/ Trao đổi - Ý kiến
/ Bảo tồn và phát triển di sản văn hoá phi vật thể từ khía cạnh pháp luật sở hữu trí tuệ tại tỉnh Thừa Thiên Huế

Bảo tồn và phát triển di sản văn hoá phi vật thể từ khía cạnh pháp luật sở hữu trí tuệ tại tỉnh Thừa Thiên Huế

15/11/2024 17:35 |

(LSVN) - Bài viết chỉ ra những phân tích về mối tương đồng giữa bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể theo pháp luật Việt Nam và pháp luật sở hữu trí tuệ. Từ đó đưa ra những gợi ý cho Thừa Thiên Huế về việc hoàn thiện chính sách pháp luật tại tỉnh, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể tại đây.

Tóm tắt

Tại Thừa Thiên Huế, địa phương được định hướng phát triển trên cơ sở khai thác giá trị thương mại của các di sản văn hoá, vấn đề về bảo tồn và phát triển di sản văn hoá phi vật thể đã trở thành một trong những mối bận tâm hàng đầu. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết trong công tác xây dựng hoàn thiện pháp luật điều chỉnh quan hệ trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể. Luật Di sản văn hoá 2001, sửa đổi bổ sung năm 2009 đã có những quy định riêng về bảo tồn và phát triển di sản văn hoá phi vật thể. Tuy nhiên, những quy định của luật này chưa giải quyết được tính đặc thù của việc bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể, đặc biệt là tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Bài viết chỉ ra những phân tích về mối tương đồng giữa bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể theo pháp luật Việt Nam và pháp luật sở hữu trí tuệ. Từ đó đưa ra những gợi ý cho Thừa Thiên Huế về việc hoàn thiện chính sách pháp luật tại tỉnh, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể tại đây.

Đặt vấn đề

Thừa Thiên Huế được định hướng phát triển trên cơ sở khai thác giá trị thương mại của các di sản văn hoá nên công tác bảo tồn và phát triển di sản văn hoá phi vật thể trở thành nhiệm vụ quan trọng. Việc Luật Di sản văn hóa hiện hành được ban hành từ hơn 20 năm trước và được sửa đổi, bổ sung lần gần nhất cũng đã hơn 10 năm khiến cho các quy phạm điều chỉnh của luật này đang dần bộc lộ những thiếu sót, rất nhiều các quy phạm của Luật này mang tính khái quát, thiếu sự cụ thể về nhiều khía cạnh hay như vấn đề rằng những quy phạm không có giá trị áp dụng vào thực tiễn, hoặc là đã lỗi thời. Trong khi đó, các chế định của pháp luật sở hữu trí tuệ mang một số tính tương thích nhất định đối với hoạt động bảo tồn và phát triển di sản văn hoá như các vấn đề về bản quyền…, nghiên cứu di sản văn hoá phi vật thể gắn với đối tượng quyền tác giả, kiểu dáng công nghiệp,…

Để bổ sung được những vấn đề mà các nghiên cứu đi trước chưa đi sâu giải quyết, nhóm tác giả sẽ thông qua việc phân tích các trường hợp bảo tồn và phát triển di sản văn hóa phi vật thể cụ thể trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế để đánh giá vai trò của hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ đối với mục tiêu chung.  

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

1. Di sản văn hoá phi vật thể tại tỉnh Thừa Thiên Huế

Thừa Thiên Huế được mệnh danh là vùng đất của di sản, bởi nơi đây vẫn còn lưu giữ những giá trị văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó “bản” là gốc rễ, “sắc” là màu, “bản sắc” trong “đậm đà bản sắc văn hoá” được ví như chứng minh thư văn hoá của dân tộc. Thừa Thiên Huế đã và đang là địa phương sở hữu 8 di sản được UNESCO ghi danh, trong đó ngoài vẻ độc đáo của những di sản văn hoá vật thể, nơi đây còn sở hữu vô vàn những di sản văn hoá phi vật thể đa dạng với 3 di sản văn hoá thế giới, là địa phương ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á sở hữu đa dạng di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO công nhận. Thừa Thiên Huế đã không ngừng khai thác và phát huy những di sản văn hoá phi vật thể trên địa bàn tỉnh, đưa du lịch trở thành một trong ba ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh và của cả khu vực miền Trung, thông qua việc xã hội hoá các hoạt động văn hoá, lễ hội, đa dạng hoá các sản phẩm, du lịch, dịch vụ gắn với các các di sản văn hoá phi vật thể trên địa bàn, nhằm xúc tiến và kích cầu tăng trưởng thương mại, du lịch, dịch vụ.

Theo báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh qua các năm, khẳng định được vị trí, vai trò đặt biệt quan trọng của việc bảo tồn và phát huy di sản văn hoá phi vật thể đối với lĩnh vực kinh tế -xã hội trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong năm 2024, theo Báo cáo số 156/BC-UBND ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, từ đầu năm đến nay, lượng khách du lịch ước đạt 891,8 nghìn lượt, tăng 40,8% so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế ước đạt 446,9 nghìn lượt, tăng 74,6%. Tổng thu từ du lịch ước đạt hơn 1.710 tỉ đồng, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm trước. Về hoạt động thương mại, giá cả, lũy kế 3 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng xã hội của Thừa Thiên Huế ước đạt hơn 13.252 tỉ đồng, tăng 11% so cùng kỳ; trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 9.757 tỉ đồng, chiếm 73,6%, tăng 11,8%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2024 ước giảm 0,73% so với tháng trước, bình quân 3 tháng ước tăng 3,9% so với cùng kỳ [1]. Việc bảo tồn và phát huy di sản văn hoá phi vật thể trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế ngoài có vai trò trong việc truyền bá, bảo vệ chúng trước nguy cơ bị mai một, mất đi, thì cũng có một vai trò quan trọng trong việc xúc tiến, kích cầu thương mại, góp phần tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

2. Bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể tại Thừa Thiên Huế

2.1. Khái quát bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể

Dựa trên tinh thần nhấn mạnh việc bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể là quan tâm tới việc trao truyền các kiến thức, kĩ năng của di sản văn hoá phi vật thể, khoản 3 Điều 2 của Công ước 2003 quy định “"Bảo tồn" là các biện pháp có mục tiêu đảm bảo khả năng tồn tại của di sản văn hóa phi vật thể, bao gồm việc nhận diện, tư liệu hoá, nghiên cứu, bảo tồn, bảo vệ, phát huy, củng cố, chuyển giao, đặc biệt là thông qua hình thức giáo dục chính thức hoặc phi chính thức cũng như việc phục hồi các phương diện khác nhau của loại hình di sản này” [2]. Như vậy theo Công ước 2003 trên, bảo tồn có nghĩa là đảm bảo di sản văn hoá phi vật thể là luôn hiện hữu trong đời sống xã hội hiện đại thông qua việc trao truyền của các thế hệ tiếp nối nhau. Tại Việt Nam mặc dù không có văn bản pháp luật nào quy định rõ ràng bảo tồn di sản văn hóa là gì, tuy nhiên, dựa vào thực tiễn và các bài nghiên cứu về bảo tồn di sản văn hoá, có thể hiểu bảo tồn di sản văn hóa hay cụ thể hơn bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể là các nỗ lực nhằm bảo vệ và giữ gìn sự tồn tại của di sản theo dạng thức vốn có của nó.

