/ Luật sư - Bạn đọc
/ Cần nghiên cứu thận trọng việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn

Cần nghiên cứu thận trọng việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn

14/04/2024 13:11 |

(LSVN) - Khi thức chấp hành pháp luật được nâng cao, pháp luật hoàn thiện, việc tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm túc, hạ tầng giao thông được phát triển tốt, văn hóa giao thông được nâng cao thì những vụ tai nạn giao thông sẽ giảm đi. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông chứ không chỉ từ nồng độ cồn, nếu quá tập trung vào vấn đề nồng độ cồn mà xem nhẹ các nguyên nhân khác, không thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa thì chưa chắc đã đạt hiệu quả trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Ảnh minh họa.

Mới đây, tại cuộc họp báo quý I/2024 của Bộ Tư pháp, các đơn vị thuộc Bộ đã thông tin, trả lời một số nội dung được báo chí quan tâm, trong đó có quy định liên quan tới nồng độ cồn khi tham gia giao thông.

Theo đó, tại buổi họp báo, báo chí đặt câu hỏi về 02 luồng ý kiến khác nhau liên quan tới việc cấm tuyệt đối hay có ngưỡng về nồng độ cồn với người tham gia giao thông trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Quan điểm của Bộ Tư pháp về nội dung này như thế nào?

Trả lời nội dung này, đại diện Vụ Pháp luật hình sự, hành chính (Bộ Tư pháp) cho biết, trong Luật Phòng chống tác hại rượu bia năm 2019 đã quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có nghiêm cấm hành vi điều khiển giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn tại khoản 5, Điều 6. 

Bên cạnh đó, Vụ Pháp luật hình sự, hành chính nhấn mạnh, về việc quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông, Bộ Tư pháp cho rằng, việc cấm tuyệt đối hay không phải căn cứ vào các tính chất khoa học, thực tiễn và ý thức tham gia giao thông của người dân.

Ngoài ra, trong quá trình thẩm định, Bộ Tư pháp thông tin cũng đã đề nghị Bộ Công an phối hợp với Bộ Y tế có những nghiên cứu có tính khoa học, đảm bảo phù hợp với thực tiễn, phù hợp với ý thức tham gia giao thông của người dân, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của người dân và hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước, thống nhất của toàn bộ hệ thống pháp luật.

Theo quan điểm cá nhân tôi, cần phải nghiên cứu thận trọng về vấn đề này, phải căn cứ vào các số liệu thống kê một cách chính xác ở nhiều lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, xã hội, vấn đề từ các vụ án, vụ việc tai nạn giao thông có liên quan đến nồng độ cồn và cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế. 

Trong đó, cần phân biệt cấm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông với cấm uống rượu bia hay quản lý rượu bia để giảm tác hại của nó đối với sức khỏe con người và với trật tự an toàn xã hội. 

Theo con số thống kê của bộ Công an thì số vụ tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia vẫn cao, số vụ án hình sự do người uống rượu bia gây ra vẫn ở con số rất đáng quan ngại. Mặc dù từ năm 2019 đến nay chúng ta đã và đang duy trì quy định cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện giao thông với nồng độ cồn, cũng kiểm soát tốt hơn về việc sản xuất, tiêu thụ rượu bia. Tuy nhiên, các con số mà bộ Công an đưa ra về tai nạn giao thông, về các vụ việc có liên quan đến rượu bia vẫn là các con số đáng lo ngại. Như vậy, vấn đề xã hội ở đây không phải là việc cấm hay không cấm người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn trong máu hoặc trong khí thở.

Mặc dù đã quy định cấm nhưng vấn đề trật tự an toàn xã hội vẫn không được cải thiện đáng kể, những vụ việc vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ cũng như về trật tự xã hội do người sử dụng rượu bia gây ra vẫn ở mức độ cao. Bởi vậy, quan điểm cá nhân tôi cho rằng để quản lý xã hội một cách hiệu quả, giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông, các vụ án hình sự do người sử dụng rượu bia gây ra thì cấm tuyệt đối không phải là giải pháp tích cực. Vấn đề là phải tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của công dân. Cần tăng cường công tác kiểm soát về hoạt động sản xuất, tiêu thụ rượu bia sao cho hài hòa lợi ích của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này và vấn đề an toàn xã hội. 

Để đưa ra quyết định cấm tuyệt đối hay không cấm tuyệt đối, tiếp tục duy trì lệnh cấm hay gỡ bỏ, lấy lòng thì không chỉ phụ thuộc vào các con số thống kê trong một lĩnh vực, một ngành mà cần phải căn cứ vào các con số thống kê một cách chính xác, đầy đủ, khoa học ở nhiều lĩnh vực trong đó đặc biệt quan tâm đến là: Các vụ tai nạn giao thông do người có sử dụng rượu bia gây ra, các vụ án hình sự do người sử dụng rượu bia gây ra; hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong lĩnh vực rượu bia; Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, nhà hàng khách sạn, đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp... Vấn đề xử lý đối với người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn chỉ là một trong các vấn đề trong việc thực hiện Luật phòng chống tác hại rượu bia. Bởi vậy, cần có tổng kết thực tiễn để đánh giá hiệu quả trong việc thực hiện văn bản quy phạm pháp luật này trong thời gian qua.

Quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn với người tham gia giao thông hay không không chỉ phụ thuộc vào số liệu thống kê về các vụ tai nạn giao thông do người vi phạm nồng độ cồn gây ra mà phải căn cứ vào nguyên nhân từ hành vi uống rượu và ý thức của người tham gia giao thông khi đã uống rượu mà vẫn điều khiển phương tiện. Ngoài ra, về cơ sở khoa học thì phải căn cứ vào kết luận của cơ quan chuyên môn về ý tế để xác định nồng độ cồn đến đâu có thể gây ra tác động xấu cho người điều khiển phương tiện giao thông để có quy định phù hợp. 

Ngoài ra, cũng cần có những thống kê các quốc gia quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn với người tham gia giao thông và tình hình đảm bảo trật tự an toàn giao thông ở các quốc gia dựa trên các con số thống kê, phân tích các nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, liên quan đến ý thức chấp hành luật lệ an toàn giao thông để có thể học hỏi rút kinh nghiệm cho Việt Nam. 

Quan điểm cá nhân tôi là không nên cấm nồng độ cồn ở mức độ tuyệt đối để hạn chế những tác động tiêu cực của các chính sách mới đối với các vấn đề văn hóa xã hội, đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, văn hóa ẩm thực, vấn đề tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động có liên quan đến lĩnh vực này. Đặc biệt là cần phải dựa trên luận chứng khoa học về ý tế, có tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới và khu vực có cùng điều kiện kinh tế xã hội.

Để giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng thì kiểm soát nồng độ cồn chỉ là một trong các giải pháp, giải pháp quan trọng nhất vẫn là tuyên truyền giáo dục để nâng cao ý thức chấp hành luật lệ an toàn giao thông, công tác kiểm tra phát hiện xử lý kịp thời, nghiêm minh, công bằng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. 

Khi thức chấp hành pháp luật được nâng cao, pháp luật hoàn thiện, việc tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm túc, hạ tầng giao thông được phát triển tốt, văn hóa giao thông được nâng cao thì những vụ tai nạn giao thông sẽ giảm đi. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông chứ không chỉ từ nồng độ cồn, nếu quá tập trung vào vấn đề nồng độ cồn mà xem nhẹ các nguyên nhân khác, không thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa thì chưa chắc đã đạt hiệu quả trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Tiến sĩ, Luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG

Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

Căn cứ yêu cầu khoá tài khoản cá nhân trên mạng xã hội

Nguyễn Hoàng Lâm