Ảnh minh họa.
Quan niệm về bình đẳng trong lịch sử tư tưởng phương Đông
Tư tưởng Ấn Độ
Phật giáo là học thuyết tư tưởng tiêu biểu của Ấn Độ (thế kỷ VI trước Công nguyên) với mục tiêu giải thoát con người thông qua “Tứ diệu đế”, “Thập nhị nhân duyên” và “Bát chính đạo”. Tư tưởng bình đẳng (tất cả chúng sinh đều bình đẳng) là một giá trị đặc sắc của đạo Phật, được thể hiện qua các phương diện, như: (i) Bình đẳng giữa các chúng sinh: “không có giai cấp trong dòng máu đỏ, không có giai cấp trong nước mắt cùng mặn”. (ii) Bình đẳng về mặt nhân quả: “người ta gieo nhân nào thì hưởng quả ấy”. (iii) Bình đẳng về mặt tu chứng: tinh thần bình đẳng về mặt tu chứng ai cũng có thể đạt được, không phân biệt giai cấp, màu da, chủng tộc. Phật và chúng sinh tuy trình độ khác nhau nhưng khả năng đi đến chỗ tột cùng (Niết Bàn) thì ai cũng đạt được.
Tư tưởng Trung Quốc
Đạo gia: Những tư tưởng về nguồn gốc và bản chất thế giới, về con người, đạo làm người, việc cai trị và quản lý xã hội được Lão Tử (580-500 tr.CN) thể hiện độc đáo qua các phạm trù cơ bản, như: “đạo”, “đức”, “vô vi”, “hữu vi”,
“tri túc”, “tri chỉ”, “quân bình”, “phản phục”… cung cấp nhân sinh quan, nghệ thuật sống mang tính nhân văn sâu sắc, an ủi con người hài lòng và hạnh phúc với những gì mình có trong cuộc sống, tránh những ham muốn đua chen; khuyên hướng thiện, dung hòa với tự nhiên và hình thành thái độ tích cực đối với cuộc sống bản thân trước mọi biến động. Chủ trương vô vi nhi trị của ông nhằm xây dựng một xã hội con người giữ được bản chất tự nhiên của mình, mọi người đều bình đẳng, không có áp bức, bóc lột, sống hữu nghị.
Nho gia: Khổng Tử (551-479 tr.CN) là người khởi xướng ra học thuyết Nho giáo. Sách Luận ngữ chép rằng, khi Trọng Cung (học trò) hỏi Thầy “Nhân là gì”, Khổng Tử đã trả lời kỷ sở bất dục vật thi ư nhân (điều gì bản thân mình không muốn thì đừng làm cho người khác). Câu nói của Khổng Tử nhắc nhở mỗi chúng ta phải tự đặt mình vào người khác, suy nghĩ cho người khác nhiều hơn, tôn trọng và coi người khác cũng như bản thân mình, mọi hành động và việc làm đều lấy tình người làm chuẩn mực, từ đó mới tìm được hạnh phúc và ý nghĩa đích thực trong cuộc sống. Đó cũng là tư tưởng thể hiện phương châm ứng xử trong quan hệ xã hội đề cao tinh thần bình đẳng và tôn trọng người khác.
Mặc gia: Mặc Tử (478-392 tr.CN) là đại biểu của trường phái Mặc gia với chủ thuyết trung tâm kiêm tương ái, giao tương lợi (gọi tắt là kiêm ái) - nghĩa là: yêu thương tất thảy mọi người như nhau, coi ai cũng như mình và làm lợi cho mọi người (bình đẳng: mọi người “thương yêu nhau, cùng hưởng lợi”). Ông cho rằng sự loạn lạc của xã hội, nỗi khổ cực của dân chúng lúc đương thời là xuất phát từ lòng tự tư, tự lợi của con người, làm hại cho người khác để làm lợi cho mình. Thái độ tự tư, tự lợi đó Mặc Tử gọi là biệt - là nguyên nhân của sự chia rẽ, rối loạn trật tự xã hội. Vì vậy, ông chủ trương phải thay “biệt’ bằng “kiêm” để mang lại lợi ích cho mọi người. Biện pháp khắc phục khủng hoảng xã hội của Mặc gia là thực hiện chủ trương kiêm ái. Tư tưởng đại đồng yêu thương tất thảy, không phân biệt của Mặc Tử há chẳng phải rất bình đẳng đó sao?
Pháp gia: Học thuyết tư tưởng do Hàn Phi Tử (281-233 tr.CN) là đại biểu. Để thiết lập trật tự kỷ cương thì trong xã hội, từ trên xuống dưới, từ sang đến hèn, từ vua quan đến thần dân đều phải tuân thủ pháp luật nghiêm minh. Trật tự pháp luật thống nhất là cơ sở, điều kiện để bảo đảm trật tự trị an xã hội, vì vậy kẻ thống trị cũng như người bị trị đều phải coi đó là mực thước để tuân theo. Theo Hàn Phi, “trị nước không thể bỏ sự công bằng”, tức là bảo đảm mọi người đều bình đẳng trong thực hiện pháp luật theo phương châm luật pháp không phân biệt sang hèn (pháp bất a quý). Pháp luật công bằng là pháp luật không chấp nhận sự phân biệt và đặc quyền riêng. Trước pháp luật mọi người không phân biệt trên dưới, sang hèn đều ngang nhau: “Vua tôi, trên dưới, sang hèn, đều tuân theo pháp luật, ấy gọi là một nước bình trị”(1). Mọi người đều được công bằng, bình đẳng trước pháp luật, không kể người đó thuộc tầng lớp, đẳng cấp nào. Công bằng cũng có nghĩa là đòi hỏi sự áp dụng pháp luật ngang nhau, không phân biệt kẻ hèn người giàu hay địa vị xã hội. Việc xử lý phải thật sự khách quan: không khoan dung với người mình yêu, không nghiêm khắc với người mình ghét. “Pháp luật không hùa theo người sang, sợi dây dọi không uốn mình theo cây gỗ cong. Khi đã thi hành pháp luật thì kẻ khôn cũng không thể từ, kẻ dũng cũng không dám tránh”(2). Theo Hàn Phi, pháp luật phải công bằng, bênh vực kẻ yếu, số ít thì mới tạo nên trật tự trong nước.
