Cần Thơ: Địa phương "đồng thuận" BOT như thế nào?

18/01/2018 17:42 | 6 năm trước

LSVNO - Trong tình hình dư luận bức xúc về vị trí đặt trạm thu phí BOT hiện nay, nhiều chủ đầu tư và quan chức Bộ Giao thông vận tải (GTVT) giải thích là có sự “đồng thuận” của địa phương. Thực sự...

LSVNO - Trong tình hình dư luận bức xúc về vị trí đặt trạm thu phí BOT hiện nay, nhiều chủ đầu tư và quan chức Bộ Giao thông vận tải (GTVT) giải thích là có sự “đồng thuận” của địa phương. Thực sự thế nào, xin khảo sát trạm T2 của dự án cải tạo và nâng cấp Quốc lộ 91 ở Cần Thơ.

Bất bình trạm thu phí

Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp QL91 do Liên danh Sonadezi-Cường Thuận IDICO đầu tư, có tổng mức khoảng 1.720 tỷ đồng. Gồm hai đoạn: QL91 dài 36,889 km (tính từ trung tâm thành phố Cần Thơ, tại Km14+00 ở quận Ô Môn đến Km50+889 ở quận Thốt Nốt) và QL91B ở rìa trung tâm thành phố Cần Thơ dài 15,793 km. Đây cũng là con đường chính từ Cần Thơ đi về các tỉnh An Giang, Kiên Giang và sang Campuchia. Có 2 trạm thu phí, trạm T1 đặt ở phường Phước Thới (Ô Môn, Cần Thơ), trạm T2 đặt ở phường Thới Thuận (Thốt Nốt, Cần Thơ).

QL91 có trước năm 1975, mặt đường chỉ khoảng 5-6m, nay được nâng cấp và mở rộng 11m. Còn Quốc lộ 91B là con đường mới làm bằng ngân sách Nhà nước, do Bộ GTVT phê duyệt đầu tư, thông xe ngày 6/6/2010, gồm một phần dài 2 km là đường cấp 2, rộng 29m với 4 làn xe; còn lại là đường cấp 3 đồng bằng, rộng 12 m. Tuy nhiên, vừa thông xe thì đã xuống cấp nên lại được “tăng cường nền, mặt đường QL91B” để thu phí BOT. Đặc biệt, đoạn 2 km khá đẹp, vỉa hè rộng 5m với hàng cây bằng lăng xanh tươi, đã bị dự án “cải tạo” xén 2m vỉa hè để mở rộng lòng đường, chặt bỏ cây xanh làm cho con đường nay trơ trọi.

Vỉa hè bị xén 2 mét, mở rộng lòng đường để thu phí BOT.

Khi làm xong đoạn của QL91, xây dựng trạm T1 để thu phí từ 0 giờ ngày 2/4/2016. Còn Quốc lộ 91B đến tháng 8/2016 mới cơ bản hoàn thành và sang năm 2017 xây dựng trạm T2 để thu phí. Trạm T2 đặt tại vị trí buộc ô tô qua lại giữa tỉnh An Giang và Kiên Giang, chỉ đi chừng 500 mét của đường BOT, cũng phải đóng phí nên bị phản ứng.

Các phản ứng cho rằng, vị trí đặt trạm chưa đúng. Bộ GTVT đã chấp thuận giảm 100% giá vé qua trạm T2 cho các loại xe buýt, xe khách công cộng chạy tuyến cố định giữa Kiên Giang và An Giang; miễn 100% giá vé qua trạm T2 cho xe của người dân có hộ khẩu thường trú lân cận trạm. Thế nhưng, tình hình náo loạn, kẹt xe tại trạm T1, T2 vẫn xảy ra. Tổng cục Đường bộ vừa có văn bản cho rằng vị trí đặt trạm đã được sự “đồng thuận” của các địa phương nên kiến nghị Bộ GTVT và các địa phương xử lý nghiêm minh những trường hợp cố tình quấy rối gây cản trở giao thông.

Quá trình “đồng thuận”

Theo chủ đầu tư, dự án cải tạo và nâng cấp QL91 được Bộ GTVT phê duyệt bằng Quyết định số 579, ngày 3/3/2014 và ngày 9/3/2014, dự án được khởi công. Sau khi khởi công nhiều tháng, việc cải tạo QL91B mới được ghép vào để ra đời cái trạm T2 gây nhiều bất bình hiện nay. Có những mốc chính đáng chú ý như sau:

Ngày 15/9/2014, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ có văn bản số 153/ĐBQH. Ngày 16/9/2014, HĐND thành phố Cần Thơ có văn bản số 465/HĐND-TT. Cùng ngày, UBND thành phố Cần Thơ có văn bản số 744/UBND-XD ĐT và Thành ủy Cần Thơ có văn bản số 1453-CV/TU. Như thế, chỉ trong 3 ngày, có được loạt văn bản chấp thuận của các cơ quan lãnh đạo cao nhất thành phố Cần Thơ.

Đến ngày 24/11/2014, Bộ GT&VT có văn bản số 14906/BGTVT-ĐTCT, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận ghép QL91B vào dự án cải tạo QL91 và xây dựng trạm T2. Đến ngày 6/2/2015, Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 213/TTg-KTN chấp thuận đề nghị của Bộ GTVT, giao Bộ GTVT thống nhất với thành phố Cần Thơ vị trí đặt trạm T2 tại Km50+050. Tính ra đúng một năm sau khởi công dự án, vị trí đặt trạm T2 mới chính thức hình thành.

Trong văn bản số 9901/BGTVT-ĐTCT, ngày 30/8/2017, Bộ GTVT viết: “Như vậy việc lập trạm thu phí nằm trong phạm vi dự án, phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ, được sự đồng thuận của địa phương và quy định pháp luật”.

Về việc, tại sao vấn đề phức tạp mà được các cơ quan lãnh đạo cao nhất thành phố đồng thuận chỉ trong vòng 3 ngày? Trao đổi với PV, một vị lãnh đạo UBND thành phố Cần Thơ cho biết: “Không đồng thuận không được vì dự án đã khởi công rồi, lúc đó cũng có ý kiến đề xuất xin tiền trái phiếu Chính phủ đầu tư nâng cấp QL91B nhưng vốn rất khó khăn, phải chờ đợi lâu, nếu thành phố Cần Thơ không đồng thuận sẽ bị báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ và thành phố Cần Thơ dễ bị phê bình”.

Sáu Nghệ