Biện pháp ngăn chặn đối với người dưới 18 tuổi theo Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

09/09/2020 16:16 | 3 năm trước

(LSO) - Trong những năm qua, tình hình vi phạm pháp luật và phạm tội của người dưới 18 tuổi đã và đang là vấn đề thời sự. Đòi hỏi Nhà nước, các tổ chức, đoàn thể phải có những giải pháp hữu hiệu hơn nữa để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng này. Hành vi phạm tội của người dưới 18 tuổi thường bồng bột, thiếu suy nghĩ, thậm chí không cần suy nghĩ về hậu quả. Người dưới 18 tuổi là đối tượng còn đang phát triển về tâm sinh lý và nhân cách, non nớt về nhận thức và tinh thần, nên dễ bị ảnh hưởng của môi trường sống, đây là đối tượng cần được bảo vệ đặc biệt. Áp dụng các biện pháp xử lý đối với dưới 18 tuổi phạm tội như thế nào để vừa đảm bảo hài hòa giữa lợi ích cá nhân với lợi ích của xã hội, đồng thời bảo đảm yêu cầu, mục đích lấy giáo dục làm chính với đối tượng này là một vấn đề rất lớn cần phải nghiên cứu sâu sắc.

Ảnh minh họa.

Trong bài viết tác giả bàn luận đến những bất cập trong quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về biện pháp ngăn chặn đối với người dưới 18 tuổi và đưa ra một số đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật.

Thực trạng người dưới 18 tuổi phạm tội và các quy định của pháp luật hình sự

Trong những năm qua, tình hình vi phạm pháp luật và phạm tội của người dưới 18 tuổi đã và đang là vấn đề thời sự, đòi hỏi Nhà nước, các tổ chức, đoàn thể phải có những giải pháp hữu hiệu hơn nữa để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng này. Áp dụng các biện pháp xử lý đối với dưới 18 tuổi phạm tội như thế nào để vừa đảm bảo hài hòa giữa lợi ích cá nhân với lợi ích của xã hội, đồng thời bảo đảm yêu cầu, mục đích lấy giáo dục làm mục tiêu chính với đối tượng này là một vấn đề rất lớn cần phải nghiên cứu sâu sắc.

Tuy nhiên, tình hình người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật ngày càng nhiều với tính chất và thủ đoạn nguy hiểm. Từ năm 2017 đến nay, cả nước phát hiện gần 3.000 người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật. Trong đó, nam giới chiếm 96,4%, nữ giới chiếm hơn 3,6%. Số vụ án do người dưới 18 tuổi gây ra chiếm 20% so với tổng số vụ vi phạm pháp luật hình sự trong toàn quốc. Địa phương xảy ra nhiều nhất là TP. Hồ Chí Minh (hơn 784 vụ), Đồng Nai (hơn 200 vụ), tiếp đến là các tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk… một số loại án tăng cao là “cướp giật tài sản” chiếm 63,85%; giết người tăng 38,7% về số người vi phạm pháp luật. Trong đó, số trẻ em vi phạm pháp luật ở độ tuổi 16 - 18 chiếm đến 67,1%[1].

Tiến hành nghiên cứu điển hình tại TP. Hồ Chí Minh từ năm 2017 đến năm 2019, các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý 59 vụ đối tượng thực hiện hành vi phạm tội trong độ tuổi từ 14 đến 16 tuổi; 690 vụ trong độ tuổi từ 16 đến 18 tuổi. Các cơ quan chức năng đã tiến hành khởi tố 624/784 đối tượng chiếm tỉ lệ 79,5% trong tổ số đối tượng đã được phát hiện, xử lý. Khi áp dụng các biện pháp ngăn chặn thì việc áp dụng trường hợp bắt người phạm tội quả tang chiếm tỷ lệ cao nhất 339/784 (43,2%); sau đó đến trường hợp bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp 166/784 (21,1%); áp dụng trường hợp bắt bị can, bị cáo để tạm giam chiếm tỷ lệ thấp hơn 132/784 (16,8%); cuối cùng là đến trường hợp bắt người đang bị truy nã 17/784 (2,1%). Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác không tước tự do 211/784 (26,9%)[2]. Như vậy, nhóm các biện pháp ngăn chặn đang được áp dụng nhiều nhất trong thời gian qua đó là: Các biện pháp bắt người, tạm giữ, tạm giam chiếm tỉ lệ áp dụng cao hơn so với một số các biện pháp không tước tự do cho phép tại ngoại (cấm đi khỏi nơi cư trú, bão lĩnh…).