Tư tưởng Việt Nam
Trong xã hội Việt Nam từ xa xưa, khát vọng về lương tri, lẽ phải và công bằng đã luôn lan tỏa trong mọi sinh hoạt, đời sống của nhân dân. Các câu truyện cổ tích mang tính giáo huấn cao, mỗi câu chuyện là một bài học về luân lý, đạo đức, ứng xử, về lẽ công bằng và sự thưởng phạt công minh. Nhiều câu truyện cổ tích gắn liền với quan niệm sâu sắc và cụ thể về công lý, đạo lý, lẽ công bằng trong xã hội như truyện Cây khế, truyện Thạch Sanh, truyện Tấm Cám… Sự thưởng - phạt công bằng theo quan điểm của nhân dân là quan niệm ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác. Với những ý nghĩa hướng dẫn thực hành sâu sắc, tục ngữ, thành ngữ cũng mang trong mình những đạo lý về lẽ phải, lẽ công bằng trong xã hội; thể hiện quan niệm về lẽ phải, lẽ công bằng như: “ác thì vạc sừng” (kẻ hung ác sẽ phải bị trừng trị), “ai đắp nấm người ấy ấm mồ” (ai làm điều thiện cho người khác, sẽ gặp tốt lành), “gieo gió gặt bão” (gây ra điều ác sẽ phải chịu hậu quả do điều đó mang lại). Để giữ đúng công lý, người làm quan cần phải: “pháp bất vị thân” (luật pháp vô tư, coi ai cũng như ai không vì người thân), “cầm cân nảy mực” (điều khiển công việc công bằng và hợp lý, không thiên vị).
Nhìn chung, tư tưởng bình đẳng đã hiện diện trong hầu hết các học thuyết tư tưởng phương Đông và Việt Nam. Tuy nhiên, những tư tưởng đó mới chủ yếu thể hiện như những chủ trương (mong muốn), còn rời rạc, cảm tính, không xuất phát từ những tiền đế lý luận (triết lý) nên thiếu chiều sâu và tính thuyết phục, không có khả năng dẫn đường cho hiện thực. Dưới chế độ phong kiến chuyên chế, những tư tưởng đó không được hiện thực hóa mà chỉ tồn tại dưới hình thức những khát vọng.
Quan niệm về bình đẳng trong lịch sử tư tưởng phương Tây
Thời kỳ cổ đại
Được xem là ngọn nguồn sâu sắc và phong phú của văn minh nhân loại, cũng là quê hương của những tư tưởng đầu tiên (mầm mống tư tưởng) về Nhà nước pháp quyền (NNPQ) của nhân loại. Các nhà tư tưởng đã soạn thảo những vấn đề cơ bản, mấu chốt của học thuyết luật pháp tự nhiên (natural law doctrine) với những quan điểm tiến bộ như: pháp luật là pháp luật tự nhiên, xuất phát từ bản chất lý trí của con người và thế giới xung quanh. Do pháp luật phản ánh thuộc tính vốn có của con người nên luật Nhà nước phải đáp ứng yêu cầu của luật tự nhiên; “mọi người đều bình đẳng”, “tự nhiên không sinh ra ai để làm nô lệ”,…“Khác với phương Đông, pháp luật trong quan niệm của các nhà Triết học cổ đại phương Tây ngoài việc tôn trọng pháp luật còn gắn với yêu cầu pháp luật phải chứa đựng nội dung công bằng của số đông” (3).
Périclés (495-429 tr.CN) là một nhà chính trị, nhà hùng biện, tướng lĩnh tài ba và có ảnh hưởng sâu sắc với xã hội Athena, “người con dân đầu tiên của thành Athena” (Thucydides). Ông quan niệm: Cơ sở chế độ dân chủ là một chế độ pháp quyền và bình đẳng. Tất cả những người Athenes là bình đẳng, bình đẳng trong đời sống riêng tư “bình đẳng trong việc giải quyết những bất đồng giữa các tư nhân, bình đẳng trong việc nhận những vinh dự, có được do những công lao chứ không phải do giai cấp”. Tất cả mọi người được tham gia vào các công việc công, kể cả những người lao động chân tay. Thành bang hạnh phúc chỉ có thể là thành bang công bằng. Nền dân chủ được xây dựng trên hai nguyên tắc cơ bản: Một mặt, sự bình đẳng đối với luật pháp: “tất cả mọi người, theo luật pháp, được hưởng bình đẳng”, trước hết là bình đẳng dân sự và chính trị. “Với quyền ngang nhau trước pháp luật, thích hợp là quyền ngang nhau được nói ở hội nghị; Mặt khác là tự do tư tưởng (iségorie): “tất cả - chúng ta nói một cách tự do quan điểm của chúng ta về các lợi ích công cộng” (4).
