Bảo vệ nhân chứng trong tố tụng hình sự một số nước trên thế giới

19/08/2020 03:55 | 3 năm trước

Bảo vệ nhân chứng trong các vụ án hình sự là một hoạt động rất quan trọng, nhìn ra một số quốc gia, có thể thấy hoạt động này của họ có những ưu điểm và những hạn chế, Việt Nam có thể tham khảo.

Người làm chứng tại phiên tòa. Ảnh: Internet.

1.Nhân chứng và hoạt động bảo vệ nhân chứng trong tố tụng hình sự một số nước trên thế giới

1.1. Khái niệm chung về nhân chứng và hoạt động bảo vệ nhân chứng trong các vụ án hình sự

 Nhân chứng (hay người làm chứng) là người có thể cung cấp những bằng chứng cho Cơ quan có thẩm quyền trong tố tụng hình sự nhằm phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự hay là “người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng” theo quy định tại Điều 66 BLTTHS Việt Nam 2015.

Bảo vệ nhân chứng là việc Nhà nước cung cấp các giải pháp theo quy định của pháp luật cho các nhân chứng trong các vụ án hình sự nhằm đảm bảo an toàn cho người đó và gia đình của họ để những người này yên tâm khai báo và cung cấp các chứng cứ quan trọng phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự. Thông qua việc xây dựng các chương trình bảo vệ nhân chứng, các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong tố tụng hình sự sẽ thực hiện quyền và nghĩa vụ hiệu quả hơn, đặc biệt có thể dự đoán số lượng các nhân chứng trong vụ án hình sự thông qua việc lập kế hoạch và đề ra các giải pháp bảo vệ họ trước các nguy cơ tiềm ẩn.

1.2. Hoạt động bảo vệ nhân chứng tại Thái Lan

Theo Điều 6, 7 Đạo luật Bảo vệ nhân chứng Thái Lan năm 2003, trong trường hợp nhân chứng không còn an toàn thì cá nhân có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, thẩm vấn, truy tố các vụ án hình sự hoặc Cục Bảo vệ nhân chứng sẽ yêu cầu hoặc đề ra các biện pháp thích hợp nhằm bảo vệ nhân chứng và các bên liên quan khác. Những cá nhân có thẩm quyền này có thể yêu cầu lực lượng Cảnh sát hoặc những người khác (vệ sĩ, người thân …) bảo vệ và việc này phải được sự đồng ý của các nhân chứng. Trong một số trường hợp cần thiết, các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền sẽ quyết định việc bảo vệ thân nhân của nhân chứng, bao gồm: cha, mẹ, vợ, chồng, con hoặc những người có mối quan hệ chặt chẽ với họ. Những người này có thể trực tiếp yêu cầu các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền thực hiện các biện pháp bảo vệ phù hợp đối với mình.

Theo Điều 8 Đạo luật Bảo vệ nhân chứng Thái Lan năm 2003, nhân chứng trong các vụ án hình sự dưới đây có quyền yêu cầu hoặc được cơ quan, cá nhân có thẩm quyền quyết định việc áp dụng các biện pháp bảo vệ đặc biệt, gồm: nhân chứng trong các vụ án hình sự liên quan đến ma túy, rửa tiền, tham nhũng…; nhân chứng trong các vụ án hình sự liên quan đến tội phạm xâm hại an ninh quốc gia theo Bộ luật Hình sự; nhân chứng trong các vụ án xâm hại tình dục; nhân chứng trong các vụ án hình sự liên quan đến các tội phạm có tổ chức, chuyên nghiệp, mạng lưới hoạt động rộng, phức tạp theo quy định của Bộ luật hình sự; nhân chứng trong các vụ án hình sự mà bị cáo bị kết án hoặc trong khung hình phạt ít nhất từ mười năm tù; nhân chứng trong các vụ án hình sự mà Cục Bảo vệ nhân chứng cho rằng cần thiết để áp dụng các biện pháp bảo vệ đặc biệt sau khi nhận được những đánh giá, phân tích, tham mưu của Trung tâm bảo vệ nhân chứng.