Người dưới 18 tuổi là đối tượng còn đang phát triển về tâm sinh lý và nhân cách, non nớt về nhận thức và tinh thần, nên dễ bị ảnh hưởng của môi trường sống. Hành vi của người dưới 18 tuổi thường bồng bột, thiếu suy nghĩ, thậm chí không cần suy nghĩ về hậu quả. Đây là đối tượng được bảo vệ đặc biệt, nên Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã dành một chương riêng biệt đối với người dưới 18 tuổi với các quy định về áp dụng các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế đối với họ tại Chương VII, gồm có: 17 điều quy định về các biện pháp ngăn chặn[3]. Thực tế cho thấy áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với người dưới 18 tuổi không phải là một biện pháp tốt nhất bởi sẽ làm cho họ trở nên chai sạn, lỳ lợm hơn khi cảm thấy xã hội không khoan dung. Mặc cảm đó không dễ gì xóa được trong suy nghĩ, nhận thức còn non nớt của họ.

Do đó, khi áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với người dưới 18 tuổi, cơ quan tiến hành tố tụng cần phải thận trọng và chỉ áp dụng khi đó là biện pháp cuối cùng. Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng được quy định tại khoản 2 Điều 110; khoản 1 Điều 113 trong phạm vi thẩm quyền của mình có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế đối với người dưới 18 tuổi trong những trường hợp thật sự cần thiết theo quy định tại Điều 419 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015[4] nhằm kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội dưới 18 tuổi sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử; tiếp tục phạm tội hoặc để bảo đảm hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án[5]. Các biện pháp ngăn chặn có thể được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi gồm: Giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh, áp giải. Riêng các trường hợp bắt người sẽ bao gồm: Bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang, bắt người đang bị truy nã, bắt bị can, bị cáo để tạm giam, bắt người bị yêu cầu dẫn độ.

Một số bất cập trong quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế đối với người dưới 18 tuổi

Thứ nhất, về căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với người dưới 18 tuổi

Biện pháp ngăn chặn chỉ được thực hiện đối với người bị buộc tội trong trường hợp thật cần thiết[6]. Nhưng những trường hợp nào là cần thiết thì Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 chưa giải thích rõ. Vấn đề này phụ thuộc rất lớn vào ý chí, quan điểm của người tiến hành tố tụng. Bởi vì, trong thực tiễn nếu vừa thỏa mãn điều kiện biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam, vừa thỏa mãn điều kiện của một số biện pháp khác không tước tự do thì cơ quan chức năng vì bảo đảm quá trình tiến hành tố tụng được diễn ra thuận lợi sẽ áp dụng biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam. Chính vì quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 chưa rõ ràng nên thực tế đã có những trường hợp ưu tiên áp dụng tạm giữ, tạm giam như là một vấn đề bảo đảm người bị buộc tội dưới 18 tuổi không bỏ trốn hoặc gây khó khăn cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

Căn cứ giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với người dưới 18 tuổi: Theo quy định tại Điều 110 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, có 03 trường hợp được áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp[7]. Tuy nhiên, căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 110 để giữ người dưới 18 tuổi trong trường hợp khẩn cấp chưa đảm bảo sự tương thích giữa Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)[8]. Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ chịu trách nhiệm hình sự về một số tội phạm nhất định[9].

Đồng thời, hành vi chuẩn bị phạm tội của người từ 14 đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự khi vi phạm quy định tại Điều 123, Điều 168 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) mới được áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, vấn đề này chưa được cụ thể trong quy định về áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với người dưới 18 tuổi dẫn đến trong thực tiễn có thể bị lạm dụng. Một người thực hiện hành vi không bị coi là tội phạm, không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì cơ quan có thẩm quyền không thể áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp.

Thứ hai, biện pháp tạm giam đối với người dưới 18 tuổi

Đây là biện pháp được áp dụng rất nhiều trong thực tế. Tuy nhiên, việc áp dụng biện pháp này còn một số vấn đề bất cập so với quy định phân loại tội phạm của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Khoản 4 Điều 419 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Đối với bị can, bị cáo từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội nghiêm trọng do vô ý, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tù đến 02 năm thì có thể bị bắt, tạm giữ, tạm giam nếu họ tiếp tục phạm tội, bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã”.

