/ Trao đổi - Ý kiến
/ Bàn về tội 'Đưa vào sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không bảo đảm an toàn'

Bàn về tội 'Đưa vào sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không bảo đảm an toàn'

21/12/2024 21:20 |

(LSVN) - Một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông là việc sử dụng các phương tiện giao thông không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật. Điều này có thể dẫn đến những hậu quả hết sức nghiêm trọng. Chính vì vậy, một loạt quy định liên quan đến tiêu chuẩn an toàn, kiểm định, trách nhiệm kiểm tra được đặt ra. Trường hợp cố tình đưa vào sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không bảo đảm an toàn gây thiệt hại nhất định sẽ là tội phạm và bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 262 Bộ luật Hình sự (BLHS) quy định về tội “Đưa vào sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không bảo đảm an toàn” (sau đây gọi tắt là tội này) như sau: “Người nào chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật mà cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng rõ ràng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Như vậy, hành vi khách quan của tội phạm này là hành vi “cho phép đưa vào sử dụng” đối với đối tượng là “phương tiện cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng” mà rõ ràng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật. Trong đó, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi là xe cơ giới) gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự; xe máy chuyên dùng gồm xe máy thi công, xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp và các loại xe đặc chủng khác sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh có tham gia giao thông đường bộ.

Một điểm đặc biệt nữa là xuất phát từ hành vi “cho phép” nên chủ thể của tội phạm này cũng phải là “người nào chịu trách nhiệm trực tiếp” về điều động hoặc tình trạng kỹ thuật. Do đó, không phải ai cũng trở thành chủ thể của tội phạm này và là một đặc điểm rất riêng để phân biệt với các tội phạm trong cùng lĩnh vực.

Tuy nhiên, quy định của BLHS về tội này còn một số vấn đề như sau:

Xác định chủ thể của tội phạm

Như đã phân tích ở trên, xác định chủ thể của tội này là những người “chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc tình trạng kỹ thuật”. Bao gồm hai nhóm: người chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động và người chịu trách nhiệm trực tiếp về tình trạng kỹ thuật. Tuy nhiên, xác định thế nào là người chịu trách nhiệm trực tiếp thì còn có các quan điểm khác nhau, chúng ta sẽ phân tích thông qua ví dụ sau đây:

Ngày 12/3/2024, H. điều khiển xe ô tô (có giấy phép lái xe) lưu thông trên đường liên huyện. Đến đoạn dốc Lò Ha, H. điều khiển xe đi xuống được 1/3 dốc thì bất ngờ hộp số phụ tự nhảy số về mo-N khiến xe mất kiểm soát lao nhanh xuống dốc, H. đạp phanh nhưng không được. Xe lao xuống dốc đâm vào nhà chị M. khiến chị M. tử vong. Theo bản kết luận giám định tình trạng kỹ thuât của xe ô tô do H. điều khiển: Xe ô tô này đã hết hạn kiểm định từ ngày 05/10/2015. Hệ thống phanh: Cơ cấu phanh, dẫn động phanh biến dạng, hư hỏng, rời khỏi vị trí ban đầu, không hoạt động. Vô lăng lái, trục lái rơ lỏng, hư hỏng. Hệ thống truyền lực hư hỏng, cần điều khiển ra vào số không hoạt động.

Với hành vi của H., có quan điểm cho rằng H. phạm tội “Đưa vào sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không bảo đảm an toàn” vì H. là chủ sở hữu xe ô tô, có hành vi sử dụng, đưa vào lưu thông đối với xe ô tô đã hết hạn kiểm định từ lâu, không bảo tình trạng an toàn kỹ thuật là vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 4, khoản 4 Điều 8, khoản 1 Điều 53, khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ, gây hậu quả 01 người chết.

Tác giả cho rằng quan điểm này là không phù hợp, H. phạm tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” mới chính xác. Bởi lẽ, H. rõ ràng có hành vi điều khiển phương tiện giao thông cơ giới tham gia giao thông không đủ các điều kiện, vi phạm các quy định của Luật Giao thông đường bộ, gây hậu quả làm 01 người chết, đủ yếu tố cấu thành tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ". Đối với tội “Đưa vào sử dụng phương tiện giao thông cơ giới không bảo đảm an toàn”, H. không thỏa mãn điều kiện về chủ thể. Mặc dù, H. là chủ sở hữu xe ô tô, có trách nhiệm bảo đảm tình trạng an toàn kỹ thuật của xe trong quá trình lưu thông. Nhưng H. không phải “người chịu trách nhiệm trực tiếp về điều động hoặc tình trạng kỹ thuật” như quy định tại khoản 1 Điều 262 BLHS. H. là chủ xe, đương nhiên có quyền khai thác, sử dụng tài sản của mình bằng cách đưa phương tiện vào tham gia giao thông. Điều này không thể nói rằng H. có trách nhiệm điều động xe. Theo tác giả, người chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc tình trạng kỹ thuật phải là người được giao nhiệm vụ, quyền hạn trong việc quản lý, kiểm tra, rà soát, kiểm soát… như nhân viên kỹ thuật, giám sát kỹ thuật, nhân viên xuất kho… Do đó, H. không được xác định là người chịu trách nhiệm về việc điều động hoặc tình trạng kỹ thuật nên không phạm tội “Đưa vào sử dụng phương tiện giao thông cơ giới không bảo đảm an toàn”.

