Chi tiền để mua tin báo về tham nhũng liệu có cần thiết?

22/06/2024 10:07 | 3 tháng trước

(LSVN) - Theo quy định của pháp luật hiện nay thì trách nhiệm đấu tranh phòng chống tội phạm thuộc về nhà nước và nhân dân, mọi người đều có quyền phát hiện, tố giác tội phạm, đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật xem xét xử lý tội phạm.

Ảnh minh hoạ. 

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đối với dự thảo Thông tư về quản lý, sử dụng kinh phí cho hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các cấp. Theo dự thảo, Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Trung ương quyết mức chi cụ thể dựa vào nội dung, tính chất của tin được cung cấp. Mức này không vượt 50 triệu đồng cho 1 tin. Việc quản lý, sử dụng chi phí mua tin theo chế độ mật. Kinh phí hoạt động của Ban chỉ đạo Trung ương được lấy từ nguồn ngân sách Nhà nước và nguồn khác theo quy định.

Thông tin phục vụ phòng, chống tham nhũng là những tin phản ánh, tố cáo các hành vi tham nhũng được quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng. Các thông tin này có thể bằng lời, văn bản, ghi âm hoặc các hình thức khác, nhưng phải đảm bảo độ chính xác, tin cậy và có đủ chứng cứ để kiểm tra, xác minh. Ngoài chi cho việc mua tin, ngân sách hoạt động của Ban chỉ đạo còn dùng cho phụ cấp trách nhiệm thành viên Ban chỉ đạo, thanh toán dịch vụ công cộng, vật tư văn phòng, mua sách báo, tài liệu, hội nghị, tiếp khách, tập huấn. Các khoản khen thưởng, biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hàng năm hoặc đột xuất sẽ được chi theo Luật Thi đua khen thưởng.

Bàn về vấn đề này, Luật sư, Tiến sĩ Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ lâu dài, là quyết tâm của đảng và nhà nước ta trong việc làm trong sạch bộ máy chính quyền, giữ vững sự lãnh đạo của đảng, đảm bảo xây dựng một chính phủ kiến tạo, nhà nước thực sự của dân, vì dân, để phát triển ổn định và tiến bộ xã hội. Để đảm bảo cho công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng có hiệu quả, quyết tâm, quyết liệt hơn nữa thì đảm bảo về mặt tài chính, về nhân lực tham gia đấu tranh phòng chống tham nhũng là rất cần thiết. Bởi vậy việc chi tiết các khoản thu, chi trong dự thảo Thông tư của Bộ tài chính về quản lý, sử dụng kinh phí phục vụ hoạt động của ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng là cần thiết. Tuy nhiên, cần xem xét lại quy định về khoản chi đối với tin báo về tham nhũng để đảm bảo quy định này phù hợp với các quy định khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam, có tính khả thi và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam hiện nay.

Dự thảo Thông tư quy định việc quản lý, sử dụng kinh phí phục vụ hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các cấp. Dự thảo thông tư này đã đưa ra khá đầy đủ về các nguồn thu và các khoản chi đối với hoạt động của ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng góp phần quan trọng trong việc công khai minh bạch thu chi trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tạo những điều kiện đảm bảo cho công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng trong thời gian tới. Tuy nhiên, đáng chú ý là có nội dung về việc chi mùa tin báo về tham nhũng. Chi tiền để mua tin báo về hành vi vi phạm pháp luật là việc chưa từng có quy định trong các quy định của hệ thống pháp luật. Trước đây, cũng đã có những ý kiến đề xuất về việc chi tiền cho việc mua tin báo vi phạm giao thông nhưng để xuất này không được sự ủng hộ của đông đảo chuyên gia và người dân nên đã không được thông qua. 

Luật sư Cường cho rằng căn cứ vào tình hình kinh tế chính trị, về thực trạng sử lý vi phạm pháp luật, đấu tranh phòng chống tội phạm giai đoạn hiện nay ở Việt Nam thì chưa cần thiết nhà nước phải chi tiền để mua thông tin về hành vi vi phạm pháp luật của công dân. Chỉ cần áp dụng các văn bản pháp luật hiện có, xây dựng các cơ chế đảm bảo cho pháp luật được thực thi một cách nghiêm minh là có thể quản lý tốt xã hội. Nguyên tắc có tội thì phạt, có công thì thưởng hoàn toàn có thể áp dụng trên cơ sở những quy định pháp luật hiện có. Với luật thi đua khen thưởng đang áp dụng hiện nay thì có những trường hợp cán bộ, cá nhân có thành tích trong đấu tranh phòng chống tội phạm thì được khen thưởng. Việc khen thưởng đối với các tổ chức cá nhân có thành tích trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm được quy định trong Luật Thi đua khen thưởng và các văn bản pháp luật có liên quan. Thực tế, khen thưởng và treo giải thưởng tìm tội phạm, bỏ tiền mua tin báo là những tình huống khác nhau. Pháp luật Việt Nam từ trước đến nay không có quy định cụ thể là chi tiền ra để mua tin báo tố giác tội phạm.