Đối tượng bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể cần thỏa mãn các điều kiện: (i) Di sản văn hoá phi vật thể phải đại diện cho giá trị tinh thần của một cộng đồng và được cộng đồng đó công nhận thông qua việc trao truyền tiếp nối của các thế hệ; (ii) di sản văn hoá phi vật thể này còn phải có giá trị lâu dài tất yếu trước những thay đổi biến động của xã hội đặt trong bối cảnh toàn cầu hoá và nền kinh tế thị trường đang diễn ra cực kì mạnh mẽ.

Xuất phát từ thực tiễn và quá trình phát triển của xã hội loài người, có thể thấy rằng để bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể cần phải quan tâm tới khía cạnh bản thân di sản văn hoá phi vật thể đó và chủ nhân của di sản văn hoá phi vật thể này. Công tác bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể đối mặt với nhiều thách thức, bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể đòi hỏi sự kết nối trực tiếp với đời sống để di sản ấy được tiếp nối và phát triển

2.2. Mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển di sản văn hoá phi vật thể với pháp luật sở hữu trí tuệ

2.2.1. Sự tương đồng giữa quyền sở hữu trí tuệ và di sản văn hoá phi vật thể

Trước hết, cả đối tượng quyền sở hữu trí tuệ - tài sản sở hữu trí tuệ và di sản văn hoá phi vật thể đều là những sản phẩm của quá trình lao động sáng tạo của con người. Tài sản trí tuệ bao gồm: tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, ý tưởng; chương trình biểu diễn, bản ghi âm, chương trình phát sóng; sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, tên thương mại; bí quyết kinh doanh, công thức pha chế; giống cây trồng mới, phầm mềm máy tính… Trong khi đó di sản văn hoá phi vật thể cũng là thành quả của trí tuệ con người trong hoạt động lao động sản xuất.

Tiếp theo, cả tài sản trí tuệ và di sản văn hoá phi vật thể đều là những tài sản vô hình mà con người không thể chiếm hữu về mặt vật lý giống như các tài sản hữu hình khác. Tài sản sở hữu trí tuệ tồn tại ở dạng thông tin vô định hình do đó chúng có thể được sử dụng bởi nhiều người cùng một lúc mà việc sử dụng của người này không làm ảnh hưởng tới việc sử dụng của người khác. Di sản văn hoá phi vật thể cũng tương tự như vậy, những bài ca cổ truyền trong cùng một thời điểm có thể được trình diễn ở nhiều địa điểm khác nhau. Việc sử dụng cùng lúc này của cả tài sản sở hữu trí tuệ và di sản văn hoá phi vật thể đều không làm giảm giá trị của chúng. Và cũng vì mong manh như thế nếu không được quan tâm bảo hộ một cách hợp lý thì các đối tượng trên đều rất dễ bị khai thác sử dụng một cách bất hợp pháp.

Tuy nhiên vì đặc tính không thể định hình vật lý nên cả tài sản trí tuệ lẫn di sản văn hoá phi vật thể lại là những đối tượng dễ bị tác động gây phương hại, đem đến thách thức lớn trong việc bảo vệ chúng. Một khi bị tác động tiêu cực, thiệt hại của tác động này tới các đối tượng trên khó mà khắc phục được. Đối với tài sản trí tuệ, phải khẳng định rằng một khi đã bị xâm phạm thì gần như không thể khắc phục được hậu quả. Rõ ràng một sản phẩm trí tuệ không thể cầm nắm bằng vật lý, thì việc xác định thiệt hại thực tế khi sản phẩm này bị xâm phạm là một vấn đề đầy thách thức đồng nghĩa với việc mức độ khắc phục thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra là rất nhỏ.

2.2.2. Cách thức bảo hộ đối tượng quyền sở hữu trí tuệ gắn với bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể

Những đặc điểm tương đồng nói trên của di sản văn hoá phi vật thể và tài sản trí tuệ gợi mở một mối liên quan đáng chú ý giữa hai đối tượng này. Cả hai có cùng những đặc tính rất đặc trưng về cách thức biểu hiện, dạng tồn tại hay sự mong manh dễ bị xâm phạm đồng thời cùng là những đối tượng có thể đem lại giá trị kinh tế. Di sản văn hoá phi vật thể được xác định là tài sản của cộng đồng sáng tạo ra chúng do đó không tồn tại tính độc quyền sở hữu đối với đối tượng này, bất cứ ai trong hoặc thậm chí không thuộc cộng đồng sáng tạo cũng đều có thể sử dụng. Hệ quả phát sinh là cơ chế bảo vệ di sản văn hoá trở nên đặc thù. Nguyên tắc bảo tồn di sản văn hoá dựa những cơ sở: (i) Tôn trọng và Bảo vệ bản sắc văn hoá phi vật thể: Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể phải đảm bảo tôn trọng và bảo vệ bản sắc văn hóa của các dân tộc, tránh việc đồng hóa hoặc làm biến dạng các giá trị văn hóa nguyên bản nhưng cũng khuyến khích sự phát triển của chúng trên cơ sở những giá trị cốt lõi; (ii) Chú trọng tới chủ thể sáng tạo, gìn giữ và phát huy di sản văn hoá phi vật thể.

Mặc dù theo nghĩa đen “bảo tồn” mang nghĩa tĩnh, tức là giữ nguyên hiện trạng, nhưng theo Luật Di sản hiện hành thì rất rõ ràng, tinh thần của luật nhấn mạnh tới việc khuyến khích mở rộng không gian sáng tạo của cộng đồng chủ nhân di sản văn hoá, đương nhiên việc sáng tạo này phải dựa trên giá trị cốt lõi của di sản đó, với điều kiện là không làm mất đi bản sắc riêng của cộng đồng. Trên tinh thần cởi mở này, để bảo tồn thật tốt di sản văn hoá phi vật thể thì cần coi trọng kĩ năng của những người lưu giữ những tri thức cộng đồng này.

