, hình phạt tiền được áp dụng là hình phạt bổ sung đối với người phạm tội về tham nhũng, ma túy hoặc những tội phạm khác do Bộ luật Hình sự quy định. Mức tiền phạt được quyết định căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm, đồng thời có xem xét đến tình hình tài sản của người phạm tội, sự biện động giá cả của thị trường, không được thấp hơn 1.000.000 đồng.

Phạt tiền có thể là hình phạt chính hoặc vừa là hình phạt chính, hình phạt bổ sung được quy định trong Bộ luật Hình sự các nước trên thế giới. Tại Bộ luật Hình sự Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa 1997 (sửa đổi, bổ sung 2005) quy định phạt tiền là hình phạt bổ sung mà không quy định đây là hình phạt chính như sau:

"Điều 52 quy định: Mức tiền phạt được quyết định căn cứ vào tình tiết của tội phạm.”

"Điều 53 quy định: Số tiền phải nộp trả một lần hoặc nhiều lần trong thời hạn ghi trong bản án. Nếu không nộp phạt đúng hạn,thì bị áp dụng hình thức cưỡng chế. Đối với những người không có khả năng nộp toàn bộ số tiền phạt, thì bất kể thời gian nào, nếu Tòa án phát hiện ra người bị phạt có tài sản có thể nộp phạt lập tức yêu cầu nộp phạt. Có thể giảm hoặc miễn hình phạt tiền đối với những trường hợp thực sự không thể khắc phục được khó khăn trong việc nộp phạt”. [1]

Như vậy, có thể thấy mỗi quốc gia sẽ có quy định khác nhau về hình phạt tiền. Đối với Việt Nam, hình phạt tiền vừa có thể là hình phạt chính, vừa có thể là hình phạt bổ sung. Tuy nhiên, ở Bộ luật hình sự Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa lại quy định hình phạt tiền là hình phạt bổ sung. Bên cạnh đó, việc quy định đối với những người không có khả năng nộp toàn bộ số tiền phạt, thì bất kể thời gian nào, nếu Tòa án phát hiện ra người bị phạt có tài sản có thể nộp phạt lập tức yêu cầu nộp phạt, có ý nghĩa quan tọng trong việc khắc phục hậu quả và thu hồi số tiền phạt cho cơ quan nhà nước.

Một số kiến nghị 

Để đáp ứng nhu cầu thực tiễn xét xử, Bộ luật Hình sự 2015 đã có nhiều sửa đổi về hình phạt tiền so với Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009). Tuy nhiên, về hình phạt này vẫn tồn tại một số vấn đề sau:

Thứ nhất, đối với hai hình phạt cải tạo không giam giữ và tù có thời hạn thì Bộ luật Hình sự quy định: “việc trừ thời gian tạm giam vào thời gian chấp hành hai hình phạt này, nhưng đối với hình phạt tiền thì các nhà làm luật lại không quy định việc trừ thời gian như vậy. Thực tiễn xét xử cho thấy có người phạm tội đã bị áp dụng tạm giam, nhưng cuối cùng hình phạt chính duy nhất áp dụng đối với người này là hình phạt tiền. Do đó, Bộ luật Hình sự hiện hành cần phải quy định việc khấu trừ thời gian tạm giam đối với cả hình phạt tiền (theo tỷ lệ bao nhiêu phần trăm là hợp lý, tùy vào các nhà làm luật cân đối, quyết định). Vì có như vậy mới đảm bảo nguyên tắc công bằng trong Luật Hình sự nước ta.

Thứ hai, chưa có quy định hình thức xử lý đối với trường hợp người bị kết án cố tình không chịu nộp phạt hoặc không có khả năng nộp phạt. Do đó, trong nhiều trường hợp việc áp dụng các quy định này không có tính khả thi và khả năng thực hiện. Vì vậy để khắc phục hạn chế trên, ta có thể tham khảo luật hình sự của một số quốc gia khác đã áp dụng bằng hai các thức để nâng cao hiệu quả, đồng thời buộc người bị kết án phải chấp hành hình phạt nghiêm chỉnh hơn. Có thể chuyển sang hình phạt lao động công ích tại trụ sở cơ quan nhà nước, nơi địa phương người bị kết án sinh sống để quy đổi trừ tiền dần.

Thứ ba, cần có quy định ưu tiên bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại khi mà người phạm tội có nghĩa vụ phải bồi thường dân sự trước nếu nếu người đó cũng bị áp dụng hình phạt tiền.

- - -

[1] Đinh Bích Hà (dịch và giới thiệu): Bộ luật Hình sự của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Sđd, tr.56-57.

PHẠM MINH ĐÔ

Tòa án Quân sự Quân khu 7

Từ khoá : lsvn.vn LSVN