Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị ở tỉnh Lào Cai

20/09/2022 07:55 | 1 năm trước

(LSVN) - Lào Cai là tỉnh vùng cao, biên giới thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc; phía Đông giáp tỉnh Hà Giang, phía Nam giáp tỉnh Yên Bái, phía Tây giáp tỉnh Lai Châu, phía Bắc giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); diện tích tự nhiên 6.364,25 km2, dân số hơn 746,36 nghìn người với 25 dân tộc (trong đó dân tộc thiểu số chiếm 66,2%); tỉ lệ dân số nữ chiếm khoảng 49,2%.

Ảnh minh họa.

Tỉnh Lào Cai có 7 huyện, 01 thị xã và 01 thành phố với 152 xã, phường, thị trấn. Có 182,086km đường biên giới trên đất liền tiếp giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Với vị trí địa lý thuận lợi, nằm trong hành lang kinh tế Đông- Tây, với các cặp cửa khẩu quốc tế quan trọng để giao lưu hàng hóa lớn tạo cho Lào Cai trở thành động lực phát triển của khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc. Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai đã khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế tạo động lực cho tăng trưởng; xác định khâu đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội.

Từ năm 2007 đến nay, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai đạt được nhiều kết quả quan trọng, có tác động tích cực đến công tác bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh. Sau 30 năm tái lập (từ tháng 10 năm 1991), Lào Cai từ một tỉnh nghèo nhất cả nước, điều kiện kinh tế - xã hội hết sức khó khăn: Cơ sở hạ tầng thấp kém, nền kinh tế với điểm xuất phát thấp, tự cung, tự cấp là chủ yếu, sản xuất hàng hóa hầu như không đáng kể, sản lượng lương thực bình quân đầu người 184 kg/năm, GDP bình quân đầu người 680.000 đồng, thu ngân sách đạt 19 tỉ đồng. Lào Cai đã vươn lên đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh:

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, liên tục, bình quân giai đoạn 1991 – 2020, đạt 10,4%/năm (riêng giai đoạn 2015 - 2020 đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân là 9,08 %); GDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 76,2 triệu đồng;

- Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2020 đạt 8.100 tỉ đồng (gấp 473 lần so với năm 1991);

- Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư, nâng cấp, tương đối đồng bộ;

- Các lĩnh vực xã hội được quan tâm, đời sống nhân dân được nâng lên: 100% xã và 98% thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm, trong đó 100% đường tới các thôn, bản được cứng hóa; 100% các xã có hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin; 100% thôn có điện lưới quốc gia, 97% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 95% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% hộ gia đình được xóa nhà tạm.

Năm 2021, mặc dù bị ảnh hường của đại dịch Covid-19, song tỉnh Lào Cai đã đạt được kết quả quan trọng và toàn diện trên các lĩnh vực như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 5,33%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 82,38 triệu đồng; các lĩnh vực văn hóa, thông tin, giáo dục, y tế, đảm bảo an sinh xã hội được quan tâm và triển khai có hiệu quả; quốc phòng, an ninh được củng cố, giữ vững. Quan hệ đối ngoại được mở rộng, đặc biệt là hoạt động đối ngoại với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), tạo môi trường thuận lợi để Lào Cai phát triển.

Thực hiện các Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Chỉ thị 21-CT/TW ngày 20/01/2018 của Ban thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới và mới đây nhất là Quyết định số 2282/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ Phê duyệt Chương trình "Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021 - 2030", thời gian qua, tỉnh Lào Cai đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm từng bước thu hẹp khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị, trong đó, các cấp ủy Đảng trong tỉnh luôn đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác cán bộ nữ và đã đạt được những kết quả tích cực.

Ở cấp tỉnh giai đoạn 2015-2020, tỉ lệ nữ tham gia cấp ủy đạt 15,69%, tăng 1,14% so với nhiệm kỳ 2010-2015; tỉ lệ nữ tham gia ban thường vụ đạt 6,67%, bằng so với nhiệm kỳ trước; nhiệm kỳ 2020-2025, tỉ lệ nữ tham gia cấp ủy  đạt 14%. Đối với cấp huyện, tỉ lệ nữ tham gia cấp ủy đạt 21,2%, tăng 2,87% so với nhiệm kỳ 2010-2015; tỉ lệ nữ tham gia ban thường vụ đạt 12,71%, giảm 0,74% so với nhiệm kỳ trước; nhiệm kỳ 2020-2025, tỉ lệ nữ tham gia cấp ủy  đạt 18,93%. Ở cấp xã, tỉ lệ nữ tham gia cấp ủy đạt 20,92%, tăng 6,12% so với nhiệm kỳ 2010-2015; tỉ lệ nữ tham gia ban thường vụ đạt 6,22%, tăng 0,22% so với nhiệm kỳ 2010-2015; nhiệm kỳ 2020-2025, tỉ lệ nữ tham gia cấp ủy  đạt 26,54%.

