Bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng do hàng hóa không đảm bảo chất lượng theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023

21/02/2024 23:09 | 2 tháng trước

(LSVN) - Vấn đề bồi thường thiệt hại (BTTH) cho người tiêu dùng luôn là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm từ xã hội. Theo đó, tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 (BVQLNTD), vấn đề này dần được cụ thể hóa cùng với các cơ chế mới nhằm đảm bảo rằng người tiêu dùng có quyền và khả năng yêu cầu bồi thường khi gặp thiệt hại do hàng hóa không đảm bảo chất lượng. Đây là một bước tiến quan trọng khi tăng cường quyền của người tiêu dùng và xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan để người tiêu dùng nhận được sự bảo vệ tốt hơn và có khả năng đòi bồi thường khi cần thiết.

Ảnh minh họa.

Trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng được xây dựng dựa trên hành vi bất hợp pháp. Chế tài này được xây dựng để bảo vệ những đối tượng bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp. BTTH cho người tiêu dùng do hàng hóa không đảm bảo chất lượng cũng được xem là một loại bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Tại khoản 4, Điều 3, Luật BVQLNTD năm 2023 quy định: “Sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật là sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, có khả năng gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng nhưng chưa phát hiện được khuyết tật tại thời điểm sản phẩm, hàng hóa được cung cấp cho người tiêu dùng mặc dù sản phẩm, hàng hóa đó được sản xuất theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành”. Bao gồm các loại như là khuyết tật hàng hóa do thiết kế, khuyết tật do sản xuất và khuyết tật do không cảnh báo hoặc cảnh báo không đầy đủ những nguy hiểm xảy ra trong quá trình sử dụng sản phẩm.

Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường là có sự tồn tại của hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng nhưng cũng có thể xuất phát từ chính bản thân hàng hoá. Do đó, căn cứ cốt lõi để phát sinh là phải có thiệt hại xảy ra, thiệt hại đó có thể do hàng hóa có khuyết tật gây ra trong quá trình người tiêu dùng sử dụng hoặc việc cung cấp hàng hóa có khuyết tật gây ra thiệt hại cho người tiêu dùng, miễn sao xác định được “có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường...”. Các tổn thất này dựa trên quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa về việc bồi thường các tổn thất phát sinh do sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Bao gồm các tổn thất về giá trị của sản phẩm hoặc hàng hoá, trong đó có mất giá trị của sản phẩm hoặc sự hỏng hoặc hủy hoại tài sản.

Ngoài ra, tổn thất về tính mạng và sức khỏe con người cũng được xem xét trong phạm vi nào, liên quan đến thương tổn hoặc rủi ro đối với tính mạng và sức khỏe của người tiêu dùng. Hơn nữa, các tổn thất liên quan đến lợi ích kết nối với việc sử dụng và khai thác sản phẩm hoặc hàng hóa cũng nằm trong tầm quan trọng của luật này. Điều này bao gồm mất cơ hội hoặc lợi ích liên quan đến việc sử dụng sản phẩm mà không thể theo đúng mục đích dự kiến ban đầu. Cuối cùng, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục tổn thất cũng được xem xét, bao gồm các khoản chi phí hợp lý mà người tiêu dùng phải chi trả để ngăn chặn hoặc hạn chế tổn thất, hoặc để khắc phục những tổn thất đã xảy ra. Điều này nhấn mạnh cam kết của pháp luật trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm và báo về quyền lợi của người tiêu dùng khỏi những hậu quả không mong muốn”.

Nguyên tắc lý luận về chất lượng và an toàn sản phẩm và dịch vụ đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Bởi lẽ hàng hóa được bán trên thị trường phải luôn đảm bảo chất lượng và an toàn. Nếu hàng hóa không đảm bảo được những yêu cầu trên thì người tiêu dùng hoàn toàn có quyền yêu cầu bồi thường. Nguyên tắc trách nhiệm dân sự đã và được áp dụng, đặc biệt là trong trường hợp người hoặc tổ chức gây ra thiệt hại cho người khác. Khi sản phẩm hoặc dịch vụ gây thiệt hại cho người tiêu dùng do không đảm bảo chất lượng, các chủ thể trong chuỗi cung ứng phải chịu trách nhiệm bồi thường dựa trên nguyên tắc này. Căn cứ tại Điều 34, 35, Luật BVQLNTD 2023, có thể thấy rằng pháp luật Việt Nam đã áp dụng nguyên tắc trách nhiệm nghiêm ngặt đối với nhà sản xuất và không chấp nhận điều kiện phải chứng minh lỗi từ phía nhà sản xuất.

