Ảnh minh họa.
Qua các vụ án đã xét xử, cho thấy một số tình tiết giảm nhẹ TNHS còn có nhiều quan điểm khác nhau về việc có áp dụng cho bị cáo hay không. Vô hình chung làm giảm đi ý nghĩa của việc quy định các tình tiết giảm nhẹ TNHS trong Bộ luật Hình sự. Bàn về một số tình tiết giảm nhẹ TNHS hiện nay có nhiều quan điểm điển hình như sau:
Thứ nhất, tình tiết “Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả” (điểm b, khoản 1, Điều 51, Bộ luật Hình sự)
Với quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 51 Bộ luật Hình sự thì có thể hiểu đó là ba tình tiết giảm nhẹ TNHS, đó là “tự nguyện sửa chữa”, “bồi thường thiệt hại”, và “khắc phục hậu quả”. Tuy nhiên, do ba tình tiết này có cùng tính chất giống nhau nên nhà làm luật kết cấu chúng trong cùng một điểm của điều luật. Người phạm tội nếu thuộc trường hợp nào thì áp dụng trường hợp đó chứ không được nêu cả cụm từ “người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả”.
- Vấn đề 1: là người phạm tội sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả đến mức độ nào thì được áp dụng tình tiết này. Quy định của pháp luật không có một định lượng bao nhiêu để buộc người phạm tội cần phải sửa chữa, bồi thường thiệt hại và khắc phục hậu quả thì mới được áp dụng tình tiết giảm nhẹ này. Thực tiễn công tác xét xử cho thấy, chỉ cần người phạm tội có hành động tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả là có thể xem xét áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 51, Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, hiện nay một số Hội đồng xét xử lại có những quan điểm khác nhau về định lượng bồi thường so với mức độ thiệt hại thực tế để xem xét cho bị cáo được áp dụng tình tiết này hay không.
Quan điểm thứ nhất, cho rằng chỉ cần người phạm tội có thiện chí và tự nguyện bồi thường thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra là được áp dụng tình tiết này và không cần cân nhắc các vấn đề khác, vì quy định của điều luật không có định lượng cụ thể nên có bồi thường là được chấp nhận tình tiết này và khi lượng hình sẽ là giống nhau giữa các bị cáo.
Quan điểm thứ hai, cũng là quan điểm của tác giả, Hội đồng xét xử sẽ cân nhắc mức độ giảm nhẹ của tình tiết này sẽ phụ thuộc vào khả năng phục hồi của tài sản bị hư hỏng, mức độ bồi thường thực tế và khắc phục hậu quả của người phạm tội so với thiệt hại xảy ra, cũng như thời điểm tiến hành bồi thường, khắc phục hậu quả, khả năng kinh tế của người phạm tội,… Ví dụ, trong vụ án đồng phạm, người phạm tội đã có hành vi "Cố ý hủy hoại tài sản có giá trị" là 200.000.000 đồng, nhưng một bị cáo chỉ bồi thường ban đầu được 10.000.000 đồng mặc dù bị cáo có đủ khả năng bồi thường cao hơn, có bị cáo bồi thường 50.000.000 đồng, thì mức độ giảm nhẹ của bị cáo bồi thường 50.000.000 đồng sẽ cao hơn so với bị cáo bồi thường 10.000.000 đồng. Chính vì vậy, có thể các bị cáo cùng được hưởng một tình tiết giảm nhẹ TNHS này nhưng khi lượng hình Hội đồng xét xử sẽ cân nhắc, phân hóa hình phạt không giống nhau.
Quan điểm thứ ba, cho rằng các bị cáo phải bồi thường, khắc phục một số tiền đáng kể so với thiệt hại gây ra, nếu như chỉ bồi thường ở mức dưới 20% thì không thể áp dụng tình tiết này. Quy định hiện nay là quy định mở nên các Hội đồng xét xử sẽ áp dụng tùy nghi, vì vậy, quan điểm này đề xuất để đảm công bằng cho các bị cáo nên cần quy định một tỉ lệ cụ thể ít nhất là 50% thiệt hại trở lên.
Đối với quan điểm thứ nhất và thứ hai là các cơ quan tiến hành tố tụng đặc biệt là Hội đồng xét xử vẫn chấp nhận cho các bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ TNHS này nhưng sẽ phân hóa để lượng hình khi quyết định hình phạt. Còn quan điểm thứ ba thì xét định lượng của việc sửa chữa, bồi thường và khắc phục để cho bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ TNHS theo điểm b, khoản 1 hay chuyển sang khoản 2, Điều 51, Bộ luật Hình sự.
Đối với trường hợp mà người phạm tội không trực tiếp sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả, nhưng nhờ cha, mẹ người phạm tội đã đứng ra để sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả thì giải quyết như thế nào? Về vấn đề này, Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP, ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn như sau:
“a) Bị cáo là người từ đủ 14 tuổi nhưng chưa đủ 15 tuổi khi phạm tội và cha, mẹ của họ đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra;
b) Bị cáo là người từ đủ 15 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi khi phạm tội và cha, mẹ của họ đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra, nếu bị cáo không có tài sản;
c) Bị cáo (không phân biệt là người đã thành niên hay người chưa thành niên) hoặc cha, mẹ của bị cáo chưa thành niên đã tự nguyện dùng tiền, tài sản để sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra, nhưng người bị hại, nguyên đơn dân sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ từ chối nhận, nếu số tiền, tài sản đó đã được giao cho cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác quản lý để thực hiện việc sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra;
d) Bị cáo (không phân biệt là người đã thành niên hay người chưa thành niên) hoặc cha, mẹ của bị cáo chưa thành niên xuất trình được chứng cứ chứng minh là họ đã tự nguyện dùng tiền, tài sản để sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra, nhưng người bị hại, nguyên đơn dân sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ từ chối nhận và họ đã đem số tiền, tài sản đó về nhà cất giữ để sẵn sàng thực hiện việc bồi thường khi có yêu cầu;
đ) Bị cáo không có tài sản để bồi thường nhưng đã tích cực tác động, đề nghị cha, mẹ hoặc người khác (vợ, chồng, con, anh, chị, em, bạn bè...) sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả và những người này đã thực hiện việc sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra;
e) Bị cáo không có trách nhiệm sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra (ví dụ việc bồi thường thiệt hại thuộc trách nhiệm của chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ) nhưng đã tự nguyện dùng tiền, tài sản của mình để sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả hoặc đã tích cực tác động, đề nghị cha, mẹ hoặc người khác sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả (nếu bị cáo không có tài sản để bồi thường) và những người này đã thực hiện việc sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra” .
Mặc dù hướng dẫn này cho Bộ luật Hình sự năm 1999, tuy nhiên đến nay chưa có hướng dẫn nào khác nên trong công tác xét xử vẫn có thể vận dụng tinh thần của hướng dẫn này.
- Vấn đề 2: là trường hợp vụ án có người bị hại, đương sự không yêu cầu bồi thường thì các bị cáo khi nộp tiền, sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả cho cơ quan tiến hành tố tụng thì có được áp dụng tình tiết này hay không?
Quan điểm thứ nhất, cho rằng trường hợp vụ án mà người bị thiệt hại không có yêu cầu sửa chữa, bồi thường hoặc khắc phục hậu quả thì bị cáo không được hưởng tình tiết này. Bởi vì, bị hại hoặc đương sự không có yêu cầu thì bị cáo không có căn cứ để bồi thường, không có số tiền cụ thể để bồi thường và cũng không có người nhận bồi thường. Lúc này, số tiền bị cáo nộp sẽ giải quyết như thế nào? Do vậy, trong trường hợp này các cơ quan tiến hành tố tụng cũng sẽ không giải quyết cho bị cáo nộp tiền sửa chữa, bồi thường hoặc khắc phục.
Quan điểm thứ hai, cũng là quan điểm của tác giả, cho rằng vụ án nếu có thiệt hại trên thực tế thì khi bị cáo nộp vào một số tiền tương đương theo kết luận định giá tài sản thiệt hại để bồi thường, khắc phục hậu quả thì vẫn được áp dụng tình tiết này. Còn việc người bị thiệt hại đã nhận lại tài sản nguyên vẹn hoặc không có yêu cầu sửa chữa, bồi thường hoặc khắc phục là do họ đã tự nguyện từ bỏ quyền yêu cầu đó, việc này không làm thay đổi bản chất về thiệt hại trên pháp lý của hành vi. Nếu như họ từ bỏ quyền nhận bồi thường thì số tiền bị cáo nộp một số Hội đồng xét xử vẫn áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS này cho họ và tuyên trả lại số tiền trên cho bị cáo.
Vấn đề 3: trong thực tiễn có trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng lại có cách hiểu khác về xác định bị cáo phải sửa chữa, bồi thường và khắc phục hậu quả cho người trực tiếp bị thiệt hại cụ thể là bị hại và nguyên đơn dân sự thì mới được hưởng tình tiết giảm nhẹ TNHS này. Đối với vấn đề này cũng không nhất quan điểm giữa các Tòa án xét xử vụ án có cùng tính chất.
Ví dụ 1: Nguyễn Văn A. trộm cắp 01 chiếc điện thoại iPhone 14 có giá trị 25.000.000 đồng của Trần Hoàng B. A. mang bán điện thoại này cho Nguyễn Văn C. với giá 20.000.000 đồng. Tư cách tố tụng của C. là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.
Quan điểm thứ nhất, cho rằng bị cáo phải sửa chữa, bồi thường hoặc khắc phục thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra là thiệt hại trực tiếp từ hành vi đó. Còn thiệt hại đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không phải là thiệt hại trực tiếp từ hành vi phạm tội và trách nhiệm đối với thiệt hại này là bị cáo phải hoàn trả lại tài sản theo quy định Bộ luật Dân sự chứ không phải bồi thường hay khắc phục, sửa chữa. Như ví dụ trên quan điểm thứ nhất cho rằng hợp đồng mua bán giữa A. và C. là hợp đồng vô hiệu nên A. có nghĩa vụ hoàn trả cho C. số tiền 20.000.000 đồng nên không được xem là bồi thường, khắc phục hoặc sửa chữa.
Quan điểm thứ hai cũng là quan điểm của tác giả, phần lớn các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng. Điều luật quy định là “người phạm tội đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả” do vậy, tất cả các thiệt hại liên quan đến vụ án khi người phạm tội tự nguyện bồi thường, sửa chữa hoặc khắc phục đều được chấp nhận. Trên thực tế, căn cứ ví dụ trên nếu như C. có yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi bán điện thoại trộm cắp có lỗi khiến hợp đồng vô hiệu gây tổn thất cho C. thì A. cũng phải bồi thường cho C. một khoảng tương ứng ngoài hoàn trả số tiền 20.000.000 đồng nên trường hợp này nếu A. bồi thường cho C. thì A. vẫn được hưởng tình tiết giảm nhẹ TNHS này. Còn đối với việc A. hoàn trả lại số tiền cho C. thì đây cũng được xem là khắc phục hậu quả bởi hành vi của A đã gây ra thiệt hại pháp lý cho C. nên khi A. hoàn trả lại tiền cho C. như ban đầu đã nhận là khôi phục lại hiện trạng hay nói cách khác là khắc phục lại cho C.
Thứ hai, tình tiết “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn” (điểm h, khoản 1, Điều 51, Bộ luật Hình sự)
Cơ sở lý luận mà pháp luật quy định “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn” là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là do sự hạn chế về những thiệt hại của tội phạm xảy ra trên thực tế. Mức độ giảm nhẹ của tình tiết này phụ thuộc vào hậu quả chưa xảy ra hoặc mức độ xảy ra của thiệt hại trên thực tế.
Do thiết kế của điều luật có từ “hoặc”, cho nên tình tiết trên là hai tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhưng do có cùng tính chất cho nên nhà làm luật đã quy định hai tình tiết đó trong cùng một điểm của khoản 1, Điều 51, Bộ luật Hình sự. Cụ thể:
a. “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại” được hiểu là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, mặc dù hành vi đã thỏa mãn các dấu hiệu bắt buộc của một cấu thành tội phạm, tuy nhiên hành vi đó chưa có gây ra hậu quả thiệt hại về vật chất cũng như phi vật chất.
Ví dụ 2: Tô Thanh H. nguyên là chiến sỹ của đơn vị B. Sau khi xuất ngũ về địa phương, khoảng 18 giờ 30 phút, ngày 06/3/2014 H. đến đơn vị cũ chơi. Thấy cổng đơn vị khóa nên H. đã leo tường vào đơn vị. Đi ngang qua phòng của Trung đội trưởng Nguyễn Thanh T. thấy không có ai nên H. đã vào và lấy đi 04 điện thoại di động, 01 máy tính laptop. H. định tẩu thoát nhưng đã bị người đơn vị phát hiện và bắt giữ ngay sau đó, thu hồi toàn bộ tài sản. Tô Thanh H. được xem xét áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS là “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại” theo quy định tại điểm h, khoản 1, Điều 51, Bộ luật Hình sự.