Tỉ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tăng hơn so với nhiệm kỳ 2016-2021. Kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh Lào Cai nhiệm kỳ 2021 - 2026 đạt và vượt được mục tiêu bình đẳng giới đề ra, cụ thể: Tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội là 2/6 đồng chí, đạt 33,33% (giữ nguyên so với nhiệm kỳ trước); tỉ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đạt 38,18% (tăng 4,25% so với nhiệm kỳ trước), cấp huyện đạt 41,95% (tăng 7,57% so với nhiệm kỳ trước), cấp xã  đạt 37,22% (tăng 5,15% so với nhiệm kỳ trước).

Đối với cán bộ nữ là lãnh đạo quản lý các cấp, tỉ lệ nữ là trưởng, phó ngành và tương đương cấp tỉnh là 50 nười, có 24/57 sở, ban, ngành đooàn thể tỉnh và tương đương có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ. Nữ cán bộ trưởng, phó phòng và tương đương đạt 151/453 người, chiếm 33,33%; ở cấp huyện, nữ trưởng, phó các phòng ban, đoàn thể đạt 166/595 người, chiếm 27,89%; ở cấp xã, nữ lãnh đạo cấp trưởng Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội đạt 218/851 người, chiếm 25,62%.

Thực hiện chiến lược Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành nhiều kế hoạch hành động vì bình đẳng giới. Các kế hoạch đã đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, trong đó 100% mục tiêu, chỉ tiêu đều bằng và cao hơn các chỉ tiêu, mục tiêu chung của cả nước; bổ sung một số chỉ tiêu gắn với đặc thù của tỉnh như chỉ tiêu về giải quyết việc làm cho lao động nữ, về giáo dục, đào tạo.

Công tác tuyên truyền về bình đẳng giới nhằm nâng cao nhận thức về công tác cán bộ nữ và vai trò của phụ nữ được tăng cường. Lào Cai đã tổ chức trên 3.000 cuộc toạ đàm, diễn đàn, hội thảo, hội nghị tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới. Các cơ quan, đơn vị trên toàn tỉnh đã lồng ghép chỉ tiêu tăng cường sự tham gia của nữ giới vào các vị trí quản lý, lãnh đạo. Từng bước thực hiện quy hoạch cán bộ, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo kế hoạch của UBND tỉnh. Đội ngũ cán bộ nữ từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức chính trị và năng lực chuyên môn, trình độ quản lý. Đồng thời, UBND tỉnh thực hiện lồng ghép chương trình hành động về giới vào chỉ tiêu đào tạo, tuyển dụng công chức, viên chức. Tham mưu cho tỉnh tổ chức thí điểm việc thi tuyển các chức danh lãnh đạo theo Đề án số 22 – ĐA/TU ngày 03/11/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thí điểm thi tuyển chọn lãnh đạo quản lý cấp sở, cấp phòng tỉnh Lào Cai. Một số cơ quan, địa phương đã tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo sở, cấp phòng như Ban Tổ chức Tỉnh ủy (chức danh Phó Trưởng ban), Sở Tài chính (Phó Giám đốc), UBND thành phố Lào Cai (Trưởng Phòng Nội vụ). Đến hết năm 2020  tỉnh Lào Cai đã tổ chức trên 20 cuộc thi. Việc thi tuyển chức danh lãnh đạo đảm bảo khoa học, công bằng, minh bạch, tạo cơ hội cho cán bộ công chức cả nam và nữ được tham gia như nhau.

