Bàn về thẩm quyền giải quyết tranh chấp 'NDA'

22/01/2024 17:31 | 3 tháng trước

(LSVN) - Trong bối cảnh doanh nghiệp ngày càng chú trọng đến sự đổi mới và quy hoạch chiến lược, việc bảo vệ bí mật công nghệ, kinh doanh và kiểm soát cạnh tranh trở nên cực kỳ quan trọng. Các Thỏa thuận Bảo mật thông tin và không cạnh tranh (“Thỏa thuận”, “NDA”), ký kết giữa doanh nghiệp và người lao động đã trở thành công cụ hiệu quả nhằm đảm bảo an toàn thông tin, xây dựng văn hóa cạnh tranh lành mạnh. Tuy nhiên, thời điểm NDA “du nhập” vào Việt Nam, vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể đối với Thỏa thuận này. Vì vậy, sự ra đời của NDA đồng thời cũng gây nhiều tranh cãi dưới góc độ pháp lý. Trong số đó, vấn đề nhận diện bản chất Thỏa thuận được điều chỉnh bởi Bộ luật Lao động (“BLLĐ”) hay Bộ luật Dân sự (“BLDS”), làm tiền đề xác định Tòa án hay Trọng tài thương mại có thẩm quyền giải quyết tranh chấp phát sinh, luôn thu hút nhiều sự quan tâm trong dư luận xã hội.

Ảnh minh họa.

Hiện nay, pháp luật đang dừng lại ở việc “điểm mặt chỉ tên” một trường hợp cá biệt tại Án lệ số 69/2023/AL (1) (“Án lệ”) về tranh chấp NDA thuộc thẩm quyền giải quyết của Trọng tài thương mại với điều kiện thỏa mãn đủ các “tình huống pháp lý tương tự” (2): (i) Các bên có thỏa thuận trọng tài; (ii) Tranh chấp phát sinh liên quan đến một bên có hoạt động thương mại; (iii) Người lao động không phản đối thẩm quyền Trọng tài thương mại trong Bản tự bảo vệ cũng như trong suốt quá trình tố tụng trọng tài; (iv) Bên phía người lao động thừa nhận NDA hoàn toàn độc lập với Hợp đồng lao động. Theo đó, Án lệ trên chỉ làm rõ vấn đề NDA được điều chỉnh bởi BLDS trong trường hợp các bên cùng khẳng định điều này. Nên tựu trung lại, bài toán xác định bản chất của NDA đến nay vẫn chưa có lời giải thỏa đáng.

Nhìn nhận khách quan, nếu NDA được điều chỉnh bởi BLDS, chỉ cần một sai phạm nhỏ, người lao động có thể bị phạt vi phạm một số tiền không giới hạn theo khoản 2 Điều 418 (3) BLDS 2015. Ngoài ra, Trọng tài thương mại được quyền thụ lý các vụ tranh chấp dân sự (4), với tốc độ giải quyết nhanh hơn so với con đường Toà án (5). Vì vậy, chiến thuật “đánh nhanh, rút gọn” tại Trọng tài thương mại có thể giúp doanh nghiệp đạt được nhiều lợi thế. Lúc này, áp lực thời gian trong quá trình thu thập chứng cứ sẽ “đè nặng trên lưng” người lao động. Trong khi đó, nếu NDA được điều chỉnh bởi BLLĐ, phạt tiền là hành vi bị cấm nếu chiếu theo quy định của Bộ luật này. Ngoài ra, điểm b khoản 1 Điều 91 (6) BLTTDS 2015 trao cho người lao động đặc quyền không cần chứng minh hay thu thập chứng cứ trong một số trường hợp, nếu tranh chấp lao động được giải quyết tại Tòa án. Do đó, thực trạng hiện nay nhiều doanh nghiệp luôn cố gắng bổ sung vào NDA các điều khoản “thỏa thuận trọng tài”, “NDA độc lập với Hợp đồng lao động”, nhằm định hướng quan hệ pháp luật tranh chấp NDA là tranh chấp dân sự.

