/ Trao đổi - Ý kiến
/ Kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật về tội 'Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức'; tội 'Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức'

Kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật về tội 'Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức'; tội 'Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức'

19/11/2024 06:38 |

(LSVN) - Tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức"; tội "Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" không phải là tội danh mới được quy định tại Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), song thực tiễn xét xử về tội phạm này cho thấy không ít cơ quan tiến hành tố tụng còn gặp nhiều vướng mắc, lúng túng và chưa thống nhất trong việc áp dụng các quy định của BLHS về loại tội phạm này.

Mặc dù BLHS năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) đã có hiệu lực thi hành nhưng hiện nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thi hành nào hướng dẫn cũng như giải thích pháp luật về các quy định còn vướng mắc về tội phạm này. Vì vậy, để việc áp dụng pháp luật được thống nhất, chúng tôi kiến nghị cần sớm ban hành hướng dẫn cụ thể về các nội dung sau:

Thứ nhất, cần có hướng dẫn cụ thể về hành vi “làm giả” hoặc “sử dụng” trong tội này

Tại Điều 341 BLHS quy định: “Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt…”. Điều đó có nghĩa là yếu tố “thực hiện hành vi trái pháp luật” chỉ được quy định gắn với hành vi “sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả” chứ không gắn với hành vi “làm giả con dấu, tài liệu”. Do vậy, hành vi “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” không bắt buộc phải gắn với yếu tố “thực hiện hành vi trái pháp luật” và phải bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thứ hai, cần có hướng dẫn về định tội danh trong từng trường hợp cụ thể

Có quan điểm cho rằng, hành vi làm giả, sử dụng con dấu, tài liệu giả là thủ đoạn gian dối trong hành vi khách quan của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản’’, do đó cần được xác định là đã thu hút vào tội phạm này. Theo tác giả, nếu chỉ xác định những hành vi đó là thủ đoạn cấu thành hành vi lừa đảo thì không phản ánh được đầy đủ tính chất nguy hiểm của chúng. Bởi, bản thân hành vi làm giả, sử dụng giấy tờ giả nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật đã cấu thành một tội phạm độc lập, thể hiện tính chất nguy hiểm đáng kể đến mức phải xử lý hình sự mà BLHS đã quy định tại một điều luật về tội phạm cụ thể. Vì vậy nếu thu hút hành vi trên vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” sẽ đồng nghĩa với việc bỏ lọt hành vi nguy hiểm cho xã hội mà đáng ra phải xử lý nghiêm.

Đồng thời, về nguyên tắc, người phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm về hành vi mà họ đã thực hiện. Theo đó, người phạm tội chỉ có hành vi làm giả giấy tờ thì tương ứng chỉ chịu trách nhiệm hình sự về tội danh “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, người phạm tội chỉ thực hiện hành vi sử dụng giấy tờ giả để thực hiện hành vi trái pháp luật thì chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

Bên cạnh đó, trường hợp người phạm tội thực hiện hai hành vi khách quan cùng được quy định trong một điều luật về tội phạm cụ thể, mà hành vi trước là tiền đề cho hành vi sau, hành vi sau mang tính kế tiếp, gắn bó chặt chẽ với hành vi trước thì cần xác định một tội danh duy nhất bao hàm đồng thời cả hai hành vi này. Việc áp dụng như trên để đồng thời đảm bảo tội danh được tuyên đúng theo quy định của BLHS, phản ánh, bao hàm đầy đủ các hành vi khách quan, đồng thời đảm bảo việc chỉ quyết định một hình phạt với một hành vi khách quan tổng thể mà không gây bất lợi cho bị cáo. Chẳng hạn như trường hợp bị cáo làm giả Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sử dụng giấy trên để thế chấp vay ngân hàng thì ngoài tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, cần thiết phải xét xử cả hai hành vi làm giả và sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả về một tội danh chung là tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức”, từ đó chỉ quyết định một hình phạt đối với các hành vi này của bị cáo. Tránh trường hợp người tiến hành tố tụng tách bạch hai hành vi trên thành hai tội danh tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" và tội "Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”, từ đó quyết định hai hình phạt và tổng hợp lại gây bất lợi cho bị cáo.

Vì vậy, có hướng dẫn về định tội danh trong từng trường hợp cụ thể như sau:

Trường hợp bị cáo chỉ có hành vi làm giả để cung cấp cho đối tượng khác sử dụng thực hiện hành vi trái pháp luật, bị cáo bị truy tố, xét xử về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Trường hợp bị cáo chỉ có hành vi sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả (không có hành vi làm giả) để thực hiện hành vi trái pháp luật thì bị truy tố, xét xử về tội “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

Trường hợp bị cáo có hành vi làm giả, sau đó sử dụng giấy tờ giả này để thực hiện hành vi trái pháp luật cần bị truy tố, xét xử về tội danh đầy đủ là “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức”.

