/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Bàn về việc xác định tuổi của bị hại dưới 18 tuổi và bị hại đủ 70 tuổi trong vụ án hình sự

Bàn về việc xác định tuổi của bị hại dưới 18 tuổi và bị hại đủ 70 tuổi trong vụ án hình sự

29/10/2023 06:40 |

(LSVN) - Trong quá trình tiến hành tố tụng đối với một vụ án hình sự, việc xác định tuổi của người tham gia tố tụng là yếu tố rất quan trọng. Chỉ khi xác định được tuổi của người tham gia tố tụng, đặc biệt bị can, bị cáo, bị hại thì mới có thể xác định được chính xác thủ tục tố tụng cần áp dụng để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ. Bên cạnh đó, tuổi của bị can, bị cáo, bị hại chính là căn cứ để định tội, định khung, áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, quyết định hình phạt đối với người phạm tội.

Ảnh minh họa.

Việc xác định tuổi của người bị can, bị cáo, bị hại dưới 18 tuổi hoặc đủ 70 tuổi, căn cứ vào một trong các giấy tờ, tài liệu như: Giấy chứng sinh; giấy khai sinh; chứng minh nhân dân; căn cước công dân; sổ hộ khẩu; hộ chiếu. Tuy nhiên, trên thực tế không phải trường hợp nào cũng có những giấy tờ, tài liệu trên để có căn cứ xác định chính xác tuổi của bị can, bị cáo, bị hại.

Chính vì vậy, trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải xác định tuổi đối với bị can, bị cáo, bị hại là người dưới 18 tuổi hoặc đủ 70 tuổi nhằm bảo đảm việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 417 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015, thì việc xác định tuổi của người bị buộc tội (bị can, bị cáo), bị hại là người dưới 18 tuổi, được tiến hành như sau:

“Trường hợp đã áp dụng các biện pháp hợp pháp mà vẫn không xác định được chính xác thì ngày, tháng, năm sinh của họ được xác định:

a) Trường hợp xác định được tháng nhưng không xác định được ngày thì lấy ngày cuối cùng của tháng đó làm ngày sinh.

b) Trường hợp xác định được quý nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong quý đó làm ngày, tháng sinh.

c) Trường hợp xác định được nửa của năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong nửa năm đó làm ngày, tháng sinh.

d) Trường hợp xác định được năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong năm đó làm ngày, tháng sinh”.

Đồng thời, theo quy định tại khoản 3 Điều 417 BLTTHS năm 2015, trong trường hợp không xác định được năm sinh thì phải tiến hành giám định để xác định tuổi. 

Tuy nhiên, kết quả giám định không cho ra số tuổi cụ thể mà sẽ có sai số. Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 21/12/2018 về phối hợp thực hiện một số quy định của BLTTHS về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi đã hướng dẫn về cách tính tuổi này. Cụ thể, theo khoản 3 Điều 6 thì trường hợp kết quả giám định tuổi chỉ xác định được khoảng độ tuổi của người bị buộc tội, người bị hại thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng lấy tuổi thấp nhất trong khoảng độ tuổi đã xác định được để xác định tuổi của họ.

Ví dụ: Kết luận giám định A. có độ tuổi trong khoảng từ 13 tuổi 6 tháng đến 14 tuổi 2 tháng thì xác định tuổi của A. là 13 tuổi 6 tháng. 

Như vậy, theo quy định này, ngày sinh lấy làm căn cứ để xác định độ tuổi của người tham gia tố tụng sẽ là ngày sau cùng, tháng sau cùng, để họ có độ tuổi thấp nhất. Quy định này đã thống nhất cách tính tuổi đối với tất cả người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi, theo đó, cách tính tuổi của người bị buộc tội và bị hại là người dưới 18 tuổi là giống nhau.

Tuy nhiên, trong trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội mà các điều luật có quy định tình tiết định khung “phạm tội đối với người già yếu” hoặc trường hợp áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên” hoặc tình tiết tăng nặng “phạm tội đối với người từ đủ 70 tuổi trở lên” thì việc xác định tuổi của họ chính là căn cứ để áp dụng các tình tiết định khung, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. 

Trên thực tế, tương tự như đối với người dưới 18 tuổi, không phải trong mọi trường hợp đều có thể xác định được chính xác ngày tháng năm sinh của họ thông qua các giấy tờ, tài liệu. BLTTHS chưa quy định về cách tính tuổi đối với người bị buộc tội, bị hại đã đủ 70 tuổi trở lên. Mặc dù trường hợp này xảy ra không nhiều nhưng vẫn gặp phải trên thực tế. Để giải quyết thống nhất, năm 2020 Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã hướng dẫn cách xác định tuổi đối với người phạm tội để áp dụng tình tiết giảm nhẹ “Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên” quy định tại điểm o khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự (BLHS) khi chỉ biết năm sinh, không xác định được ngày, tháng sinh theo cách lấy ngày đầu tiên, tháng đầu tiên (01/01) của năm sinh làm ngày, tháng, năm sinh của họ, đảm bảo theo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội”. 