Aristotle (384-322 tr.CN): nhà bác học vĩ đại được mệnh danh là “bách khoa toàn thư” của thời kỳ Hy Lạp cổ đại. Aristotle cho rằng luật đồng nghĩa với khái niệm công bằng hay công lý (justice), luật tự nhiên gắn với công lý tự nhiên (díkaion phýsei). Công lý cốt ở việc đối xử bình đẳng với những người ngang nhau và bất bình đẳng với những người không ngang hàng, tương xứng với sự khác nhau về địa vị của họ. Công bằng là sự bình đẳng giữa những người có cùng địa vị xã hội; sự bất bình đẳng giữa những người không có cùng địa vị xã hội cũng được coi là công bằng. Đối xử như nhau đối với những cái như nhau và đối xử khác nhau đối với những cái khác nhau. Có 2 loại công bằng, trong đó sự bình đẳng thể hiện ở hai hình thức khác nhau, đó là: (i) Công bằng bù trừ (iustitia commutativa) là công bằng giữa những cái khác nhau trong tự nhiên, nhưng như nhau trước pháp luật; là sự bình đẳng tuyệt đối giữa đưa và nhận giữa những cái được pháp luật xem như nhau (như: hàng hóa và giá cả, thiệt hại và bồi thường) và (ii) Công bằng phân chia (iustitia distributiva) là sự bình đẳng tương quan trong sự đối xử với một nhóm nguời, là sự phân bổ quyền và nghĩa vụ theo các chuẩn độ xứng đáng, khả năng, nhu cầu(5).
Cicéron (106-43 tr.CN): triết gia và luật gia La Mã cổ đại, “đại biểu của trí tuệ La Mã”, “cha đẻ của tài hùng biện và triết học” (Thomas Jefferson). Cicéron tuyên bố các đặc tính của luật tự nhiên: “Có một luật pháp thật sự, đó là lý tình công bằng chính trực phù hợp với tự nhiên, phổ biến trong tất cả các sinh vật, luôn luôn hòa hợp với bản thân nó, không diệt vong”. Pháp quyền đó sinh ra từ lý trí, ở trên các quyền lực. Luật đó là độc lập với những tính ngẫu nhiên, nó không khác ở Athènes và khác nhau ở La Mã, nó ngự trị tất cả các dân tộc trong tất cả các thời đại. Ai không tuân theo nó thì không tự biết mình, vì rằng họ đã không biết bản chất con người. Luật, trong định nghĩa của Cicéron phải là hiện thân và đồng nhất với công lý, để phân biệt giữa công bằng và bất công, là cách để xóa bỏ sự đồi bại và khuyến khích đạo đức. Các đạo luật do con người quy định phải phù hợp với tính công minh và quyền tự nhiên vì sự phù hợp là tiêu chuẩn để đánh giá tính công minh của chúng. “Những đạo luật xấu xa và bất công có thể là bất cứ thứ gì nhưng không phải là luật, bởi vì trong định nghĩa của khái niệm luật vốn đã chứa đựng lý tưởng và nguyên tắc để chọn lựa những gì là công bằng và đúng đắn” (Luật bất công không phải là luật, một luật bất công chỉ là luật trên danh nghĩa). Theo ông, sự công bằng có tính chất tự nhiên hay hợp lý, vừa trở thành một yếu tố chủ yếu của Nhà nước vừa là mục đích của chính trị. Một Nhà nước không có công lý là gì, nếu không phải là những băng cướp được mở rộng?
Thời kỳ Trung đại
Thời kỳ Trung đại ở phương Tây (thế kỷ IV-XVI) chứa đầy bạo lực và giáo điều cuồng tín, được xem là “đêm trường” tăm tối và khắc nghiệt trong lịch sử loài người. Xã hội chìm đắm trong xiềng xích nô lệ của thần quyền và thế quyền. Tư tưởng chính trị phương Tây thể hiện sự kết hợp và xuyên thấu lẫn nhau giữa thần quyền và thế quyền để thống trị thần dân mà biểu hiện cơ bản là sự thống trị của Thiên chúa giáo đối với tinh thần của nông nô. Đây là thời kỳ in dấu ấn đặc thù trong dòng chảy tư tưởng nhân loại về cuộc đấu tranh giữa đức tin và lý trí. Tư tưởng pháp quyền thời Trung cổ gắn liền với các đại biểu tư tưởng Saint Augustin và Saint Thomas D’Aquin.