Trong khi đó, bảo hộ đối tượng quyền sở hữu về cơ bản là bảo vệ đối tượng quyền sở hữu trí tuệ và các quyền của chủ sở hữu/tác giả đối với đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ. Bản chất của việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung là hướng đến độc quyền đối tượng của tác giả/chủ sở hữu quyền đối với tài sản trí tuệ. Từ thực tiễn xã hội và xuất phát từ nhu cầu cần được bảo vệ của tài sản trí tuệ và di sản văn hoá phi vật thể mà các chủ thể có thẩm quyền đã phân loại hai đối tượng trên thành nhiều loại dựa trên các đặc trưng của từng nhóm đối tượng. Tuy nhiên ranh giới của các nhóm đối tượng của cả hai đều rất mong manh, đôi khi một di sản văn hoá phi vật thể hay tài sản trí tuệ mang đầy đủ đặc trưng của nhiều nhóm đối tượng, và do đó dù xếp chúng vào nhóm nào cũng đều hợp lý. Một bản vẽ thiết kế có thể là đối tượng của quyền tác giả nhưng cũng có thể được bảo hộ với tư cách là một kiểu dáng công nghiệp. Nếu xếp bản vẽ thiết kế là đối tượng của quyền tác giả thì cơ chế bảo hộ sẽ phát sinh ngay khi bản vẽ được hoàn thiện, nhưng nếu đăng ký bảo hộ bản vẽ này là đối tượng của quyền sở hữu kiểu dáng công nghiệp thì cơ chế bảo hộ chỉ phát sinh sau khi chủ thể của quyền thực hiện đăng ký theo quy định pháp luật. Cách làm một chiếc gối trái dựa là sản phẩm của các nghệ nhân cung đình Huế có thể được phân loại vào tri thức dân gian hoặc cũng có thể là nghề thủ công truyền thống. Bởi vì tính tương đối của việc phân loại cho nên lựa chọn các phương thức bảo vệ cũng trở nên tương đối.

Trên nhiều khía cạnh quan trọng của di sản văn hoá phi vật thể và tài sản trí tuệ có nhiều điểm tương đồng, song song với đó là cơ chế bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể và cơ chế bảo hộ tài sản trí tuệ cũng có nhiều điểm giống nhau, thực tiễn xã hội đặt ra một câu hỏi về việc liệu rằng có thể bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể từ những khía cạnh liên quan của bảo hộ đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ hay không. Khi mà thực tiễn Luật Di sản văn hoá hiện nay còn thiếu cơ chế mạnh mẽ để bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể.

Bên cạnh tính tương thích hay các tác động tích cực mà pháp luật sở hữu trí tuệ có khả năng mang lại cho di sản văn hoá phi vật thể trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, trong mối tương quan giữa tri thức truyền thống hay di sản văn hoá phi vật thể và quyền sở hữu trí tuệ, vẫn tồn tại những vấn đề, mâu thuẫn cần được giải quyết trước khi đưa tri thức truyền thống trở thành một bộ phận của pháp luật sở hữu trí tuệ.

(i) Mâu thuẫn giữa quyền con người với quyền miền công cộng.

Con người sở hữu quyền được tiếp cận văn hoá đối với tri thức truyền thống, hay nói một cách cụ thể là di sản sản văn hoá phi vật thể. Tuy nhiên, nếu đưa tri thức truyền thống trở thành một phần của hệ thống quyền sở hữu trí tuệ, vốn giới hạn quyền trong phạm vi chủ sở hữu chúng, tức việc tiếp cận các di sản văn hoá phi vật thể đối với các cá nhân, tổ chức ngoài miền cộng đồng sở hữu sẽ bị hạn chế ở mức độ cụ thể, nhằm đảm bảo tối đa quyền và lợi ích của cộng đồng đối với di sản văn hoá phi vật thể mà cộng đồng đó đang sở hữu.

Điều này sẽ tạo ra mâu thuẫn giữa quyền con người với quyền của miền cộng đồng khi đưa tri thức truyền thống vào hệ thống quyền sở hữu trí tuệ, cụ thể là tước đi quyền tiếp cận di sản văn hoá phi vật thể của người khác. Mặc dù quyền sở hữu trí tuệ có thể giải quyết được các vấn đề cấp bách đang và sẽ có nguy cơ xảy ra đối với di sản văn hoá phi vật thể, ngoài ra, còn là công cụ đảm bảo sự tồn vong của các giá trị di sản văn hoá phi vật thể trước thực tiễn hiện đã đề ra. Tuy nhiên, một khi tri thức truyền thống là một phần của hệ thống quyền sở hữu trí tuệ thì lâu dần mâu thuẫn trên sẽ ngày một rõ rệt. 

(ii) Sự không tương thích giữa đặc trưng của TK và các nguyên tắc bảo hộ IP truyền thống.

Trong hệ thống quyền sở hữu trí tuệ, để thực hiện chức năng bảo hộ, trước tiên phải xác định được chủ thể sáng tạo cần được bảo hộ là ai. Tuy nhiên, đối với tri thức truyền thống, rất khó hoặc thậm chí là không thể xác định được ai là người tạo ra tri thức truyền thống. Bởi lẽ, tri thức truyền thống sinh ra, tồn tại từ xa xưa và được truyền miệng hay những cách thức khác qua nhiều đời nên khó có thể xác định được chủ thể sáng tạo ra tri thức truyền thống cần được bảo hộ là ai? 

Cũng chính đặc trưng được truyền từ nhiều đời, đã tạo ra sự khó khăn trong việc xác định tính nguyên gốc của tri thức truyền thống đang tồn tại trên thực tế. Bởi, một khi đã được truyền qua nhiều thế hệ, nhất là khi cách thức truyền miệng là cách thức phổ biến của các di sản văn hoá phi vật thể, điều này tất yếu khiến cho tri thức truyền thống đó có nhiều dị bản tồn tại qua nhiều thế hệ. Chính sự đa dạng dị bản của một tri thức truyền thống đã tạo ra nghi vấn “Vậy đâu mới là bản gốc?” khi đưa tri thức truyền thống trở thành một phần của hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ. 

Ngoài ra, thời hạn bảo hộ của quyền sở hữu trí tuệ và tri thức truyền thống cũng có những mâu thuẫn do đặc trưng riêng biệt của mỗi bên gây ra. Đối với thời gian cần bảo vệ của tri thức truyền thống là rất dài, chúng chỉ kết thúc khi và chỉ khi không còn ai quan tâm đến tri thức truyền thống đó nữa, tức bị quên lãng, bị mất đi trên thực tế. Trái ngược với tri thức truyền thống, trong hệ thống quyền sở hữu trí tuệ, thời hạn bảo hộ là không dài, hữu hạn, ví dụ, đối với thời hạn bảo hộ của một tác phẩm là suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết.

(iii) Yêu cầu về sự cân bằng giữa bảo hộ và bảo tồn và phát huy.

Như tác giả đã phân tích ở trên, khi tri thức truyền thống trở thành một bộ phận của hệ thống quyền sở hữu trí tuệ, quyền của các cá nhân, tổ chức ngoài cộng đồng sở hữu tri thức truyền thống sẽ bị hạn chế, khó có thể tiếp cận các giá trị văn hoá là điều tất yếu sẽ phải xảy ra. Điều này đã đặt ra một thách thức về việc phải làm thế nào để có thể cân bằng cán cân giữa một bên là bảo hộ di sản văn hoá phi vật thể, một bên là bảo tồn và phát huy chúng? 

Việc bảo hộ sẽ hạn chế quyền tiếp cận của nhiều người đối với di sản văn hoá phi vật thể đang được bảo hộ, từ đó sẽ kìm hãm khả năng sáng tạo, phát huy những ý tưởng của các cá nhân tổ chức, mà những ý tưởng sáng tạo này đóng vai trò giúp di sản văn hoá tiếp cận được nhiều đối tượng hơn, là một trong những nhiệm vụ cơ bản trong tiến trình bảo tồn và phát huy di sản văn hoá phi vật thể tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Do đó, tri thức truyền thống trở thành một phần của hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ là con dao hai lưỡi, nếu không cân bằng được cán cân này, sẽ khiến mục tiêu ban đầu là bảo tồn và phát huy di sản văn hoá phi vật thể không thể thực hiện được.

