Cần tiếp tục có cơ chế bảo vệ những người làm báo khi tác nghiệp

29/06/2022 23:15 | 1 năm trước

(LSVN) - Trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật nhằm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Nhiệm vụ của báo chí là góp phần đưa những chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật này đi sâu vào thực tiễn đời sống (tuyên truyền và phổ biến pháp luật), nhiệm vụ vẻ vang ấy của đội ngũ nhà báo, phóng viên được kết hợp chặt chẽ với đội ngũ luật sư, những người làm công tác tư vấn pháp luật, thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội.

Ảnh minh họa.

Có những nhà báo là Luật sư và có những Luật sư cũng đồng thời là nhà báo, vai trò của hai chức danh nghề nghiệp này đan xen, hỗ trợ cho nhau để đạt được mục tiêu chung là “tuyên truyền và phổ biến pháp luật”, nếu nghề báo có tính thời sự thì nghề luật có tính dự báo.

Là một Luật sư có kỹ năng và đam mê viết, tôi rất trân quý nghề báo, nể trọng những nhà báo đang ngày đêm cống hiến hết mình cho sự nghiệp tuyên truyền, phổ biến pháp luật, truyền tải những chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước tới người dân. Thực tế có một điều thú vị là, rất nhiều Luật sư xuất thân từ nhà báo, phóng viên, rất nhiều Luật sư mặc dù bận rộn với nghề nhưng vẫn miệt mài viết và đóng góp không ngừng cho sự nghiệp báo chí, cho nghiên cứu và hoàn thiện pháp luật. Từ đó cho thấy sự gắn bó khăng khít, bền chặt của nghề báo và nghề luật. Khắp nơi trên đất nước, ở bất cứ phiên tòa nào, các nhà báo, phóng viên luôn sẵn sàng đồng hành cùng đội ngũ Luật sư, để chuyển tải những thông điệp nóng nhất, có tính thời sự nhất đến công chúng.

Hiện nay nước ta có một hệ thống pháp luật khá đồ sộ, song nhiều chính sách pháp luật tuy được ban hành đã lâu, nhưng để người dân biết và nắm được quy định của các văn bản quy phạm pháp luật, có thói quen sử dụng pháp luật vào giải quyết công việc thì còn rất hạn chế, kể cả khi đã ban hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (2012) thì hiệu quả tuyên truyền vẫn không cao.

Nắm bắt được những bất cập, tồn tại này, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đã bắt tay cùng Đảng và Nhà nước, cùng đông đảo đội ngũ Luật sư thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước tới người dân. Có thể khẳng định một điều rằng, chính báo chí đã tạo cầu nối giữa người dân với Đảng, với Nhà nước; báo chí cùng với đội ngũ Luật sư đồng hành cùng người dân phản ánh và giải quyết những vấn đề nhức nhối trong xã hội, các tranh chấp kéo dài trong lĩnh vực đất đai, thừa kế, kinh doanh - thương mại, các vụ án hình sự có dấu hiệu oan sai…

Đặc biệt, trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng hiện nay, đội ngũ nhà báo và đội ngũ Luật sư đã góp phần cùng Đảng và Nhà nước đấu tranh với vấn nạn này; cùng chung tay phổ biến các quy định pháp luật tới người dân, giúp người dân có thói quen sử dụng luật pháp, hiểu và thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ của công dân, tránh bị xâm phạm quyền lợi, tránh bị một bộ phận cán bộ thoái hóa, biến chất lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để gây khó dễ.

Trên mặt trận ngoại giao, đội ngũ nhà báo và Luật sư cũng đã kết hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật giúp các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước ta tới được đông đảo bà con kiều bào, nhằm chống lại các thế lực thù địch lợi dụng chia rẽ, gây mất đoàn kết dân tộc.

Trong hoạt động nghề nghiệp, những nhà báo, phóng viên cũng luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và rủi ro rình rập, nhất là với những người thực hiện các phóng sự điều tra, tin bài có tính thời sự, nhạy cảm… Nhiều nhà báo, phóng viên bị cản trở hoạt động tác nghiệp một cách thô bạo bởi những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm Luật Báo chí, Luật Tiếp cận thông tin… Tương tự, nhiều Luật sư cũng bị cản trở hoạt động nghề nghiệp, bị đe dọa, bị trả thù. Chính sự kết hợp giữa những người làm báo và làm công tác  pháp luật với nhau, cùng đứng trên một mặt trận - mặt trận văn hóa tư tưởng, đã giúp cho các nhà báo, phóng viên, Luật sư tháo gỡ được những khó khăn trong nghề, mạnh mẽ đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác, phụng sự công lý và lẽ phải, bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật.

Trong thời gian tới, mong rằng Đảng và Nhà nước cần tiếp tục có cơ chế để bảo vệ những người làm báo, tạo điều  kiện để cơ quan báo chí thuận lợi hơn trong hoạt động tác nghiệp, đồng thời xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân cản trở hoạt động tác nghiệp của các nhà báo, phóng viên, cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ.

Luật sư HÀ THỊ KHUYÊN

Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

Một số ý kiến đối với dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi)