Ảnh minh họa.
1. Tác động cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại
“Cách mạng công nghiệp lần thứ bốn” là cụm từ gây ấn tượng theo nhiều nghĩa trong thời gian gần đây ở Việt Nam. Theo đó, hầu hết đều cho rằng, cuộc cách mạng lần này sẽ tạo ra những thay đổi vô cùng lớn đối với đời sống con người [4]. Đặc trưng của cuộc cách mạng lần thứ tư với việc ứng dụng ngày càng phổ biến hơn những công nghệ mới như chuỗi khối, trí thông minh nhân tạo, internet vạn vật, robot, điện toán đám mây, dữ liệu lớn (big data) cũng như các công nghệ khác đang liên tục được phát minh ra, mà cốt lõi là quá trình chuyển đổi số, đang làm thay đổi mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội.
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều vấn đề mà bắt buộc các quốc gia phải thực hiện. Điều này cũng đồi hỏi mỗi quốc gia phải tạo lập một hành lang pháp lý để cho các vấn đề được vận hành theo pháp luật và không bị hạn chế bởi bức tường pháp luật như một rào cào của hội nhập trong các mạng lần thứ tư [5].Có rất nhiều hiện tượng kinh tế - xã hội phát sinh từ cách mạng công nghiệp lần thứ tư minh chứng cho những tác động to lớn của cuộc cách mạng này đến hệ thống pháp luật [6]. Chẳng hạn: Sự lưu hành của các loại tiền ảo (Bitcoin, Litecoin,…) thách thức quan niệm truyền thống về việc chỉ có các quốc gia có chủ quyền mới được phát hành tiền tệ. Sự hình thành của các nền kinh tế chia sẻ (Uber, Grab, AirBnB,…) thách thức quan niệm về kinh doanh vận tải, kinh doanh dịch vụ lưu trú, về cách thức áp dụng pháp luật cạnh tranh. Thêm vào đó, chưa bao giờ vấn đề tội phạm công nghệ cao và việc bảo vệ bí mật đời tư, bảo vệ dữ liệu cá nhân, duy trì an ninh mạng lại trở nên cấp thiết như hiện nay. Phân tích của Bộ Công an về diễn biến tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về công nghệ cao cho thấy, số vụ vi phạm pháp luật và tội phạm sử dụng công nghệ cao năm sau cao hơn năm trước [7]. Tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao đang có chiều hướng ngày càng phức tạp, với diễn biến tăng cả về số vụ và tính chất, mức độ, hậu quả.
Với tư cách là đạo luật thực hiện chức năng bảo vệ các lợi ích của con người, của xã hội và Nhà nước tránh khỏi sự xâm hại có tính chất tội phạm thì pháp luật hình sự cần phải chặt chẽ, đầy đủ và là công cụ hữu hiệu cho việc đấu tranh và xử lý các hành vi phạm tội mới, đặc biệt là các tội phạm được phát sinh trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với đặc trưng khác biệt tội phạm truyền thống bằng việc sử dụng khác nhiều so với tội phạm thông thường. Thực tiễn ở nước ta trong thời gian gần đây đã xuất hiện và nổi lên một số phương thức, thủ đoạn phạm tội mới lợi dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang tính chất có tổ chức, xuyên quốc gia như: (i) Sử dụng tài khoản ảo để thu hút người tham gia dưới hình thức bán hàng đa cấp, sau đó cho sập mạng để chiếm đoạt tài sản; (ii) Trộm cắp thông tin thẻ tín dụng các ngân hàng để lấy cắp tiền mua hàng trực tuyến qua mạng; trộm cắp tài sản qua việc tạo dựng các phần mềm bẻ khóa để xâm nhập tài khoản cá nhân, cơ quan, tổ chức; (iii) Cài đặt các thiết bị đọc, lấy cắp thông tin trên thẻ tín dụng, thẻ ATM vào các máy rút tiền tự động của các ngân hàng, sau đó làm giả thẻ tín dụng để tú tiền hoặc sử dụng để mua hàng qua mạng; (iv) Sử dụng các trạng mạng xã hội để nhắn tin trúng thường, trao giải sau đó giả vờ chuyển tiền, chuyển quà có giá trị dẫn dụ người bị hại chuyển thuế, phí sau đó chiếm đoạt,...