2.2.3. Hệ thống pháp luật Việt Nam về bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể

Tại Việt Nam, Luật Di sản Văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) là cơ sở pháp lý chủ yếu để quản lý và bảo tồn di sản văn hóa. Luật này là văn bản pháp lý cơ bản điều chỉnh việc bảo tồn di sản văn hóa tại Việt Nam. Luật này quy định rõ ràng về việc bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa, bao gồm cả di sản vật thể và phi vật thể. Về di sản văn hoá phi vật thể, Luật Di sản văn hóa đã dành trọn vẹn chương II, từ Điều 17 đến Điều 21 để đề cập vấn đề di sản văn hóa phi vật thể từ trách nhiệm của nhà nước, các cơ quan nhà nước đến các nguyên tắc bảo vệ và phát huy.

Luật Di sản văn hoá xác định, có hai nhóm chủ thể chủ yếu về bảo tồn giá trị di sản văn hoá phi vật thể là cơ quan nhà nước và cá nhân, cộng đồng dân cư. Về chủ thể là cơ quan nhà nước, Luật Di sản văn hoá quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về di sản văn hoá. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan chủ quản trong việc quản lý nhà nước về di sản văn hóa, chịu trách nhiệm xây dựng và thực hiện các chính sách, kế hoạch bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể. Cục Di sản Văn hóa là đơn vị trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có nhiệm vụ cụ thể trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể, bao gồm việc kiểm kê, lập hồ sơ khoa học và quản lý các di sản. Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc quản lý và bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể tại địa phương, phối hợp với các cơ quan chức năng để triển khai các biện pháp bảo tồn. Trong khi đó chủ thể là cá nhân, cộng đồng dân cư đóng vai trò chủ chốt trong việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, tham gia tích cực của họ là yếu tố quyết định đến sự thành công của các hoạt động bảo tồn.

Các biện pháp bảo tồn theo Luật di sản hiện hành chủ yếu tập trung vào các biện pháp kiểm tra, giám sát và khuyến khích việc bảo vệ và phát huy các giá trị truyền thống, tuy nhiên rõ ràng việc quy định như vậy là chưa đủ để bảo vệ toàn diện các di sản văn hoá phi vật thể - thứ tài sản tinh thần của cộng đồng, rất dễ bị xâm phạm, lạm dụng. Luật Di sản văn hoá thiếu những quy định giúp các định các hành vi vi phạm trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể do đó cũng thiếu các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi trái pháp luật đối với di sản văn hoá phi vật thể. Quá trình áp dụng Luật Di sản văn hoá đã đạt được một số hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, Luật Di sản văn hoá hiện hành vẫn thiếu những cơ chế bảo tồn đặc thù dành cho di sản văn hoá phi vật thể. Việc thiếu những quy định cụ thể về biện pháp bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể, chưa xác định rõ ràng thế nào là hành vi xâm phạm gây ảnh hưởng tiêu cực đến di sản văn hoá phi vật thể và thiếu các chế tài xử lý hành vi này khiến cho tính giáo dục răn đe đối với các hành vi trái pháp luật chưa đủ tính giáo dục, ngăn ngừa, răn đe.

3. Công tác bảo tồn và phát triển di sản văn hoá phi vật thể trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

3.1. Thực tiễn công tác bảo tồn và phát triển di sản văn hoá phi vật thể trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

3.3.1. Cán bộ quản lý

Một trong những thành công trong công tác bảo tồn và phát triển di sản văn hoá phi vật thể liên quan đến các khía cạnh quyền sở hữu trí tuệ, đó là việc triển khai số hóa nguồn tư liệu, hiện vật, các giá trị văn hóa phi vật thể, lễ hội. Trong hội thảo “Chuyển đổi số, công nghệ mới hỗ trợ công tác bảo tồn và lễ hội” diễn ra vào ngày 12/10/2023, theo ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, thời gian qua, đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp ứng dụng kỹ thuật công nghệ phục vụ công tác quản lý vận hành; dịch vụ bán vé điện tử; quét mã QR phục vụ du khách tham quan tìm hiểu tại các điểm di tích; khai thác các sản phẩm trải nghiệm thực tế ảo VR, XR tại khu di sản Hoàng cung Huế... 

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, công tác của cán bộ quản lý địa phương vẫn có những bất cập. Gần đây, trên địa bàn tỉnh có xảy ra những tranh cãi về một sự kiện về di sản văn hoá phi vật thể, cụ thể, theo báo Thanh niên, tại Hội thảo khoa học quốc tế Engaging With Vietnam do Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế phối hợp với đơn vị Engaging With Vietnam và Đại học Nghệ thuật Đại học Huế tổ chức, đã diễn ra hoạt động biểu diễn hầu đồng và trình diễn trang phục của các giá đồng trong di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) có Văn bản số 807 gửi Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế vào ngày 03/8/2023 về việc chấn chỉnh các hoạt động liên quan đến di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Công văn cho biết vào ngày 02/8/2023, Cục Di sản văn hóa đã nhận được thông tin từ phóng viên báo chí và nghệ nhân, cộng đồng chủ thể di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Cục Di sản văn hóa nhắc tới các quy định của luật Di sản văn hóa, Công ước 2003 Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO và cho rằng "đây là hoạt động làm sai lệch di sản (đưa di sản ra biểu diễn ngoài phạm vi không gian thực hành của di sản, sử dụng các thành tố của di sản để trình diễn không đúng với bản chất và tính chất truyền thống của di sản); vi phạm nguyên tắc về sự tôn trọng, bảo vệ tính thiêng, tập tục, kiêng kỵ của di sản và nguyên tắc đồng thuận trên cơ sở hiểu biết đầy đủ của cộng đồng chủ thể thực hành di sản" [3]. Về công văn của Cục Di sản văn hoá đối với hoạt động gây tranh cãi kể trên, GS.TS Trương Quốc Bình - nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đồng thời là chuyên viên cao cấp Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam cho rằng Cục Di sản văn hoá đã viện dẫn luật một cách cứng nhắc và cực đoan, đối với vụ việc trên [4].

