Bàn về thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm

01/02/2023 05:24 | 1 năm trước

(LSVN) - Quy định nguyên tắc “Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm” là nguyên tắc quan trọng trong Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS). Nguyên tắc này nhằm bảo đảm các bản án hình sự xét xử đúng người, đúng tôi, đúng pháp luật tránh oan sai và bỏ lọt tội phạm, đồng thời tránh sai sót trong việc áp dụng pháp luật. BLTTHS và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có nhiều quy định về thẩm quyền Hội đồng xét xử phúc thẩm, tuy nhiên, trong thực tiễn việc áp dụng các quy định này vẫn còn tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau.

Ảnh minh họa.

1. Quy định của BLTTHS về thẩm quyền Hội đồng xét xử phúc thẩm

BLTTHS quy định về thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm bao gồm các vấn đề sau đây:

Thứ nhất, hủy bản án hình sự để điều tra lại hoặc xét xử lại.

Theo quy định tại Điều 358 BLTTHS về hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại:

“1. Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại trong các trường hợp:

a) Có căn cứ cho rằng cấp sơ thẩm bỏ lọt tội phạm, người phạm tội hoặc để khởi tố, điều tra về tội nặng hơn tội đã tuyên trong bản án sơ thẩm;

b) Việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được;

c) Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố.

2. Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại ở cấp sơ thẩm với thành phần Hội đồng xét xử mới trong các trường hợp:

a) Hội đồng xét xử sơ thẩm không đúng thành phần mà Bộ luật này quy định;

b) Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong giai đoạn xét xử sơ thẩm;

c) Người được Tòa án cấp sơ thẩm tuyên không có tội nhưng có căn cứ cho rằng người đó đã phạm tội;

d) Miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hoặc áp dụng biện pháp tư pháp đối với bị cáo không có căn cứ;

đ) Bản án sơ thẩm có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật nhưng không thuộc trường hợp Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa bản án theo quy định tại Điều 357 của Bộ luật này.

3. Khi hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại, Hội đồng xét xử phúc thẩm phải ghi rõ lý do của việc hủy bản án sơ thẩm.

4. Khi hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại, Hội đồng xét xử phúc thẩm không quyết định trước những chứng cứ mà Tòa án cấp sơ thẩm cần phải chấp nhận hoặc cần phải bác bỏ, cũng như không quyết định trước về điểm, Khoản, điều của Bộ luật hình sự cần áp dụng và hình phạt đối với bị cáo.

5. Trường hợp hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại mà thời hạn tạm giam đối với bị cáo đã hết và xét thấy cần phải tiếp tục tạm giam bị cáo thì Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định tiếp tục tạm giam bị cáo cho đến khi Viện kiểm sát hoặc Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý lại vụ án.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên hủy bản án sơ thẩm, hồ sơ vụ án phải được chuyển cho Viện kiểm sát hoặc Tòa án cấp sơ thẩm để giải quyết theo thủ tục chung quy định tại Bộ luật này.”

Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại trong trường hợp nếu việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được. Tòa án cấp phúc thẩm chỉ hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại trong trường hợp nếu Viện kiểm sát cấp phúc thẩm không thể điều tra bổ sung được và ở tại phiên tòa phúc thẩm cũng không thể làm sáng tỏ được Việc điều tra bị coi là không đầy đủ nếu Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án cấp sơ thẩm không làm sáng tỏ những tình tiết có ý nghĩa quan trọng đối với vụ án. Nếu việc điều tra ở cấp sơ thẩm tuy là không đầy đủ, nhưng có thể điều tra bổ sung được ở cấp phúc thẩm, thì Tòa án cấp phúc thẩm không hủy bản án sơ thẩm mà yêu cầu Viện kiểm sát cấp phúc thẩm điều tra bổ sung hoặc tự mình yêu cầu cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân cung cấp thêm những tài liệu cần thiết.

Trong trường hợp Tòa án xét xử sơ thẩm bỏ lọt tội phạm, người phạm tội hoặc để khởi tố, điều tra về tội nặng hơn tội đã tuyên trong bản án sơ thẩm, hay Tòa án có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong các giai đoạn từ giai đoạn điều tra cho đến truy tố thì hội đồng xét xử cấp phúc thẩm sẽ hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại, vì trong trường hợp này, bản án có thể không phản ánh chính xác, không phản ánh đầy đủ hoặc sai lệch so với sự việc đã diễn ra, các phán quyết của tòa sơ thẩm không hợp lý.