Saint.Augustin (354-430): là người được Giáo hoàng suy tôn suốt thời Trung cổ, các học giả trung - cận đại ở Tây Âu tôn xưng là Đại bàng của các nhà thông thái, Cha của phương Tây. “Thành bang của Thượng đế” (The City of God) là một sự liên hợp giữa thiên thần và con người xây dựng trên pháp quyền chỉ tồn tại ở nơi nào có sự công bằng. Bác bỏ những sai lầm trộn lẫn công bằng và sức mạnh (force), Augustin cho rằng: quyền lực - bản thân có tất cả cái phải sợ nếu tách xa sự công bằng. “Không có Thượng đế thì không có công bằng; không có công bằng thì không có pháp quyền; không có pháp quyền thì không có nhân dân; không có nhân dân thì không có Nhà nước. Vua bất công là một bạo chúa; quý tộc bất công là một đảng loạn; nhân dân bất công cũng như vua bất công - đáng được gọi là bạo nghịch”(6). Nhà nước không biết đến pháp quyền (droit) không phải chỉ là một Nhà nước thoái hóa, mà đó là một Nhà nước tự tiêu diệt. Công bằng, bản thân nó có trước quyền lực, không thay đổi, vĩnh hằng, tối thượng, chung trong không gian và trong thời gian, cho tất cả các thể thế, tất cả các ý thức. Sự thiếu công bằng làm lầm lạc quyền lực và quyền lực sai lạc là một quyền lực tự làm mất mình. Các vương quốc không có công bằng là gì nếu không phải là những việc tham nhũng cướp bóc? Vậy công bằng nằm ở đâu? Nó cốt ở chỗ làm tròn bổn phận của mình với sự đúng đắn nhất. Bàn về vai trò và các bổn phận của chính quyền, ông cho rằng “Quyền uy (quyền lực Nhà nước) phải được chấp nhận như là một sự phục vụ và được yêu thích như là một việc làm phúc”. Quyền lực là công cụ để thực hiện tình yêu và sự công bằng. Sứ mệnh của quyền lực là làm cho công bằng ngự trị - chính trong mục đích đó mà uy lực đã được đem lại cho ông vua mang một nghĩa rất rộng về người thực nghiệm quyền lực (công lý là điểm tựa chính trị, đạo lý trong mỗi thể chế). Nhà cầm quyền phải đặt quyền uy phục vụ nhân dân, lấy công bằng làm gốc, từ thiện làm ngọn, điều độ, dám hy sinh vì người khác và biết giới hạn khát vọng cá nhân. Với sự công bằng làm gốc và việc từ thiện làm ngọn, thành bang tạo ra hạnh phúc cho các công dân. Ông cảnh báo: sự sa sút về phẩm chất và tư cách nhà cầm quyền chính là nguyên nhân chủ yếu làm sụp đổ Nhà nước; nếu không có công lý, Nhà nước chỉ là một băng cướp có tổ chức mà thôi.
Saint Thomas D’aquin (1225- 1274): là triết gia thần học người Ý, nhà tư tưởng chính trị nổi tiếng của chế độ phong kiến, tu sĩ dòng Dominic, tiến sĩ Giáo hội Công giáo, đại diện tiêu biểu của triết học trung cổ Tây Âu và của trường phái luật tự nhiên tôn giáo. D’aquin chia luật pháp thành 4 loại: luật vĩnh cửu, luật tự nhiên, nhân luật và thần luật (luật của nhà thờ - Kinh Thánh). Luật vĩnh cửu của Chúa có giá trị cao nhất, quyết định sự tồn tại của vạn vật. Luật tự nhiên là sự phản chiếu luật vĩnh cửu bằng lý trí con người, là phương tiện cho loài người có lý tính kết nối luật vĩnh cửu với luật thực định. Nguyên tắc hiển nhiên và đầu tiên của luật tự nhiên là duy trì và bảo vệ cái tốt, loại trừ cái xấu, giúp con người có thể phân biệt tốt - xấu dưới ánh sáng của lẽ phải. Luật thực định phải được điều chỉnh phù hợp với luật tự nhiên, nếu không, những quy tắc do con người ban hành sẽ không phải là luật thực sự mà chỉ là sự bóp méo của pháp luật. Pháp luật không phải là gì khác hơn là “một mệnh lệnh của lý trí vì mục tiêu tốt đẹp của cộng đồng” và phải bao hàm được trong nó yếu tố hợp lý. “Mọi luật lệ của con người không có gì ngoài bản chất của luật vì nó bắt nguồn từ luật của tự nhiên. Nhưng nếu tại một thời điểm nào bất kỳ, đi chệch khỏi luật của tự nhiên, nó không còn là luật nữa mà chỉ là sự xuyên tạc của luật”(7). Cho nên, chính quyền nào ban hành đạo luật trái với luật tự nhiên (bất công, vô lý, chống lại lợi ích chung) sẽ mất đi sự phục tùng vì đã đánh mất quyền lực đạo đức. Không những phải phù hợp và bắt nguồn từ luật tự nhiên và dừng lại ở chỗ không bất công, luật phải luôn luôn vươn đến luật tự nhiên với sự đúng đắn, công bằng nhất. Ông cho rằng, công lý là một phẩm hạnh giúp mỗi người được hưởng những gì mà họ xứng đáng, trật tự pháp lý đem đến cho con người cái thuộc về họ và làm cho họ có thể đạt đến sự dồi dào về vật chất, tinh thần. Bất luận trong hoàn cảnh nào, con người cũng cần được sống, nhà cầm quyền không được ban hành những đạo luật cấm thần dân sống, hôn nhân và sinh đẻ như dưới thời nô lệ.
Thời kỳ Phục hưng
Thời kỳ Phục hưng (thế kỷ XIV- XVII) phục sinh những giá trị của nền văn hóa cổ đại Hy Lạp dường như đã bị lãng quên trong nền chuyên chế phong kiến kéo dài hàng nghìn năm ở châu Âu. Nhiều nhà tư tưởng tiêu biểu với những tư tưởng tái khám phá giá trị và tri thức. Không đơn thuần dừng lại ở việc tiếp thu và khôi phục các giá trị truyền thống mà còn phát triển với nhiều sắc thái riêng của một thời kỳ lịch sử của những tư tưởng giải phóng và cách mạng, thể hiện tư duy duy lý, trí tuệ, khoa học, tinh thần luật pháp, tự do, bình đẳng trước pháp luật, ý thức công dân và Nhà nước pháp quyền...
