(LSVN) - Theo đó, kim ngạch xuất khẩu dầu mỏ của Mỹ sang châu Á lần đầu xếp sau châu Âu kể từ năm 2016 đến nay.
Giếng dầu South Belridge ở hạt Kern, bang California (Mỹ). Ảnh: AFP/TTXVN.
Báo tài chính Bloomberg trích dẫn dữ liệu của Cục Thống kê Mỹ cho biết châu Âu đã trở thành nhà nhập khẩu dầu Mỹ lớn nhất trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) áp đặt trừng phạt với dầu thô của Nga.
Theo báo cáo, từ tháng 1 đến tháng 5/2022, châu Âu đã nhập khẩu gần 213,1 triệu thùng dầu thô, khiến khu vực này lần đầu tiên vượt qua châu Á trở thành khách hàng lớn nhất của Mỹ trong cùng giai đoạn 5 tháng kể từ năm 2016. Các số liệu cho thấy châu Á chỉ mua 191,1 triệu thùng dầu của Mỹ trong thời gian này.
Sự chuyển hướng dòng chảy trên diễn ra trong bối cảnh Nga đang hứng chịu các lệnh trừng phạt nặng nề của Mỹ, EU và các quốc gia khác liên quan đến chiến dịch quân sự ở Ukraine. Với mục tiêu cắt giảm nguồn doanh thu từ dầu mỏ của Nga, EU mới đây áp đặt lệnh cấm vận một phần đối với dầu mỏ của Nga cũng như hạ dần mức nhập khẩu.
Trong khi đó, Mỹ đã đề xuất áp mức trần đối với giá dầu Nga, đồng thời kêu gọi các nước ủng hộ sáng kiến này, đáng chú ý nhất là từ Trung Quốc và Ấn Độ. Hai nước trên gần đây đã tăng cường mua dầu của Nga để tận dụng các khoản chiết khấu lớn mà Moskva tung ra trong nỗ lực chuyển hướng xuất khẩu.
Liên quan đến vấn đề này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cảnh báo nỗ lực của Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G-7) nhằm áp mức giá trần đối với dầu mỏ trên thực tế có thể khiến giá “vàng đen” tăng.
Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng cảnh báo việc các nước phương Tây tiếp tục áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga do xung đột ở Ukraine có nguy cơ gây ra đợt tăng giá năng lượng nghiêm trọng đối với người tiêu dùng trên khắp thế giới.
Ý NHƯ/TTXVN
NATO không thể đảm bảo tư cách thành viên cho Phần Lan và Thuỵ Điển