Hội thảo đã thảo luận các vấn đề như: Chủ trương, chính sách của Đảng đối với tổ chức và hoạt động Luật sư; vị trí, vai trò của Luật sư trong hệ thống chính trị; Bản lĩnh chính trị của Luật sư – Yêu cầu đối với công tác đào tạo nghề Luật sư; Công tác an ninh chính trị nội bộ trong tổ chức thực hiện Chỉ thị 33 và Kết luận số 69- KL/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của Luật sư.
Quang cảnh Hội nghị
Chia sẻ tại Hội nghị, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Cơ quan truyền thông Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết, trong những thập kỷ qua, vai trò và vị thế của Luật sư ở Việt Nam đã dần được khẳng định và nâng cao. Với sự hiểu biết sâu rộng về pháp luật, cùng với những phẩm chất đạo đức và tinh thần trách nhiệm cao, các Luật sư Việt Nam đã dần khẳng định được bản lĩnh chính trị của mình, trở thành những người đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
Sự đóng góp và bản lĩnh chính trị của những người Luật sư Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận và đánh giá cao. Qua những năm tháng phấn đấu, các Luật sư đã không ngừng nỗ lực để khẳng định vai trò và vị thế của mình trong xã hội. Họ không chỉ cung cấp các dịch vụ tư vấn pháp lý chuyên nghiệp, mà còn tích cực tham gia vào các hoạt động chính trị, kinh tế và xã hội, góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
Bà Đặng Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư Pháp - Bộ Tư pháp phát biểu tại Hội nghị.
Với nỗ lực không ngừng nghỉ, các Luật sư Việt Nam đang từng bước khẳng định bản lĩnh chính trị của mình, trở thành những người có tiếng nói và ảnh hưởng đáng kể trong xã hội. Điều này không chỉ nâng cao vị thế của nghề luật, mà còn góp phần thúc đẩy sự tiến bộ và dân chủ hóa của đất nước.
Hiện nay, hoạt động của người Luật sư đã trở thành nhu cầu thiết yếu trong đời sống xã hội. Sự tín nhiệm và đánh giá cao của cộng đồng đối với các Luật sư chính là phản ánh đúng vị thế và vai trò quan trọng của nghề luật trong xã hội Việt Nam ngày nay. Theo thống kê, số lượng Luật sư năm 2007 là 4.161 Luật sư và cho đến ngày 15/12/2023, số lượng Luật sư đã tăng lên là 18.191 Luật sư, như vậy bình quân tăng khoảng hơn 1000 Luật sư/năm.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Cơ quan truyền thông Liên đoàn Luật sư Việt Nam chia sẻ tại Hội nghị.
Tại Hội nghị, Luật sư Nguyễn Văn Hậu kiến nghị Bộ Tư pháp xây dựng một cẩm nang hướng dẫn để tuyên truyền các quy định của Đảng thật sâu nhằm đấu tranh, phản biện lại các luận điểm sai trái, thù địch hòng xuyên tạc, bôi nhọ, công kích, làm xói mòn niềm tin của nhân dân, phá hoại môi trường hoà bình, ổn định đất nước, đặc biệt là trên không gian mạng và đồng thời tuyên truyền đấu tranh, phản biện lại các luận điểm chưa phù hợp, chưa đúng về bản chất nghề Luật sư. Cần tổ chức những buổi học tập nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực Luật sư tại Việt Nam.
Kiến nghị bổ sung vào Luật Luật sư sửa đổi, Luật sư phải có bản lĩnh chính trị - nghề nghiệp, tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, có phẩm chất đạo đức. Quy định người muốn tập sự hành nghề Luật sư phải qua khóa đào tạo ngắn hạn, không được miễn đào tạo nghề nghiệp như quy định hiện hành, chỉ giảm bớt đối với một số đối tượng được giảm thời gian đào tạo là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên cao cấp cho phù hợp với thực tế: Bổ sung nghĩa vụ bồi dưỡng bắt buộc đối với Luật sư về trách nhiệm nghề nghiệp, và cập nhật chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước có liên quan đến nghề nghiệp Luật sư.
Theo Luật sư Nguyễn Thế Phong, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Khen thưởng, Kỷ luật Liên đoàn Luật sư Việt Nam, trong quá trình đào tạo Luật sư Học viện Tư pháp phải làm cho học viên hiểu được những quy định của Đảng, quy định của Nhà nước yêu cầu Luật sư làm sao cho tốt đừng để vi phạm. Để hiểu được thì Luật sư phải biết những quy định của Đảng, hiểu được những quy định của Luật Luật sư cũng như Đạo đức nghề nghiệp, yêu cầu Luật sư tuân thủ chấp hành thì cái đó chính là bản lĩnh nghề nghiệp.
