Cần làm rõ trường hợp đặc cách một công chức không qua thi tuyển ở Thanh Hoá

12/09/2020 21:04 | 3 năm trước

(LSO) - Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng, UBND huyện Hậu Lộc - Nguyễn Nhật Vũ được đặc cách xét công chức không qua thi tuyển vào năm 2015 khi là Phó Giám đốc một công ty tư nhân. Đến năm 2019 được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng, khi đó bố ông là Bí thư Huyện ủy nghỉ hưu vào tháng 10/2019.

Con đường quan lộ có được “ưu ái”?

Theo thông tin phản ánh được biết, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Giao thông Vận tải, ông Nguyễn Nhật Vũ làm hợp đồng tại Phòng Tài chính kế hoạch thuộc UBND huyện Hậu Lộc. Năm 2015 ông Vũ được xét đặc cách công chức không qua thi tuyển khi đang là Phó Giám đốc một công ty nhân. Đến tháng 11/2019, ông Vũ được bổ nhiệm là Trưởng phòng.

Không những thế, theo phản ánh, trong quá trình tuyển dụng đặc cách đối với ông Vũ, UBND tỉnh Thanh Hóa không có văn bản báo cáo Bộ Nội vụ. Điểm đáng nói, người dân cho cho rằng, ông Nguyễn Nhật Vũ được đặc cách công chức rồi nhậm chức Phó Trưởng phòng rồi đến Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện bởi ông là con trai của ông Nguyễn Văn Ấp – nguyên Bí thư Huyện ủy Hậu Lộc.

Ông Nguyễn Văn Ấp mới nghỉ hưu từ tháng 10/2019.

Trụ sở UBND huyện Hậu Lộc.

Trả lời báo chí, ông Ngô Tuấn Anh, Phó Trưởng phòng Nội vụ UBND huyện Hậu Lộc xác nhận, ông Vũ chính là con trai của ông Nguyễn Văn Ấp, nguyên Bí thư Huyện ủy Hậu lộc.

Ông Tuấn Anh cho biết, ông Vũ sinh năm 1988, trước khi là công chức là Phó Giám đốc Công ty TNHH xây dựng vận tải Xuân Thanh nằm trên địa bàn huyện. Trường hợp “đặc cách” của ông Vũ được áp dụng theo Thông tư số 13/2010/TT-BNV của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Nghị định 24/2010 của Chính phủ. Điều áp dụng là điểm b, khoản 1, điều 10 của Thông tư 13. Theo đó, ông Vũ thuộc trường hợp không phải thành lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch khi xem xét tiếp nhận không qua thi tuyển vì có trình độ đào tạo từ đại học trở lên, có thời gian công tác liên tục (không kể thời gian tập sự, thử việc) từ đủ 60 tháng trở lên và trong thời gian công tác 5 năm gần nhất không vi phạm pháp luật đến mức bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo ông Bùi Ngọc Tú, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Hậu Lộc, thủ tục đề nghị đặc cách là do UBND huyện làm rồi hồ sơ gửi sang Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa thẩm định. Sau khi thẩm định xong, Sở Nội vụ sẽ trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định xét đặc cách. Về hồ sơ trình công chức của ông Vũ, Trưởng phòng Nội vụ huyện Hậu Lộc cho biết, hồ sơ được quản lý theo chế độ bảo mật. Chính vì thế, ông chỉ cung cấp khi có chỉ đạo của Chủ tịch UBND huyện.

ĐBQH đề nghị Bộ Nội vụ, UBND tỉnh Thanh Hóa cần sớm làm rõ

Đánh giá sự việc, Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, đây là một trường hợp cá biệt của nước ta. “Bởi hiện tại, nước ta đã có quy định về đặc cách công chức, Bộ Nội vụ hướng dẫn rất chi tiết. Nhưng theo tôi đặc cách trong trường hợp nào chứ một người bình thường để được làm công chức thì phải thi tuyển”, Đại biểu Hòa nhấn mạnh.

ĐBQH Nguyễn Văn Hòa, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp.

Theo vị Đại biểu, từ một Phó Giám đốc của Công ty TNHH vận tải xây dựng Xuân Thành (công ty tư nhân) - một nơi bình thường và cá nhân ông Vũ cũng không có gì “nổi trội” so với người khác, trong khi thời gian công tác không đủ 60 tháng liên tục thì không có lý do nào có thể xem xét đặc cách được.

