Cần xử lý triệt để các nguyên nhân gián tiếp và trực tiếp trong công tác phòng cháy, chữa cháy

24/06/2024 16:07 | 4 ngày trước

(LSVN) - Muốn khắc phục tình trạng cháy nổ đang diễn biến hết sức phức tạp cần xử lý triệt để cả nguyên nhân sâu xa (gián tiếp) và nguyên nhân trực tiếp đến từ ý thức một bộ phận người dân.

Ảnh minh họa.

Thời gian gần đây trên địa bàn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh liên tiếp xảy ra các vụ cháy lớn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, không những thiệt hại lớn về tài sản mà có tới hàng chục người thiệt mạng trong một vụ cháy, hậu quả hết sức tang thương. Đây là thực trạng hết sức báo động trước tình trạng vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy thời gian qua. 

Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Công điện số 59/CĐ-TTg ngày 17/6 chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung khắc phục hậu quả và triển khai các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng cháy, nổ. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nếu để các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao hoạt động khi chưa đảm bảo điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy và để xảy ra các vụ cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý của mình đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Theo quy định Luật Phòng cháy chữa cháy thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm sau:

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng cháy và chữa cháy; xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy và chữa cháy; thành lập, duy trì hoạt động đội phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật;

- Ban hành theo thẩm quyền nội quy và biện pháp về phòng cháy và chữa cháy;

- Tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về phòng cháy và chữa cháy;

- Bảo đảm kinh phí cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy, sử dụng kinh phí phòng cháy và chữa cháy đúng mục đích; trang bị và duy trì hoạt động của dụng cụ, phương tiện phòng cháy và chữa cháy; chuẩn bị các điều kiện phục vụ chữa cháy; xây dựng, tổ chức thực tập phương án chữa cháy; bảo đảm các điều kiện phục vụ công tác huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy; tổ chức chữa cháy và khắc phục hậu quả do cháy gây ra;

- Thực hiện nhiệm vụ khác về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.

Nguyên nhân sâu xa, gốc rễ của các vụ cháy đến từ hệ thống hạ tầng, xây dựng, giao thông khi cấp phép xây dựng không tuân thủ kỹ thuật phòng cháy chữa cháy, nhà trong ngõ ngách đi lại di chuyển khó khăn nhưng vẫn được cấp phép xây dựng rất cao, không có hệ thống phòng cháy chữa cháy, những hoạt động kinh doanh tại nhà ở phải bắt buộc đảm bảo phòng cháy chữa cháy nhưng không được kiểm soát tốt… đây là những hệ lụy lâu dài, nguyên nhân gốc rễ sâu xa mà không phải một sớm một chiều có thể khắc phục được, và khi chưa kịp khắc phục sửa sai thì chúng ta lại tiếp tục phải nghe tin về các vụ cháy nghiêm trọng như vụ cháy đêm ngày 23/5/2024 khiến 15 người thiệt mạng, vụ cháy này xảy sau gần 08 tháng trước là vụ cháy 56 người chết hồi tháng 09/2023.

Còn nguyên nhân hiện hữu trực tiếp hàng ngày là ý thức phòng cháy chữa cháy, sự bất cẩn trong sinh hoạt, trong công việc trong quản lý nguồn nhiệt… của một bộ phận người đang sử dụng, vận hành cơ sở, địa điểm, công trình dẫn tới cháy nổ.

Vì thế, muốn khắc phục tình trạng cháy nổ đang diễn biến hết sức phức tạp cần xử lý triệt để cả nguyên nhân sâu xa (gián tiếp) và nguyên nhân trực tiếp đến từ ý thức một bộ phận người dân.

Để xử lý triệt để tình trạng mất an toàn, vi phạm phòng cháy chữa cháy rất cần sự vào cuộc rà soát trên toàn TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh để xem xét tình trạng nhà ở riêng lẻ vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy nhưng vẫn vô tư chuyển đổi sang hình thức cho thuê, cho thuê lại, cho thuê kinh doanh, kinh doanh tại nhà, kinh doanh các sản phẩm - các dịch vụ dễ cháy nổ tại nhà. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng nhà từ một chủ sử dụng sang nhiều chủ sử dụng, nhiều người sử dụng, kinh doanh, sản xuất hàng hoá - dịch vụ ngay tại nhà nhưng không có bất kỳ cơ quan quản lý nào kiểm tra, xử lý… để đến khi hậu quả cháy nổ do kinh doanh tại nhà, trong khu dân cư khi ấy tất cả mới giật mình bàng hoàng nhìn lại thì đã quá muộn. 

Vì thế “dù muộn còn hơn không làm” rất cần các cơ quan ban ngành, cùng thành phố tiến hành rà soát loại hình nhà ở riêng lẻ chuyển sang cho thuê trọ, chuyển sang kinh doanh tại nhà. Nhưng không có hệ thống phòng cháy chữa cháy, không có phương án thoát hiểm khi cháy nổ xảy ra… nếu những nhà ở riêng lẻ này không đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy nhưng đang có quá nhiều người đang thuê ở tại đây, đang sản xuất hàng hoá dịch vụ kinh doanh tại nhà thì cần kiên quyết đóng cửa và yêu cầu dừng hoạt động cho thuê.

Chỉ cho phép 01 chủ sử dụng và không kinh doanh cho thuê nhà trọ, không kinh doanh bán hàng tại nhà. Khi ấy mới tuyệt đối an toàn. Đồng thời, những gì nhà ở riêng lẻ xây mới cần quy định có hệ thống phòng cháy khi xin giấy phép xây dựng. Lâu nay cháy chung cư cao tầng thì chúng ta quan tâm tới chung cư cao tầng, khi cháy chung cư mini thì chúng ta mới quan tâm tới loại hình nhà chung cư mini (hồi tháng 9/2023) và nay cháy xảy ra tại “nhà ở riêng lẻ chuyển đổi sang cho thuê trọ - kết hợp kinh doanh tại nhà” (kinh doanh xe đạp điện) chúng ta mới quan tâm tới vi phạm phòng cháy chữa cháy của loại hình nhà này. Chúng ta đang quá bị động và chỉ đi xử lý hậu quả, đây là khoảng trống của pháp luật và hệ lụy của việc buông lỏng quản lý ở cơ sở, dễ dãi trong cấp phép xây dựng, trong chuyển đổi nhà ở và xử lý vi phạm.

Luật sư HÀ THỊ KHUYÊN

Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

Chi tiền để mua tin báo về tham nhũng liệu có cần thiết?