/ Tích hợp văn bản mới
/ Các trường hợp miễn nhiệm Thừa phát lại

Các trường hợp miễn nhiệm Thừa phát lại

05/01/2021 18:13 |

(LSVN) - Thừa phát lại có thể được miễn nhiệm theo nguyện vọng cá nhân hoặc bị miễn nhiệm khi thuộc các trường hợp quy định tại Nghị định 08/2020/NĐ-CP ngày 08/1/2020 về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại.

Ảnh minh họa Nguồn: Internet.

Điều 13 Nghị định 08/2020/NĐ-CP ngày 08/1/2020 về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại có quy định về miễn nhiệm Thừa phát lại.

Thừa phát lại được miễn nhiệm theo nguyện vọng của cá nhân

Theo đó, Thừa phát lại nộp trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính 01 bộ hồ sơ đề nghị miễn nhiệm đến Sở Tư pháp nơi đăng ký hành nghề. Hồ sơ bao gồm:

- Đơn đề nghị miễn nhiệm Thừa phát lại theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định;

- Bản sao có chứng thực hoặc bản chụp kèm bản chính Quyết định bổ nhiệm Thừa phát lại để đối chiếu.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp có văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp miễn nhiệm Thừa phát lại kèm theo hồ sơ đề nghị miễn nhiệm.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị và hồ sơ đề nghị miễn nhiệm của Sở Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định miễn nhiệm Thừa phát lại.

8 trường hợp Thừa phát lại bị miễn nhiệm

1. Không còn đủ tiêu chuẩn làm Thừa phát lại theo quy định, trừ tiêu chuẩn về độ tuổi, cụ thể:

- Là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, chấp hành tốt Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt.

- Có bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học chuyên ngành luật.

- Có thời gian công tác pháp luật từ 03 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học chuyên ngành luật.

- Tốt nghiệp khóa đào tạo, được công nhận tương đương đào tạo hoặc hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề Thừa phát lại theo quy định.

- Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Thừa phát lại.

2. Thuộc một trong các trường hợp sau:

- Người bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự;

- Người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.

3. Không đăng ký và hành nghề Thừa phát lại trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày được bổ nhiệm;

4. Không hành nghề Thừa phát lại liên tục từ 02 năm trở lên;

5. Hết thời hạn tạm đình chỉ hành nghề Thừa phát lại tối đa quy định tại khoản 2 Điều 12 của Nghị định này mà lý do tạm đình chỉ vẫn còn;

6. Vi phạm nghiêm trọng Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại; bị xử phạt vi phạm hành chính đến lần thứ hai trong hành nghề Thừa phát lại mà còn tiếp tục vi phạm;

7. Đang là Thừa phát lại mà kiêm nhiệm hành nghề công chứng, luật sư, thẩm định giá, đấu giá tài sản, quản lý, thanh lý tài sản;

8. Bị kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

Theo đó:

- Bộ trưởng Bộ Tư pháp miễn nhiệm Thừa phát lại theo đề nghị của Sở Tư pháp nơi Thừa phát lại đăng ký hành nghề hoặc tự mình quyết định việc miễn nhiệm Thừa phát lại khi có căn cứ cho rằng Thừa phát lại thuộc một trong các trường hợp quy định tại các mục nêu trên.

- Sở Tư pháp có trách nhiệm rà soát, kiểm tra việc hành nghề của Thừa phát lại tại địa phương mình. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có căn cứ cho rằng Thừa phát lại thuộc trường hợp bị miễn nhiệm, Sở Tư pháp có văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp miễn nhiệm Thừa phát lại kèm theo tài liệu làm căn cứ cho việc đề nghị miễn nhiệm.

- Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị và tài liệu làm căn cứ cho việc đề nghị miễn nhiệm của Sở Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định miễn nhiệm Thừa phát lại. Khi cần thiết, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị Sở Tư pháp, các cơ quan, tổ chức xác minh hoặc tự mình xác minh bảo đảm các căn cứ miễn nhiệm đúng quy định của pháp luật.

MỸ LINH

/hoan-thien-the-che-kiem-soat-tai-san-thu-nhap-cua-nguoi-co-chuc-vu-quyen-han-o-viet-nam-hien-nay.html