Trung tâm bảo vệ nhân chứng có nhiệm vụ: kiểm tra các đơn yêu cầu được áp dụng biện pháp bảo vệ của nhân chứng trong các vụ án hình sự; đánh giá và tham mưu cho lãnh đạo Cục Bảo vệ nhân chứng; quản lý thông tin dữ liệu liên quan đến hoạt động bảo vệ nhân chứng đối với từng trường hợp; phối hợp với các cơ quan liên quan trong công tác điều tra, theo dõi bảo vệ nhân chứng; chịu trách nhiệm trang bị các vũ khí, phương tiện vận chuyển và các trang, thiết bị cần thiết khác phục vụ cho hoạt động bảo vệ nhân chứng; đào tạo, xây dựng, phát triển và cải thiện các chương trình bảo vệ nhân chứng.

Theo quy định tại Điều 13 Đạo luật Bảo vệ nhân chứng năm 2003, Cục Bảo vệ nhân chứng được thành lập dưới sự quản lý của Bộ Tư pháp. Theo đó, Cục sẽ giải quyết các vấn đề chung hoặc cụ thể đối với từng trường hợp, quyết định việc áp dụng các biện pháp bảo vệ thích hợp như xem xét sự cần thiết áp dụng các biện pháp bảo vệ nhân chứng trong các vụ án hình sự; chỉ định hoặc cho ý kiến đóng góp về các biện pháp bảo vệ nhân chứng sẽ được sử dụng; thiết lập các quy tắc và quy định cho các nhân chứng tuân theo trong khi được bảo vệ và nếu nhân chứng vi phạm bất kỳ quy tắc nào sẽ dẫn đến việc chấm dứt hoạt động bảo vệ nhân chứng; xác định các vũ khí, phương tiện vận chuyển và các thiết bị cần thiết khác đảm bảo cho hoạt động bảo vệ nhân chứng diễn ra thuận lợi, hiệu quả; quyết định kinh phí sẽ được sử dụng; điều tra và theo dõi việc bảo vệ nhân chứng cũng như hoạt động chi tiêu nguồn kinh phí phục vụ cho công tác này; đánh giá hoặc ra lệnh chấm dứt; sửa đổi các biện pháp bảo vệ; hoặc các quy định đặt ra trong các chương trình bảo vệ nhân chứng, phối hợp với các cơ quan liên quan trong tố tụng hình sự để đảm bảo hoạt động bảo vệ nhân chứng đạt hiệu quả. Ngoài ra, trong bất kỳ trường hợp nào có căn cứ cho rằng những nhân chứng và người thân của họ trong các vụ án hình sự đang nằm trong tình trạng nguy hiểm, mất an toàn; Điều tra viên, người có thẩm quyền trong hoạt động thẩm vấn hoặc khởi tố vụ án hình sự có quyền đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp hoặc cấp trên trực tiếp cho phép sắp xếp, áp dụng các biện pháp bảo vệ đặc biệt tùy theo sự đồng ý của các nhân chứng.

Các biện pháp bảo vệ đặc biệt được quy định tại Điều 10 Đạo luật Bảo vệ nhân chứng 2003: sắp xếp nơi ở mới; chu cấp các chi phí sinh hoạt hằng ngày cho nhân chứng và người thân của họ (nếu có) – không quá một năm và các chi phí cần thiết khác ba tháng/lần – không quá hai năm; phối hợp với các cơ quan hữu quan để thay đổi họ, tên và các thông tin liên quan đến nhân thân của nhân chứng; hỗ trợ nhân chứng có công việc riêng, được đào tạo, giáo dục và cung cấp các phương tiện phục vụ cho đời sống học tập và lao động hằng ngày; hỗ trợ hoặc thay mặt nhân chứng thực hiện các quyền và lợi ích hợp pháp của họ; sắp xếp các dịch vụ vệ sĩ nhằm bảo đảm an toàn cho các nhân chứng trong một khoảng thời gian cần thiết; hoặc các hoạt động khác nếu xét thấy cần thiết.