Trường hợp bị cáo có hành vi sử dụng giấy tờ giả để gian dối chiếm đoạt tài sản, thì cần bị truy tố, xét xử về hai tội “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Trường hợp bị cáo có các hành vi làm giả, sử dụng con dấu, tài liệu giả này để gian dối chiếm đoạt tài sản, thì cần bị truy tố, xét xử về hai tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Đối với hành vi cung cấp thông tin của chính bản thân mình để thuê làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức, sau đó đặt mua tài liệu giả để thực hiện hành vi trái pháp luật thì chỉ cấu thành tội “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức” mà không thuộc trường hợp đồng phạm tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức” bởi họ không trực tiếp làm giả tài liệu và ý thức chủ quan của người đặt mua tài liệu giả đó về nhằm mục đích để sử dụng, giữa người đặt mua và người trực tiếp làm ra tài liệu giả không có mối quan hệ gì, không có thỏa thuận gì trước về việc mỗi người sẽ thực hiện một công đoạn trong việc làm ra tài liệu giả để bán lại cho người khác.

Thứ ba, cần có hướng dẫn cụ thể về việc xác định thế nào là “Thực hiện hành vi trái pháp luật”

Theo quy định tại khoản 1 Điều 341, hướng hành vi trái pháp luật được hiểu là hành vi trái pháp luật nói chung mà không nhất thiết phải là tội phạm. Trường hợp trái pháp luật hình sự, đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị xử lý theo quy định tại điểm d khoản 2 (sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng) hoặc điểm b khoản 3 (sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng).

Trong trường hợp đối với các hành vi lưu giữ con dấu, tài liệu giả nhưng không sử dụng hoặc việc sử dụng con dấu, tài liệu không nhằm mục đích để thực hiện hành vi trái pháp luật thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà căn cứ vào các quy phạm pháp luật tương ứng để điều chỉnh.

Thứ tư, cần ban hành hướng dẫn cụ thể về việc xác định thế nào là con dấu, tài liệu giả

Để tránh trường hợp một số loại tài liệu mà các cơ quan tiến hành tố tụng không xác định được đó có được xem là tài liệu giả của cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều 341 BLHS hay không, cần thiết phải ban hành hướng dẫn trong đó định nghĩa cụ thể và liệt kê một số loại tài liệu giả (xảy ra phổ biến trong thời gian qua như biển số xe giả, giấy phép lái xe giả, biên lai chuyển tiền giả, …) để có sự thống nhất áp dụng trong thực tiễn.

Bên cạnh đó, đối với các trường hợp không thu giữ được bản gốc tài liệu, giấy tờ giả nhưng có bản photo, bản photo có công chứng, chứng thực, cần có văn bản hướng dẫn cụ thể theo hướng: trường hợp không thu giữ được bản gốc tài liệu, giấy tờ giả nhưng có bản photo, bản photo có công chứng, chứng thực; đồng thời căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ khác như lời khai nhận tội của đối tượng; Các cơ quan, tổ chức xác định không phát hành loại tài liệu, giấy tờ đó (như trường Đại học có công văn trả lời: không có học viên đó học tại trường, trường không phát hành, cấp bằng tốt nghiệp cho học viên đó,...) thì không cần phải giám định mà cũng đủ căn cứ xử lý đối với hành vi làm, sử dụng tài liệu, giấy tờ giả theo Điều 341 BLHS năm 2015.

Ngoài ra, đối với dữ liệu điện tử bị chỉnh sửa (chưa in ra) cũng cần có hướng dẫn cụ thể theo hướng có thể được xác định là tài liệu giả bởi theo quy định của Luật lưu trữ: “Tài liệu là vật mang tin được hình thành trong quá trình hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân; tài liệu bao gồm văn bản, dự án, bản vẽ thiết kế, bản đồ, công trình nghiên cứu, sổ sách, biểu thống kê; âm bản, dương bản phim, ảnh, vi phim; băng, đĩa ghi âm, ghi hình; tài liệu điện tử; bản thảo tác phẩm văn học, nghệ thuật; sổ công tác, nhật ký, hồi ký, bút tích, tài liệu viết tay; tranh vẽ hoặc in; ấn phẩm và vật mang tin khác”.

Thứ năm, cần có hướng dẫn cụ thể trong việc xác định số lượng con dấu, tài liệu giả làm căn cứ để định khung hình phạt chính xác

Trường hợp làm từ 02 con dấu, tài liệu giả khác loại trở lên thì xác định mỗi loại con dấu, tài liệu là một con dấu, tài liệu giả.

Trường hợp làm từ 02 con dấu, tài liệu giả trở lên cùng loại và cùng nội dung (chẳng hạn các bản khác nhau của cùng một hợp đồng) thì xác định là một con dấu, tài liệu giả.

Trường hợp làm từ 02 con dấu, tài liệu giả trở lên cùng loại nhưng khác nội dung (chẳng hạn cùng một loại giấy khám sức khỏe nhưng mỗi bản ghi thông tin người khám khác nhau) thì xác định mỗi một con dấu, tài liệu là một con dấu, tài liệu giả.

Đối với trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội sao y 01 tài liệu thành nhiều bản sao khác nhau, thì xác định đây là trường hợp con dấu, tài liệu giả cùng loại, cùng nội dung và chỉ xác định là một con dấu, tài liệu giả.

Thứ sáu, trường hợp người phạm tội thực hiện 02 lần phạm tội độc lập trở nhưng số lượng con dấu, tài liệu giả đã được cộng lại để xác định tình tiết định khung tăng nặng

Đối với trường hợp này thì vẫn áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội 02 lần trở lên” bởi trường hợp này, các lần thực tội phạm là độc lập với nhau và các lần phạm tội này đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

NGÔ ANH DŨNG
Tòa án Quân sự khu vực Thủ đô Hà Nội

Các tin khác