/ Trao đổi - Ý kiến
/ Bàn về xác định lại thành phần đương sự và đưa bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ra khỏi vụ án dân sự

Bàn về xác định lại thành phần đương sự và đưa bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ra khỏi vụ án dân sự

25/10/2022 15:49 |

(LSVN) - Khi thụ lý, giải quyết vụ án dân sự, Tòa án phải xác định đúng, chính xác đương sự, nhất là bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Trong trường hợp xác định không đúng, đầy đủ bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án mà ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ, phán quyết của Tòa án có thể bị Tòa án cấp trên hủy theo trình tự phúc thẩm, giám đốc thẩm do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Ảnh minh họa.

Nhìn chung, khi xử lý đơn khởi kiện và trong quá trình giải quyết vụ án sau khi thụ lý vụ án dân sự, Tòa án xác định đúng, đầy đủ đương sự trong vụ án thông qua việc yêu cầu đương sự xác định, kiểm tra, đánh giá chứng cứ do đương sự cung cấp, do Tòa án thu thập. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp do người khởi kiện xác định không đúng; tài liệu, chứng cứ thu thập được không phản ánh đúng thực tế khách quan, dẫn đến việc Tòa án xác định thừa, không đúng bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

Theo pháp luật tố tụng dân sự hiện hành, khi thiếu người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, Tòa án có thẩm quyền được đưa cơ quan, tổ chức, cá nhân vào tham gia tố tụng. Tuy nhiên, trường hợp Tòa án xác định không đúng, thừa bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì pháp luật tố tụng dân sự không quy định cách thức giải quyết nên gây khó khăn cho Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án dân sự. Những khó khăn, vướng mắc này được thể hiện thông qua một vụ án cụ thể sau đây:

Ngày 08/6/2021, Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh A đã thụ lý vụ án dân sự về việc “Tranh chấp hợp đồng cầm cố quyền sử dụng đất” theo đơn khởi kiện của các đồng thừa kế của cụ ông Mai Văn X. là vợ và các con của cụ Mai Văn X. gồm cụ bà Trương Thị K. và các ông, bà Mai Thanh T., Mai Văn V., Mai Văn M., Mai Thị Thùy L. đối với bị đơn là đồng thừa kế của cụ ông Phạm Văn Y. là vợ và các con của cụ Y. gồm cụ bà Trương Thị H. và 06 ông, bà Phạm Văn K1, Phạm Phước H1, Phạm Thị H2, Phạm Thị N., Phạm Văn S., Phạm Văn S1.

Theo đơn khởi kiện, đồng nguyên đơn cho rằng, vào ngày 15/02/1991, cụ X. (chết năm 2011) có cầm cố cho cụ Y. (chết năm 2008) quyền sử dụng đất 2,5 công (2.500m2), tọa lạc ấp L, xã L, huyện T, tỉnh A, với giá 4 chỉ vàng 24 kara, thời hạn 03 mùa vụ. Khi đến hạn mà cụ X. không trả vàng, nhận lại đất thì cụ Y. có quyền sử dụng tiếp phần đất. Khi đó, hai bên có lập Tờ thỏa thuận ngày 15/02/1991 và đã giao đất, vàng theo thỏa thuận đầy đủ vào thời điểm đó. Đến năm 1992, cụ X. được cấp quyền sử dụng đất đối với phần đất diện tích 2.500m2, qua đo đạc có diện tích 4.214m2, theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00126 QSDĐ/cB ngày 24/6/1992 do Ủy ban nhân dân huyện T, tỉnh A cấp.

Sau khi được cấp quyền sử dụng, cụ X. mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00126 QSDĐ/cB ngày 24/6/1992 thế chấp cho bà Vũ Thị C. vay 2.000.000 đồng. Khi biết việc thế chấp, cụ Y. mang 2.000.000 đồng trả cho bà C. nhận lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giữ cho đến nay.

Sau khi cụ Y. chết, vào khoảng tháng 3/2018, cụ K. và bà Mai Thị Thùy L. (con cụ K.) gặp ông S1 (con cụ Y.) xin trả vàng cố đất, nhận lại phần đất diện tích 4.214m2 đã cố và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, ông S1 không đồng ý và cho rằng ông S1 đã nhận chuyển nhượng toàn bộ quyền sử dụng đất diện tích 4.214m2 từ cụ X., cụ K. vào ngày 19/3/2011, trước lúc cụ X. chết.