Trước các vấn đề này thì yêu cầu đặt ra về chính sách hình sự cần thiết phải đáp ứng nhu cầu: (i) Xử lý các hành vi phạm tội mới phát sinh với các phương thức và thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp đã lợi dụng các thành tựu khoa học công nghê, kỹ thuật của cách mạng công nghiệp lần thứ tư; (ii) Dự báo các loại tội phạm sẽ phát triển trong tương lai và hoạch định chính sách để đấu tranh phòng chống. Điều này thể hiện được mục đích của chính sách hình sự là cái mốc trong tương lai mà cách nhà hoạch định chính sách pháp luật trong lĩnh vực tư pháp hình sự mong muốn đạt được khi soạn thảo và xách định hướng triển khai cụ thể chính sách ấy trong thực tiễn nhằm đấu tranh có hiệu quả với tình hình phạm tội trong giai đoạn phát triển tương ứng của xã hội [8].
Điểm mới nổi bật của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) so với các BLHS năm 1985, BLHS năm 1999 là lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp nước ta ghi nhận về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại. Điều này hoàn toàn phù hợp với lý luận khoa học luật hình sự, thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm và thông lệ quốc tế. Về mặt lý luận có thể nói rằng, khoa học pháp lý hình sự hiện đại đã giải quyết cơ bản về TNHS đối với pháp nhân thương mại.
Hiện nay, việc thừa nhận tránh nhiệm hình sự (TNHS) pháp nhân thương mại là xu hướng phát triển chung trong luật hình sự nhiều nước trên thế giới [9]. Dưới góc nhìn so sánh luật, hiện nay TNHS pháp nhân thương mại đã chính thức được ghi nhận trong một số văn kiện pháp lý quốc tế, được hợp pháp hóa trong luật hình sự của nhiều nước thuộc hệ thống pháp luật Anh-Mỹ (Common Law) như Anh, Mỹ, Úc,...; và các nước thuộc hệ thống pháp luật Châu Âu lục địa (Civil Law) như Pháp, Thụy Sỹ, Bỉ, Đức,... [3].
Ví dụ, ở Canada, trên cơ sở các án lệ đã xây dựng nên chế định trách nhiệm hình sự pháp nhân trong Luật hình sự của Canada. Đáng chú ý nhất là phán quyết của tòa án trong vụ án giữa Canadian Dredge & Dock Co. v. The Queen đã đánh dấu một sự khởi đầu cho việc xây dựng hệ thống khoa học pháp lý về TNHS pháp nhân trong luật hình sự Canada. Chánh án Bora Laskin, Tòa tối cao Canada nhấn mạnh: “Một công ty phải chịu trách nhiệm về hành vi phạm tội của mình khi tư cách pháp nhân của công ty và hành vi của những người điều hành của công ty tạo nên tính thống nhất. Nếu một người điều hành của công ty thực hiện hành vi phạm tội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình hoàn toàn mang lại lợi ích cho công ty, và công ty phải chịu TNHS về hành vi phạm tội do người điều hành của công ty gây ra” [14].
Ở nước ta hiện nay, Điều 76 BLHS 2015 đã quy định pháp nhân thương mại phải chịu TNHS với 33 tội danh, trong đó, 22 tội trật tự quản lý kinh tế và 09 tội về môi trường, tội tài trợ khủng bố và rửa tiền. Thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm cho thấy, một số pháp nhân thương mại vì mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận đã thực hiện hành vi tội phạm điển hình trong lĩnh vực kinh tế, môi trường như trốn thuế, kinh doanh trái phép, đầu cơ, buôn lậu, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây nhiễm môi trường gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Ví dụ Công ty cổ phần Đa cấp Liên kết Việt; Công ty cổ phần Đa cấp Thời gian Vàng (Gold Time), Công ty Địa ốc Alibaba lừa đảo chiếm đoạt tài sản [17], Kinh doanh trái phép tiền ảo Alos Coin, iFan [18]. Thủ đoạn phạm tội của các pháp nhân thương mại thể hiện càng tinh vi, xảo quyệt, có tính tổ chức, xuyên quốc gia, gây nguy hiểm đặc biệt nghiêm trọng cho xã hội, đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng cần thực hiện các biện pháp hữu hiệu và phù hợp để đấu tranh phòng chống tội phạm trong thời kỳ công nghệ 4.0. Dưới góc độ pháp lý quốc tế, quy định về TNHS pháp nhân thương mại đã có bước phát triển vượt bậc, hàng loạt các điều ước quốc tế và văn kiện pháp lý quốc tế ra đời, xác lập và hoàn thiện chế định TNHS pháp nhân thương mại theo đó hành vi tội phạm của pháp nhân trải rộng từ lĩnh vực môi trường, công nghệ cao đến lĩnh vực khủng bố, tham nhũng, hối lộ, rửa tiền [10].