Quan điểm thứ nhất, cho rằng tình tiết “phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại” chỉ được áp dụng đối với hành vi phạm tội được thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt. Tại vì, hành vi phạm tội trong các giai đoạn như vậy mới có thể chưa gây ra hậu quả thiệt hại về vật chất cũng như phi vật chất. Quan điểm này cho rằng hành vi phạm tội đã hoàn thành sẽ gây ra thiệt hại.
Về quan điểm nêu trên cần xem xét đánh giá lại. Tại vì không phải cứ trong giai đoạn phạm tội chưa đạt hoặc chuẩn bị phạm tội thì hậu quả thiệt hại chưa xảy ra mà có khi đối với một số tội phạm, mặc dù hậu quả của tội phạm chưa xảy ra nhưng vẫn đủ yếu tố cấu thành một tội phạm tương ứng, cụ thể nhất là đối với những tội phạm có cấu thành hình thức thì mặc dù hậu quả thiệt hại chưa xảy ra, tuy nhiên chỉ cần người phạm tội thực hiện hành vi nguy hiểm được miêu tả trong cấu thành của tội phạm đó thì tội phạm đã hoàn thành. Trong trường hợp tội phạm đã hoàn thành thì trên thực tế cũng sẽ có thiệt hại, thiệt hại trên pháp lý không quy định đối với các tội phạm cấu thành vật chất nhưng trên thực tế không phải tội phạm có cấu thành vật chất nào cũng không có thiệt hại.
Ví dụ 3: A. và B. là người thích chơi game online, vì không có tiền để chơi, mua sắm trang bị trong game nên cả hai cùng bàn nhau đi chặn đường các học sinh nhỏ để xin tiền. Lợi dụng buổi chiều các học sinh đi về, A. và B. đã chặn đường em C. để xin tiền, nếu C. không đưa tiền sẽ bị đánh. A. và B. đang uy hiếp em C. thì bị lực lượng Công an đến bắt quả tang. Rõ ràng, hành vi của A. và B. chưa gây ra hậu quả thiệt hại nào về vật chất, nhưng hành vi của A. và B. đã đủ yếu tố cầu thành tội “Cướp tài sản” được quy định tại Điều 168, Bộ luật Hình sự.
Quan điểm thứ hai, cho rằng người phạm tội chưa gây thiệt hại là hành vi của họ dù thỏa mãn cấu thành tội phạm và có xảy ra hậu quả pháp lý nhưng trên thực tế hậu quả đó gần như chưa xảy ra. Căn cứ vào ví dụ 2, quan điểm này cho rằng mặc dù trong tình huống trên H. đã trộm được tài sản, tội phạm đã hoàn thành đủ yếu tố để định tội danh đối với tội phạm có cấu thành vật chất. Tuy nhiên, hậu quả trên thực tế chưa xảy ra vì H. chưa bán được tài sản, tài sản chưa dịch chuyển hoàn toàn khỏi khu vực quản lý của bị hại. Tài sản thu về nguyên vẹn không thay đổi bản chất. Đối với trường hợp có cấu thành hình thức thì cũng xác định dựa trên thiệt hại thực tế vì thiệt hại pháp lý không được quy định nên không có căn cứ để xem xét.
b. “Phạm tội gây thiệt hại không lớn” được hiểu là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội hành vi đã thỏa mãn các dấu hiệu bắt buộc của một cấu thành tội phạm, đã gây ra hậu quả thiệt hại về vật chất, phi vật chất, nhưng hậu quả của tội phạm là không lớn.
Ví dụ: Khoảng 18 giờ, ngày 21/5/2011, Châu Văn N. đi bộ lang thang trên đường Nguyễn Đình Chiểu, phường 3, TP.T, tỉnh L. thì thấy nhà số 150 mở cửa không có người phía trước nên N. vào nhà dắt một chiếc xe Wave có chìa khóa cắm sẵn rồi nổ máy chạy về hướng TP.A. để tìm nơi tiêu thụ. Khi đến thị trấn B, tỉnh L thì N. bị lực lượng phòng chống tội phạm thị trấn Bến Lức bắt giữ và thu hồi tài sản. N. được Tòa án B. cho hưởng tình tiết giảm nhẹ là “phạm tội gây thiệt hại không lớn” được quy định tại điểm h, khoản 1, Điều 51, Bộ luật Hình sự.