Vì vậy, các đồng nguyên đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng cầm cố quyền sử dụng đất đối với phần đất diện tích 2.500m2 (qua đo đạc có diện tích 4.214m2), theo tờ thỏa thuận cố đất ngày 15/02/1991 giữa cụ X. với cụ Y. là vô hiệu; yêu cầu các đồng thừa kế của cụ Y. trả lại cho đồng nguyên đơn bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00126 QSDĐ/cB ngày 24/6/1992 do Ủy ban nhân dân huyện T cấp; các nguyên đơn đồng ý trả lại các đồng thừa kế của cụ Y. 4 chỉ vàng 24 kara.

Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án ban hành thông báo đưa bà Vũ Thị C. vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Đồng thời, thụ lý yêu cầu phản tố của bị đơn ông Phạm Văn S1 với nội dung yêu cầu Tòa án công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 19/3/2011 giữa ông S1 với cụ X., cụ K. đối với phần đất diện tích 4.214m2, theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00126 QSDĐ/cB ngày 24/6/1992 do Ủy ban nhân dân huyện T cấp cho cụ X.; yêu cầu các đồng nguyên đơn phải thực hiện thủ tục chuyển nhượng theo quy định pháp luật.

Đồng thừa kế của cụ Y. cho rằng, nguyên đơn xác định không đúng đồng thừa kế của cụ Y. Theo đó, cụ Y. (chết năm 2008) và cụ H. có 08 người con gồm các ông, bà Phạm Thị N1, Phạm Thị N2, Phạm Thị X1, Phạm Văn P., Phạm Phước H1, Phạm Thị H2, Phạm Văn S. và Phạm Văn S1. Trong đó, ông Phạm Phước H1 đã chết năm 1994. Ông H1 có vợ là bà Võ Thị K2 và 03 người con gồm các anh, chị Phạm Thị T1, Phạm Hoàng M1, Phạm Thị Tuyết M2. Đồng thời, đồng thừa kế của cụ Y. không biết ông Phạm Văn K1, bà Phạm Thị N. và xác định ông K1, bà N. không phải là con ruột, người thừa kế của cụ Y.

Theo các biên bản xác minh ngày 23/6/2022 do cán bộ Tòa án lập, đại diện chính quyền địa phương cung cấp, trên địa bàn xã L, huyện T không có những người tên Phạm Văn K1 và Phạm Thị N. và cụ Y., cụ H. không có con tên Phạm Văn K1, Phạm Thị N.

Đồng nguyên đơn thống nhất với trình bày của đồng thừa kế của cụ Y. về những người thừa kế của cụ Y. Khi làm đơn khởi kiện, do tự tìm hiểu thông tin và không kiểm chứng nên đồng nguyên đơn xác định không chính xác những người thừa kế của cụ Y. Bên cạnh đó, đồng nguyên đơn xin rút yêu cầu khởi kiện đối với các bị đơn ông Phạm Văn K1, bà Phạm Thị N. và ông Phạm Phước H1; thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện đối với đồng thừa kế của cụ Y. sau khi đã được xác định chính xác.

Bên cạnh đó, trên cơ sở lời khai của bà Vũ Thị C., kết quả đối chất giữa các đồng nguyên đơn, đồng thừa kế của cụ Y. và bà C., các đương sự cùng xác định bà C. không phải là người cho cụ X. vay 2.000.000 đồng và nhận thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ cụ X. Các đương sự xác định bà C không liên quan đến vụ án. Đồng thời, đồng thừa kế của cụ X. không xác định được người cho cụ X. vay 2.000.000 đồng và nhận thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ cụ X..

Ngày 07/12/2021, Tòa án ban hành Thông báo số 50/TB-TA với nội dung đưa các ông, bà Phạm Thị N1, Phạm Thị N2, Phạm Thị X1, Phạm Văn P. (các đồng thừa kế của cụ Y.) và bà Võ Thị K2, chị Phạm Thị T1, anh Phạm Hoàng M1, chị Phạm Thị Tuyết M2 (các đồng thừa kế của ông Phạm Phước H1) tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Ngày 23/6/2022, Tòa án ban hành Thông báo số 133/TB-TA về việc xác định lại thành phần những người tham gia tố tụng trong vụ án dân sự (sau đây được viết tắt là Thông báo số 133). Theo đó, Tòa án xác định do ông Phạm Phước H1 đã chết năm 1994, trước thời điểm Tòa án thụ lý vụ án; các cá nhân cùng thông tin năm sinh, nơi cư trú kèm theo gồm ông Phạm Văn K1, bà Phạm Thị N không có thực, không xác định được; bà Vũ Thị C. không có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án nên Tòa án đưa ông Phạm Phước H1, 02 cá nhân có tên Phạm Văn K1, Phạm Thị N. và bà Vũ Thị C. khỏi vụ án dân sự đang giải quyết và xác định lại những người tham gia tố tụng trong vụ án. Cụ thể:

- Nguyên đơn gồm cụ Trương Thị K. và các ông, bà Mai Thanh T., Mai Văn V., Mai Văn M., Mai Thị Thùy L. (là đồng thừa kế của cụ X.); 

Bị đơn gồm cụ Trương Thị H. và các ông, bà Phạm Thị H2, Phạm Văn S., Phạm Văn S1 (là đồng thừa kế của cụ Y., đã được xác định khi Tòa án thụ lý vụ án).