Để ứng phó với các thách thức đặt ra từ các loại hình tội phạm phát sinh từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt các tội phạm phi truyền thống là hành vi nguy hiểm cho xã hội có nguồn gốc phi quân sự gây ra cho sự an toàn, ổn định của mỗi con người, cũng như các quốc gia, dân tộc, cộng đồng quốc tế được thực hiện do cố ý từ bất kỳ chủ thể phi nhà nước nào với đặc trưng mới về địa điểm, phương thức, thủ đoạn phạm tội và yếu tố khách thể tội phạm [15] như rửa tiền, hoạt động chuyển giá, tội phạm công nghệ cao, tội phạm nguồn,... thì quy định pháp luật hình sự về TNHS của pháp nhân thương mại cần phải đáp ứng được các yêu cầu sau:
Thứ nhất, pháp luật hình sự về TNHS của pháp nhân thương mại cần kịp thời tội phạm hóa những hành vi nguy hiểm mới phát sinh trong xã hội, có tính chất nguy hiểm cao, uy hiếp an ninh của con người, và cộng đồng dân cư, dân tộc và nhân loại;
Thứ hai, quan niệm truyền thống về các yếu tố, dấu hiệu cấu thành tội phạm của pháp nhân thương mại trong pháp luật hình sự cần phải được thay đổi để phù hợp với tính chất phi truyền thống (Non-Traditional Security) của những hành vi phạm tội mới;
Thứ ba, pháp luật hình sự về TNHS của pháp nhân thương mại phải có tính cập nhất, tương thích ứng phó so với diễn biến thực tế của tội phạm đang diễn ra và đấu tranh có hiệu quả với tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia.
2. Những vấn đề đặt ra đối với trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư
2.1. Quy định về TNHS đối với pháp nhân thương mại trong BLHS
Thứ nhất, điều kiện để truy cứu TNHS của pháp nhân thương mại cần bảo bảo tính logic, hợp lý, cũng như cần bổ sung TNHS của pháp nhân thương mại đối với một số tội danh khác. Khoản 1, Điều 75 BLHS năm 2015 đã đưa ra các điều kiện để có thể truy cứu TNHS đối với pháp nhân thương mại, tuy nhiên trong các điều kiện này thì điều kiện về hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại (điểm a, khoản 1, Điều 75 BLHS năm 2015) và điều kiện về hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại (điểm c, khoản 1, Điều 75 BLHS năm 2015) chưa độc lập với nhau vì thực tế nếu hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thì không thể có trường hợp không có sự chỉ đạo, điều hành, chấp thuận của pháp nhân thương mại và ngược lại, nếu đã có sự chỉ đạo điều hành hay chấp thuận của pháp nhân thương mại thì chính là đã nhân danh pháp nhân rồi.
Theo tác giả, điều kiện truy cứu TNHS của pháp nhân thương mại bao gồm: (i) Hành vi phạm tội phải do người quản lý, điều hành pháp nhân thực hiện; (ii) Người quản lý, điều hành pháp nhân thực hiện tội phạm nhân danh cho pháp nhân; (iii) Hành vi phạm tội thực hiện vì lợi ích pháp nhân. Quy định như vậy sẽ tạo sự tương thích với thông lệ quốc tế, ví dụ Điều 121-2 BLHS Cộng Hòa Pháp quy định: “Các pháp nhân, trừ Nhà nước, phải chịu TNHS...về những hành vi phạm tội được thực hiện bởi những cơ quan hoặc người đại diện của mình vì lợi ích của pháp nhân đó...”.
Thứ hai, mặc dù BLHS năm 2015 đã quy định rõ ràng phạm vi 33 tội phạm mà pháp nhân thương mại phải chịu. Tuy nhiên để chủ động ứng phó và đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, qua đó nâng cao hiệu quả đấu tranh, phòng chống và xử lý pháp nhân thương mại phạm tội trong thời kỳ công nghệ 4.0, tác giả cho rằng cần ghi nhận bổ sung các tội danh áp dụng đối với pháp nhân thương mại trong BLHS như: tội “Chống loài người”; tội “Sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyện chất ma túy”; tội “Xâm phạm bí mật đời tư”; tội “Tố cáo vu khống”; tội “Cưỡng bức lao động”,...