Ngoài ra, Thái Lan quy định cụ thể chế tài xử lý đối với các hành vi gây ảnh hưởng đến hoạt động bảo vệ nhân chứng tại Điều 21 Đạo luật trên: “Người nào có hành vi tiết lộ thông tin nhà ở, địa điểm, họ tên, nơi cư trú, hình ảnh hoặc bất kỳ thông tin khác liên quan đến việc xác định một nhân chứng đang được bảo vệ  theo các Điều 6,7, 10 hoặc 11 Đạo luật này dẫn đến khả năng mất tình trạng an toàn của họ sẽ bị phạt tù không quá 1 năm hoặc phạt tiền không quá 20.000 Baht hoặc bị áp dụng cả hai hình phạt trên. Nếu bất kỳ ai thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 điều này gây thương tích về thể chất hoặc tinh thần đối với người được bảo vệ sẽ bị phạt tù không quá 2 năm hoặc phạt tiền không quá 40.000 Baht hoặc bị áp dụng cả hai hình phạt trên; nếu gây hậu quả chết người thì sẽ bị phạt tù không quá 7 năm hoặc phạt tiền không quá 140.000 Baht hoặc bị áp dụng cả hai hình phạt trên”. Đối với trường hợp người phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp hãm hạị một người vì lý do người đó là nhân chứng trong một vụ án hình sự và những người thân của họ sẽ bị xử phạt nặng hơn 1/2 lần so với mức hình phạt cơ bản đối với tội này.

 1.3. Hoạt động bảo vệ nhân chứng tại Hungary

Với mục đích bảo vệ tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự và quyền tự do cá nhân của các nhân chứng cũng như đảm bảo việc nhân chứng hoàn thành nghĩa vụ cung cấp những lời khai, chứng cứ mà không chịu bất kỳ sự đe dọa nào, hoạt động bảo vệ nhân chứng trong các vụ án hình sự tại Hungary đã được quy định cụ thể tại Đề mục III từ Điều 95 đến 98/A Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2011.

Tùy từng trường hợp nhân chứng cụ thể theo quy định tại Điều 96, bao gồm: Nhân chứng mà lời khai của họ liên quan đến các tình tiết đáng kể, mang tính quyết định đến việc giải quyết các vụ án đặc biệt nghiêm trọng; nhân chứng mà lời khai, bằng chứng của họ trình bày, cung cấp là không thể thay thế; nhân chứng mà nơi ở, danh tính của họ đã bị tiết lộ và việc tiết lộ này sẽ gây nguy hiểm nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe hoặc quyền tự do cá nhân của họ và người thân.

Theo đó, các dữ liệu cá nhân liên quan đến nhân chứng có thể được Tòa án, Công tố viên hoặc Cơ quan điều tra ra lệnh, yêu cầu xử lý các dữ liệu một cách bảo mật và riêng biệt trên cơ sở yêu cầu của nhân chứng hoặc luật sư của họ. Những dữ liệu này chỉ có thể được xem xét, sử dụng bởi Tòa án, Công tố viên và Cơ quan điều tra trong khi thực hiện nhiệm vụ. Các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự tại Hungary sẽ phải chịu trách nhiệm trực tiếp và đảm bảo các dữ liệu của nhân chứng sẽ được bảo mật một cách tuyệt đối (không thể được biết đến từ các nguồn khác) và việc bảo mật này chỉ chấm dứt khi có sự đồng ý của nhân chứng. Ngoài ra, theo khoản 3 Điều 95 BLTTHS Hungary, kể từ thời điểm ra lệnh xử lý bảo mật, các bản sao tài liệu có chứa dữ liệu cá nhân của nhân chứng chỉ có thể được giao cho những người tham gia tố tụng hình sự khác khi các thông tin cá nhân đã được bảo mật; không ai – kể cả chính quyền địa phương có quyền cung cấp bất kỳ thông tin nào liên quan đến nhân chứng và người thân của họ đang được bảo vệ theo quy định Bộ luật này, trừ khi được cho phép bởi cơ quan chịu trách nhiệm bảo vệ họ.