Như vậy, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hàng hóa không đảm bảo chất lượng là một phần quan trọng của hệ thống pháp luật bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng tại Việt Nam. Các căn cứ pháp lý và nguyên tắc lý luận này đảm bảo rằng người tiêu dùng luôn được bảo vệ và các chủ thể trong chuỗi cung ứng phải tuân thủ các tiêu chuẩn, chất lượng và an toàn đối với hàng hóa được bán ra thị trường.

Chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Luật BVQLNTD năm 2023 là nguồn pháp lý chính quy định quyền lợi người tiêu dùng và trách nhiệm của các chủ thể trong chuỗi cung ứng sản phẩm và dịch vụ. Đặt ra các quy định rõ ràng về trách nhiệm của nhà sản xuất, người kinh doanh, nhà phân phối, và nhà nhập khẩu đổi với chất lượng và an toàn của sản phẩm và dịch vụ. Nếu sản phẩm hoặc dịch vụ không đáp ứng các yêu cầu chất lượng và an toàn, các chủ thể nảy phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Trách nhiệm sản phẩm được thiết lập dựa trên nguyên tắc của trách nhiệm nghiêm ngặt. Theo nguyên tắc này, người sử dụng sản phẩm không cần phải chứng minh lỗi từ phía nhà sản xuất, thay vào đó, họ chỉ cần thỏa mãn ba điều kiện cụ thể sau:

Đầu tiên, sản phẩm (hoặc hàng hóa) phải có khuyết tật, và khuyết tật này có thể xuất hiện trong quá trình sản xuất, thiết kế, hoặc thiếu thông tin cảnh báo;

Thứ hai, có sự xuất hiện của thiệt hại, tức là sản phẩm gây hại cho người sử dụng hoặc tải sản của họ;

Thứ ba, tồn tại mối quan hệ nhân quả giữa khuyết tật của sản phẩm và thiệt hại xảy ra. Những điều kiện nảy đóng vai trò quan trọng trong việc xác định trách nhiệm của nhà sản xuất đối với sản phẩm, giúp bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Luật BVQLNTD năm 2023 quy định chủ thể bồi thường do sản phẩm hoặc hàng hóa không đảm bảo chất lượng gây ra thiệt hại là “tổ chức hoặc cá nhân kinh doanh” theo Điều 34 và không bắt buộc tổ chức kinh doanh phải có tư cách pháp nhân. Việc duy trì quy định về chủ thể bồi thường như vậy trong Luật BVQLNTD 2023 giữ nguyên tính nhất quán và sự liên tục so với hệ thống hiện hành. Điều này đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức và cá nhân kinh doanh để hoạt động mà không phải thay đổi tư cách pháp nhân, nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm đối với sản phẩm hoặc hàng hóa mà họ cung cấp cho thị trường tiêu dùng.

Những điểm mới về chế định bồi thường thiệt hại theo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023