Nghiên cứu so sánh cho thấy, pháp luật hình sự Cộng hòa Pháp, Hà Lan, Trung Quốc quy định về TNHS pháp nhân căn cứ không chỉ giới hạn các tội phạm về môi trường, quản lý kinh tế mà đã mở rộng các tội phạm khác trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học và công nghệ lần thứ tư đang diễn ra trên thế giới ở giai đoạn đầu trên nền tảng các thành tựu vượt bậc của cuộc cách mạng khoa học, công nghệ lần thứ ba, xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học với trung tâm là sự phát triển trí tuệ nhân tạo, tự động hóa - robot và internet of things (internet kết nối vạn vật) [5]; sẽ có thể thúc đẩy sự liên kết giữa tội phạm trong các lĩnh vực khác nhau và diễn ra những phân khúc mới của thị trường tội phạm. Ví dụ, Quyền II BLHS Cộng hòa Pháp quy định TNHS của pháp nhân được áp dụng đối với 32/88 tội danh khác nhau như: tội “Chống loại loài người” (Điều 213-3); tội “Buôn bán ma túy”; “Tẩy rửa tiền” (Điều 222-42); tội “Làm thí nghiệm y học trái phép” (Điều 223-9); tội “Xâm phạm bí mật đời tư” (Điều 226-7);... [16].
2.2. Quy định về TNHS đối với pháp nhân thương mại trên thị trường giao dịch tiền ảo
Cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư đã và đang tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao lần lượt xuất hiện và hình thành những loại tài sản, hàng hóa tham gia lưu thông, trở thành công cụ đầu tư hoặc phương tiện thanh toán, trong đó có các loại tiền ảo như: Bitcoin, ethereum, litecoin, monero, ripple [11].
Theo định nghĩa của Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB), “tiền ảo” là một loại tiền số không có sự quản lý, được phát hành bởi những người phát triển phần mềm - thường là người kiểm soát hệ thống, được sử dụng và chấp nhận thanh toán giữa các thành viên của một cộng đồng ảo nhất định. Về bản chất, các loại tiền ảo được phát triển dựa trên nền tảng công nghệ chuỗi khối (Blockchain). Blockchain là một dạng cơ sở dữ liệu, là một hình thức lưu trữ hồ sơ giá trị và giao dịch với khả năng lưu giữ gần như toàn bộ các dạng thức thông tin. Đa phần các giao dịch ngày nay giữa các chủ thể đều đòi hỏi một đơn vị trung gian đáng tín cậy đảm nhận và vận hành. Tuy nhiên, không phải ở bất cứ nơi nào và vào bất kỳ thời điểm nào, các định chế trung gian này cũng có thể đảm bảo tính minh bạch, an toàn và chính xác. Công nghệ Blockchain loại bỏ hoàn toàn sự cần thiết phải có một đơn vị trung gian như thế và cho phép mọi người giao dịch trực tiếp với nhau nhưng cũng rất khác biệt với các giao dịch trực tiếp truyền thống, Blockchain có thể đồng thời loại bỏ các rủi ro về bằng chứng giao dịch trực tiếp [12].
Khi vừa ra đời, Bitcoin đã được người khởi tạo đặt tên gọi “cash”. Sau Bitcoin, hàng loạt các dạng “tiền” tương tự bitcoin ra đời như Linden Dollar, Ethereum, Ripple, Libra của Facebook,... Từ một tài nguyên mạng, tiền ảo đã được dùng để thực hiện các giao dịch thanh toán, chuyển đổi hàng hóa tại một số quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật Bản [13].
Tại Việt Nam, pháp luật chưa công nhận thị trường tiền ảo và hình thành khung pháp lý để quản lý và sử dụng tiền ảo. Mặc dù thiếu vắng khung pháp lý để quản lý, và sử dụng tiền ảo, tuy nhiên trên thực tế tại Việt Nam trong những năm gần đây cho thấy việc kinh doanh tiền ảo đã diễn ra rất sôi động và liên tục mở rộng về “phạm vi, quy mô”. Điều này đã dẫn đến việc phát sinh các rủi ro, và tranh chấp cho nhà đầu tư. Điều này, đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự ổn định của thị trường đầu tư kinh doanh và sự phát triển của nền kinh tế. Đặc biệt, năm 2018 xảy ra vụ việc Công ty cổ phần Modern Tech bị tố “lừa đảo 15 nghìn tỉ đồng” của nhà đầu tư thông qua các giao dịch Tiền ảo iFan và Pincoin. Tại nhiều quốc gia, tiền ảo được phép lưu thông trong giao dịch kinh thương mại và đã hình thành khung chính sách & pháp luật cơ điều chỉnh các giao dịch có liên quan đến tiền ảo (Mỹ, Canada, Nga, Nhật Bản, Úc,…).