Théodore de Bèze (1519-1605): là nhà nhân văn, thần học Tin lành, dịch giả Kinh thánh, giáo sư, đại sứ và nhà thơ người Pháp. Có những giới hạn mà Bèze gọi là “tình thương” và “tính thiện” (đúng hơn phải là “lẽ công bằng” hay “tính chính trực”) đối với quyền lực của pháp quan. Những giới hạn đó bị vượt quá ra ngoài thì pháp quan không còn chỉ huy theo pháp quyền phù hợp.
Hobbes (1588-1679): nhà triết học người Anh theo đạo Tin lành, được xem như cha đẻ của “triết lý chính trị hiện đại”. Ông cho rằng, quyền lực lớn nhất là thứ quyền lực được cộng gộp lại từ các quyền lực của hầu hết mọi người, qua sự ưng thuận, cho một con người”(8). Điều này có nghĩa là: vì mục đích hòa bình, các cá nhân sẵn sàng trao nộp một số quyền lợi hay tự do của mình để đi vào cái mà Hobbes gọi là Khế ước (contract). Nơi khế ước, các cá nhân tự thỏa thuận với nhau, dựa trên sự bình đẳng (equality), để trao quyền tự chủ của mình cho chúa tể, chứ đó “không phải là một khế ước giữa chúa tể với các công dân” (9).
Thời kỳ Cận-hiện đại
Thời kỳ Cận-hiện đại (thế kỷ XVII - nửa đầu thế kỷ XIX): đời sống chính trị ở các nước phương Tây chuyển biến mạnh mẽ (chủ nghĩa tư bản) “một trật tự mới của các sự vật đã bắt đầu”. Những tư tưởng chính trị xuất sắc trỗi dậy, được tiếp tục bổ sung, hoàn thiện; chuẩn bị cho việc xác lập về mặt pháp lý quyền lực của giai cấp tư sản, tư tưởng chính trị phương Tây được hình thành, bước sang giai đoạn phát triển rực rỡ với những tư tưởng phổ quát, cách mạng và nhân văn. Đây cũng là thời kỳ phát triển rực rỡ của các trào lưu tư tưởng, một thời đại vĩ đại đã sản sinh ra các nhà tư tưởng vĩ đại với những tư tưởng vạch thời đại để mở đầu cho những đại biểu lớn với những tư tưởng có giá trị; đã vén bức màn huyền bí, ảm đạm, tiêu cực để tạo ra luồng sinh khí mới trong đời sống xã hội.
John Locke (1632-1704): triết gia, nhà tư tưởng lớn người Anh, cha đẻ của chủ nghĩa “tự do cổ điển” (classical liberalism), tác giả của Hai khảo luận về chính quyền (Two Treatives on Government, 1960). Luận giải về nguồn gốc và bản chất của Nhà nước xuất phát từ quyền tự nhiên của con người là tối cao và bất khả xâm phạm. Do quy luật tự nhiên của xã hội nảy sinh ra bất công về kinh tế xã hội, mất an ninh và quyền tự nhiên của con người bị xâm phạm. Để bảo vệ quyền tự nhiên của con người thì mọi thành viên trong xã hội cùng “ký kết khế ước” để hình thành một chính quyền có quyền lực chung (quyền lực bắt nguồn từ các thành viên xã hội). Các quyền tự nhiên của con người bao gồm tự do, bình đẳng và sở hữu là tự nhiên và không thể bị tước đoạt, Nhà nước được lập nên là để bảo vệ các quyền của con người, bảo vệ pháp luật và không được xâm phạm đến chúng.
S.L.Montesquieu (1694-1755): nhà tư tưởng vĩ đại trong thời kỳ Khai sáng với tư tưởng đề cao “tinh thần pháp luật”; thể hiện ý chí và khát vọng xây dựng một xã hội mới không còn áp bức, bất công và có khả năng đem lại tự do cho mọi người, hòa bình cho nhân loại. Ông khẳng định mọi vật đều có luật của nó (là những quan hệ tất yếu từ trong bản chất sự vật) và luật tự nhiên tạo ra sự tồn tại của con người. Những luật tự nhiên của con người là tự do, bình đẳng, kiếm sống, hòa bình và hợp thành xã hội. Sau khi tổ chức thành xã hội, cảm giác yếu đuối trong trạng thái tự nhiên biến mất và con người dần dần nhận thức được sức mạnh của mình. Khi xã hội xuất hiện tình trạng mâu thuẫn không thể điều hòa thì Nhà nước ra đời để giữ gìn sự bình ổn của xã hội.
Voltaire (1694-1778) là nhà văn, nhà triết học thời Khai sáng và Bách khoa toàn thư người Pháp.
Là người nổi bật về sự trào phúng và cứng rắn đả kích giáo hội Công giáo và Ki-tô giáo nói chung, cổ súy tự do tôn giáo và việc tách giáo hội ra khỏi Nhà nước; Voltaire bày tỏ sự thiện cảm với chế độ cộng hòa vì sự hợp lý và những ưu việt của nó: đó là “nơi ngự trị sự bình đẳng thực sự” (Di chúc chính trị). Ông kêu gọi hãy “Đối xử với những người khác như là anh muốn đối xử cho bản thân mình; hành động theo cách mà châm ngôn của anh có thể là một quy luật phổ biến” tất cả điều đó không đụng đến trật tự chính trị. Ông quan niệm: “bình đẳng trong cái chủ yếu” những con người đóng “những vai trò khác nhau” trên sân khấu thế giới. “Chúng ta tất cả đều là những con người ngang nhau, nhưng không phải là những thành viên bình đẳng của xã hội”(10).