Như vậy, đối với bị can, bị cáo phạm tội ít nghiêm trọng từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi chỉ có thể được áp dụng khoản 4 Điều 419 khi mà quy định hình phạt tù đến 02 năm; còn từ 02 năm đến 03 năm của tội ít nghiêm trọng sẽ được áp dụng theo quy định chung về biện pháp ngăn chặn như người đủ 18 tuổi, quy định này không hợp lý về nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi. Ngoài ra, theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì tội ít nghiêm trọng có khung hình phạt đến 03 năm tù[10]. Do đó, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có chưa có sự đồng nhất.

Thứ ba, thời hạn biện áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam đối với người dưới 18 tuổi

Để bảo đảm sự phát triển toàn diện của trẻ em, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã phân hóa độ tuổi để xác định trách nhiệm hình sự (14 tuổi đến dưới 16 tuổi; 16 tuổi đến dưới 18 tuổi). Tuy nhiên, đoạn 2 khoản 1 Điều 419 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định biện pháp tạm giữ, tạm giam đối với người dưới 18 tuổi nhưng lại không phân hóa độ tuổi để tương tích với Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp đối với người dưới 18 tuổi. Chính vì vậy, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 chỉ quy định chung tại khoản 1 Điều 419 về thời hạn tạm giam cho đối tượng dưới 18 tuổi “bằng 2/3” đối với người từ 18 tuổi trở lên. Tuy nhiên, quy định thời gian tạm giam “bằng 2/3” đối với người đủ 18 tuổi rất dễ dẫn đến hiểu sai và áp dụng sai.

Về thời gian tạm giữ, khoản 1 điều này không điều chỉnh về thời gian tạm giữ, cũng như gia hạn tạm giữ nên dẫn đến người dưới 18 tuổi khi bị áp dụng biện pháp tạm giữ giống như người đủ 18 tuổi trở lên theo tác giả là chưa hợp lý và không có sự phân biệt giữa người đủ 18 tuổi và dưới 18 tuổi khi áp dụng các biện pháp ngăn chặn.

Khi không còn căn cứ để tạm giữ, tạm giam thì cơ quan có thẩm quyền phải kịp thời hủy bỏ, thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác đối với người dưới 18 tuổi. Nhưng quy định này lại chưa nói đến biện pháp tạm giữ, tạm giam đối với người dưới 18 tuổi có được gia hạn hay không đã dẫn đến người dưới 18 tuổi có thể tiếp tục bị gia hạn tạm giữ, tạm giam theo quy định tại các Điều 117, Điều 118, Điều 173 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Ngoài ra, trong quy định thời hạn tạm giữ tại khoản 2 Điều 118 vẫn chưa rõ ràng trong trường hợp phải gia hạn tạm giữ “Trong trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ nhưng không quá ba ngày. Trường hợp đặc biệt người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá ba ngày”. Với quy định này kết hợp với quy định tại Điều 419 thì hiểu như thế nào “trường hợp cần thiết” và “trường hợp đặc biệt” để gia hạn tạm giữ đối với người dưới 18 tuổi.

Một số kiến nghị

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định các “biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế” có vai trò rất quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự nhưng đây là hoạt động khá nhạy cảm, dễ xảy những hành vi xâm hại từ phía những người có thẩm quyền nhất là khi áp dụng đối với người dưới 18 tuổi. Để khắc phục những hạn chế nêu trên đồng thời, bảo đảm cơ chế triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, bảo đảm quyền tự do công dân, tác giả có một số đề xuất, kiến nghị sửa đổi một số quy định về biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế như sau:

Một là, ban hành văn bản hướng dẫn trong những trường hợp nào là cần thiết có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp áp giải đối với người dưới 18 tuổi.

Theo đó, có thể liệt kê một số hành vi cụ thể của người bị buộc tội dưới 18 tuổi, cần thiết phải áp dụng như: Không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can; có dấu hiệu bỏ trốn, bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã; tiếp tục phạm tội hoặc có chuẩn bị phạm tội; có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này hoặc tiếp tục phạm tội.

Hai là, sửa đổi Điều 419 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

Chỉ áp dụng biện pháp tạm giam đối với người dưới 18 tuổi khi có căn cứ xác định áp dụng các biện pháp khác không hiệu quả. Đồng thời, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án đã xác minh có một trong những căn cứ: Không có nơi cư trú rõ ràng; không có người thân, người giám hộ, người đại diện theo quy định của pháp luật; nhân thân xấu; tội phạm thực hiện là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

Thời hạn tạm giam đối với người từ 14 đến dưới 16 tuổi không quá 1/2 thời hạn tạm giam đối với người đủ 18 tuổi trở lên.

Thời hạn tạm giam đối với người từ 16 đến dưới 18 tuổi không quá 2/3 thời hạn tạm giam đối với người đủ 18 tuổi trở lên.

Khi không còn căn cứ để tạm giam thì cơ quan, người có thẩm quyền phải kịp thời hủy bỏ, thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác. Khi đã hết thời gian tạm giam không được tiếp tục gia hạn tạm giam trừ trường hợp thuộc khoản 1 điều này. Việc gia hạn tạm giam không được quá tổng 1/2 thời hạn điều tra, gia hạn điều tra đối với người từ 14 đến dưới 16 tuổi và không được quá 2/3 thời gian điều tra, gia hạn điều tra đối với người từ 16 đến dưới 18 tuổi.

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có thể bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt, tạm giữ, tạm giam về tội phạm quy định tại khoản 2 Điều 12, khoản 3 Điều 14 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) nếu có căn cứ quy định tại các điều 110, 111 và 112, các điểm a, b, c, d và đ khoản 2 Điều 119 của Bộ luật này. Sau khi hết thời gian tạm giữ không được gia hạn tạm giữ, trừ các trường hợp được quy định tại khoản 1 điều này và Điều 118 Bộ luật này. Tổng thời gian tạm giữ không vượt quá 1/2 thời hạn tạm giữ đối với người đủ 18 tuổi trở lên.

Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt, tạm giữ, tạm giam về tội nghiêm trọng do cố ý, tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng nếu có căn cứ quy định tại các điều 110, 111 và 112, các điểm a, b, c, d và đ khoản 2 Điều 119 của Bộ luật này. Sau khi hết thời gian tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ theo quy định tại Điều 118 Bộ luật này nhưng tổng thời gian tạm giữ không vượt quá 2/3 thời hạn tạm giữ đối với người đủ 18 tuổi.

Ba là, sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 118 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về các trường hợp gia hạn thời hạn tạm giữ.

Trường hợp cần thiết cần có thời gian để xác minh căn cước, lai lịch, xác minh làm rõ dấu hiệu phạm tội của người bị bắt thì người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ nhưng không quá ba ngày. Trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá ba ngày khi người bị tạm giữ có dấu hiệu phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng cần có thêm thời gian xác minh hoặc các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc người bị bắt theo quyết định truy nã mà thời gian gia hạn tạm giữ lần 01 chưa đủ để cơ quan ra quyết định truy nã đến nhận người bị bắt. Mọi trường hợp gia hạn tạm giữ đều phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn. Trong thời hạn 12 giờ, kể từ khi nhận được đề nghị gia hạn và tài liệu liên quan đến việc gia hạn tạm giữ, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn.

TS. LÊ TIẾN HOÀNG - NCS. TRỊNH DUY THUYÊN
Đại học Cảnh sát nhân dân TP. HCM

(Tạp chí DC&PL)
______________________
[1]. Bộ Công an - Văn Phòng Bộ, Báo cáo sơ kết Chuyên đề người chưa thành niên vi phạm pháp luật, ngày 10/11/2019.
[2]. Công an TP. Hồ Chí Minh (Phòng Cảnh sát hình sự), Báo cáo tổng kết từ năm 2017 đến năm 2019.
[3]. Xem: Chương VII Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
[4]. Khoản 1 Điều 419 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 “chỉ áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp áp giải đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi trong trường hợp cần thiết”.
[5]. Xem Điều 109 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
[6]. Khoản 1 Điều 149 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
[7]. Khoản 1 Điều 110 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 “a. Có đủ căn cứ để xác định người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; b. Người cùng thực hiện tội phạm hoặc bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt nhìn thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn; c. Có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở hoặc nơi làm việc hoặc trên phương tiện của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ”.
[8]. Điều 14 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) “người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi chuẩn bị phạm tội tại Điều 123, Điều 168 của Bộ luật Hình sự thì phải chịu trách nhiệm”.
[9]. Xem: Khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).
[10]. Xem: Khoản 1 Điều 9 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).
/vu-sap-cong-truong-khien-3-hoc-sinh-tu-vong-ai-se-la-nguoi-chiu-trach-nhiem.html