Tuy nhiên, khi đánh giá tổng quan về NDA, TAT Law Firm nhận thấy: (i) xét về bối cảnh ký kết, NDA được xác lập khi các bên đang thực hiện Hợp đồng lao động; (ii) Về mặt chủ thể giao kết, Thỏa thuận được ký bởi người lao động và người sử dụng lao động; (iii) Về mặt nội dung, Thỏa thuận chắc chắn quy định quyền và nghĩa vụ giữa các bên. Vì vậy, chủ thể giao kết Thỏa thuận đã phát sinh quan hệ lao động theo quy định tại khoản 5 Điều 3 (7) BLLĐ 2019. Căn cứ Điều 1 (8) về phạm vi điều chỉnh của BLLĐ 2019, Bộ luật này quy định quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động trong quan hệ lao động. Có thể kết luận, về bản chất, mọi Thỏa thuận bảo mật thông tin và không cạnh tranh đều được điều chỉnh bởi Bộ luật lao động. Lúc này, quan hệ pháp luật tranh chấp phát sinh từ Thỏa Thuận được xác định là tranh chấp lao động (9). Hiện nay Luật Trọng tài thương mại 2010 vẫn chưa cho phép Trọng tài thương mại giải quyết tranh chấp lao động (10), do đó, căn cứ Điều 187 BLLĐ 2019, thẩm quyền giải quyết loại chấp đặc thù này (11) thuộc về Tòa án nhân dân, Hòa giải viên lao động và Hội đồng trọng tài lao động.

Bởi nhiều lý do, người lao động thời điểm hiện tại khó có thể trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật, cho nên, khả năng “đòi hỏi” những quyền lợi chính đáng bị giảm sút đáng kể. Nhiều doanh nghiệp thường lợi dụng sự thiếu hiểu biết này để “cài cắm” các điều khoản thỏa thuận có lợi cho họ. Vì vậy, khi xảy ra tranh chấp, phần thiệt thòi thường nghiêng về người lao động. Bởi lẽ đó, hệ thống pháp luật Việt Nam đã công nhận người lao động là bên yếu thế, nên nhiều chính sách “ưu ái” cũng được ban hành nhằm cân bằng cán cân chênh lệch quyền lợi với người sử dụng lao động. Trong vấn đề nhận diện bản chất quan hệ pháp luật tồn tại trong NDA, chúng tôi nhận thấy việc xác định NDA được điều chỉnh bởi BLLĐ sẽ bảo vệ tối đa quyền lợi của người lao động yếu thế. Trên tinh thần đó, TAT Law Firm kiến nghị các cơ quan ban ngành, trong đó có Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong chức năng, quyền hạn của mình, thực hiện nhiệm vụ tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, có ý kiến, góp ý đến các cơ quan tư pháp và Trọng tài thương mại trên cả nước theo hướng ưu tiên áp dụng khoản 6 Điều 404 (12) BLDS 2015 về giải thích có lợi cho người lao động, bên không soạn thảo Thỏa thuận, để xác định quan hệ pháp luật tranh chấp về NDA là tranh chấp lao động, trừ trường hợp vụ việc tồn tại các tình huống pháp lý tương tự Án lệ số 69/2023/AL kể trên.

[1] Nội dung Án lệ 69/2023/AL: “[8] ... Bà T cho rằng “Tranh chấp về NDA là tranh chấp sẽ do Tòa án giải quyết ”. Căn cứ khoản 2 Điều 2 Luật Trọng tài thương mại quy định: “Thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của Trọng tài: Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại”. Công ty R là thương nhân, có đăng ký kinh doanh, có hoạt động thương mại theo Luật Thương mại năm 2005. Do đó, thỏa thuận trọng tài thuộc thẩm quyền giải quyết của VIAC và trọng tài theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật Trọng tài thương mại. Nội dung này đã được Hội đồng trọng tài kết luận tại Phiên họp ngày 19/01/2018 (Phần A, trang 5 và Phần C, trang 6 của phán quyết). Khoản 4 Điều 35 Luật Trọng tài thương mại quy định: “Trường hợp bị đơn cho rằng vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Trọng tài, không có thoả thuận trọng tài, thoả thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được thì phải nêu rõ điều đó trong bản tự bảo vệ”. Trong khi đó, tại Bản tự bảo vệ cũng như trong suốt quá trình tố tụng trọng tài, bà T không đưa ra bất cứ phản đối nào đối với thẩm quyền của Trọng tài mà vẫn tiếp tục tố tụng trọng tài, vẫn tham gia phiên họp giải quyết tranh chấp. Như vậy, bà T đã mất quyền phản đối về thẩm quyền của Hội đồng trọng tài theo quy định tại Điều 13 Luật Trọng tài thương mại và hướng dẫn tại Điều 6 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP. Bên cạnh đó, bà T cho rằng tranh chấp giữa các bên là tranh chấp lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, vì NDA là một phần không thể tách rời của các Hợp đồng lao động giữa bà T và Công ty R. Tại đoạn 11 Bản luận cứ đề ngày 18/01/2018 của Luật sư bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp của bà T tại VIAC và tại Phiên họp cuối cùng, Luật sư của bà T đã khẳng định lại quan điểm NDA hoàn toàn độc lập với các Hợp đồng lao động giữa Công ty R và bà T. Do đó, Hội đồng xét đơn xác định thỏa thuận NDA là một thỏa thuận độc lập, khi có tranh chấp thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Trọng tài như sự lựa chọn của các bên từ khi ký kết”.