Mặc dù cùng một sự việc, nhưng lại có nhiều luồng ý kiến trái ngược nhau được đưa ra giữa các bên chuyên môn có liên quan với cơ quan chuyên trách thực hiện công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hoá, cụ thể một số người thì cho rằng hành vi trên không vi phạm di sản văn hoá phi vật thể, tuy nhiên, Cục Di sản văn hoá lại cho rằng có hành vi xâm phạm xảy ra. Bổ sung cho lập luận này, tác giả xem xét, dựa trên thông tin số liệu về hành vi vi phạm di sản văn hoá phi vật thể trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, những năm gần đây, cụ thể là năm 2022, 2023 và 9 (chín) tháng đầu năm 2024 đã được xác nhận bởi thanh tra sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, trên địa bàn tỉnh không có bất kỳ vi phạm nào liên quan đến di sản văn hoá phi vật thể. Theo đó, ta có thể ngầm khẳng định rằng sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng hành vi nêu trên được Cục Di sản văn hoá cho là vi phạm không phải là hành vi vi phạm di sản văn hoá phi vật thể. Tuy cùng là cơ quan đại diện cho quyền lực nhà nước, nhưng lại đưa ra nhận định và quyết định khác nhau đối với cùng một sự việc, một hành vi, hay nói cách khác, bản thân chính các cơ quan có thẩm quyền phụ trách cùng một lĩnh vực về văn hoá đã và đang có những xung đột về việc áp dụng pháp luật trên thực tiễn, cụ thể là tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

3.3.2. Khảo sát đối với người dân địa phương và khách du lịch

Trên cơ sở khảo sát trong thời gian từ ngày 27/9/2024 đến ngày 07/10/2024, thu được 100 kết quả phiếu khảo sát, trong đó số người khảo sát tham gia với tư cách là người dân địa phương chiếm 49% (tương ứng với 49 dân địa phương tham gia), tư cách khách du lịch chiếm 51% (tương ứng với 51 khách du lịch tham gia khảo sát), bài viết nhận thấy những thực tiễn sau đây:

Đối với người dân địa phương

Phần lớn người dân địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, có mức độ hiểu biết về di sản văn hoá phi vật thể trên địa bàn tỉnh đạt ở mức 2 chiếm đến 71.4%, tức là có đến 71,4% số người dân địa phương chỉ nghe qua các di sản văn hoá vật thể như Nhã nhạc cung đình Huế, nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ, mà chưa từng nghe hay trải nghiệm qua, chưa từng tìm hiểu về chúng. Chỉ có 14,3% số người dân địa phương đã thưởng thức các di sản văn hoá phi vật thể trên địa bàn tỉnh, 6,1 % số người tham gia tìm hiểu sâu về các giá trị di sản văn hoá phi vật thể nơi mình sinh sống, lớn lên và sinh ra.

Đối với khách du lịch

Khi xem xét một cách tổng thể, thì không thể phủ nhận một điều, lượng khách lựa chọn Huế trở thành điểm đến không vì lý do trải nghiệm di sản văn hoá phi vật thể đa dạng tại nơi đây chiếm gần 40%, đây là con số tương đối lớn. Trong 51 khách du lịch tham gia khảo sát, có 19 khách du lịch không được nghe giới thiệu các điểm trải nghiệm di sản văn hoá phi vật thể trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Qua đó, nhận thấy gần 70%, chiếm đa số lượng khách du lịch được nghe giới thiệu các điểm trải nghiệm di sản văn hoá phi vật thể khi đến nơi đây. Theo kết quả thống kê, đa số lượng khách đến Huế du lịch được nghe giới thiệu thông qua các trang mạng xã hội, Tiktok, Youtube, Facebook,… được nghe giới thiệu từ bạn bè, người thân đã từng đi du lịch tại Huế.

Qua kết quả khảo sát về công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hoá phi vật thể được phân tích và tổng kết trên, tác giả nhận thấy, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, vẫn đang còn tồn tại những bất cập chưa được giải quyết. Thông qua đó, cùng với những vấn đề đã và đang xảy ta trên thực tế, tác giả tiến hành đưa ra thực trạng trên địa bàn tỉnh liên quan đến di sản văn hoá phi vật thể.

Trong buổi trao đổi của chúng tôi với một số nghệ sĩ, nghệ nhân, nghệ nhân Khánh Bình đã làm nghề được gần 20 năm, khi chia sẻ ”Thu nhập của nghề phụ thuộc vào việc nghệ nhân đó đi diễn nhiều hay ít, lượng khách du lịch đăng ký trải nghiệm ca Huế nhiều hay ít, không có lương cố định. Tuy nhiên, đa số các nghệ nhân chỉ xem nghề này là một nghề phụ, nghề tay trái, công việc chính của họ là buôn bán, đi dạy,…, có thể họ chỉ làm nghề vì đam mê nghệ thuật chứ không phải sống nhờ nghề này hoàn toàn. Cho nên, để nói mức thu nhập của nghề này đủ hay không đủ để trang trải cuộc sống thì rất khó nói. Nhưng có lẽ, nếu chỉ sống nhờ vào nghề này thì chắc không đủ”. Theo anh Đoàn Công Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên thương mại và du lịch Long Mã, đơn vị hỗ trợ truyền thông cho sản phẩm gối trái dựa mệ Trí Huệ, sau khi mệ mất, nghề này có 02 người tiếp nối, kế thừa nghề chính, một là cô Bùi Thị Ngọc Diễm, là con gái mệ, hiện đang sống ở Huế, hai là cô Lê Thị Liền, là con dâu của mệ, ngoài ra, thì không còn bất kì gia đình nào làm nghề này trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nữa, tuy nhiên đây cũng chỉ là nghề tay trái của cô Liền và cô Diễm. Việc chỉ tập trung vào việc bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể mà chưa dành đủ sự quan tâm đến những người sáng tạo ra chúng thể hiện sự thiếu ý thức về vai trò của nghệ nhân trong việc gìn giữ và truyền tải di sản văn hoá phi vật thể từ thế hệ này sang thế hệ khác.

2.4. Nguyên nhân của những bất cập

Nguyên nhân khách quan: Do xuất phát điểm thấp, là một quốc gia phải chịu hậu quả nặng nề sau chiến tranh, nên khi nước ta đang phải khắc phục những hậu quả nặng nề mà chiến tranh để lại. Đến những năm gần đây, khi đất nước đã ổn định, nhà nước, các cơ quan chuyên ngành mới bắt đầu bắt tay vào nghiên cứu, phát triển và bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể, chính vì chỉ còn non trẻ nên những chính sách về bảo tồn và phát huy di sản văn hoá phi vật thể còn rất nhiều khoảng trống, lỗ hỏng còn bỏ ngỏ.

Nguyên nhân chủ quan: Nhận thức còn kém về vai trò của di sản văn hoá phi vật thể. Chính vì thế, việc sử dụng di sản văn hoá phi vật thể trở thành một thói quen, mà quên đi giá trị to lớn của nó mang lại. Song, loại hình của di sản văn hoá phi vật thể là một loại hình đặc thù, là những di sản vô hình, không hữu hình như các loại di sản văn hoá khác, điều này vô tình khiến việc tiếp cận trở nên khó khăn hơn các loại hình di sản văn hoá hữu hình khác. Bên cạnh đó, công tác soạn thảo các văn bản luật, các chính sách chưa nêu cụ thể, trọng tâm các vấn đề cần giải quyết trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hoá phi vật thể.