Ở các quốc gia phát triển hiện nay, tình hình kinh tế xã hội ổn định, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý được thực hiện tốt, ý thức chấp hành pháp luật của công dân được nâng cao thì tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật được kiểm soát tốt hơn. Nhiều quốc gia hiện nay mặc dù đã bỏ hình phạt tử hình nhưng tội phạm vẫn giảm đi, nhà tù từng bước thu hẹp, đóng cửa, trật tự xã hội được duy trì ổn định. Đó là những minh chứng cho thấy không phải cứ xử lý nhiều, xử lý nghiêm, hình phạt nặng là tốt, làm sao để người dân có ý thức tuân thủ pháp luật, cơ quan chức năng không cần phải xử lý, không có người vi phạm mới là điều khó. Vì vậy, các chi phí cho việc tăng cường công tác quản lý, giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức lối sống sẽ quan trọng hơn kinh phí để tìm kiếm vi phạm, sai phạm phải để xử lý…

Đối với phòng chống tham nhũng thì làm sao để cho người có chức vụ quyền hạn không cần tham nhũng, không muốn tham nhũng, không thể tham nhũng và cuối cùng là không dám tham nhũng mới là phương hướng đúng đắn, đảm bảo hiệu quả trong đấu tranh phòng chống tham nhũng. Ở nhìn nhận dưới góc độ pháp lý thì tham nhũng là hành vi vi phạm pháp luật, nhiều hành vi tham nhũng được quy định là tội phạm trong bộ luật hình sự, người thực hiện hành vi tham nhũng bị xử lý hình sự bằng chế tài của pháp luật. Việc phát hiện xử lý tham nhũng đã và đang được thực hiện theo trình tự thủ tục luật định từ việc giải quyết tin báo, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự. 

Thực tế việc phát hiện xử lý tội phạm đang được thực hiện thông qua rất nhiều nguồn tin như: Nguồn tin từ đơn thư tố cáo tố giác của cơ quan tổ chức, nguồn tin từ dư luận nhân dân, thông tin từ các cơ quan báo chí, nguồn tin từ quá trình thanh tra kiểm tra phải thực hiện các hoạt động nghiệp vụ của cơ quan chức năng…  Theo điểm d, khoản 1, Điều 4 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 định nghĩa về nguồn tin về tội phạm như sau: “d) Nguồn tin về tội phạm gồm tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của cơ quan, tổ chức, cá nhân, lời khai của người phạm tội tự thú và thông tin về tội phạm do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện”.

Việc tiếp nhận, xử lý tin báo tố giác tội phạm đối với tội phạm tham nhũng và chức vụ thì cũng được thực hiện theo quy định chung của pháp luật về tiếp nhận xử lý tin báo tố giác tội phạm. Theo quy định tại Điều 9 Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC quy định: Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền giải quyết, Thủ trưởng Cơ quan điều tra trực tiếp tổ chức, chỉ đạo, phân công Điều tra viên, Cán bộ điều tra thuộc quyền thụ lý, giải quyết hoặc ra Quyết định phân công Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra tổ chức, chỉ đạo thụ lý, giải quyết và thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền.

Điều 4 Bộ luật Hình sự 2015  sửa đổi, bổ sung 2017 đã quy định  nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm không chỉ thuộc về các cơ quan nhà nước, cơ quan bảo vệ pháp luật mà trách nhiệm đấu tranh phòng chống tội phạm là trách nhiệm của toàn dân. Cụ thể, Điều 4 quy định trách nhiệm phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm như sau: Cơ quan Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và các cơ quan hữu quan khác có trách nhiệm thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, đồng thời hướng dẫn, giúp đỡ các cơ quan khác của Nhà nước, tổ chức, cá nhân phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm, giám sát và giáo dục người phạm tội tại cộng đồng; Cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ giáo dục những người thuộc quyền quản lý của mình nâng cao cảnh giác, ý thức bảo vệ và tuân theo pháp luật, tôn  trọng các quy tắc của cuộc sống xã hội chủ nghĩa; kịp thời có biện pháp loại trừ nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm  trong cơ quan, tổ chức của mình; Mọi công dân có nghĩa vụ tích cực tham gia phòng, chống tội phạm.

Như vậy, có thể thấy rằng theo quy định của pháp luật hiện nay thì trách nhiệm đấu tranh phòng chống tội phạm thuộc về nhà nước và nhân dân, mọi người đều có quyền phát hiện, tố giác tội phạm, đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật xem xét xử lý tội phạm.

Bởi vậy, theo quan điểm của Luật sư Đặng Văn Cường thì hiện nay chưa cần phải quy định về việc nhà nước bỏ tiền ra mua tin báo vệ tội phạm nói chung, tội phạm về tham nhũng nói riêng. Với tình hình phát triển kinh tế xã hội hiện nay, tình hình về tội phạm hiện nay, với nhân lực, trang bị, nguồn lực về tài chính, khoa học kĩ thuật và thực trạng tố tụng hình sự ở Việt Nam hiện nay thì không cần phải chi tiền “mua việc” cho các cơ quan bảo vệ pháp luật. Cơ quan chức năng tiếp nhận đầy đủ tin báo tố giác tội phạm, những thông tin từ hoạt động thanh tra, kiểm tra, thông tin về tội phạm từ công tác nghiệp vụ, tự giải quyết khiếu nại tố cáo thì cũng có khối lượng công việc khổng lồ cho những người tiến hành tố tụng thực hiện, không cần phải chi tiền để mua tin báo như đề xuất. Hơn nữa việc báo tin về tội phạm là trách nhiệm của nhân dân, của cơ quan tổ chức trong việc phòng chống tội phạm theo quy định tại Điều 4, BLHS. Nếu người nào tích cực, có công lớn thì được khen thưởng theo luật thi đua khen thưởng, những người phạm tội có công trong việc tố giác người khác phạm tội thì sẽ được áp dụng tình tiết lập công chuộc tội. 

Chỉ đến khi nào việc phát hiện tội phạm khó khăn, các cơ quan tiến hành tố tụng đã áp dụng mọi biện pháp mà vẫn không tìm kiếm được tội phạm để xử lý thì khi đó mới khuyến khích bằng cách mua tin báo. 

Ý NHƯ

Dự kiến hỗ trợ gần 20 nghìn tỉ đồng giảm thuế GTGT 05 tháng đầu năm 2024

Từ khoá : lsvn.vn LSVN