JJ. Rousseau (1712-1778): nhà tư tưởng vĩ đại, một trong những đại diện xuất sắc của trào lưu Khai sáng thế kỷ XVIII ở Pháp, cha đẻ của thuyết “khế ước xã hội”. Trong xã hội, mọi người phải được tự do bình đẳng và đó là trạng thái tự nhiên vốn có, là phúc lợi cao nhất của con người, quyền lực trong xã hội phải thuộc về nhân dân. Chế độ tư hữu và tình trạng chiếm đoạt tài sản là nguyên nhân dẫn đến bất bình đẳng xã hội. “Người ta sinh ra tự do nhưng rồi đâu đâu con người cũng sống trong xiềng xích. Nếu tìm xem điều tốt nhất cho tất cả mọi người và đỉnh cao nhất của các hệ thống lập pháp là cái gì, ta sẽ thấy điều đó quy gọn vào hai mục tiêu: tự do và bình đẳng. Vì vậy, mục tiêu xây dựng xã hội mọi người được tự do bình đẳng và quyền lực trong xã hội thuộc về nhân dân. Và phương pháp duy nhất giúp con người tự bảo vệ mình là họ phải kết hợp lại với nhau thành một lực lượng chung, được điều khiển bằng một động cơ chung và hình thức liên kết sức mạnh ấy gọi là “khế ước xã hội” (du contrat social).
Emmanuen Kant (1724-1804): nhà tư tưởng vĩ đại của Khai sáng Đức, một trong những nhà triết học vĩ đại nhất của lịch sử tư tưởng phương Tây trước Mác. Sự phân chia Nhà nước pháp quyền hay Nhà nước độc tài là dựa vào các quy định pháp luật có hay không việc phân công quyền lực Nhà nước (lập pháp, hành pháp, tư pháp). Chỉ có sự phân công, phối hợp điều hòa giữa ba quyền mới bảo đảm chủ quyền của nhân dân được thực hiện trên thực tế, ngăn ngừa được chuyên chế độc tài và tất cả các công dân bình đẳng trước pháp luật. Để đạt mục tiêu bảo vệ “tự do cá nhân” thì nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật cần được thực thi. Khi mọi người lệ thuộc luật pháp thì không tự động có nghĩa là tất cả đều được bình đẳng, mà cần loại bỏ mọi sự phân biệt áp dụng luật pháp, không chấp nhận mọi ưu quyền mà không có cơ sở(11).
Denis Diderot (1713-1784): nhà triết học, nhà phê bình nghệ thuật, nhà văn người Pháp. Ông cho rằng Nhà nước ra đời do khế ước xã hội nên Nhà nước phải bảo đảm bình đẳng và tự do (Nhà nước nào vi phạm điều đó thì không còn tư cách để tồn tại). Bản chất con người phải phù hợp với trạng thái tự nhiên và luật pháp quán triệt điều đó chứ không phải ngược lại. Mọi chức vụ của người cầm quyền phải được thực hiện bằng thi cử.
A.DeTocqueville (1805-1859): một chính khách người Pháp, người thành lập môn “chính trị khoa học so sánh”, tác giả của một số khảo luận về hệ thống chính trị của Hoa Kỳ (sau này trở thành tác phẩm kinh điển). Phân tích hệ thống lập pháp và hành pháp của Hoa Kỳ cùng ảnh hưởng của những định chế xã hội và chính trị đối với thói quen và cách hành xử của dân chúng, Tocqueville nhận định: Nếu sự bình đẳng là dấu hiệu của nền dân trị, thì việc săn đuổi sự giàu có là dấu hiệu tiêu biểu của sự bình đẳng. “Sự bình đẳng của những điều kiện” là điểm xuất phát và hòn đá tảng trong học thuyết chính trị của Tocqueville.
Gustav Radbruch (1878-1949): nhân vật tiêu biểu trong triết học pháp lý và khoa học pháp lý của Đức thế kỷ XX. Công bằng cũng là bình đẳng, nhưng nguyên tắc bình đẳng chỉ có tính chất hình thức, bởi vậy cần phải có một nguyên tắc mang tính chất nội dung. Gustav Radbruch đã đưa ra khái niệm “phù hợp với mục đích”, nhưng khái niệm này không bao hàm trong khái niệm công bằng mà ông đặt nó bên cạnh công bằng và “bảo đảm an toàn pháp lý”. Ông cho rằng, công bằng, sự phù hợp với mục đích và an toàn pháp lý là ba mặt của khái niệm pháp quyền.
Arthur Kaufmann (1872-1938): nhà triết học Đức nổi tiếng với các tác phẩm bàn về triết học pháp quyền. Tiếp thu, phát triển tư tưởng của Radbruch và lập luận rằng, công bằng (theo nghĩa rộng) có ba khía cạnh: (i) sự bình đẳng (công bằng theo nghĩa hẹp) là khía cạnh hình thức của công bằng; (ii) sự phù hợp với mục đích (hay là công bằng xã hội) là khía cạnh nội dung của công bằng (iii) sự bảo đảm an toàn pháp lý (hiệu lực của luật) là chức năng của công bằng. Công bằng chính là sự bình đẳng và nguyên tắc bình đẳng chỉ mang tính hình thức. Trong nhiều trường hợp cụ thể, nguyên tắc trên có thể gây ra những bất công. Do vậy, cần phải có thêm một nguyên tắc mang tính nội dung nhằm bảo đảm về mặt khoa học và thực tiễn. Nguyên tắc nội dung này chính là tính mục đích của pháp quyền hay công bằng xã hội (soziale Gerechtigkeit).
