Bảo quản và xử lý vật chứng trong điều tra tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản

10/08/2024 23:03 | 1 tháng trước

(LSVN) - Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản có liên quan, trong quá trình điều tra các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng các cấp, đặc biệt là cơ quan điều tra thực hiện việc thu giữ, niêm phong, bảo quản và xử lý vật chứng, tài sản, đồ vật, tài liệu trong điều tra tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bảo đảm giá trị chứng minh của chứng cứ. Tuy nhiên, thực tiễn công tác này còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ, kết quả công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự và những người có liên quan; thậm chí dẫn đến làm hư hỏng tài sản; gây lãng phí, thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, của tổ chức, cá nhân. Bài viết phân tích thực trạng và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác bảo quản và xử lý vật chứng trong điều tra tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong thời gian tới.

Ảnh minh hoạ.

Công tác bảo quản vật chứng trong điều tra tội phạm được quy định tại Điều 90 Bộ luật Tố tụng hình sự; Nghị định số 70/2013/NĐ- CP ngày 02/7/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý kho vật chứng ban hành kèm theo Nghị định số 18/2002/NĐ-CP  ngày  18/02/2002 của Chính phủ và Thông tư số 58/2017/TT-BCA ngày 20/11/2017 của Bộ Công an quy định về công tác bảo quản kho vật chứng trong Công an nhân dân.

Hoạt động xử lý vật chứng được quy định tại Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự, Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT-VKSNDTC- TANDTC-BCA-BQP-BNN&PTNT-BTC-BTP như sau: Việc xử lý vật chứng do cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do viện kiểm sát quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do chánh án tòa án quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử; do hội đồng xét xử quyết định nếu vụ án đã đưa ra xét xử. Việc thi hành quyết định về xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản. Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy. Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước. Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì tịch thu và tiêu hủy.

Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự cần thực hiện: trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó; trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án; vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật, trường hợp không bán được thì tiêu hủy; vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng thì giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Thực trạng công tác bảo quản và xử lý vật chứng trong điều tra tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Trong những năm vừa qua, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, tình hình tội phạm nói chung và tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng đang diễn ra phức tạp, có xu hướng hình thành băng nhóm tội phạm, hoạt động hết sức tinh vi, xảo quyệt. Hàng năm trên cả nước trung bình xảy ra khoảng 3.000 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vật chứng chủ yếu trong các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản là tiền, vàng, kim khí quý, đá quý có giá trị lớn; hàng tiêu dùng (quần áo, giày dép, cặp sách, túi da; hàng mỹ phẩm; đồ trang sức; đồ gia dụng…); máy móc, thiết bị điện tử (điện thoại, máy tính; phương tiện vận tải (ô tô, xe máy; tàu thuyền…); giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…

Cùng với quá trình điều tra vụ án, công tác bảo quản và xử lý vật chứng luôn được quan tâm, chú trọng và thực hiện chặt chẽ, đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, trong thực tiễn, vẫn còn nảy sinh một số khó khăn, vướng mắc:

Thứ nhất, số lượng vật chứng trong các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản là tương đối lớn trong khi đó các kho vật chứng luôn luôn trong tình trạng quá tải mà chưa có phương án xử lý nhanh chóng và kịp thời. Do đó, tùy từng địa phương, có đơn vị phải thuê kho, bãi để bảo quản các vật chứng, tài sản cồng kềnh, số lượng lớn. Kho vật chứng không tập trung dẫn đến khó khăn trong việc tiếp nhận, quản lý, xử lý vật chứng, tài sản. Trong bối cảnh số lượng vật chứng, tài sản tạm giữ ngày càng nhiều và đa dạng về chủng loại, điều kiện không bảo đảm sẽ tiềm ẩn các nguy cơ ảnh hưởng đến công tác bảo quản, quản lý.

Bên cạnh đó, hiện nay 100% các đơn vị đều không có công chức chuyên trách quản lý kho vật chứng mà bố trí cán bộ kiêm nhiệm. Do chưa được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ quản lý kho nên những năm qua, để hoàn thành nhiệm vụ được giao, ngoài công tác chuyên môn, các cán bộ kiêm nhiệm quản lý kho vật chứng còn dành thời gian tự tìm hiểu, nghiên cứu các văn bản liên quan, đồng thời vừa làm vừa rút kinh nghiệm, song đôi khi không tránh khỏi lúng túng khi tiếp nhận một số vật chứng có tính chất đặc thù.