Hiện nay, theo tác giả, việc xây dựng khung pháp lý về quản lý và sử dụng tiền ảo là yêu cầu cấp thiết, có thể được thiết kế theo hướng cho phép nhà đầu tư sử dụng tiền ảo để giao dịch và Nhà nước cần có công cụ pháp lý để quản lý nhằm ngăn chặn, hạn chế, kiểm soát các rủi ro. Điều này sẽ tạo cơ chế bảo vệ hữu hiệu đối với quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức sử dụng tiền ảo. Đồng thời, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước từ việc thu thuế các giao dịch sử dụng tiền ảo [1].
Trong quá trình xây dựng khung pháp lý về quản lý và sử dụng tiền ảo thì việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm để “luật hóa” các quy định về tội phạm sử dụng “tiền ảo” để rửa tiền, tài trợ khủng bố,... trong BLHS là cần thiết. Hiện nay, BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) chưa có quy định điều chỉnh trực tiếp và cụ thể vấn đề này.
Nghiên cứu so sánh, pháp luật Canada, Nhật Bản, Đài Loan,...; đã hình thành khung pháp luật và chính sách về quản lý và sử dụng tiền ảo đã quy định về các tội phạm sử dụng “tiền ảo” để rửa tiền, tài trợ khủng bố; mà Việt Nam tham khảo kinh nghiệm trong quá trình xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về quản lý và sử dụng tiền ảo. Cụ thể:
Thứ nhất, về xác thực thông tin cá nhân. Pháp luật Nhật Bản quy định các công ty cung cấp dịch vụ trao đổi tiền ảo phải tuân thủ theo các yêu cầu về quy trình xác thực thông tin cá nhân của khách hàng nhằm ngăn chặn những hoạt động phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bổ theo quy định của Đạo Luật Phòng chống chuyển giao tài sản phạm tội (Act on Prevention of Transfer of Criminal Proceeds). Cụ thể, những thủ tục này bao gồm: (i) xác minh và ghi nhận các thông tin định danh của khách hàng trước hoặc sau khi ký kết hợp đồng mở tài khoản; và (ii) lưu giữ hồ sơ xác minh và hồ sơ giao dịch với khách hàng. Ngoài ra, công ty cung cấp dịch vụ trao đổi tiền ảo phải thông báo ngay với cơ quan có thẩm quyền khi có những giao dịch nghi ngờ được xác định
Thứ hai, chống rửa tiền. Vào ngày 19/6/2014, Toàn quyền Canada đã đồng ý với Dự thảo C-31 (Đạo luật thực thi một số quy định về ngân sách được đề xuất trong Quốc hội vào ngày 11 tháng 2 năm 2014 và các biện pháp khác), trong đó bao gồm sửa đổi Thủ tục tố tụng hình sự (liên quan đến rửa tiền) của Canada và Đạo luật về tài chính khủng bố. Luật mới xem các loại tiền ảo, bao gồm Bitcoin, cũng như việc kinh doanh dịch vụ tiền ảo, là công cụ nhằm phục vụ cho mục đích của luật chống rửa tiền. Đạo luật này được xem là luật quốc gia đầu tiên trên thế giới về các loại tiền ảo, và là quy định pháp luật đầu tiên trên thế giới về giao dịch tài chính tiền ảo theo luật chống rửa tiền quốc gia.
Thứ ba, bảo hộ quyền tài sản. Đài Loan là một quốc qua tích cực nhất trong việc tìm kiếm các biện pháp để bảo vệ quyền sở hữu tiền ảo (tài sản ảo) và cũng có thể được xem là quốc gia đi tiên phong trong việc thể chế hóa quan điểm về tài sản ảo thông qua các đoạn mã máy tính được sinh ra từ phần mềm máy tính là Đài Loan. Công văn chính thức của Bộ Tư Pháp Đài Loan số 039030 hướng dẫn thi hành luật về bảo vệ các bản ghi điện tử từ ngày 23/11/2001 quy định theo hướng: “Người sở hữu tài sản ảo có quyền kiểm soát tài khoản và giá trị của các bản ghi điện tử, được tự do bán hoặc chuyển giao chúng”.