1.4. Hoạt động bảo vệ nhân chứng tại Srilanka

Hoạt động bảo vệ nhân chứng trong tố tụng hình sự tại Srilanka được quy định tại Đạo luật hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân của tội phạm và các nhân chứng năm 2015. Đạo luật này được xây dựng với mục đích duy trì việc thực thi có hiệu quả các quyền và lợi ích hợp pháp của nhân chứng trong các vụ án hình sự đồng thời xây dựng các cơ chế hợp pháp để bảo vệ các quyền và lợi ích đó; quy định trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, cá nhân có thẩm quyền đối với hoạt động bảo vệ nhân chứng; quy định các hành vi phạm tội đối với nhân chứng và chế tài xử phạt cũng như các biện pháp có thể được thực hiện nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác bảo vệ nhân chứng. Tại Điều 5 phần II Đạo luật hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân của tội phạm và các nhân chứng năm 2015 quy định về các quyền của nhân chứng bao gồm các quyền được đối xử tôn trọng (tôn trọng các quyền tự do thân thể, tính mạng, nhân phẩm…); các nhân chứng có quyền được bảo vệ và không bị quấy rối, đe dọa hay bị xâm phạm những quyền cơ bản của mình bởi bất kỳ ai do hậu quả của việc cung cấp chứng cứ, lời khai tại Cơ quan điều tra, Tòa án liên quan đến một hành vi phạm tội trong các vụ án hình sự.

Tại Srilanka, Ban chỉ đạo công tác bảo vệ nạn nhân của tội phạm và nhân chứng đóng vai trò đầu mối trong công tác bảo vệ nhân chứng trong các vụ án hình sự, có trách nhiệm phối hợp với Cục bảo vệ nạn nhân và nhân chứng trong các vụ án hình sự thuộc Bộ Luật pháp, Trật tự và phát triển phương Nam Srilanka nhằm cung cấp các biện pháp hỗ trợ, bảo vệ cần thiết cho nạn nhân, nhân chứng; trực tiếp điều tra với sự hỗ trợ của các đơn vị nghiệp vụ khác đối với các thông tin liên quan đến các mối đe dọa trả thù, xâm hại các quyền cơ bản của nạn nhân, nhân chứng trong các vụ án hình sự do hậu quả của việc họ cung cấp lời khai, chứng cứ quyết định đến với giải quyết vụ án, làm sáng tỏ hành vi phạm tội. Để hoạt động trên đạt hiệu quả cao, Cục bảo vệ nạn nhân và nhân chứng sẽ xây dựng các chương trình bảo vệ riêng biệt đối với từng chủ thể, từ đó vạch rõ những biện pháp cần thiết để hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân, nhân chứng trước các hành vi đe dọa, trả thù. Việc bảo vệ nhân chứng sẽ được Cục tiến hành sau khi đánh giá đơn yêu cầu từ nhân chứng; đề nghị của cá nhân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong tố tụng hình sự hoặc các cơ quan hữu quan khác (khoản 3 Điều 20).

Các biện pháp bảo vệ nhân chứng được quy định tại Điều 22 Đạo luật này, bao gồm: bảo đảm an toàn cho nhân chứng và tài sản của họ; cung cấp nơi cư trú tạm thời; cung cấp nơi cư trú mới với sự đồng ý của nhân chứng (trong trường hợp cần thiết); hỗ trợ việc làm tạm thời hoặc lâu dài; thay đổi các thông tin liên quan đến nhân thân; hoặc bất kỳ biện pháp khác được Cục, Ban bảo vệ nạn nhân, nhân chứng xem xét, thông qua.

2.Ưu điểm và một số vấn đề còn tồn tại của hoạt động bảo vệ nhân chứng trong tố tụng hình sự một số nước trên thế giới