4. Kinh nghiệm quốc tế và gợi mở cho Việt Nam về bảo tồn và phát triển di sản văn hoá phi vật thể từ góc độ pháp luật sở hữu trí tuệ

4.1. Kinh nghiệm quốc tế về bảo tồn và phát triển di sản văn hoá phi vật thể

4.1.1. Frozen 2, walt disney co.and cộng đồng người Sami

Nhiều khán giả đã quên mất rằng bộ phim hoạt hình Frozen nổi tiếng đến từ nhà Disney lại mở đầu với một bản hợp xướng mang âm hưởng bộ lạc chứ không phải là ca khúc Let It Go quen thuộc. Đại đa số người xem sẽ không quan tâm nhiều đến chi tiết này, tuy nhiên đối với những người Sámi- dân tộc bản địa duy nhất tại khu vực Bắc Âu, thì giai điệu trên lại rất đỗi quen thuộc. Bởi, bối cảnh giải thích cho phân cảnh trên đã không được làm rõ, trong khi bộ phim lại lấy cảm hứng từ chính văn hoá của cộng đồng người Sámi. Bài hát mở đầu ấy tên là Vuelie, được nhạc sĩ/ nhà soạn nhạc người Nam Sámi Frode Fjellheim viết riêng cho bộ phim. Bài hát được phổ trên điệu Joik, đây là giai điệu cổ truyền thống của cộng đồng những dân tộc Bắc Âu nhưng đã bị cấm trong quá trình vùng đất này bị Cơ Đốc hoá.

Việc Disney sử dụng một cách có chọn lọc những văn hoá của người Sámi nhưng không đi kèm lời giải thích rõ ràng trong phim Frozen đã làm dấy lên những lo ngại về việc chiếm dụng văn hoá và tẩy trắng công khai. Điều này còn được thể hiện rõ hơn thông qua nhân vật Kristoff khi anh ấy mặc trang phục rất giống với những người chăn tuần lộc gốc Sámi nhưng ngoại hình thì lại giống người Na Uy với mái tóc vàng và màu mắt xanh. Mặc dù hiện nay người Sámi vẫn có những đặc điểm nhận dạng như thế nhưng ít ai biết rằng đây chính là hậu quả mà quá trình cưỡng bức đồng hoá và thanh lọc sắc tộc đã để lại cho người tộc Sámi trong suốt hàng thế kỉ qua.

Để chắc chắn rằng sẽ không có sự tẩy xoá văn hoá nào diễn ra trong tương lai nữa thì 10 năm sau tại dự án phim Frozen 2, đại diện của Disney và các lãnh đạo của cộng đồng người Sámi đã kí kết một bản hợp đồng đảm bảo rằng những giá trị văn hoá truyền thống Sámi sẽ được thể hiện một chính xác bằng tất cả sự tôn trọng trên màn ảnh nhỏ. Các nhà làm phim lần này đã lắng nghe ý kiến từ những chuyên gia văn hoá mà ở đây chính là một cộng đồng tư vấn được người Sámi lập ra để hỗ trợ đoàn làm phim với tên gọi là Verddet. Với sự hợp tác trên, bom tấn phòng vé Frozen 2 không chỉ đã gặt hái được thành công vang dội mà còn vượt mặt cả phần phim cũ vốn đã kinh điển. Điều này cho thấy tầm quan trọng trong việc tôn trọng văn hoá, bản quyền trong xuất bản và sáng tạo. Disney đã tạo tiền đề cho những tác phẩm sau này của không chỉ ngành công nghiệp điện ảnh nói riêng mà còn cả xuất bản, sáng tạo nói chung có thể tiếp bước phát triển.

4.1.2. Chính quyền làng dân tộc Sipai Hezhe, huyện Raohe kiện Guo Song về hành vi vi phạm bản quyền.

Hoàn cảnh: Ngày 12 tháng 11 năm 1999, trong chương trình biểu diễn nghệ thuật dân ca quốc tế Nam Ninh, người dẫn chương trình của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đã nói rằng “Bài ca thuyền Ngũ Lý” là do Quách Tùng sáng tác, thay vì nói là dân ca của dân tộc Hợp Triết. Chương trình biểu diễn sau đó được chuyển thành đĩa VCD để phân phối trên toàn quốc. Do đó, Chính quyền Làng dân tộc Hợp Triết Tứ Bài, Huyện Nhiêu Hà đã đệ đơn kiện lên Tòa án nhân dân cấp trung số 2 Bắc Kinh.

Lập luận của nguyên đơn: “Bài ca thuyền Ngũ Lý”, một bài dân ca của dân tộc Hòa Triết, là một tác phẩm nghệ thuật dân gian được bảo hộ theo Luật Bản quyền của Trung Quốc. Do đó, người dân Hòa Triết được hưởng quyền tác giả và lợi ích kinh tế liên quan đến bài hát.

Lập luận của Bị đơn: (1) Tại Trung Quốc, dân tộc Hezhe gồm 03 làng chứ không chỉ có mỗi nguyên đơn, do đó nguyên đơn không thể thay mặt cho tất cả người dân Hezhe đưa đơn kiện bị đơn. (2) Điệu dân ca truyền thống của dân tộc Hezhe, tiêu biểu là bài “Thinking of My Love”, chỉ là một giai điệu bốn câu không có lời, trong khi “Wusuli Boat Song” có cả giai điệu, lời mới sáng tác và được sáng tác với sự hợp tác của một số nhạc sĩ sử dụng các kỹ thuật âm nhạc phương Tây. (3) Mặc dù Nguyên đơn đã đưa ra các cáo buộc vi phạm, nhưng không chỉ rõ những quyền nào đã bị xâm phạm hoặc hành vi vi phạm diễn ra như thế nào; Bởi các lẽ trên, Bị đơn không đồng ý với đơn khởi kiện của Nguyên đơn.

Các điểm gây tranh cãi: (1) Chính quyền làng dân tộc Sipai Hezhe có đủ tư cách để khởi kiện không? (2) Hành vi của Guo Song có cấu thành hành vi xâm phạm quyền tác giả không? (3) Đài truyền hình trung ương Trung Quốc và Trung tâm mua sắm Beichen có phải chịu trách nhiệm bồi thường không?

Phán quyết của Tòa án: (1) Khi Guo Song hoặc CCTV sử dụng lại “Bài hát thuyền Wusuli” theo bất kỳ cách nào, họ phải nêu rõ rằng bài hát đó là bản chuyển thể của giai điệu dân gian của dân tộc Hezhe. (2) Guo Song và CCTV sẽ công bố trên “Nhật báo pháp lý” một tuyên bố rằng “Bài hát thuyền Wusuli” là bản chuyển thể của giai điệu dân gian của dân tộc Hezhe. (3) Trung tâm mua sắm Beichen sẽ ngay lập tức ngừng bán bất kỳ ấn phẩm nào có chứa “Bài hát thuyền Wusuli” mà không nêu rõ rằng đó là bản chuyển thể. (4) Guo Song và CCTV sẽ mỗi bên trả 1500 nhân dân tệ cho Chính quyền Làng dân tộc Sipai Hezhe để trang trải chi phí kiện tụng. (5) Các yêu cầu khác của Chính quyền Làng dân tộc Sipai Hezhe đều bị từ chối.