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm:

(1) Các ông, bà Phạm Thị N1, Phạm Thị N2, Phạm Thị X1, Phạm Văn P. (là đồng thừa kế của cụ Y., được đưa vào tham gia tố tụng sau khi xác định lại chính xác);

(2) Bà Võ Thị K2 và các anh, chị Phạm Thị T1, Phạm Hoàng M1, Phạm Thị Tuyết M2 (là vợ, con của ông Phạm Phước H1, đã chết năm 1994, trước khi Tòa án thụ lý vụ án).

- Kể từ thời điểm Thông báo số 133 được ban hành, các ông, bà Phạm Văn K1, Phạm Phước H1, Phạm Thị N. không tham gia tố tụng với tư cách bị đơn; bà Vũ Thị C. không tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

Ngày 27/6/2022, Tòa án thụ lý yêu cầu thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện của đồng nguyên đơn về việc tranh chấp hợp đồng cầm cố quyền sử dụng đất, theo tờ thỏa thuận cố đất ngày 15/02/1991 giữa cụ X. với cụ Y. đối với các đồng thừa kế của cụ Y. (gồm bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan sau khi đã xác định chính xác).

Như vậy, trên cơ sở lời khai, tài liệu, chứng cứ do các đương sự cung cấp, kết quả xác minh, tài liệu, chứng cứ được thu thập, Tòa án xác định chính xác người thừa kế của bên nhận cầm cố quyền sử dụng đất (cụ Phạm Văn Y.) trong hợp đồng cầm cố quyền sử dụng đất đang tranh chấp và xác định việc thể hiện bị đơn (là đồng thừa kế của cụ Phạm Văn Y.) theo đơn khởi kiện không đúng. Từ đó, Tòa án ban hành Thông báo số 133 với nội dung xác định lại thành phần những người tham gia tố tụng trong vụ án dân sự: (1) Xác định lại đúng thành phần đương sự gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; (2) loại ra khỏi vụ án 03 bị đơn (01 người đã chết trước thời điểm Tòa án thụ lý; 02 người xác định không chính xác, không có thực, không phải là đồng thừa kế của cụ Phạm Văn Y) và 01 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan do không liên quan đến vụ án.

Việc Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh A ban hành Thông báo số 133 để xác định lại thành phần đương sự trong vụ án và loại khỏi vụ án 03 bị đơn, 01 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã phát sinh 02 quan điểm khác nhau.

Quan điểm thứ nhất cho rằng, thống nhất với cách thực hiện của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh A. Bởi vì, do người khởi kiện thu thập thông tin không chính xác nên xác định không đúng bị đơn (những người thừa kế của cụ Phạm Văn Y.).

Đồng thời, trong quá trình giải quyết vụ án, trên cơ sở ý kiến của đồng nguyên đơn, Tòa án đưa bà Vũ Thị C. vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng không chính xác. Cho nên, việc tiến hành tố tụng tiếp đối với bị đơn đã chết trước thời điểm Tòa án thụ lý vụ án (ông Phạm Phước H1), các bị đơn không có thực do xác định không đúng (ông Phạm Văn K1, bà Phạm Thị N.), người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (bà Vũ Thị C.) không có quyền và nghĩa vụ gắn với vụ án sẽ kéo dài thời gian giải quyết vụ án, không thể thực hiện được việc tống đạt văn bản tố tụng. Việc Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh A ban hành Thông báo số 133 là phù hợp với nội dung sự việc, yêu cầu được thụ lý, giải quyết và thành phần đương sự trong vụ án.

Quan điểm thứ hai cho rằng, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 không quy định trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án được xác định lại thành phần đương sự và đưa bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ra khỏi vụ án đang giải quyết.

Do đó, khi phát hiện việc xác định không đúng thành phần đương sự, đưa không đúng bị đơn, thừa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng, Tòa án vẫn phải tiến hành tố tụng với đầy đủ thành phần đương sự đã đưa vào vụ án, theo thông thụ lý vụ án, thông báo đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng. Tòa án không được đưa đương sự ra khỏi vụ án với bất kỳ lý do gì.

Việc xác định thành phần đương sự đúng hay sai chỉ có thể khắc phục thông qua việc Tòa án ban hành bản án, quyết định giải quyết vụ án. Khi đó, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án hoặc Hội đồng xét xử sẽ xác định đúng thành phần đương sự. Vì vậy, việc Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh A ban hành Thông báo số 133 với nội dung xác định lại thành phần đương sự gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và loại ra khỏi vụ án 03 bị đơn, 01 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là không đúng quy định pháp luật.