[2] Khoản 2 Điều 8. Áp dụng án lệ trong xét xử, Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP: “Khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ, bảo đảm những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau. Trường hợp vụ việc có tình huống pháp lý tương tự nhưng Tòa án không áp dụng án lệ thì phải nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Tòa án”.

[3] Khoản 2 Điều 418. Thỏa thuận phạt vi phạm, Bộ luật Dân sự 2015: “Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác”.

[4] Điều 14 Bộ luật Dân sự 2015: “Trường hợp quyền dân sự bị xâm phạm hoặc có tranh chấp thì việc bảo vệ quyền được thực hiện theo pháp luật tố tụng tại Tòa án hoặc trọng tài”.

[5] Xem thêm: “Toà án hay Trung tâm trọng tài sẽ giải quyết tranh chấp nhanh hơn?”, Báo điện tử Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh.

[6] Điểm b khoản 1 Điều 91. Nghĩa vụ chứng minh, BLTTDS 2015: “Đương sự là người lao động trong vụ án lao động mà không cung cấp, giao nộp được cho Tòa án tài liệu, chứng cứ vì lý do tài liệu, chứng cứ đó đang do người sử dụng lao động quản lý, lưu giữ thì người sử dụng lao động có trách nhiệm cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ đó cho Tòa án.

Người lao động khởi kiện vụ án đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thuộc trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc trường hợp không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động theo quy định của pháp luật về lao động thì nghĩa vụ chứng minh thuộc về người sử dụng lao động”.

[7] Khoản 5 Điều 3. Giải thích từ ngữ, Bộ luật Lao động 2019: “Quan hệ lao động là quan hệ xã hội phát sinh trong việc thuê mướn, sử dụng lao động, trả lương giữa người lao động, người sử dụng lao động”.

[8] Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, Bộ luật Lao động 2019: “Bộ luật Lao động quy định tiêu chuẩn lao động; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong quan hệ lao động và các quan hệ khác liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động”.

[9] Khoản 1 Điều 179. Tranh chấp lao động, Bộ luật Lao động 2019: “Tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ, lợi ích phát sinh giữa các bên trong quá trình xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ lao động; tranh chấp giữa các tổ chức đại diện người lao động với nhau; tranh chấp phát sinh từ quan hệ có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động […]”.

[10] Thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Trọng tài thương mại 2010 do Quốc hội giao, Hội Luật gia Việt Nam gửi Báo cáo số 272/BC-HLGVN ngày 10/08/2023 về việc Tổng kết thực tiễn thi hành Luật TTTM 2010 đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội với nội dung đề xuất, nghiên cứu: “quy định rõ và mở rộng phạm vi giải quyết tranh chấp của Trọng tài thương mại trong việc giải quyết các tranh chấp phát sinh giữa các bên hoặc một bên có hoạt động thương mại liên quan đến bất động sản nói chung, nhà ở nói riêng; tranh chấp về lao động, môi trường… (Điều 2)”. Như vậy, có thể khẳng định Trọng tài thương mại vẫn chưa có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động.

[11] Tranh chấp lao động.

[12] Khoản 6 Điều 404. Giải thích hợp đồng, Bộ luật Dân sự 2015: “Trường hợp bên soạn thảo đưa vào hợp đồng nội dung bất lợi cho bên kia thì khi giải thích hợp đồng phải theo hướng có lợi cho bên kia”.

Luật sư MAI THẢO

Phó Giám đốc TAT Law Firm

 Bảo đảm an ninh con người trên không gian mạng từ góc độ pháp luật tại Việt Nam