Cụ thể, Bộ Tư pháp nước này đã thông báo Bộ luật Hình sự mà quy định các vật ảo là những tài sản có giá trị và cần được xem như tài sản trong thế giới thực và hành vi trộm cắp tài sản ảo sẽ bị xử theo pháp luật hình sự . Bộ luật đã công nhận rằng tài sản ảo thỏa mãn như là một bộ dữ liệu điện tữ và cần được xem là động sản trong trường hợp bị lừa đảo hoặc bị trộm cắp và quy định này đã chuyển quyền kiểm soát các dữ liệu điện tử của các tài sản ảo đến người sở hữu các vật thể có mã code, không phải chủ sở hữu của hệ thống máy chủ (server) nơi mà mã code đang tồn tại . Bên cạnh đó, Đài Loan cũng đã tạo ra một cơ quan bảo vệ tài sản ảo, chống lại các hành vi như trộm cắp, lừa đảo hay cướp giật.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Trịnh Tuấn Anh, Lê Thanh Hùng (2018), “Pháp luật về quản lý tiền ảo của một số quốc gia và kinh nghiệm cho Việt Nam”, Tạp chí Tòa án nhân dân, Số 4/2018, 2. Trịnh Tuấn Anh (2020), “Khung pháp lý về tiền kỹ thuật số tại Nhật bản, Canada và thực tiễn ở Việt Nam”, Tạp chí Tạp chí Tài Chính, Kỳ 1 Tháng 9/2020 (736) 3. Trịnh Tuấn Anh, Phan Thị Nhật Tài (2018), “Trách nhiệm hình sự của pháp nhân dưới góc độ luật học so sánh”, Tạp chí Tòa án nhân dân, Số 4, 4. Vũ Công Giao, Nguyễn Anh Đức (2018), “Quyền con người trong cách mạng công nghiệp lần thứ bốn”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, Số 11 (363), 5. Đoàn Đức Lương (2018), “Các mạng công nghiệp lần thứ tư và những thách thức cho pháp luật Việt Nam”, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học quốc tế “Sự đối mặt của pháp luật với những thách thức của thế kỷ 21: Phương hướng đổi mới pháp luật”, Trường Đại học Luật, Đại học Huế, 6. Nguyễn Thanh Tùng (2019), “Chính sách pháp luật trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở Việt Nam”, Tạp chí Pháp luật và thực tiễn, Số 40, 7. Cao Đức Anh (2015),” Tính chất của tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao tại Việt Nam, thủ đoạn phạm tội và dự báo”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, Số 16 (296), 8. Lê Văn Cảm (2005), “Những vấn đề cơ bản trong khoa học luật hình sự : Phần chung”, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 9. Trịnh Quốc Toản (2011), TNHS pháp nhân trong pháp luật hình sự, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội. 10. Hoàng Trí Ngọc (2016), “Trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong văn kiện pháp lý quốc tế”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, Số 20 (324), tr. 19 11. Lê Vũ Nam (2019), “Tiền ảo và vấn đề xây dựng khung khổ pháp lý quản lý tiền ảo tại Việt Nam”, Tạp chí Tài chính, Số 702, 12. Nguyễn Minh Oanh (2019), “Xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về tiền ảo trong bối cảnh hội nhập và phát triển”, Nxb. Tư pháp, 13. Đoàn Phương Thảo (2018), “Xây dựng khung pháp lý về tiền ảo tại Việt Nam”, Luận văn Thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, 14. Canadian Dredge & Dock Co. v. The Queen 1985 CanLII 32, [1985] 1 SCR 662 15. Mely Caballero, Lina Gong (2020), “Non-Traditional Security Issues in ASEAN: Agendas for Action”, Yusof Ishak Institute 16. Constance Chevallier-Govers (2017),“The Europeanisation of French Criminal Law”, EuCLR European Criminal Law Review, Volume 7 (2017), Issue 1, 17. Báo Công an TP. Hồ Chí Minh (2020), [http://congan.com.vn/vu-an/them-6-lanh-dao-nhan-vien-cong-ty-dia-oc-alibaba-bi-bat-tam-giam_101371.html], 18. Báo Vnexpress (2018), [ttps://vnexpress.net/nhung-vu-lua-dao-tien-ao-gay-chan-dong-viet-nam-3784561.html] |
Luật sư ĐÀO ĐỨC HẠNH
Công ty Luật Việt Đông Á, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh
Thạc sĩ TRỊNH TUẤN ANH
Hòa giải viên STAC, Cố vấn pháp lý cao cấp Công ty Luật Việt Đông Á
Để vai trò đại diện nhân dân trong xét xử thực chất, hiệu quả hơn