Thông qua nội dung sự việc, các quan điểm khác nhau đối với việc Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh A ban hành Thông báo số 133 để xác định lại thành phần đương sự trong vụ án và loại khỏi vụ án 03 bị đơn, 01 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, tác giả thống nhất với quan điểm thứ nhất. Bởi vì, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định căn cứ xác định nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và thủ tục đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng.

Theo Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, đương sự trong vụ án dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Nguyên đơn trong vụ án dân sự là người khởi kiện hoặc chủ thể khác có quyền khởi kiện [1]. Bị đơn trong vụ án dân sự là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc bị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật Tố tụng dân sự quy định khởi kiện. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trường hợp không có ai đề nghị thì Tòa án đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có quy định cơ chế giải quyết trong trường hợp xác định không đúng người khởi kiện, đó là khi người khởi kiện không có quyền khởi kiện. Theo đó, Tòa án sẽ đình chỉ giải quyết vụ án do người khởi kiện không có quyền khởi kiện theo điểm g khoản 1 Điều 217 và điểm a khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. 

Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và văn bản hướng dẫn lại không quy định cách thức xử lý trong trường hợp Tòa án xác định không đúng, đưa thừa bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vào vụ án trong quá trình giải quyết vụ án. Chính vì vậy, trong nhiều trường hợp Tòa án gặp khó khăn về cách thức xử lý khi người khởi kiện xác định không đúng bị đơn [2], người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong đơn khởi kiện và Tòa án đã thụ lý vụ án hoặc trong quá trình giải quyết, Tòa án đưa cơ quan, tổ chức, cá nhân vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng sau đó, có căn cứ xác định cơ quan, tổ chức, cá nhân đó không có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án. 

Vụ án được đề cập trong bài viết này là trường hợp điển hình cho khó khăn này. Sau khi thụ lý vụ án, qua xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ, Tòa án xác định được ông Phạm Phước H1 đã chết năm 1994, trước thời điểm khởi kiện; không có cá nhân tên Phạm Văn K1, Phạm Thị N. là người thừa kế của cụ Y.; bà Vũ Thị C. không có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Việc Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án với 03 bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan này mà không xác định lại thành phần bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và không loại ra khỏi vụ án bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có thực, không có quyền và nghĩa vụ gắn liền với vụ án đang được Tòa án giải quyết sẽ không chính xác, không đúng thành phần đương sự theo Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, kéo dài thời gian giải quyết vụ án, tốn kém chi phí của Nhà nước, người dân và gặp khó khăn trong việc tống đạt các văn bản tố tụng. 

Như vậy, việc Tòa án nhân dân huyện T ban hành Thông báo số 133 để xác định lại thành phần đương sự trong vụ án và loại khỏi vụ án 03 bị đơn, 01 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cần thiết, phù hợp với yêu cầu giải quyết vụ án, không trái với quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Tuy nhiên, do Bộ luật Tố tụng dân sự chưa quy định vấn đề này nên gây khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện.

Để có cách hiểu, áp dụng thống nhất, kiến nghị bổ sung vào Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 khoản 7 quy định về xác định lại thành phần bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong quá trình giải quyết vụ án và loại khỏi vụ án bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được xác định không đúng, xác định thừa như sau:

“7. Trong quá trình giải quyết vụ án, trước khi ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử, khi có căn cứ chứng minh việc xác định thành phần bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo đơn khởi kiện của người khởi kiện hoặc việc Tòa án đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng không đúng thì Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án ban hành Thông báo xác định lại thành phần bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, loại ra khỏi vụ án cơ quan, tổ chức, cá nhân được xác định là bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng không có quyền và nghĩa vụ gắn vụ án đang giải quyết hoặc đã chết trước thời điểm Tòa án thụ lý vụ án.

Trường hợp sau khi ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử mới xác định thành phần đương sự không đúng thì việc xác định lại thành phần bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, loại ra khỏi vụ án bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan do Hội đồng xét xử quyết định”.

[1] Đó là người được cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm phạm. Cơ quan, tổ chức do Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách cũng là nguyên đơn.

[2] Ví dụ: Người bị kiện đã chết trước thời điểm người khởi kiện khởi kiện. Thay vì khởi kiện người thừa kế của người chết, người khởi kiện lại xác định người chết là người bị kiện.

Thạc sĩ THÁI CHÍ BÌNH

Tòa án nhân dân huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang

Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện về hình phạt tử hình theo pháp luật Việt Nam

Lê Minh Hoàng