(LSO) - Nếu các vụ tai nạn đuối nước xảy ra do lỗi của các cơ sở kinh doanh bể bơi hoặc nhân viên của các cơ sở này, thì các cơ sở kinh doanh bể bơi sẽ phải có trách nhiệm bồi thường các thiệt hại theo quy định của pháp luật dân sự về bồi thường trong trường hợp sức khỏe hoặc tính mạng bị xâm phạm, với các khoản bồi thường cụ thể theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.
Theo Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp,các trò thể thao thường chứa đựng nhiều nguy hiểm, bất an, nhất là đối với trẻ em. Mùa hè là thời điểm nhu cầu vui chơi, giải trí cao, đặc biệt là hoạt động tại các bể bơi luôn có những nguy hiểm tiềm tàng rình rập. Trong khi đó, có không ít cơ sở hoạt động không phép, không bảo đảm đầy đủ điều kiện tiêu chuẩn theo quy định.
Theo quy định của pháp luật thì ngành nghề kinh doanh hoạt động thể thao của doanh nghiệp thể thao, câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề này phải đáp ứng được các điều kiện theo quy định pháp luật.
Theo Điều 17 Nghị định số 36/2019/NĐ-CP ngày 29/4/2019 quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thể dục, thể thao quy định điều kiện kinh doanh đối với doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao dưới nước bao gồm: Có nhân viên cứu hộ; Có cơ sở vật chất, trang thiết bị thể thao theo quy định tại Điều 14 Nghị định này; Đối với hoạt động thể thao trên sông, trên biển, trên hồ hoặc suối lớn phải có xuồng máy cứu sinh.
Theo đó doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao phải có cơ sở vật chất, trang thiết bị thể thao đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành.
Về cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện Thông tư số 03/2018/TT-BVHTTDL ngày 19/01/2018 quy định: 1. Bể bơi: a) Kích thước: Bể bơi được xây dựng hoặc lắp đặt có kích thước không nhỏ hơn 6m x 12m hoặc có diện tích tương đương; b) Đáy bể có độ dốc đều, không gấp khúc, chênh lệch độ sâu không quá 1m đối với bể bơi có chiều dài từ 25m trở lên hoặc không quá 0,5m đối với bể bơi có chiều dài nhỏ hơn 25m; c) Thành bể, đáy bể có bề mặt nhẵn, mịn, dễ làm sạch. 2. Bục xuất phát chỉ được lắp đặt đối với bể bơi có độ sâu không nhỏ hơn 1,35m. 3. Có phòng thay đồ, khu tắm tráng và khu vệ sinh; sàn các khu vực này và xung quanh bể bơi phải phẳng, không đọng nước, không trơn trượt. 4. Khu vực rửa chân được đặt tại vị trí trước khi người tập xuống bể. 5. Có hệ thống âm thanh trong tình trạng hoạt động tốt. 6. Hệ thống ánh sáng bảo đảm độ sáng không nhỏ hơn 300 Lux ở mọi địa điểm trên mặt nước bể bơi. 7. Có dây phao được căng để phân chia các khu vực của bể bơi. 8. Dụng cụ cứu hộ: a) Sào cứu hộ được đặt trên thành bể ở các vị trí thuận lợi dễ quan sát và sử dụng, có độ dài 2,5m, sơn màu đỏ - trắng. Mỗi bể bơi phải có ít nhất 06 sào; b) Phao cứu sinh được đặt trên thành bể ở vị trí thuận lợi khi sử dụng. Mỗi bể bơi phải có ít nhất 06 phao; c) Ghế cứu hộ được đặt trên thành bể ở vị trí thuận lợi dễ quan sát cho nhân viên cứu hộ, có chiều cao ít nhất 1,5m so với mặt bể. 9. Bảng nội quy, biển báo: a) Bảng nội quy, biển báo được đặt ở các hướng, vị trí khác nhau, dễ đọc, dễ quan sát; b) Bảng nội quy bao gồm các nội dung chủ yếu sau: Giờ tập luyện, biện pháp bảo đảm an toàn, quy định đối tượng không được tham gia tập luyện và các quy định khác; c) Biển báo: Khu vực dành cho người không biết bơi (có độ sâu từ 01m trở xuống), khu vực dành cho những người biết bơi, khu vực cấm nhảy cắm đầu (có độ sâu ít hơn 1,4m). |
Mật độ tập luyện, hướng dẫn tập luyện và cứu hộ được quy định tại Điều 5 Thông tư số 03/2018/TT-BVHTTDL ngày 19/01/2018 quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn nhân viên chuyên môn đối với môn bơi, lặn quy định cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện như sau như sau:
- Mật độ tập luyện: Phải đảm bảo ít nhất 01 người/01m2 ở khu vực nước nông (độ sâu dưới 01m) hoặc 01 người/02m2 ở khu vực nước sâu (độ sâu từ 01m trở lên).
- Mỗi người hướng dẫn tập luyện hướng dẫn không quá 30 người hoặc không quá 20 người đối với trẻ em dưới 10 tuổi trong một buổi tập.