Như vậy, theo hướng dẫn này, đối với người phạm tội là người từ đủ 70 tuổi trở lên thì cách tính tuổi của họ là lấy ngày đầu tiên, tháng đầu tiên. Theo cách tính tuổi này, số tuổi của người phạm tội sẽ là lớn nhất. Điều này cũng có thể được xem như hướng dẫn cho tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo điểm i khoản Điều 52 BLHS. Như vậy, khi áp dụng cách tính tuổi này sẽ có lợi cho người phạm tội vì số tuổi được tính càng lớn thì họ sẽ càng có khả năng được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên”, nhưng điều này cũng gây bất lợi cho người bị buộc tội khi xác định cho bị hại của hành vi phạm tội do họ gây ra.

Có thể thấy, đây là hai cách tính tuổi trái ngược nhau. Cách tính tuổi đối với người phạm tội là người dưới 18 tuổi sẽ đưa đến khả năng xác định độ tuổi thấp nhất với họ nhưng cách tính tuổi đối với người phạm tội là người đủ 70 tuổi đưa đến khả năng xác định độ tuổi lớn nhất của họ.

Trong thực tế, khi giải quyết vấn đề trách nhiệm hình sự có liên quan đến việc xác định tuổi của bị hại mà không biết được chính xác tuổi của họ mặc dù đã áp dụng các biện pháp hợp pháp cần thiết, thì các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải xác định tuổi của người bị hại theo nguyên tắc suy đoán vô tội mà tư tưởng chủ đạo của nó là mọi nghi ngờ đối với người bị nghi thực hiện tội phạm nếu không thể được làm sáng tỏ bằng các biện pháp hợp pháp theo trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định thì phải được kết luận, giải quyết theo hướng có lợi cho người bị nghi thực hiện tội phạm.

Ví dụ: Ngày 15/10/2020 12/9/2022, Nguyễn T. (21 tuổi) có hành vi mua dâm P.T.H. Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã áp dụng tất cả các biện pháp hợp pháp nhưng chỉ xác định được P.T.H. sinh vào tháng 9/2004 mà không xác định được ngày sinh của H. Trong trường hợp này, căn cứ nguyên tắc suy đoán vô tội, phải lấy ngày 01/9/2004 là ngày sinh của H. để quy kết khi Nguyễn T. thực hiện hành vi mua dâm H. thì P.T.H. đã trên 18 tuổi. Do vậy, không thể truy cứu TNHS đối với Nguyễn T. về tội “Mua dâm người dưới 18 tuổi” theo quy định tại Điều 329 BLHS.

Như vậy, Điều 417 BLTTHS và Điều 6 Thông tư liên tịch số 06/2018 về việc xác định tuổi của người bị buộc tội, bị hại là người dưới 18 tuổi chỉ có thể được viện dẫn áp dụng để xem xét áp dụng thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi nếu việc áp dụng đó không trái với nguyên tắc suy đoán vô tội. 

Khi xem xét giải quyết vấn đề TNHS đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong trường hợp tuổi của bị hại được quy định là dấu hiệu định tội, định khung hình phạt hoặc là tình tiết tăng nặng TNHS mà trên thực tế các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng lại không thể xác định được chính xác tuổi của người đó, mặc dù đã áp dụng các biện pháp hợp pháp cần thiết, thì không được áp dụng Điều 417 BLTTHS để xác định tuổi của người bị hại, vì áp dụng như vậy sẽ trái với nguyên tắc suy đoán vô tội. Để giải quyết vấn đề TNHS trong các trường hợp trên, nếu đã áp dụng tất cả các biện pháp hợp pháp cần thiết theo trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định mà không thể xác định được chính xác tuổi của người bị hại thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải lấy tuổi cao nhất (đối với bị hại dưới 18 tuổi) và tuổi thấp nhất (đối với bị hại 70 tuổi) trong khoảng độ tuổi đã xác định được qua các tài liệu xác định tháng, quý, năm sinh hoặc qua kết quả giám định tuổi.

Trên đây là một số quan điểm của tác giả, hy vọng sẽ nhận được sự đóng góp, ý kiến của các bạn đọc.                                                                             

NGUYỄN HỒNG PHONG - HOÀNG THUỲ LINH

Toà án quân sự Quân khu 7

Một số ý kiến đóng góp đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản

Bùi Thị Thanh Loan