Theo quy định tại Nghị Quyết số 01/2021/NQ-HĐTP ngày 20/12/2021 hướng dẫn áp dụng Điều 201 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về việc xét xử vụ án hình sự đối với tội “Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự”, cho vay nặng lãi là trường hợp bên cho vay cho bên vay vay tiền với mức lãi suất gấp 05 lần trở lên mức lãi suất cao nhất theo quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015. Trường hợp cho vay bằng tài sản khác (không phải là tiền) thì khi giải quyết phải quy đổi giá trị tài sản đó thành tiền tại thời điểm chuyển giao tài sản vay.
Thu lợi bất chính là số tiền lãi vượt quá mức lãi suất vay cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự và các khoản thu trái pháp luật khác của người vay. Trường hợp thu lợi bất chính là tài sản khác (không phải là tiền) thì phải được quy đổi thành tiền tại thời điểm chuyển giao tài sản vay.
Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định, người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Về xử lý vật, tiền liên quan trực tiếp đến tội phạm, Điều 5, Điều 6 Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP quy định rõ, tịch thu sung quỹ nhà nước đối với: Khoản tiền, tài sản khác người phạm tội dùng để cho vay; Tiền lãi tương ứng mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự mà người phạm tội đã thu của người vay; Tiền, tài sản khác mà người phạm tội có thêm được từ việc sử dụng tiền lãi và các khoản thu bất hợp pháp khác.
Trả lại cho người vay tiền thu lợi bất chính mà người phạm tội thực tế đã thu, trừ trường hợp người vay sử dụng tiền vay vào mục đích bất hợp pháp (như đánh bạc, mua bán trái phép chất ma túy, lừa đảo chiếm đoạt tài sản…) thì khoản tiền thu lợi bất chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước. Trường hợp cho vay lãi nặng đã hết thời hạn vay theo thỏa thuận thì số tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự bao gồm tiền lãi và các khoản thu trái pháp luật khác mà người vay phải trả cho người cho vay sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự trong cả kỳ hạn vay.
Tuy nhiên, việc tịch thu số tiền cho vay để thu lợi bất chính trong vụ án cho vay lãi nặng còn có nhiều quan điểm khác nhau. Cụ thể, đối với vụ án dưới đây còn có nhiều luồng ý kiến khác nhau.
Nội dung vụ án: Khoảng cuối năm 2019, đầu năm 2020 do bị thất thoát tiền quỹ của cơ quan nên Vì Thị T. phải vay tiền của Lò Văn C. để bù vào quỹ trong ngày. Hàng ngày, khoảng 14h đến 15h, T. liên lạc với C. để hỏi và thống nhất số tiền cần vay ngày hôm đó, sau đó C. sẽ chuyển tiền đến số tài khoản ngân hàng của T. hoặc cho T. rút tiền mặt tại ngân hàng của C. Đến khoảng 8h sáng ngày hôm sau (hoặc nếu vay vào chiều thứ 6 thì đến sáng Chủ Nhật hoặc thứ Hai) C. liên lạc với T. để yêu cầu trả tiền gốc, tiền lãi thì T. thực hiện giao dịch nộp “khống” tiền vào tài khoản ngân hàng của C. hoặc đưa thêm tiền mặt trả cho C. sau đó cho C. ký phiếu xác nhận giao dịch nộp tiền để hoàn thiện thủ tục. Đến chiều cùng ngày, T. lại tiếp tục đề nghị vay và việc vay - trả tiền lặp lại như trên.
Từ ngày 12/12/2022 đến ngày 17/4/2023, Lò Văn C. đã có 96 lần cho T. vay lãi nặng (với lãi suất từ 114,78% đến 4.380%, cao gấp lãi dân sự (20%) từ 5,74 đến 219 lần); tiền thu lời bất chính lần thấp nhất là 991.780,82 đồng, cao nhất là 271.345.753,42 đồng; trong đó số lần thu lời bất chính trên 30 triệu là 17 lần; lần cho vay nhiều nhất là 2.171.000.000 đồng. Tổng cộng, số tiền cho vay lãi nặng là 32.686.170.000 đồng; tổng tiền T. đã trả là 34.863.200.000 đồng; tổng tiền lãi là 2.177.030.000 đồng; tổng tiền lãi tương ứng mức lãi suất 20% là 39.018.723.28 đồng; tổng tiền thu lợi bất chính là 2.138.011.276,72 đồng.
Về vấn đề tịch thu số tiền cho vay để thu lời bất chính đối với Lò Văn C., hiện có 3 quan điểm như sau:
Quan điểm thứ nhất: Cần tịch thu toàn bộ số tiền gốc cho vay, của C. là 32.686.170.000 đồng.
Quan điểm thứ hai: Tịch thu toàn bộ số tiền cho vay lần đầu và tiền gốc phát sinh mới; không tịch thu số tiền gốc quay vòng. Việc xác định số tiền gốc quay vòng được xác định như sau:
- Ngày “N” T. trả tiền vào tài khoản của bị cáo, ngày “N + 1” bị cáo cho T. vay tiền thì xác định tiền cho vay của ngày “N + 1” ở tài khoản mà T. trả trong ngày “N” là tiền quay vòng. Tiền cho vay từ tài khoản khác được xác định là tiền gốc mới phát sinh.
- Số tiền T. chưa trả bị cáo nhưng các bên thỏa thuận là đã trả và tính gộp vào số tiền cho vay vào lần tiếp theo.
Theo quan điểm này, thì số tiền gốc cho vay phải bị tịch thu của C là 2.751.040.000 đồng.
Quan điểm thứ ba: Chỉ tính tiền gốc cho vay của lần cho vay nhiều nhất. Theo đó, chỉ tịch thu của C. là 2.171.000.000 đồng.
Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai bởi lẽ xác định số tiền cho vay là số tiền dung để quay vòng cộng với số tiền phát sinh mới là phương tiện phạm tội. Nên chỉ tịch thu số tiền này là 2.751.040.000 đồng.
Với những vướng mắc nêu trên, trong thời gian tới các cơ quan có thẩm quyền cần có hướng dẫn cụ thể hơn về vấn đề tịch thu số tiền cho vay này.
NGUYỄN TỨ
Tòa án quân sự Quân khu 2