Thứ hai, hủy bản án hình sự và đình chỉ vụ án.

Theo quy định tại Điều 359 BLTTHS về hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án:

“1. Khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 157 của Bộ luật này thì Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, tuyên bị cáo không có tội và đình chỉ vụ án.

2. Khi có một trong các căn cứ quy định tại các khoản 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 157 của Bộ luật này thì Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án”.

Nghiên cứu kết cấu của Điều 359 BLTTHS thì đều viện dẫn đến Điều 157 của BLTTHS về căn cứ không khởi tố vụ án hình sự nhưng tách thành hai khoản.

Đối với khoản 1 khi có một trong các căn cứ “1. Không có sự việc phạm tội; 2. Hành vi không cấu thành tội phạm” thì Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, tuyên bị cáo không phạm tội và đình chỉ vụ án. Không có sự việc phạm tội là sự việc mà cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và xác định không thỏa mãn các dấu hiệu tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự và do đó không có căn cứ để quyết định khởi tố vụ án hình sự (Nghĩa là không xảy trong thực tế sự việc mà có thể coi là tội phạm) và hành vi không cấu thành tội phạm là đã có hành vi nguy hiểm cho xã hội xảy ra, nhưng hành vi đó không có đủ những dấu hiệu cấu thành một tội phạm cụ thể nào quy định trong Bộ luật Hình sự, đây là hai căn cứ thuộc về mặt cấu thành tội chung của khái niệm tội phạm để xác định một hành vi có phải là tội phạm hay không? Nếu khi Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bố một hành vi là tội phạm được quy định trong phần tội phạm của Bộ luật Hình sự nhưng cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm có căn cứ cho rằng không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm thì phải hủy bản án hình sơ thẩm, tuyên bố bị cáo không phạm tội và đình chỉ vụ án.

Đối với khoản 2 khi có một trong các căn cứ “3. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự; 4. Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật; 5. Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; 6. Tội phạm đã được đại xá; 7. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác; 8. Tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố” thì Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án, đối với khoản 2 khi có các căn cứ không khởi tố vụ án hình sự thì Hội đồng xét xử phúc thẩm không tuyên bị cáo không phạm tội như tại khoản 1 mà hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án. Vì các căn cứ tại khoản 2 Điều 359 không phải là dạng cấu thành chung của tội phạm mà Tòa án cấp sơ thẩm khi tuyên một hành vi có phải là tội phạm hay không dựa vào các yếu tố cấu thành chung còn đối với các vấn đề khác như nhân thân, độ tuổi… thì không thuộc trường hợp tuyên không phạm tội mà hủy án và đình chỉ vụ án, tuy nhiên các ăn cứ tại khoản 2 Điều 359 không phải là các dạng căn cứ thuộc về dấu hiệu định tội nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không tuyên bố bị cáo không phạm tội mà hủy bản án hình sự sơ thẩm và đình chỉ vụ án.

2. Bất cập và kiến nghị hoàn thiện

Bị cáo có kháng cáo, tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo rút kháng cáo nhưng Viện kiểm sát đề nghị hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại về tội nặng hơn, vấn đề này thực hiện như thế nào?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 342 BLTTHS, trước khi bắt đầu phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, người kháng cáo có quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo, Viện Kiểm sát ra quyết định kháng nghị có quyền thay đổi, bổ sung kháng nghị nhưng không được làm xấu hơn tình trạng của bị cáo.

Mặt khác, theo quy định tại Điều 348 BLTTHS, Tòa án cấp phúc thẩm đình chỉ việc xét xử phúc thẩm đối với vụ án mà người kháng cáo đã rút toàn bộ kháng cáo, Viện Kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị. Việc đình chỉ xét xử phúc thẩm trước phiên tòa do Thẩm phán chủ tọa phiên tòa quyết định, tại phiên tòa do Hội đồng xét xử quyết định.