Loại bỏ yếu tố lỗi trong căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Luật BVQLNTD năm 2010 quy định về nghĩa vụ chứng minh trong vụ án dân sự và bắt buộc các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ phải chứng minh mình không có lỗi trong việc gây ra thiệt hại, nhưng tại Điều 23, Luật BVQLNTD và dẫn chiếu Điều 24, Luật BVQLNTD, có thể khẳng định rằng việc gây thiệt hại do hàng hóa có khuyết tật được ghi nhận trên cơ sở trách nhiệm của nhà sản xuất là trách nhiệm nghiêm ngặt. Trong việc xác định trách nhiệm BTTH của nhà sản xuất do khuyết tật trong quá trình sản xuất, quan trọng là trách nhiệm này không phụ thuộc vào việc có lỗi cố ý hay cẩu thả từ phía nhà sản xuất. Điều quan trọng là khuyết tật trong sản phẩm được tạo ra trong quá trình sản xuất, và nó có tiềm năng gây thiệt hại cho người tiêu dùng hoặc tài sản của họ. Trách nhiệm BTTH được thiết lập nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, và vai trò chính của nhà sản xuất để đảm bảo rằng sản phẩm của họ đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn và chất lượng cao nhất. Khái niệm này nhấn mạnh sự cam kết của pháp luật đối với việc đảm bảo an toàn và chất lượng của sản phẩm và hàng hóa, bất kể có lỗi từ phía nhà sản xuất hay không. Điều này giúp bảo vệ người tiêu dùng khỏi những hậu quả tiềm tàng và thúc đẩy sự chuẩn bị cẩn thận trong sản xuất và cung cấp sản phẩm.

Nhưng từ các quy định tai Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa có quy định về BTTH đối với những hàng hoá như: “Đã thông báo hàng hóa có khuyết tật đến người mua, người tiêu dùng nhưng người mua, người tiêu dùng vẫn mua, sử dụng hàng hóa đó”;“Trình độ khoa học, công nghệ của thế giới chưa đủ để phát hiện khả năng gây mất an toàn của hàng hóa tỉnh đến thời điểm hàng hóa gây thiệt hại”; “Thiệt hại phát sinh do lỗi của người mua, người tiêu dùng”. Nghĩa là trong trường hợp sản phẩm không hoàn thiện, nhưng nhà sản xuất đã cung cấp cảnh báo và hướng dẫn cho người tiêu dùng, yếu tố lỗi trở nên quan trọng trong quyết định về trách nhiệm. Nếu sản phẩm gây ra thiệt hại do lỗi cố ý hoặc cầu thả từ phía nhà sản xuất thì trách nhiệm BTTH sẽ tiếp tục được áp dụng. Tuy nhiên, lỗi sản phẩm không hoàn thiện gây thiệt hại do không lỗi của nhà sản xuất mà chỉ do tình huống khó lường hoặc sự hiểu sai từ phía người tiêu dùng, thì trách nhiệm BTTH có thể không áp dụng.

Như vậy, yếu tố lỗi từ phía nhà sản xuất đồng vai trò quan trọng trong quá trình xem xét trách nhiệm, đảm bảo rằng trách nhiệm BTTH được áp dụng một cách công bằng và có tính cân nhắc đối với sự cẩn thận của nhà sản xuất trong quá trình sản xuất và cung cấp sản phẩm.

Xác định rõ ràng hơn chủ thể phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Các quy định của Luật BVQLNTD 2023 đã cụ thể và thống nhất với BLDS 2015 là tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật do minh cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật. Luật mới cũng đã quy định cụ thể hơn người phải bồi thường trong chuỗi phân phối hàng hóa, dịch vụ từ nhà sản xuất đến người dùng. Điều này có thể giúp người tiêu dùng tránh được tình trạng lúng túng trong quá trình xác định chủ thể bị kiện, khi áp dụng quy định vào thực tế sẽ dễ dàng và mang tính khả thi cao hơn.

Bổ sung trường hợp được miễn bồi thường thiệt hại

Trách nhiệm nghiêm ngặt đặt ra một tiêu chuẩn cao hơn đối với nhà sản xuất trong việc đảm bảo an toàn và chất lượng của sản phẩm. Tuy nhiên, cùng với trách nhiệm nghiêm ngặt, việc cân nhắc các quy định về miễn trừ trách nhiệm là điều cần thiết để đảm bảo tính công bằng và bảo vệ quyền lợi của cả người tiêu dùng và nhà sản xuất.