Ý nghĩa
Bình đẳng là khái niệm đa diện và phức tạp, thường được tiếp cận từ nhiều góc độ và quan niệm khác nhau, như:
(i)Bình đẳng là công bằng (equality is equity), các quyền lợi được hưởng theo nguyên tắc luật công bình dựa trên luật thành văn về quyền sở hữu (equitable interests), được thể hiện trong công thức “Nếu không có lý do cho bất kỳ cơ sở nào khác của việc phân chia của cải thì tất cả mọi người được quyền đối với tài sản đó phải được chia bằng nhau”(12) (châm ngôn); “đối xử như nhau đối với những cái giống nhau và không như nhau đối với những cái không giống nhau”. Bình đẳng là hạt nhân và là yếu tố cơ bản hợp thành sự công bằng và sự công bằng trong nguyên tắc bình đẳng. Dưới góc độ pháp lý, sự công bằng được hiện diện thông qua sự “bình đẳng” mà pháp luật thường quy định.
(ii)Bình đẳng là dân chủ: Các nhà kinh điển của tư tưởng dân chủ (như Pericles, Solon, Tocqueville...) thì dân chủ là hình thức căn bản của công bằng, và nguyên tắc bình đẳng là nguyên tắc tối cao của dân chủ; bình đẳng là đạo đức của dân chủ.
(iii)Bình đẳng là công lý: Thường được sử dụng trong đời sống pháp lý và đặc biệt là trong hoạt động tư pháp. Công lý là “cái lẽ phù hợp với đạo lý và lợi ích chung của xã hội”(13); là “sự công bằng hay chính nghĩa, sự đúng đắn, lẽ phải; là “sự công bằng và hợp lý, với ý niệm cơ bản: yêu cầu các cá nhân phải được đối xử một cách thích đáng, không thiên vị và một cách bình đẳng”(14). Là thiết chế trung tâm bảo vệ pháp luật, tòa án là biểu tượng và là nơi thể hiện lẽ công bằng, tính nhân đạo, thiện và ác qua các sự kiện pháp lý cụ thể. Các giá trị cao cả của lẽ phải, lẽ công bằng, đạo lý, lương tâm, lương tri, đạo đức, sự vị tha, lòng trắc ẩn và các giá trị tiến bộ xã hội khác cần phải là điểm tựa, là các chuẩn mực soi rọi các bản án, quyết định của tòa án. Các đại biểu của truyền thống pháp luật tự nhiên (Hugo Grotius, Lon Fuller,..) cho rằng luật pháp phục vụ công lý để giúp tạo dựng sự bình yên và bảo vệ các quyền cá nhân của con người trước sự vi phạm. Luật pháp không dựa trên các giá trị cơ bản của công lý sẽ trở lên tàn bạo, hà khắc. Do đó, luật pháp cần phải phản ánh được nhu cầu, lợi ích của toàn xã hội, phải chuyển tải đầy đủ những giá trị tiến bộ của lương tri, đạo đức, các giá trị nhân văn, nhân đạo, dân chủ, công lý, công bằng, lẽ phải, bảo đảm và bảo vệ các quyền con người.
(iv)Bình đẳng tự nhiên (sự bình đẳng là một điều tự nhiên) là những quan niệm đã được thừa nhận rộng rãi, coi bình đẳng như một thuộc tính tự nhiên của con người, “con người sinh ra đều bình đẳng”. Bình đẳng tự nhiên tồn tại như một tiền đề thực hiện bình đẳng xã hội.
(v)Bình đẳng xã hội là “Sự được đối xử như nhau về các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa không phân biệt thành phần và địa vị xã hội, trong đó trước tiên và cơ bản nhất là bình đẳng trước pháp luật”(15). Đó là một tình trạng mà trong đó tất cả mọi người trong một xã hội hay một nhóm cụ thể nào đó có địa vị, tình trạng pháp lý tương tự như nhau ở những khía cạnh nhất định, thường bao gồm các quyền dân sự, tự do ngôn luận, quyền sở hữu và tiếp cận bình đẳng đối với hàng hóa và dịch vụ xã hội. Bình đẳng xã hội đòi hỏi sự không phân chia ranh giới giai cấp hay đẳng cấp được thực thi một cách hợp pháp và không có phân biệt đối xử. Bình đẳng xã hội thừa nhận và sự thiết lập các điều kiện, các cơ hội và các quyền ngang nhau cho sự tồn tại và phát triển của các cá nhân, các nhóm xã hội. Bình đẳng xã hội và công bằng xã hội là một quá trình xã hội, cần thực hiện nguyên tắc công bằng xã hội để từng bước tiến tới bình đẳng xã hội; bình đẳng xã hội phải được thực hiện trên nền tảng công lý, pháp luật.
(vi)Bình đẳng trước pháp luật được hiểu là “ngang hàng nhau về địa vị và quyền lợi. Trước pháp luật mọi người đều bình đẳng, có nghĩa là mọi người đều phải tuân theo pháp luật đồng thời được pháp luật bảo hộ các quyền và lợi ích hợp pháp, dù ở bất cứ cương vị nào”(16) (bình đẳng trước pháp luật là điều kiện cơ bản để đạt đến sự công bằng). Sự công bằng được hiện diện thông qua sự “bình đẳng” mà pháp luật thường quy định.