- Phải bảo đảm có nhân viên cứu hộ thường trực khi có người tham gia tập luyện và thi đấu. Số lượng nhân viên cứu hộ phải bảo đảm ít nhất 200m2 mặt nước bể bơi/01 nhân viên, trường hợp có đông người tham gia tập luyện phải bảo đảm ít nhất 50 người bơi/01 nhân viên trong cùng một thời điểm.
Như vậy, hoạt động kinh doanh hoạt động thể thao dưới nước – bể bơi chỉ bắt buộc điều kiện là: có nhân viên cứu hộ; có cơ sở vật chất, trang thiết bị thể thao theo quy định.
Đối với người hướng dẫn tập luyện, nếu người bơi có nhu cầu thì huấn luyện viên đó phải đáp ứng các điều kiện nhất định về chuyên môn và mỗi người hướng dẫn tập luyện hướng dẫn không quá 30 người hoặc không quá 20 người đối với trẻ em dưới 10 tuổi trong một buổi tập.
Kinh doanh bể bơi là hoạt động kinh doanh có điều kiện, chủ kinh doanh phải luôn đề cao sự an toàn và tính mạng, sức khỏe của người khác, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra (đuối nước, nước dùng hóa chất nhiều mà không kiểm định, vệ sinh công cộng, lây lan bệnh ngoài da, bệnh về mắt...).
Hoạt động kinh doanh vui chơi, giải trí, bơi lội cần nghĩ đến đóng góp cho cộng đồng, xã hội và kinh doanh an toàn cũng chính là điều kiện cho sự ổn định và phát triển của các cơ sở kinh doanh hoạt động này. Mặt khác, qua sự việc này cũng là lời cảnh tỉnh đến các bậc phụ huynh, cần phải quan tâm, để ý khi cho con em tham gia vui chơi, giải trí.
Trách nhiệm khi xảy ra đuối nước tại bể bơi, công viên nước
Luật sư Cường phân tích, theo quy định tại Thông tư 03/2018/TT-BVHTTDL ngày 19/01/2018 thì hoạt động bể bơi phải bảo đảm đầy đủ các điều kiệu về cơ sở trang thiết bị, dụng cụ cứu hộ và nhân viên cứu hộ.
Trường hợp có sự việc chết người xảy ra tại bể bơi thì cơ quan công an sẽ vào cuộc điều tra và xác minh nguyên nhân tử vong. Những vụ tai nạn đuối nước đối với trẻ em xảy ra tại các cơ sở kinh doanh bể bơi có thể do rất nhiều nguyên nhân, có thể xuất phát từ sự chủ quan, lơ là của các bậc phụ huynh, của các nhân viên, người có trách nhiệm tại các cơ sở kinh doanh bể bơi và các cơ sở kinh doanh này đã không tuân thủ, đáp ứng được đầy đủ các điều kiện luật định về cơ sở vật chất, trang thiết bị hoặc nhân viên cứu hộ.
Nếu các vụ tai nạn đuối nước xảy ra do lỗi của các cơ sở kinh doanh bể bơi hoặc nhân viên của các cơ sở này, thì các cơ sở kinh doanh bể bơi sẽ phải có trách nhiệm bồi thường các thiệt hại theo quy định của pháp luật dân sự về bồi thường trong trường hợp sức khỏe hoặc tính mạng bị xâm phạm, với các khoản bồi thường như: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; chi phí hợp lý cho việc mai táng và một khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần, cũng như các thiệt hại khác (nếu có) theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.
Đối với những cá nhân có trách nhiệm thì tùy vào diễn biến của vụ việc, cũng như các hành vi vi phạm cụ thể, tính chất và mức độ vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính” theo quy định tại Điều 129 Bộ luật Hình sự năm 2015, với hình phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù mức thấp nhất 01 năm và cao nhất có thể lên đến 12 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.
Chiều 27/6, tại bể bơi trong khu ký túc Trường Đại học Quản lý và công nghệ Hải Phòng đã xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến 1 người chết. Cụ thể, vào ca bơi 5 giờ 40 đến 6 giờ, bé trai tên P. (7 tuổi, học lớp 1 Trường tiểu học Nguyễn Huệ, Q.Hồng Bàng, TP. Hải Phòng) đi bơi cùng bố và anh trai. Trong khi bố và anh trai bơi ở bể dành cho người lớn thì P. bơi ở bể dành cho trẻ em. Sau khi xuống bể, P. di chuyển từ bể bơi của trẻ em sang bể bơi của người lớn tìm bố và anh thì bị đuối nước. Theo một số nhân chứng, thời điểm xảy ra tai nạn, bể bơi có nhiều người nhưng không ai biết bé P. bị đuối nước. Sau khi phát hiện sự việc, cứu hộ bể bơi đã sơ cứu và đưa bé P. đi bệnh viện nhưng rất tiếc nạn nhân đã không qua khỏi. |
THANH THANH