2.1 Ưu điểm

Nhân chứng trong các vụ án hình sự thường gặp phải những vấn đề về việc đưa ra lời khai, cung cấp các bằng chứng có liên quan đến hành vi phạm tội của một hoặc nhiều đối tượng, đa phần họ đều lựa chọn việc từ chối đưa ra lời khai, hoặc sẽ không tham gia đối chất (nếu được yêu cầu) khi có mâu thuẫn giữa các lời khai gây ảnh hưởng rất lớn đến việc giải quyết, làm sáng tỏ các vụ án hình sự. Nguyên nhân này xuất phát từ việc đưa ra lời khai, cung cấp các thông tin tài liệu liên quan đến nội dung vụ án của nhân chứng thông thường sẽ có tác động trực tiếp đến các đối tượng phạm tội. Do đó, họ và những người thân sẽ có xu hướng bị đe dọa về tính mạng, thân thể, tinh thần, nhân phẩm và các quyền cơ bản khác bởi những đối tượng trên nếu trở thành nhân chứng trong các vụ án này. Do đó, việc ra đời các Luật, Đạo luật hỗ trợ, bảo vệ nhân chứng trong tố tụng hình sự ở một số nước trên thế giới hiện nay không những nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ nhân chứng trong những vụ án mà còn góp phần củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân vào Nhà nước nói chung và các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự nói riêng, qua đó thúc đẩy tinh thần tự giác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong nhân dân. Các hoạt động bảo vệ nhân chứng được quy định cụ thể trong pháp luật hình sự là cơ sở pháp lý để cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong tố tụng hình sự áp dụng các biện pháp bảo vệ nhân chứng một cách chính xác, đạt hiệu quả cao dựa trên các kế hoạch, chương trình bảo vệ đã được xây dựng, xem xét, thông qua trước khi thực hiện.

2.2 Những vấn đề tồn tại

Thứ nhất, các chương trình bảo vệ nhân chứng hiện nay tại một số nước trên thế giới gặp vấn đề về tình trạng thiếu nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động này. Đặc biệt đối với các trường hợp nhân chứng là phụ nữ trong các vụ án hình sự đòi hỏi các cán bộ bảo vệ phải là phụ nữ để có thể theo dõi, bảo vệ các nhân chứng 24/24 giờ. Mặt khác, sự phối hợp giữa cán bộ điều tra và cán bộ bảo vệ nhân chứng còn chưa chặt chẽ, thiếu gắn kết dẫn đến gặp khó khăn trong hoạt động nhận diện và xử lý các mối nguy cơ tiềm ẩn đối với các nhân chứng có thể xảy ra như bệnh tật, các vấn đề tài chính cá nhân, sức khỏe, tâm thần...

Thứ hai, dưới những quy định chặt chẽ được xây dựng trước khi chương trình bảo vệ nhân chứng được tiến hành, họ phải cam đoan sống và thực hiện theo những quy định này. Chính điều này đã phần nào ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của các nhân chứng, thay đổi các thói quen thường ngày cũng như khiến các nhân chứng cảm thấy nhàm chán, bị ràng buộc một cách quá mức cần thiết nếu thời gian giải quyết các vụ án hình sự bị kéo dài.

Thứ ba, với cam kết đảm bảo các nhân chứng sẽ được bảo vệ, có cuộc sống bình thường như mọi công dân, các chương trình luôn cung cấp một khoản trợ cấp hàng tháng, quý, năm cho họ để sử dụng, mua các nhu yếu phẩm cần thiết, trả tiền thuê nhà và các chi phí quan trọng khác. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các nhân chứng thường lợi dụng việc này để yêu cầu các khoản trợ cấp nhằm sử dụng cho các mục đích không phù hợp khác như cờ bạc, mại dâm…

Thứ tư, một số chương trình bảo vệ nhân chứng còn quy định sơ sài, kinh phí ngân sách Nhà nước cấp cho hoạt động này chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, hoạt động bảo vệ nhân chứng đòi hỏi cán bộ bảo vệ phải là những người được tuyển chọn, đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ bảo vệ nhân chứng, có đầy đủ các phương tiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ của mình, tuy nhiên hiện nay số lượng các cán bộ như trên còn ít, đa phần là các cán bộ kiêm nhiệm dẫn đến việc bảo vệ các nhân chứng không đạt hiệu quả cao.

NGUYỄN ĐỨC HÀ, VKSND TX An Nhơn, tỉnh Bình Định
(Theo TC Tòa án)
/kip-thoi-la-bieu-hien-nghiem-minh-cua-phap-luat.html