Không chỉ tập trung luận giải về yêu cầu, vai trò, giá trị, các nhà tư tưởng đã dành sự phân tích và bàn luận khám phá những phương diện của bình đẳng và mối quan hệ của nó với các hiện tượng chính trị - pháp lý khác như công bằng, dân chủ, công lý… tạo nên những tri thức phong phú, đa dạng về bình đẳng trong hành trình lịch sử tư tưởng. Đặc biệt, những quan niệm, tư tưởng về bình đẳng luôn song hành, trở thành một nội dung quan trọng không thể tách rời dòng tư tưởng về pháp luật tự nhiên và trở thành mạch nguồn tư tưởng chủ đạo trong suốt chiều dài lịch sử tư tưởng phương Tây. Học thuyết pháp luật tự nhiên cũng xem là nền tảng của tư tưởng về Nhà nước pháp quyền đã được thử nghiệm, chọn lọc qua nhiều thế kỷ, trở thành hiện thực ở nhiều nước và mô hình phổ biến của thời đại hôm nay.
Là hạt nhân tư tưởng tiến bộ của nhân loại, cùng với các tư tưởng cách mạng khác (tự do, bình đẳng, bác ái), bình đẳng trở thành nguồn ánh sáng tư tưởng và động lực to lớn, mở đường các cuộc cách mạng để hiện thực hóa những khát vọng giải phóng nhân loại, tạo nên sự thay đổi có tính bước ngoặt trong lịch sử nhân loại. Tư tưởng bình đẳng còn được ghi nhận, thể chế hóa trong những văn kiện pháp lý có giá trị bất hủ và ý nghĩa thời đại. Trong Tuyên ngôn độc lập của Mỹ (1776) và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp (1789) đều đề cao giá trị bình đẳng, công bằng, mục đích là chống lại sự phân biệt đối xử dựa trên sự khác biệt về nguồn gốc xuất thân, chủng tộc, màu da, giới tính, xu hướng tình dục, ngôn ngữ, tôn giáo, thế giới quan chính trị, nguồn gốc xuất thân, tài sản hay các điều kiện khác. Bình đẳng trước pháp luật được xem là một nguyên tắc cơ bản cấu thành một xã hội dân chủ, đã được ghi nhận trong các văn kiện nhân quyền toàn cầu, khu vực và hiến pháp của hầu hết quốc gia. Tư tưởng bình đẳng còn được thể chế hóa thành một trong những nguyên tắc, nội dung cơ bản của “Nhà nước pháp quyền” với các yêu cầu Nhà nước luôn tuân thủ, bảo vệ quyền công dân và quyền con người; giữa công dân và Nhà nước, các đơn vị kinh tế và các tổ chức xã hội có mối quan hệ thông qua pháp luật, trách nhiệm pháp lý - nghĩa là Nhà nước và công dân luôn luôn bình đẳng với nhau.
Ngày nay, sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước đang đặt ra cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam nhiệm vụ trực tiếp là xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, thể hiện được các giá trị phổ biến của nhân loại, vừa khẳng định được bản sắc, đặc điểm riêng của mình. Với ý nghĩa đó, việc tiếp tục đi sâu nghiên cứu nội dung tư tưởng, nguyên tắc công bằng nhằm phục vụ yêu cầu xây dựng, hoàn thiện mô hình Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN không chỉ có tính cấp thiết về lý luận và thực tiễn mà còn là vấn đề có tính thời sự cấp bách và là trách nhiệm đối với chúng ta.
(1)Nguyễn Đăng Thục, Lịch sử Triết học Đông phương, tập 2, Tủ sách Văn hóa nhân bản, 1963. (2)Phan Ngọc, Hàn Phi Tử, Nxb Thông tin, 1998, tr.62. (3) Nguyễn Bá Dương, Trần Hậu Thành, Lê Thị Hoài Thanh, Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2010. (4) Marcel Prélot và Georges Lescuyer, Lịch sử các tư tưởng chính trị (Bùi Ngọc Chưởng dịch, Hồ Văn Thông hiệu đính), NXB Dalloz, 1975. (5) Kaufmann, D, Corruption: The Facts, Foreign Policy, 1997. (7)Adler J. Mortimer, Những tư tưởng lớn từ những tác phẩm vĩ đại. NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2006, tr.109. (8)Thomas Hobbes, Leviathan, Oxford University Press, 2015, tr. 72. (9)Samuel Enoch Stumpf (2007), Lịch sử triết học và các luận đề (sách tham khảo), NXB Lao động, 2007. (6)Marcel Prélot và Georges Lescuyer, 1975, tr.224. (10)Marcel Prélot và Georges Lescuyer (1975), tr. 478. (11)Hoàng Thị Kim Quế, Nguyễn Đăng Dung (đồng chủ biên), Lịch sử tư tưởng chính trị-pháp lý, NXB. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2015, tr. 268. (12)Nguyễn Thành Minh (chủ biên), Từ điển pháp luật Anh-Việt, NXB Thế giới, 1998, tr. 347. (13)Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt, NXB. Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, 2004. (14)Raymond Wacks, Triết học luật pháp (Phạm Kiều Tùng dịch), NXB. Tri thức, 2011. (15) Từ điển Bách khoa Việt Nam, tập 3, NXB. Từ điển Bách khoa, 1995. (16) Viện Ngôn ngữ học, tlđd. |
PGS.TS ĐỖ ĐỨC MINH
Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội
Bảo quản và xử lý vật chứng trong điều tra tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản