Cần hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông để người đi bộ không phạm luật

29/12/2017 01:57 | 6 năm trước

LSVNO - Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định, người tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ có thể bị phạt tiền, nặng thì p...

LSVNO - Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định, người tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ có thể bị phạt tiền, nặng thì phạt tù nếu gây hậu quả nghiêm trọng. Người đi bộ sai luật cũng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật, nặng nhất đến 15 năm tù giam.

Ngã tư trước cổng trường cấp 3 Lý Thái Tổ, khu Trung Hòa - Nhân Chính hoàn toàn không có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ

Để đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra, người đi bộ phải có ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông, giữ gìn an toàn cho mình và cho người khác. Người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường, trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường. Người đi bộ chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn. Trường hợp không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì người đi bộ phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường.

Như vậy, theo quy định của pháp luật thì người đi bộ bình đẳng như những phương tiện tham gia giao thông đường bộ và hoàn toàn không có sự “ưu tiên” trong việc xử lý các vụ va chạm, tai nạn giao thông.

Tuy nhiên, có một thực tế là người đi bộ khi tham gia giao thông nhiều khi gặp khó khăn để tuân thủ quy định pháp luật do điều kiện kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ còn chưa hoàn thiện. Đơn giản nhất là việc đi bộ qua đường phải ở những nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ cũng rất khó khăn, nhiều khi bất khả thi. Thông thường, vạch kẻ đường cho người đi bộ thường được kẻ tại đầu đường, nơi giao cắt, nơi có đèn tín hiệu giao thông. Người đi bộ có ý thức có thể dễ dàng tìm thấy vạch kẻ đường trên những đường phố chính, phố lớn. Thế nhưng, việc này lại khó khăn tại các khu đô thị mới, khu dân cư… nơi mà mật độ tham gia giao thông không hề nhỏ. Dường như người dân, cũng như cơ quan chức năng tại các khu vực này coi đây là đường “nội bộ” trong khi thực tế các phương tiện giao thông đường bộ lưu thông qua lại bình thường.

Một ví dụ khác là việc bố trí phần đường cho người đi bộ tại các bãi đỗ xe trên mặt đất, bãi đỗ xe tại hầm chung cư hiện nay hoàn toàn bị bỏ ngỏ. Tại các bãi đỗ xe trên mặt đất hay hầm chung cư lưu lượng tham gia giao thông rất lớn, đặc biệt là vào những giờ cao điểm. Bản thân những người điều khiển xe và hành khách trên sau khi cho xe vào bãi đỗ cũng trở thành người đi bộ tham gia giao thông tại đây. Việc không bố trí phần đường riêng cho người đi bộ cũng vô tình đẩy người đi bộ vào thế vi phạm quy định của pháp luật và trở thành người có lỗi khi có tai nạn giao thông xảy ra.

 Hầm đỗ xe khu chung cư không hề bố trí đường dành riêng cho người đi bộ

Để từng bước xây dựng văn hóa giao thông nói chung và ý thức tuân thủ quy định pháp luật của người đi bộ khi tham gia giao thông nói riêng, thiết nghĩ song song với việc quy định chặt chẽ về luật pháp thì việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đáp ứng yêu cầu cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Lê Hùng