Vụ án này có ý nghĩa to lớn trong lịch sử xét xử tư pháp về quyền sở hữu trí tuệ của Trung Quốc. Trong quá trình tố tụng, tòa án đã xác nhận rằng Chính quyền Làng dân tộc Sipai Hezhe có tư cách khởi kiện và công nhận bản quyền hoặc các quyền tương tự của nhóm dân tộc Hezhe đối với giai điệu dân gian, và phán quyết rằng Guo Song đã xâm phạm quyền cải biên giai điệu dân gian của nhóm dân tộc Hezhe. Phán quyết của tòa án trong vụ án này đã góp phần bảo hộ tri thức truyền thống nói chung và di sản văn hoá phi vật thể nói riêng dưới góc độ quyền sở hữu trí tuệ, hay luật bản quyền. Ngoài ra, phán quyết này còn là tiền đề đưa pháp luật bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể Trung Quốc ngày một tiến bộ, là nguồn tài liệu tham khảo quý giá đối với quốc tế trong vấn đề bảo hộ tri thức truyền thống dưới góc độ quyền sở hữu trí tuệ.

4.2. Gợi mở cho tỉnh Thừa Thiên Huế và Việt Nam dưới góc độ pháp luật Sở hữu trí tuệ

Đối với cơ quan nhà nước có trách nhiệm quản lý di sản văn hoá phi vật thể tại Thừa Thiên Huế

Thứ nhất, về thể chế, chính sách, kiến nghị HĐND và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xem xét xây dựng chính sách pháp luật đặc thù để bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể trên cơ sở Luật Di sản văn hoá và các khía cạnh liên quan của Luật Sở hữu trí tuệ. Di sản văn hoá phi vật thể là thành quả trí tuệ của quá trình lao động sáng tạo, giữ một vai trò quan trọng trong quá trình hội nhập, đặc biệt là đối với Thừa Thiên Huế - địa phương được định hướng phát triển dựa trên nền tảng di sản văn hoá. Với mối liên hệ mật thiết giữa bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể và cơ chế bảo hộ đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ, nhóm nghiên cứu cho rằng các cơ quan chức năng tại Thừa Thiên Huế có thể dựa vào đặc thù riêng của tỉnh xây dựng đề án chuyên môn dành riêng cho công tác bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể từ các khía cạnh liên quan của pháp luật sở hữu trí tuệ hiện hành nhằm làm sâu sắc hơn nữa hiệu quả hoạt đồng bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống tại tỉnh.

Thứ hai, về công tác thực tiễn bảo tồn giá trị di sản văn hoá phi vật thể thông qua cơ chế của pháp luật sở hữu trí tuệ, nhóm nghiên cứu đề xuất các chủ thể có thẩm quyền tại Thừa Thiên Huế xem xét trao cho một cơ quan chuyên trách quyền thay mặt cộng đồng thực hiện các quyền sở hữu trí tuệ của cộng đồng đối với các di sản văn hoá phi vật thể; Xem xét xây dựng các tài khoản mạng xã hội dành riêng cho quảng bá các di sản văn hoá phi vật thể do cơ quan chuyên môn quản lý. Việc sử dụng các mạng xã hội để phổ biến di sản văn hoá phi vật thể là đáng lưu tâm xem xét triển khai, song khi sử dụng các nền tảng này để quảng bá, nên chú ý tới việc đảm bảo tính đặc trưng của di sản văn hoá phi vật thể.

Thứ ba, về tổ chức cán bộ, nâng cao chất lượng phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ chủ chốt trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm khi áp dụng quy định pháp luật cho phù hợp với đặc thù của di sản văn hoá phi vật thể, từ đó hạn chế được những điểm bất đồng trong công tác áp dụng pháp luật của các chủ thể có thẩm quyền.

Đối với nghệ nhân/người lưu giữ, tiếp nối, trao truyền di sản văn hoá phi vật thể

Bài viết kiến nghị nên có các chính sách hỗ trợ các nghệ nhân truyền dạy văn hoá cho thế hệ kế cận, đây là phương pháp trực tiếp và hiệu quả tác động tới tính bền vững và liên tục của một di sản văn hoá phi vật thể. Cơ quan chức năng có thể hỗ trợ việc ghi chép các tư liệu về tri thức truyền thống từ các bậc cao niên thông qua xây dựng hệ thống lưu trữ riêng cho lĩnh vực này. Bên cạnh đó tỉnh Thừa Thiên Huế có thể đưa di sản văn hoá trở về với cộng đồng, phổ biến rộng rãi và lưu truyền chúng một cách phù hợp, mới mẻ thông qua hoạt động trải nghiệm thực tế. Ngoài ra, các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu chính sách hỗ trợ nghề nghiệp truyền thống cho các nghệ nhân để họ có thể yên tâm lưu truyền giá trị văn hoá này tới nhiều thế hệ sau.

Đối với các cá nhân, tổ chức khác trong xã hội

Với tổ chức khác trong xã hội, nhóm nghiên cứu chia thành hai loại là các tổ chức chuyên về du lịch lữ hành và các tổ chức phi chính phủ. Về tổ chức dịch vụ lữ hành, tỉnh nên cân nhắc về hoạt động gặp mặt tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp về lĩnh vực này trên địa bàn tỉnh, kết hợp giữa cơ quan chuyên trách về di sản văn hoá phi vật thể và các công ty lữ hành nghiên cứu ra các sản phẩm du lịch mới gắn liền với di sản văn hoá phi vật thể.

Với cá nhân, trước tiên UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nên có chính sách giáo dục về di sản văn hoá phi vật thể cho người dân thông qua phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài ra, giới chức tỉnh cũng nên cân nhắc đưa các hoạt động trải nghiệm văn hoá phi vật thể vào môi trường giáo dục từ mầm non tới các bậc tiểu học, trung học.

Kết luận

Nhìn chung thực tiễn bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể ở tỉnh Thừa Thiên Huế còn tồn tại những vướng mắc khi thực hiện công tác này do nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân chính do Luật Di sản văn hoá hiện hành và hệ thống pháp luật về bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể còn thiếu những cơ chế ngăn chặn hành vi trái pháp luật gây ảnh hưởng tiêu cực tới di sản văn hoá phi vật thể dẫn tới hệ quả là không có sự thống nhất trong việc áp dụng pháp luật của các cơ quan chuyên trách. Bài viết đưa ra một số cơ chế bảo hộ đặc thù của pháp luật sở hữu trí tuệ có thể bổ sung những thiếu sót về mặt quy định pháp luật trong hệ thống pháp luật lĩnh vực di sản văn hoá và các kinh nghiệm quốc tế, nhằm đưa ra một số gợi ý giúp tỉnh Thừa Thiên Huế hoàn thiện hơn công tác bảo tồn và phát triển di sản văn hoá phi vật thể.

[1] Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế, Tình hình kinh tế - xã hội tháng 03 và quý I năm 2024, truy cập tại: https://thuathienhue.gov.vn/Tin-tuc-su-kien/tid/Tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-thang-03-va-quy-I-nam-2024/newsid/E66214D1-12FC-4AFA-AA02-B143011A6BA3/cid/395594F8-46AE-473B-9FC2-B124010A2EB0, 22/4/2024.

