Dưới góc độ pháp lý, theo Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp, việc cơ quan tố tụng quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn với ông Cành là thể hiện chính sách nhân đạo theo quy định của pháp luật.
Theo thông tin từ phía cơ quan điều tra, ông Phạm Văn Cành (64 tuổi) cùng với ông Trần Văn Nam, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, Trần Thanh Liêm, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, được xác định là đồng phạm, tiếp tay cho bị can Nguyễn Văn Minh, cựu Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Bình Dương gây thất thoát cho Nhà nước số tiền hơn 6.600 tỉ đồng.
Trước đó, ngày 29/6/2021, ông Cành bị cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt tạm giam để điều tra về tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" được quy định tại Điều 219, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo quy định này thì đây là tội đặc biệt nghiêm trọng với hình phạt cao nhất lên tới 20 năm tù.
Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định rõ về tạm giam. Theo đó, tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng.
Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tù trên 02 năm khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp: Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm; Không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can; Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn; Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội; Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.
Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tù đến 02 năm nếu họ tiếp tục phạm tội hoặc bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã.
Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ các trường hợp: Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã; Tiếp tục phạm tội; Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm hoặc người thân thích của những người này; Bị can, bị cáo về tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ xác định nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia.
Bộ luật Tố tụng hình sự cũng quy định về việc thay đổi biện pháp ngăn chặn trong đó có thủ tục "bảo lĩnh", như sau: Bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lĩnh.
Bị can, bị cáo được bảo lĩnh phải làm giấy cam đoan thực hiện các nghĩa vụ: Có mặt theo giấy triệu tập, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan; Không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội; Không mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; không tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; không đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.
Trường hợp bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ cam đoan quy định tại khoản này thì bị tạm giam.
Như vậy, theo quy định của pháp luật thì ông Cành bị tạm giam do bị khởi tố về tội đặc biệt nghiêm trọng. Với tội đặc biệt nghiêm trọng thì đương nhiên cơ quan tiến hành tố tụng sẽ áp dụng biện pháp tạm giam sau khi khởi tố bị can, trừ một số trường hợp như người già yếu, phụ nữ có thai. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra vụ án nếu bị can được đánh giá là thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực giúp đỡ cơ quan điều tra trong việc phát hiện, xử lý tội phạm và thuộc trường hợp có nơi cư trú rõ ràng.
Là người cao tuổi như ông Cành, có người thân có đơn xin bảo lĩnh thì việc cơ quan điều tra thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang cấm đi khỏi nơi cư trú là phù hợp với quy định của pháp luật, thể hiện chính sách nhân đạo trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự.
TIẾN HƯNG