Tại Điều 62, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007 quy định:

1. Người sản xuất, người nhập khẩu không phải bồi thường trong các trường hợp sau đây:

a) Người bán hàng bán hàng hóa đã hết hạn sử dụng; người tiêu dùng sử dụng hàng hóa đã hết hạn sử dụng;

b) Đã hết thời hiệu khiếu nại, khởi kiện;

c) Đã thông báo thu hồi hàng hóa có khuyết tật đến người bán hàng, người tiêu dùng trước thời điểm hàng hóa gây thiệt hại;

d) Sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật do tuân thủ quy định bắt buộc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

đ) Trình độ khoa học, công nghệ của thế giới chưa đủ để phát hiện khả năng gây mất an toàn của sản phẩm tính đến thời điểm hàng hóa gây thiệt hại;

e) Thiệt hại phát sinh do lỗi của người bán hàng;

g) Thiệt hại phát sinh do lỗi của người mua, người tiêu dùng.

2. Người bán hàng không phải bồi thường cho người mua, người tiêu dùng trong các trường hợp sau đây:

a) Người tiêu dùng sử dụng hàng hóa đã hết hạn sử dụng;

b) Đã hết thời hiệu khiếu nại, khởi kiện;

c) Đã thông báo hàng hóa có khuyết tật đến người mua, người tiêu dùng nhưng người mua, người tiêu dùng vẫn mua, sử dụng hàng hóa đó;

d) Hàng hóa có khuyết tật do người sản xuất, người nhập khẩu tuân thủ quy định bắt buộc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

đ) Trình độ khoa học, công nghệ của thế giới chưa đủ để phát hiện khả năng gây mất an toàn của hàng hóa tính đến thời điểm hàng hóa gây thiệt hại;

e) Thiệt hại phát sinh do lỗi của người mua, người tiêu dùng.

Có thể thấy Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa quy định khá chi tiết. Bên cạnh đó, Luật BVQLNTD 2023 cũng đã bổ sung thêm các đối tượng được miễn trách nhiệm BTTH đó là tổ chức hoặc cá nhân kinh doanh, đã tuân thủ đầy đủ các biện pháp quy định tại Điều 32 và Điều 33 của Luật, và người tiêu dùng đã được cung cấp đầy đủ thông tin và trường hợp mặc dù đã được thông báo về khuyết tật của sản phẩm hoặc hàng hóa, người tiêu dùng tại trái ý vẫn sử dụng chúng và gây ra thiệt hại cho họ. Những quy định này tuy có trùng lặp với nhau về nội dung nhưng lại rõ ràng và chi tiết hơn so với Luật BVQLNTD 2010.

Đối với trường hợp thiệt hại xảy ra do lỗi của người tiêu dùng, Luật BVQLNTD 2023 đã điều chỉnh lại khoản 2 của Điều 35, mở rộng việc miễn trách nhiệm BTTH. Việc điều chỉnh Điều 35, Luật BVQLNTD là một sự phản ánh của nỗ lực trong việc xác định trách nhiệm trong quan hệ giữa người tiêu dùng và nhà sản xuất hoặc người kinh doanh. Bằng việc mở rộng phạm vi miễn trách nhiệm BTTH, quy định này đã đảm bảo tính công bằng trong trường hợp người tiêu dùng có ý cố tình sử dụng sản phẩm mà họ biết rõ có khuyết tật và gây ra thiệt hại cho mình. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra một vấn đề quan trọng về việc xác định lỗi cố ý của người tiêu dùng, và cần có sự cân nhắc cẩn trọng trong việc áp dụng quy định này để đảm bảo quyền lợi của cả hai bên trong giao dịch tiêu dùng.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, đã đem đến nhiều điểm đổi mới quan trọng liên quan đến bồi thường thiệt hại do sản phẩm khuyết tật gây ra. Không chỉ mở rộng phạm vi chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường mà còn cung cấp, hướng dẫn rõ ràng về quy trình và cơ chế bồi thường bao gồm các loại thiệt hại cụ thể như thiệt hại về giá trị, tài sản, sức khỏe và lợi ích gắn liền với việc sử dụng sản phẩm.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ luật Dân sự năm 2015;

2. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010;

3. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023;

4. Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007 (sửa đổi, bổ sung năm 2018).

PHẠM MINH ĐÔ

Tòa án Quân sự Quân khu 7

Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện pháp luật về những trường hợp được lập di chúc miệng