[2] Khoản 3, Điều 2, Công ước về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể 2003.

[3] Trinh Nguyễn (2023), Cục Di sản nhắc nhở Thừa Thiên-Huế về việc làm sai lệch di sản, truy cập tại: https://thanhnien.vn/cuc-di-san-nhac-nho-thua-thien-hue-ve-viec-lam-sai-lech-di-san-185230804170711324.htm, 22/9/2024.[

4] Hào Hoa (2023), Hầu đồng và tranh cãi quanh chỉ đạo của Cục Di sản văn hoá, truy cập tại: https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/hau-dong-va-tranh-cai-quanh-chi-dao-cua-cuc-di-san-van-hoa-1229792.ldo, 22/9/2024.

 

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch (21/07/2023), Công văn số  2973/BVHTTDL-DSVH về “Tăng cường quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể”

2. Quốc hội (2005), Luật Sở hữu trí tuệ (Luật số 50/2005/QH11) ngày 29/11/2005 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 36/2009/QH12 ngày 19/6/2009, Luật số 42/2019/QH14 ngày 14/6/2019 và Luật số 07/2022/QH15 ngày 16/6/2022).

3. Quốc hội (2001), Luật Di sản văn hoá 2001, sửa đổi bổ sung 2009.

4. An Nhi (2024), “Hồi sinh múa cổ Thăng Long – Hà Nội: Chung tay sưu tầm và lan toả”, Hànộimới.

5. Đỗ Thanh Hương (2022), “Pháp Luật Về Bảo Vệ Và Phát Huy Giá Trị Di Sản Văn Hóa Phi Vật Thể Ở Việt Nam”, Luận án tiến sỹ được thực hiện tại trường đại học Luật TP. Hồ Chí Minh.

6. Andrzej Kadluczka (2020), Between the tangibility of (historical) architecture and the intangibility of its meanings and symbols, Protection of tangible and intangible cultural heritage – contemporary development directions, Kraków, pg. 15-24.

7. Piyanuch Sirirachatham (2018), Legal Measures of Intellectual Property for promoting and inheriting Cultural heritage: A case study of Tom Yum Kung, Thesis is completed at Xiem University.

8. WIPO (2014), Intellectual Property and Folk, Arts and Cultural Festival, pg. 23.

9. F. O. Guven Ulusoy, Integrated documentation of tangible and intangible cultural heritage in urban historical sites, access at: https://isprs-archives.copernicus.org/articles/XLVIII-M-2-2023/701/2023/isprs-archives-XLVIII-M-2-2023-701-2023.pdf, 22/01/2024.

10. Hoa Lê, Miệt mài làm ngựa vàng mã… để trang trí trong nhà, truy cập tại: https://dantri.com.vn/an-sinh/miet-mai-lam-ngua-vang-ma-de-trang-tri-trong-nha-20240822201938776.htm, 22/9/2024.

11. Hoàng Minh, Di sản văn hoá phi vật thể: nhận diện, bảo tồn và nghiên cứu, Tạp chí Văn hoá học, truy cập tại:  https://tapchivanhoahoc.com.vn/pages/detail/671/5659/Di-san-van-hoa-phi-vat-the-nhan-dien-bao-ton-va-nghien-cuu.html , 22/8/2024.

12. Hào Hoa (2023), Hầu đồng và tranh cãi quanh chỉ đạo của Cục Di sản văn hoá, truy cập tại: https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/hau-dong-va-tranh-cai-quanh-chi-dao-cua-cuc-di-san-van-hoa-1229792.ldo, 22/9/2024.

13. Kashish Intellectual Property Group, Safeguarding Cultural Heritage through Intellectual Property Rights, access at: https://www.kashishworld.com/blog/safeguarding-cultural-heritage-through-intellectual-property-rights/, 18/01/2024.

14. Li Jing, Peng Duan, On Protection of Intangible Cultural Heritage in China from the Intellectual Property Rights Perspective, access at: https://www.researchgate.net/publication/329157786_On_Protection_of_Intangible_Cultural_Heritage_in_China_from_the_Intellectual_Property_Rights_Perspective, 10/01/2024.

15. Nguyễn Chí Bền, Bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể ở nước ta hiện nay, truy cập tại: https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/1697/bao-ton-di-san-van-hoa-phi-vat-the-o-nuoc-ta-hien-nay.aspx, 07/01/2024.

16. Nguyên Khánh (2020), Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền mổ xẻ phim Trung Quốc bị tố dùng nhã nhạc Huế, truy cập tại: https://tienphong.vn/nha-nghien-cuu-bui-trong-hien-mo-xe-phim-trung-quoc-bi-to-dung-nha-nhac-hue-post1237821.amp, 20/9/2023.

17. Phan Tiến Dũng, Di sản văn hóa Huế - động lực của sự phát triển kinh tế-xã hội Thừa Thiên Huế, truy cập tại: https://thuathienhue.gov.vn/thong-tin-con-bao-so-4/tid/di-san-van-hoa-hue-dong-luc-cua-su-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-thua-thien-hue/newsid/fb7def79-e5ec-4c08-baf0-fa901ff639c7/cid/f26b2e16-d317-44c5-a933-aadb226d3c96, 10/7/2024.

18. Qing Lin, Zheng Lian, On Protection of Intangible Cultural Heritage in China from the Intellectual Property Rights Perspective, truy cập tại: https://www.mdpi.com/2071-1050/10/12/4369, 30/9/2024.

19. Radheyan Simonpillai, Disney signed a contract with Indigenous people before making Frozen II, truy cập tại: https://nowtoronto.com/movies/disney-frozen-2-indigenous-culture-sami/, 30/9/2024.

20. S.THÙY (2023), Ứng dụng công nghệ trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế, truy cập tại: https://baovanhoa.vn/nhip-song-so/ung-dung-cong-nghe-trong-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-di-san-hue-68039.html, 22/9/2024.

21. Sơn Thuỳ (2020), Phim cổ trang Trung Quốc bị “tố” sử dụng nhã nhạc cung đình Huế: Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế nói gì?, truy cập tại: https://baovanhoa.vn/dien-anh/phim-co-trang-trung-quoc-bi-to-su-dung-nha-nhac-cung-dinh-hue-trung-tam-bao-ton-di-tich-co-do-hue-noi-gi-41707.html, 10/9/2024.

22. Synapse, This date in UCSF history: Green to gold, truy cập tại: https://synapse.ucsf.edu/articles/2019/05/21/date-ucsf-history-green-gold, 10/8/2024.

23. Trinh Nguyễn, Cục Di sản nhắc nhở Thừa Thiên-Huế về việc làm sai lệch di sản, truy cập tại: https://thanhnien.vn/cuc-di-san-nhac-nho-thua-thien-hue-ve-viec-lam-sai-lech-di-san-185230804170711324.htm, 22/9/2024.

TRẦN MAI THANH THẢO - NGUYỄN THỊ CẨM NGÂN

Trường đại học Luật, Đại học Huế

Các tin khác