Đối chiếu với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 358 BLTTHS, Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm trong trường hợp: “Có căn cứ cho rằng cấp sơ thẩm bỏ lọt tội phạm, người phạm tội hoặc để khởi tố, điều tra lại về tội nặng hơn tội đã tuyên trong bản án sơ thẩm”. Như vậy, quyền quyết định có hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại về tội nặng hơn hay không theo quan điểm của Viện kiểm sát thuộc về Hội đồng xét xử, do đó, có hai trường hợp xảy ra:

Một là, Hội đồng xét xử chấp thuận quan điểm của Viện kiểm sát, quyết định hủy bản án sơ thẩm để khởi tố, điều tra lại về tội nặng hơn. Lúc này, dù bị cáo có xin rút kháng cáo, Hội đồng xét xử phúc thẩm cũng không chấp thuận. Việc hủy bản án sơ thẩm để khởi tố, điều tra lại về tội nặng hơn tội đã tuyên trong bản án sơ thẩm được thực hiện theo quy định tại Điều 358 BLTTHS.

Hai là, Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp thuận quan điểm của Viện kiểm sát và quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm khi bị cáo xin rút kháng cáo theo quy định tại khoản 1 Điều 348 BLTTHS. Việc đình chỉ xét xử phúc thẩm được thực hiện theo quy định tại Điều 348 BLTTHS.

Vậy trong trường hợp này, Hội đồng xét xử phúc thẩm đình chỉ xét xử phúc thẩm hay hủy bản án hình sự sơ thẩm để khởi tố, điều tra lại về tội năng hơn?

Để giải quyết vấn đề này theo chúng tôi cần hiểu rõ để phân biệt khái niệm kháng cáo và kháng nghị.

Kháng cáo là một trong những cơ sở pháp lý làm phát sinh thủ tục xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, nhưng trước hết kháng cáo là quyền tố tụng quan trọng, được pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam ghi nhận và bảo đảm thực hiện để những chủ thể có quyền kháng cáo được thể hiện sự không đồng tình của mình đối với phán quyết của Tòa án trong bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật. 

Kháng nghị là hành vi tố tụng của người có thẩm quyền, thể hiện việc phản đối toàn bộ hoặc một phần bản án, quyết định của Tòa án với mục đích bảo đảm cho việc xét xử được chính xác, công bằng, đồng thời sửa chữa những sai lầm trong bản án, quyết định của Tòa án. Việc kháng nghị dẫn đến có thể làm bất lợi hoặc không bất lợi cho bị cáo.

Như vậy, xét về mặt bản chất kháng cáo và kháng nghị là hai hoạt động đối lập nhau trong một số trường hợp nhất định, bị cáo kháng cáo nhằm bảo vệ cho chính mình còn kháng nghị của Viện kiểm sát bên cạnh tránh các sai sót trong quá trình giải quyết vụ án, hoạt động kháng nghị nếu đề nghị tăng hình phạt, áp dụng tình tiết tăng nặng… làm bất lợi cho bị cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm khi bị cáo rút kháng cáo nghĩa là bị cáo từ bỏ quyền của mình mà đối tượng của phiên tòa phúc thẩm là kháng cáo của bị cáo không còn thì về nguyên tắc phải đình chỉ, còn việc có căn cứ cho rằng bị cáo phạm tội nặng hơn thuộc trường hợp kháng nghị của Viện Kiểm sát nhưng Viện Kiểm sát không thực hiện quyền này nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không ra quyết định hủy bản án hình sự sơ thẩm để điều tra lại về tội nặng hơn.

Theo tác giả vấn đề này cần hướng dẫn như sau: “Tại giai đoạn xét xử phúc thẩm: Trường hợp có kháng cáo mà tại giai đoạn xét xử phúc thẩm người kháng cáo rút yêu cầu kháng cáo nhưng Viện kiểm sát đề nghị hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại về tội nặng hơn thì Hội đồng xét xử hoặc Thẩm phán chủ tọa phiên tòa đình chỉ xét xử phúc thẩm và Tòa án phải nhận định rõ lý do đình chỉ là do người kháng cáo đã rút kháng cáo và Viện Kiểm sát không kháng nghị về việc có căn cứ bị cáo phạm tội danh nặng hơn”.

Trong trường hợp nêu trên cần kiến nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm để đảm bảo việc giải quyết vụ án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

TRẦN VĂN HÙNG

Tòa án Quân sự Khu vực Quân khu 4

Người dân có được giữ lại sổ hộ khẩu làm kỷ niệm?