Thứ hai, đối với các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ thời hạn kéo dài (10-20 năm), việc bảo quản vật chứng hết sức khó khăn. Đặc biệt với thời tiết, khí hậu tại Việt Nam rất dễ làm hư hỏng, giảm giá trị vật chứng, đồ vật, tài liệu. Trong nhiều vụ án về tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cơ quan điều tra thu giữ, tạm giữ vật chứng, tài sản, đồ vật, tài liệu nhiều cần phải thuê kho, bến bãi… có đủ điều kiện để bảo quản vật chứng, số tiền thuê phải trả hàng tháng là rất lớn, kéo dài nhiều năm dẫn tới gây tốn kém, thiệt hại cho ngân sách nhà nước. Nhiều vụ án, mặc dù mất nhiều chi phí để thuê kho, bãi quản lý với chi phí rất lớn nhưng sau khi kết thúc hoạt động tố tụng, việc tiến hành xử lý vật chứng (bán, tiêu hủy) thì số tiền thu được không tương xứng so với tiền thuê, quản lý vật chứng, gây lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước.

Thứ ba, việc tiếp nhận, thu thập, bảo quản, chứng cứ là phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử được quy định tại các Điều 88, 89, 90, 107 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Tuy nhiên, việc này cũng gặp khó khăn trong quá trình thực hiện các thao tác để tiếp cận với dữ liệu điện tử, người thực hiện cũng có thể có những sơ suất hoặc do không may có sự cố xảy ra. Khi tiến hành giải quyết vụ án hình sự có liên quan đến phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử đòi hỏi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trình độ am hiểu nhất định về công nghệ thông tin và dữ liệu điện tử, đặc biệt là trong các vụ án mà đối tượng phủ nhận hành vi phạm tội và có những thủ đoạn tinh vi nhằm che giấu hành vi phạm tội, trường hợp này người tiến hành tố tụng phải có cách tiếp cận dữ liệu điện tử kịp thời, giải mã dữ liệu nhanh chóng và bảo quản phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử bảo đảm.

Thứ tư, vướng mắc trong trường hợp vật chứng khi bị thu giữ thì có tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng ngay tại thời điểm thu giữ, bảo quản vật chứng. Theo quy định tại khoản 4 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng thì giải quyết theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Trong thực tế phát sinh tại thời điểm thu giữ, bảo quản vật chứng thì có tranh chấp ngay tại thời điểm này. Như vậy, thành phần tham gia thu giữ, niêm phong có cần có những người có tranh chấp về quyền sở hữu vật chứng tại thời điểm tài sản được thu giữ hay không, cách thức thực hiện thế nào, hiện nay chưa được hướng dẫn cụ thể, gây khó khăn cho việc thu giữ, bảo quản vật chứng.

Thứ năm, vật chứng là tiền có thể được thu thập trong một số vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Điểm b khoản 1 Điều 90 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định vật chứng là tiền phải được giám định ngay sau khi thu thập. Tuy nhiên, thực tế trong một số vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cơ quan tiến hành tố tụng không tiến hành giám định tiền để xác định tiền là thật hay giả mà chỉ lập biên thu giữ tang vật trong đó ghi nhận tổng số tiền đã tịch thu. Sai sót này dẫn đến việc bị can, bị cáo hoặc đương sự trong vụ án khiếu nại với lý do số tiền là vật chứng trong vụ án không phải là tiền của họ hoặc có sự đánh tráo tiền thật thành tiền giả… Trước đây, vật chứng là tiền sẽ được cơ quan tiến hành tố tụng bảo quản tại ngân hàng. Từ khi Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành thì vật chứng là tiền phải được bảo quản tại kho bạc nhà nước. Thực tiễn hiện nay vẫn có vụ án bảo quản vật chứng là tiền, cơ quan tiến hành tố tụng gửi tiền là vật chứng vào tài khoản của cơ quan tiến hành tố tụng tại ngân hàng hoặc kho bạc nhà nước là không đúng quy định vì không bảo đảm được tính nguyên vẹn của vật chứng, thậm chí còn gây khó khăn cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử, nhất là đối với vật chứng là tiền lưu dấu vết của tội phạm.

Thứ sáu, đối với các vật chứng, đồ vật dễ bị hư hỏng, khó bảo quản, tính khấu hao cao chưa có quy định cụ thể về việc xác định quy trình bán để bảo đảm giá trị của các loại vật chứng, đồ vật đúng quy định của pháp luật. Đối với các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ, tồn đọng đã lâu chưa có cơ chế để xử lý vật chứng, đồ vật, tài liệu.

Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo quản và xử lý vật chứng trong điều tra tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Một là, nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn cho cán bộ chiến sỹ. Với tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt đặc biệt là hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, cơ quan điều tra cần chú trọng công tác bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp nhận, bảo quản vật chứng, đồ vật, tài liệu…

Hai là, để thực hiện theo đúng quy định về bàn giao hồ sơ vụ án, tiếp nhận, kiểm tra, đánh giá vật chứng dưới hình thức gói niêm phong, cơ quan điều tra cấp trên cần hướng dẫn cụ thể việc giao nhận, mở niêm phong vật chứng của cán bộ làm công tác thụ lý. Đồng thời, cần có hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện theo biểu mẫu thống kê, xuất, nhập, sổ theo dõi vật chứng và các tài liệu, đồ vật, tài sản liên quan trong vụ án hình sự để việc quản lý, bảo quản, xử lý vật chứng được thống nhất và chặt chẽ; bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất như xây dựng kho vật chứng, tủ, giá… để cất giữ, bảo quản vật chứng đúng quy định của pháp luật.

Ba là, do nhận thức và hiểu biết về phương tiện điện tử của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng còn hạn chế nên việc thu giữ, bảo quản phương tiện, dữ liệu điện tử hiện nay chưa được thống nhất về cách thức tiến hành. Điều này ảnh hưởng đến tính khách quan và truy nguyên gốc của dữ liệu. Vì vậy, vấn đề tiếp nhận, khai thác và bảo quản chứng cứ là dữ liệu điện tử cần phải có hướng dẫn cụ thể của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền. Đồng thời, bản thân người tiến hành điều tra cũng cần phải tự nghiên cứu, tìm hiểu nguyên lý, đặc điểm, chức năng của một số phương tiện điện tử thông thường, nguyên lý hoạt động của mạng viễn thông, mạng xã hội… để vận dụng có hiệu quả khi giải quyết vụ án hình sự.

Bốn là, điều tra viên cần nắm chắc quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về vật chứng, đặc tính của từng loại vật chứng cụ thể và trình tự, thủ tục thực hiện các hoạt động thu thập, bảo quản, xử lý vật chứng. Trước khi tiến hành các hoạt động bắt quả tang, khám xét hay thu giữ đồ vật, tài liệu, điều tra viên cần nắm rõ tình tiết của vụ án, vụ việc, xác định rõ những nhóm đồ vật, tài liệu có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án, vụ việc để từ đó tập trung truy tìm khi tiến hành khám xét, bắt quả tang; đồng thời sàng lọc các đồ vật, tài liệu khác không liên quan; tránh việc thu giữ tràn lan, không có trọng tâm, trọng điểm.

Năm là, đối với những vật chứng mau hỏng, khó bảo quản, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa điều tra viên với kiểm sát viên, đồng thời trưng cầu cơ quan chuyên môn, các chuyên gia để trao đổi phương pháp bảo quản, xử lý phù hợp; bảo đảm đáp ứng yêu cầu, tiến độ điều tra và đúng quy định của pháp luật. Các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần phối hợp trong đề xuất cấp có thẩm quyền nghiên cứu xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất về vật chứng mau hỏng trong điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó nêu rõ, cụ thể tiêu chí xác định vật chứng mau hỏng hoặc khó bảo quản, quy định cơ quan nào có thẩm quyền xác định vấn đề này, cơ quan nào có thẩm quyền ra quyết định bán vật chứng mau hỏng hoặc khó bảo quản, đặc biệt là xây dựng quy trình thực hiện thống nhất, khoa học.

Tài liệu tham khảo

1.      Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

2.      Nghị định số 18/2002/NĐ-CP ngày 18/02/2002 của Chính phủ ban hành Quy chế Quản lý kho vật chứng, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 70/2013/NĐ-CP ngày 02/7/2013 của Chính phủ.

3.      Thông tư số 58/2017/TT-BCA ngày 20/11/2017 của Bộ Công an quy định về công tác bảo quản kho vật chứng trong Công an nhân dân.

4.      Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BNN&PTNT-BTC-BTP ngày 01

tháng 6 năm 2020 quy định phối hợp thực hiện một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự về quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ.

TRẦN THỊ NHÃ NHUNG

Học viện Cảnh sát nhân dân

 

Từ khoá : lsvn.vn LSVN