Trong quá trình hành nghề Luật sư có nhiều tình huống mà Luật sư đứng trước lựa chọn để có hành sử cho đúng. Ví dụ sự cám dỗ về tiền bạc, vật chất, những tình huống đó cần dạy cho học viên biết cách vượt qua. Hoặc đứng trước sự gợi ý của cơ quan pháp luật cũng cần dạy cho học viên để vượt qua cái đó. Hay là trước sự gây khó khăn của cơ quan, cán bộ nào đó cũng cần dạy cho Luật sư phương pháp để vượt qua cái đó và để hành nghề một cách đúng đắn. Những cái đó là bản lĩnh nghề nghiệp của Luật sư.
Luật sư Nguyễn Thế Phong, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Khen thưởng, Kỷ luật Liên đoàn Luật sư Việt Nam chia sẻ tại Hội nghị.
Theo Luật sư Nguyễn Thế Phong, trong chương trình đào tạo nên dừng ở bản lĩnh nghề nghiệp là phù hợp, bản lĩnh chính trị của Luật sư được rèn luyện trong cả quá trình hành nghề chứ không riêng gì trong thời gian đào tạo tại Học viện Tư pháp. Nếu Luật sư có bản lĩnh chính trị ưu tú xuất sắc sẽ được cơ cấu, cấu trúc vào đội ngũ, lực lượng quản lý tự quản như trong Ban Chủ nhiệm, cơ cấu khác của Đoàn Luật sư hoặc Liên đoàn Luật sư.
Góp ý về chương trình của Học viện Tư pháp theo Luật sư Nguyễn Thế Phong nhấn mạnh, đào tạo Luật sư hiểu về chủ trương, đường lối của Đảng và quy định của Nhà nước liên quan đến Luật Luật sư để tránh vi phạm. Học viên cần rèn luyện để có thái độ tin yêu vào nghề nghiệp, lạc quan nghề nghiệp để quyết tâm làm cho đúng để vượt qua áp lực, vượt qua cám dỗ, vượt qua những cái không đúng đắn của xã hội để trả mọi thứ về cái đúng. Ngoài giáo trình cần kết hợp giảng viên truyền tải thông tin trên lớp, kết hợp với sinh hoạt chính trị, hoặc có buổi sinh hoạt nói chuyện về chuyên đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Chia sẻ tại Hội nghị, Luật sư Lê Quang Y, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai cho rằng, trong quá trình cơ cấu chương trình, viết chương trình và thực hiện đào tạo chương trình chúng ta lồng ghép yếu tố chính trị vào bản lĩnh nghề nghiệp Luật sư là đó để xây dựng phẩm chất mà chúng ta đang định hướng.
Luật sư Lê Quang Y, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai chia sẻ tại Hội nghị.
Đi từ triết lý đào tạo chúng ta thấy rằng, quá trình đào tạo với kết quả tác động vào nhận thức để hình thành thái độ và hành vi ứng xử. Bản chất của quá trình dạy học là tác động vào nhận thức tạo ra hoặc làm thay đổi hình thành về mặt nhận thức. Trên cơ sở nhận thức đó hình thành thái độ và kỹ năng. Và vì thế chúng ta cũng phải đi từ triết lý đào tạo để nhìn thấy hai chiều hướng mà chúng ta đang hướng đến. Chúng ta xem nó như là một phẩm chất nhân cách bao trùm của Luật sư, hay nó là thành tố trong cấu trúc nhân cách của một Luật sư, cần xác định rõ trên cơ sở đó xây dựng chương trình đào tạo. Nếu cho rằng Bản lĩnh chính trị này là bao trùm cho một Luật sư thì cần tính đến thời lượng đào tạo. Còn nếu chúng ta cho rằng chỉ là thành tố trong cấu trúc phẩm chất của một Luật sư thì chúng ta có thời lượng khác.
Về vấn đề đào tạo Luật sư hiện nay, theo Luật sư Lê Quang Y, chúng ta đang xây dựng toàn bộ chương trình đào tạo Luật sư hiện nay là đào tạo kỹ năng chứ không phải lý thuyết lý luận. Trên thực tế kỹ năng hướng đến thừa nhận rằng lý thuyết đã có. Và hình thành những kỹ năng để thực hiện nghề nghiệp, và hiện nay là đòi hỏi mới trong bản lĩnh chính trị nghề nghiệp. Khi thiết kế chương trình trong việc đào tạo bản lĩnh chính trị này cần cần đưa vào phần đạo đức.
Các đại biểu, khách mời chụp hình lưu niệm.
Về phía người dạy cũng phải có đủ bản lĩnh, đủ trình độ để dạy về bản lĩnh chính trị này. Mà phải là chuyên gia thì mới làm gương cho học viên để khắc sâu vào nhận thức cho người học. Về phía người học cần phải học nghiêm túc, học có tích lũy để nắm chắc tất cả những vấn đề của Đảng và Nhà nước, đường lối chủ trương chính sách. Trên cơ sở nắm chắc đó người học hình thành phẩm chất cần thiết và suốt cả quá trình học tập ở đó và sau này hành nghề sẽ mang theo hành trang của mình.
QUANG NGUYỄN