Bên cạnh đó, áp dụng tiêu chí về bình đẳng giới để đánh giá danh hiệu xã đạt nông thôn mới trong Bộ Tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 (tiêu chí 18.6), hầu hết các địa phương xây dựng nông thôn mới đều bố trí cán bộ nữ giữ vị trí chủ chốt hoặc tham gia Ban chấp hành cấp xã đạt tỉ lệ tiêu chí đề ra. Đặc biệt, tỉ lệ nữ tham gia công tác quản lý, lãnh đạo nói chung và tỉ lệ nữ tham gia vào các cơ quan dân cử nói riêng đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Có thể khẳng định, trên cơ sở các phương án quy hoạch cán bộ tỉnh Lào Cai đã thực hiện tốt việc bố trí sử dụng cán bộ như bổ nhiệm, luân chuyển, giới thiệu ứng cử cán bộ nói chung trong đó đặc biệt quan tâm đối với đội ngũ cán bộ nữ phù hợp với trình độ, năng lực, sở trường của từng người nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ số lượng, chất lượng và cơ cấu hợp lý, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị. Đến nay đội ngũ cán bộ nữ các cấp trong tỉnh cơ bản đã trưởng thành về mọi mặt, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị được nâng lên, cơ cấu hợp lý hơn, cơ bản ở các cấp, các ngành đã bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo nữ. Tuy nhiên, thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị ở tỉnh Lào Cai còn gặp những hạn chế, khó khăn nhất định.

Thứ nhất, phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý đặc biệt là phụ nữ người dân tộc thiểu số tham gia lãnh đạo, quản lý có tỉ lệ thấp, chưa tương xứng với năng lực và sự phát triển của lực lượng lao động nữ. Cán bộ nữ thường được quy hoạch ở vị trí cấp phó, rất ít đưa vào quy hoạch các chức danh đầu ngành. Một số ngành tỉ lệ cán bộ nữ đông nhưng không cơ cấu nữ làm lãnh đạo.

Thứ hai, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bình đẳng giới ở cơ sở đã được tăng cường nhưng chưa đủ mạnh để chuyển đổi hành vi trong nhân dân về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Tài liệu truyền thông còn thiếu, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng truyền thông. Thiếu kinh phí tuyên truyền, nên việc triển khai thi hành Luật Bình đẳng giới chủ yếu gắn với nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị, địa phương nên còn chưa được duy trì thường xuyên, liên tục.

Thứ ba, công tác điều tra, khảo sát, thống kê toàn diện về bình đẳng giới trên địa bàn toàn tỉnh chưa được triển khai thực hiện dẫn đến thiếu cơ sở dữ liệu để xây dựng bộ chỉ số hoàn chỉnh về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.

Trong thời gian tới, để tỉnh Lào Cai tiếp tục từng bước đẩy mạnh thực hiện bình đẳng giới và tăng cường sự tham gia lãnh đạo, quản lý của phụ nữ trong hội nhập, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đối với công tác phụ nữ, công tác cán bộ nữ và bình đẳng giới.

 Hai là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới nói chung, bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị nói riêng; đổi mới về hình thức và phương tiện truyền thông, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và nền tảng số, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm trong công tác truyền thông về bình đẳng giới, nhằm nâng cao nhận thức về giới, về bình đẳng giới trong hệ thống chính trị. Từ đó tác động đến bản thân mỗi phụ nữ phải tự giác, phấn đấu vươn lên về mọi mặt.

Ba là, cần phải đề ra những biện pháp cụ thể và mạnh mẽ hơn trong công tác quy hoạch, tạo nguồn lãnh đạo nữ các cấp, các ngành; đổi mới, kiên quyết và kiên trì trong việc tạo nguồn, phát hiện nhân tố tích cực, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ nữ; quan tâm tới công tác đề bạt, giới thiệu bầu cử, bổ nhiệm cán bộ nữ.

Bốn là, thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với cán bộ nữ; xây dựng chiến lược, chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực nữ phù hợp với tình hình thực tiễn và có chính sách đặc thù đối với cán bộ nữ công tác ở vùng cao, vùng sâu là người dân tộc thiểu số; nỗ lực giảm khoảng cách giới trong công tác quản lý, lãnh đạo sẽ không thể tách rời với nỗ lực bình đẳng giới trong tất cả các lĩnh vực của đời sống.

Thạc sĩ NGÔ THỊ NHUNG

Trường Chính trị tỉnh Lào Cai

Trình tự, thủ tục đăng ký tài khoản định danh điện tử đối với người nước ngoài