Qua ví dụ trên, có thể thấy việc xác định chủ thể của tội này còn có vấn đề nhầm lẫn và không thống nhất. Do đó, cần sớm có hướng dẫn cụ thể xác định như thế nào là “người chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật” làm căn cứ áp dụng thống nhất pháp luật.

Xác định thế nào là “rõ ràng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật”

Theo quy định tại khoản 5 Điều 4, khoản 4 Điều 8, khoản 1 Điều 53, khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ thì phương tiện được lưu thông phải bảo đảm “an toàn kỹ thuật”, bảo đảm “tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật”. Thế nào là bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật được quy định rõ gồm các tiêu chí nhất định và rõ ràng (khoản 1 Điều 53). Nếu như có 01 hoặc nhiều tiêu chí trong số đó không bảo đảm thì được coi là “không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật”. Nhưng để xác định hành vi cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không bảo đảm an toàn để truy cứu trách nhiệm hình sự thì Điều 262 BLHS lại quy định phải chứng minh được phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và xe máy chuyên dùng đó phải “rõ ràng” không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn. Vậy, thế nào là “rõ ràng” không bảo đảm và thế nào là “không rõ ràng” không bảo đảm. Quy định này gây lúng túng và mơ hồ cho các cơ quan, chủ thể tiến hành tố tụng. Tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn là hệ thống các tiêu chí chất lượng đặt ra đối với toàn bộ và từng bộ phận, nhóm bộ phận của phương tiện, ví dụ như hệ thống hãm, hệ thống chuyển hướng, hệ thống đèn (gần, xa, đèn báo hãm, đèn tín hiệu)… và được quy định chi tiết tại Thông tư của Bộ Giao thông văn tải. Do đó, cần phải sửa quy định tại Điều 262 BLHS theo hướng bỏ từ “rõ ràng” ở khoản 1 để khắc phục tình trạng lúng túng khi xác định hành vi phạm tội.

Về các tình tiết định khung

Quy định các tình tiết định khung tại khoản 2, 3 không hợp lý:

Ví dụ: A. phạm tội làm 01 người chết, 02 người bị thương với tổng tỉ lệ thương tật là 110%. Như vậy, A. bị xét xử theo các điểm a, b khoản 1 Điều 262 BLHS. Đây là loại tội ít nghiêm trọng nên nếu có đủ các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 29 BLHS, A có thể được miễn TNHS. Trong tình huống khác, B. cũng phạm tội làm 02 người bị thương với tổng tỉ lệ thương tật là 125%. Trường hợp này, B. bị xét xử theo điểm b khoản 2 và đây là loại tội nghiêm trọng. So sánh hai trường hợp phạm tội của A. và B., rõ ràng hậu quả do A. gây ra nghiêm trọng hơn so với hậu quả do B. gây ra, nhưng B. lại chịu TNHS cao hơn. Do đó, bộc lộ sự không công bằng, thiếu sức thuyết phục trên thực tiễn.

Tương tự như vậy là trường hợp 02 người chết, 02 người bị thương mà tổng tỉ lệ thương tích là 200% sẽ bị xử lý theo điểm a, điểm b khoản 2 Điều 262 BLHS còn trường hợp 03 người bị thương (tổng tỉ lệ thương tích là 201% trở lên) sẽ bị xử lý theo điểm b khoản 3 Điều 262 BLHS. Như vậy, việc quy định các tình tiết định khung tăng nặng như Điều 262 BLHS 2015 là không hợp lý, ảnh hưởng đến yếu tố công bằng khi xét xử.

Tác giả đề xuất bổ sung vào khoản 2 và khoản 3 Điều 262 các điểm như sau:

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

d, Chết 01 người và gây hậu quả thuộc các trường hợp tại điểm b, c, d khoản 1 Điều này;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên và gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;

f) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121% và gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng”

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

d) Làm chết 02 người và gây thiệt hại thuộc các trường hợp tại điểm b, c, d, khoản 1 Điều này;

e) Làm chết 01 người và gây thiệt hại thuộc các trường hợp tại điểm e, f khoản 2 Điều này.

VĂN LINH
Tòa án Quân sự khu vực Hải quân

Các tin khác