Vấn đề đặt ra là hậu quả bị thiệt hại bao nhiêu đối với những tội có cấu thành vật chất và hình thức thì mới xem đó là thiệt hại không lớn? Thiệt hại không lớn này là theo ý chí chủ quan của bên bị gây thiệt hại hay do cơ quan định giá tài sản trong tố tụng xác định hay là do cơ quan tiến hành tố tụng xác định đó là gây thiệt hại không lớn?
Có quan điểm cho rằng việc xác định hậu quả không lớn thì nên căn cứ vào mức khởi điểm của một cấu thành đối với tội phạm mà người phạm tội thực hiện, ví dụ như đối với tội trộm cắp tài sản thì mức khởi điểm là 2.000.000 đồng, khi người phạm tội chiếm đoạt tài sản có giá trị là 2.000.000 đồng thì được xác định đó là gây thiệt hại không lớn, đối với những tội mà gây thiệt hại cho sức khỏe của người khác thì nên căn cứ vào tỉ lệ sức khỏe bị xâm hại ở mức khởi điểm là bao nhiêu để xác định đó là gây thiệt hại không lớn.
Hiện nay, do chưa có hướng dẫn chi tiết về thiệt hại ở mức độ như thế nào thì được xem là thiệt hại không lớn, nhưng theo quan điểm của tác giả, phạm tội gây thiệt hại không lớn ở đây là những thiệt hại về sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm,… là không đáng kể, như trộm cắp giá trị tài sản chỉ 50.000 đồng, nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi này rồi mà vẫn còn tái phạm thì vẫn đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Tùy từng trường hợp cụ thể và tùy từng loại tội phạm, việc xác định thiệt hại không lớn sẽ do Hội đồng xét xử có những đánh giá, nhận xét khách quan, toàn diện về vấn đề này. Việc đánh giá này nên căn cứ vào loại cấu thành của tội phạm. Cụ thể:
- Đối với trường hợp phạm tội có cấu thành vật chất: Do hậu quả của tội phạm là yếu tố bắt buộc của cấu thành tội phạm, cho nên hậu quả bị thiệt hại xảy ra phải là không đáng kể, nhưng kết hợp với những điều kiện khác thì hành vi phạm tội vẫn đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Theo quan điểm của một số Tòa án cho rằng trường hợp phạm tội gây thiệt hại không lớn thì thiệt hại ở đây chỉ là thiệt hại về vật chất. Ví dụ trường hợp tài sản bị chiếm đoạt, nhưng sau đó được thu hồi để trả lại cho cho sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp mà tài sản đó không bị hư hỏng hoặc có bị hư hỏng nhưng giá trị tài sản không đáng kể thì được coi là gây thiệt hại không lớn.
Quan điểm trên thì phạm tội gây thiệt hại không lớn chỉ giới hạn đối với những tội mà gây thiệt hại về mặt vật chất. Tuy nhiên, đối với những tội mà không gây thiệt hại về mặt vật chất, nhưng lại gây thiệt hại về những mặt khác, như sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hay những thiệt hại trong các tội có cấu thành vật chất khác khác mà bị xâm hại không lớn thì có được áp dụng tình tiết “phạm tội gây thiệt hại không lớn” được không? Nếu xét về mặt quy định của pháp luật thì vẫn có thể áp dụng tình tiết “phạm tội gây thiệt hại không lớn” cho người phạm tội.
Ví dụ: A. và B. đang ngồi nhậu, sẵn có men rượu trong người nên khi A. nói chuyện xúc phạm đến B., B. cầm ngay bát ăn cơm bằng sứ ném vào đầu A. Hậu quả A bị thương tỉ lệ 2%. Vì B. có sử dụng hung khí nguy hiểm, cho nên mặc dù với tỉ lệ thương tật của A. chỉ có 2% nhưng B. vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm a, khoản 1, Điều 134, Bộ luật Hình sự.
Từ ví dụ được nêu trên, tỉ lệ thương tật của người bị hại chỉ có 2% thì rõ ràng hậu quả như vậy cần phải được xác định là gây thiệt hại không lớn và B vẫn có thể được áp dụng tình tiết “phạm tội gây thiệt hại không lớn” theo điểm h, khoản 1, Điều 51, Bộ luật Hình sự.