“Nếu làm ở công ty nhà nước và có những thành tích xuất sắc thì có thể xem xét, đằng này anh ta làm ở một công ty tư nhân, mà tuyển thẳng làm công chức thì tôi cho rằng cần xem xét lại việc đặc cách này có đúng quy định hay không”, Đại biểu Hòa nói.

Do đó Đại biểu Hòa cho rằng, các cơ quan có thẩm quyền phải xem lại thời gian bố trí xét đặc cách có đúng quy định hay không. Cùng với đó việc đề bạt phó phòng, rồi trưởng phòng có đúng chuẩn chưa? Có học vị là trung cấp chính trị chưa? Nếu có trung cấp chính trị là chuyện khác và không có bằng trung cấp chính trị lại là chuyện khác. Bởi, ông Vũ rất còn trẻ tuổi, sinh năm 1988 năm nay mới có 32 tuổi mà đề bạt Phó phòng mới có hai mấy tuổi.

“Tôi cho rằng, Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa, UBND tỉnh Thanh Hóa cần phải làm rõ, cần thiết Bộ Nội vụ cũng cần phải làm việc xem thời gian qua việc đặc cách công chức, bổ nhiệm các chức danh có đúng quy định chưa. Hiện tại, Bộ Nội vụ đã có văn bản chỉ đạo các tỉnh thành trong cả nước, nơi nào sai phải sửa, phải báo cáo”, Đại biểu Hòa nói.

Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đề nghị các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc làm rõ sự việc, cần có câu trả lời cho những người dân, những công chức, tại nơi đây để họ thấy được việc bố làm Bí thư huyện, con được đặc cách như vậy có đúng quy định hay chưa? Đúng thì phát huy còn chưa đúng thì phải sửa và phải quy trách nhiệm liên đới cho những người đề bạt, bổ nhiệm đặc cách ông này vào vị trí đó.

Vẫn theo Đại biểu Hòa, trách nhiệm trước tiên là phải UBND huyện Hậu Lộc vì chính nơi này quản lý hồ sơ cán bộ và làm tờ trình gửi Sở Nội vụ thẩm định rồi Sở Nội vụ mới trình lên Chủ tịch UBND tỉnh để ông Vũ được đặc cách. “Tôi cho rằng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cần vào cuộc chỉ đạo chứ không để người dân và cán bộ công chức trong tỉnh xì xầm, nói vô, nói ra những lời không hay như: đó là hậu duệ, là con ông cháu cha, có sự bao che, làm sai mà sợ khiển trách sợ phê bình nên dấu nhẹm những cái sai”, ông Hòa thẳng thắn góp ý.

Cũng theo ông Hòa, thời gian tới, về công tác cán bộ các tổ chức, đơn vị cần phải làm nghiêm và dựa vào những quy định của Đảng để làm. Căn cứ vào những quy định đó mà chúng ta bồi dưỡng, đề bạt, cân nhắc cán bộ đúng quy định. Tất nhiên, những cán bộ đó phải đạt chuẩn theo quy định hiện hành, có tâm, có tầm, thậm chí có tín nhiệm cao, có uy tín và thể hiện trách nhiệm đối với người dân.

Theo một số Luật sư, trường hợp ông Nguyễn Nhật Vũ được đặc cách xét công chức không qua thi tuyển vào năm 2015 khi là Phó Giám đốc một công ty tư nhân rất cần được cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hoá vào cuộc làm rõ trước dư luận về việc có đảm bảo đúng quy trình và quy định pháp luật hay không. Bởi Thông tư số 13/2010/TT-BNV của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Nghị định 24/2010 của Chính phủ quy định:

1. Điều kiện, tiêu chuẩn để xem xét tiếp nhận không qua thi tuyển:

a) Người tốt nghiệp thủ khoa tại các cơ sở đào tạo trình độ đại học ở trong nước và người tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, loại xuất sắc ở nước ngoài theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 19 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP được xem xét tiếp nhận không qua thi tuyển, nếu có đủ các điều kiện, tiêu chuẩn sau:

- Bảo đảm các điều kiện đăng ký dự tuyển công chức quy định tại Điều 1 Thông tư này;

- Được cơ quan có thẩm quyền xác nhận tốt nghiệp thủ khoa ở trình độ đại học tại các cơ sở đào tạo ở trong nước hoặc tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, loại xuất sắc ở nước ngoài; trường hợp sau khi tốt nghiệp đã có thời gian công tác thì trong thời gian công tác này không vi phạm pháp luật đến mức bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự và được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Việc xác định tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, loại xuất sắc ở nước ngoài được căn cứ vào xếp loại tại bằng tốt nghiệp; trường hợp bằng tốt nghiệp không xếp loại thì cơ quan quản lý công chức báo cáo cụ thể kết quả học tập toàn khóa và kết quả bảo vệ tốt nghiệp để Bộ Nội vụ hoặc Ban Tổ chức Trung ương xem xét, quyết định theo thẩm quyền quản lý công chức.

b) Người có kinh nghiệm công tác theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 19 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP được xem xét tiếp nhận không qua thi tuyển, nếu có đủ các điều kiện, tiêu chuẩn sau:

- Bảo đảm các điều kiện đăng ký dự tuyển công chức quy định tại Điều 1 Thông tư này;

- Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên; hiện đang công tác trong ngành, lĩnh vực cần tuyển; có thời hạn từ đủ 60 tháng trở lên làm công việc yêu cầu trình độ đào tạo đại học, sau đại học trong ngành, lĩnh vực cần tuyển (không kể thời gian tập sự, thử việc và nếu có thời gian công tác không liên tục thì được cộng dồn); trong thời gian công tác 05 năm gần nhất không vi phạm pháp luật đến mức bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển hoặc thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 điều này.

2. Quy trình xem xét tiếp nhận không qua thi tuyển:

a) Người đứng đầu cơ quan quản lý công chức thành lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch để đánh giá về các điều kiện, tiêu chuẩn, trình độ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu, nhiệm vụ của vị trí việc làm cần tuyển của người được đề nghị tiếp nhận không qua thi tuyển. Hội đồng kiểm tra, sát hạch có 05 hoặc 07 thành viên, bao gồm:

- Chủ tịch Hội đồng là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan quản lý công chức;

- Một ủy viên là người đứng đầu bộ phận tham mưu về công tác tổ chức cán bộ của cơ quan quản lý công chức;

- Một ủy viên là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị dự kiến bố trí công chức sau khi được tiếp nhận;

- Các ủy viên khác là đại diện một số bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ có liên quan, trong đó có một ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng.

b) Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng kiểm tra, sát hạch:

- Kiểm tra về các điều kiện, tiêu chuẩn, văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển;

- Sát hạch về trình độ hiểu biết chung và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của người được đề nghị tiếp nhận. Hình thức và nội dung sát hạch do Hội đồng kiểm tra, sát hạch căn cứ vào yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển, báo cáo người đứng đầu cơ quan quản lý công chức xem xét, quyết định trước khi tổ chức sát hạch;

- Hội đồng kiểm tra, sát hạch làm việc theo nguyên tắc tập thể, biểu quyết theo đa số và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

c) Các trường hợp không phải thành lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch khi xem xét tiếp nhận không qua thi tuyển:

Các trường hợp sau đây, có trình độ đào tạo từ đại học trở lên, có thời gian công tác liên tục (không kể thời gian tập sự, thử việc) từ đủ 60 tháng trở lên và trong thời gian công tác 05 năm gần nhất không vi phạm pháp luật đến mức bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu được xem xét tiếp nhận không qua thi tuyển theo quy định tại điểm b khoản 1 điều này thì người đứng đầu cơ quan quản lý công chức không phải thành lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch:

- Những người đã là cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên thuộc ngành, lĩnh vực cần tuyển, sau đó chuyển sang công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp nhà nước;

- Viên chức đã được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch trước ngày 01 tháng 7 năm 2003 (trừ trường hợp quy định tại khoản 6 điều này);

- Những người đang giữ chức danh lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng trở lên trong doanh nghiệp nhà nước;

- Những người là sĩ quan quân đội, sĩ quan công an, quân nhân chuyên nghiệp, người làm công tác cơ yếu.

d) Người đứng đầu cơ quan quản lý công chức có văn bản gửi Bộ Nội vụ hoặc Ban Tổ chức Trung ương thống nhất ý kiến trước khi quyết định tiếp nhận không qua thi tuyển đối với các trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức theo quy định tại điều này, cụ thể như sau:

- Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập gửi văn bản về Bộ Nội vụ để thống nhất ý kiến;

- Cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương gửi văn bản về Ban Tổ chức Trung ương để thống nhất ý kiến.

PV

/luat-su-can-bao-ve-nguoi-yeu-the.html