Đối với những vụ án có thiệt hại về vật chất liên quan đến các giấy tờ có giá như hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ, séc, công cụ chuyển nhượng khác được quy định tại Điều 1 Luật các công cụ chuyển nhượng năm 2005; trái phiếu chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu,… thì thiệt hại dưới 2.000.000 đồng được xác định là thiệt hại không lớn. Vì có như vậy mới tránh việc tùy tiện áp dụng hoặc không áp dụng trong thực tiễn xét xử.
- Đối với những tội phạm mà có cấu thành hình thức thì trong trường hợp nào được xác định là “phạm tội gây thiệt hại không lớn”?
Bộ luật Hình sự không quy định đối với loại tội nào thì được áp dụng và đối với loại tội nào thì không được áp dụng tình tiết “gây thiệt hại không lớn.” Do đó vẫn có thể áp dụng tình tiết này đối với tội cướp tài sản. Tuy nhiên, khi áp dụng cần căn cứ vào tính chất hành vi phạm tội, mức độ gây thiệt hại của từng vụ án cụ thể để áp dụng cho chính xác. Với quan điểm trên thì có thể áp dụng tình tiết này đối với tất cả những tội phạm có cấu thành hình thức, miễn sao hành vi phạm tội thỏa mãn các điều kiện để áp dụng. Vậy những điều kiện đó như thế nào?
Thứ nhất, hậu quả của tội phạm có xảy ra nhưng không đáng kể;
Thứ hai, tính chất, mức độ thực hiện hành vi phạm tội đơn giản, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng.
Ví dụ: A. thấy B. đội mũ đẹp mà B. mới mua 20.000 đồng nên nảy sinh ý định chiếm đoạt. Lợi dụng lúc B. đội mũ đó và đang chạy xe đạp, A. chạy ra giật lấy mũ của B. rồi bỏ chạy. Hành vi của A. giật được tài sản sau đó bỏ chạy là đủ yếu tố cấu thành tội “Cướp giật tài sản” được quy định tại khoản 1, Điều 171, Bộ luật Hình sự. Trong trường hợp này, B. không bị tổn hại gì đến sức khỏe, giá trị tài sản mà A. chiếm đoạt chỉ là cái mũ trị giá 20.000 đồng, hành vi phạm tội của A. là rất đơn giản thì rõ ràng A. “phạm tội gây thiệt hại không lớn”.
Như vậy, nếu thiếu một trong hai điều kiện vừa được nêu ở trên thì không thể xem xét áp dụng tình tiết “phạm tội gây thiệt không lớn” cho người phạm tội được. Như đối với trường hợp ví dụ trên, nếu sau khi A. giật được mũ của B. mà A. còn có hành vi chống trả đối với B. hoặc một người nào khác, việc chống trả đó làm cho người khác bị thương tật với tỉ lệ 11%, mặc dù giá trị tài sản mà A. chiếm đoạt chỉ có 20.000 đồng nhưng do tính chất, mức độ thực hiện hành vi phạm tội là không đơn giản, hậu quả xảy ra là có người bị thương tật tỉ lệ 11% cho nên không thể áp dụng tình tiết giảm nhẹ “phạm tội gây thiệt hại không lớn” đối với A. được.
Cần xác định, hậu quả của tội phạm chưa xảy ra hoặc tuy có xảy ra nhưng không lớn là do những nguyên nhân khách quan đưa lại. Nếu do người phạm tội có những hành động đã làm cho hậu quả không xảy ra hoặc tuy có xảy ra nhưng không lớn thì không thuộc trường hợp giảm nhẹ của tình tiết này mà có thể xem xét áp dụng cho người phạm tội được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là “người phạm tội đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm” được quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 51, Bộ luật Hình sự.
Trên đây là một số quan điểm trong nhận thức quy định của pháp luật hình sự về áp dụng một số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Thiết nghĩ, để có thể vận dụng đúng, đầy đủ và đảm bảo tối đa nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo kiến nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao cần ban hành Nghị quyết hướng dẫn để có cách hiểu và vận dụng thống nhất quy định của pháp luật.
VÕ THỊ THANH NGUYÊN
Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 72
Luật Phá sản và những lưu ý liên quan đến hoạt động xử lý tài sản bảo đảm của ngân hàng