Chưa đủ căn cứ pháp lý quy buộc Nguyễn Xuân Sơn phạm tội “Tham ô tài sản”

28/04/2018 00:54 | 6 năm trước

LSVNO - Tại phiên tòa phúc thẩm hình sự vụ án Oceanbank chiều 27/4/2018, luật sư Nguyễn Minh Tâm đã trình bày bài bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn bị Bản án sơ thẩm số 330/HSST ngày 29/9/2017 c...

LSVNO - Tại phiên tòa phúc thẩm hình sự vụ án Oceanbank chiều 27/4/2018, luật sư Nguyễn Minh Tâm đã trình bày bài bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn bị Bản án sơ thẩm số 330/HSST ngày 29/9/2017 của TAND thành phố Hà Nội xử tội “Tham ô tài sản” với mức án tử hình. Bài bào chữa đã đặt ra nhiều vấn đề pháp lý về tội danh này dưới góc nhìn của luật sư đã khiến dư luận rất quan tâm. Để tạo điều kiện giúp các luật sư đồng nghiệp và bạn đọc quan tâm, tham khảo, nghiên cứu, LSVNO xin giới thiệu toàn văn bài bào chữa này.

Kỳ I. Nguyễn Xuân Sơn không phải là chủ thể tội tham ô theo Điều 278 BLHS

Quang cảnh phiên tòa xét xử vụ án Oceanbank. Ảnh: Internet

Trong luận cứ này, tôi xin trình bày 03 nội dung cơ bản sau đây: 1) Tóm tắt quy buộc của bản án sơ thẩm và dư âm sau phiên tòa sơ thẩm; 2) Một số điểm cơ bản bào chữa cho Nguyễn Xuân Sơn; 3) Nhận xét và kiến nghị của luật sư.

 1. Tóm tắt quy buộc của bản án sơ thẩm

Bản án sơ thẩm số 330/2017/HS-ST ngày 29/9/2017 của TAND thành phố Hà Nội đã tuyên xử Nguyễn Xuân Sơn phạm tội “Tham ô tài sản” theo điểm a khoản 4 Điều 280 Bộ luật hình sự với mức hình phạt cao nhất “Tử hình”. Nguyễn Xuân sơn đã kháng cáo kêu oan trong thời hạn luật định.

Chứng cứ mà Bản án sơ thẩm dùng để kết tội Nguyễn Xuân Sơn chỉ là công văn số 3166/DKVN-HĐTV ngày 6/12/2010 của Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) gửi Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Đại Dương (OJB)  giới thiệu ông Sơn làm người đại diện phần vốn góp của PVN tại OJB và Quyết định số 1040/QĐ-DKVN ngày 14/4/2011 của HĐTV PVN về việc phân công Nguyễn Xuân Sơn phụ trách quản lý vốn của PVN.

Từ hai tài liệu này, Bản án sơ thẩm kết luận Nguyễn Xuân Sơn là người có chức vụ, quyền hạn, có trách nhiệm quản lý tài sản của PVN tại OJB, cũng là người cóảnh hưởng, chi phối rất lớn và quyết định đến nguồn tiền gửi của PVN và các thành viêncủa tập đoàn tại OJB, đã lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt số tiền 49.320.797.000 đồng của PVN (dựa trên kết quả của phép tính đơn giản là (246.603.797.000 đồng x 20% = 49.320.797.800 đồng).

Theo tôi, quy buộc trên đây của Bản án sơ thẩm đối với Nguyễn Xuân Sơn là không có căn cứ pháp luật.

Vì vậy, sau khi phiên tòa sơ thẩm kết thúc, bản án “Tử hình” Nguyễn Xuân Sơn về tội “Tham ô tài sản” đã gây ra trong dư luận những ý kiến trái chiều: Có người cho rằng bản án đó là đúng, nhưng cũng khá nhiều người còn băn khoăn, trong đó có các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, các chuyên gia, các nhà khoa học luật hình sự, kể cả một số người hoạt động trong ngành tòa án, kiểm sát, kể cả các cán bộ lão thành cách mạng… lại cho rằng kết tội như vậy là vội vã, chưa ổn, chưa đủ căn cứ vững chắc về mặt pháp lý. Nghiên cứu hai luồng ý kiến đó tôi nhận thấy, số người đồng tình với bản án hầu như chỉ phát xuất từ cảm xúc cá nhân, bức xúc theo mục tiêu chống tham nhũng nói chung của Đảng và Nhà nước mà không dựa vào hoặc không nghiên cứu sâu về bản chất pháp lý của sự việc; còn những người đưa ra quan điểm chính thức của mình để phát biểu trên báo chí, trên các phương tiện truyền thông đại chúng thì đều phân tích, chứng minh một cách khoa học, có căn cứ về mặt pháp luật, nên quan điểm của họ có sức thuyết phục. Theo tôi, sở dĩ họ phải lên tiếng là vì lương tâm của họ đối với sinh mệnh một con người đang đối diện với cái chết theo bản án sơ thẩm và cao hơn là trách nhiệm của họ với khoa học luật hình sự trong sứ mệnh bảo vệ một nền tư pháp công minh. Có thể nói, họ là những bộ phận “tinh hoa” trong giới khoa học luật hình sự hiện nay, nên ý kiến của họ rất cần được tham khảo. Tại pháp đình này, tôi xin thành tâm bày tỏ lời cảm ơn đối với các ý kiến đã chia sẻ với chúng tôi về quan điểm bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn và coi đó là nguồn động viên tinh thần để chúng tôi vững tin trong phiên tòa phúc thẩm này.

Chiều nay bắt đầu phiên tòa, ngoài trời đang đổ mưa, tôi có cảm tưởng trời đất cũng đang chia sẻ với những khó khăn và trách nhiệm nặng nề của chúng tôi trong việc bảo vệ cho Nguyễn Xuân Sơn khỏi tội “Tham ô” và mức án tử hình đang treo lơ lửng trên đầu sau bản án sơ thẩm. Nhưng tự lòng, tôi đang có một niềm tin tâm linh mãnh liệt vào sứ mệnh của mình.

Trong xét xử hình sự, để tuyên một hình phạt đối với bị cáo, đặc biệt là hình phạt cao nhất - “Tử hình”- lại càng phải có chứng cứ rõ ràng, phải thật thận trọng, cân nhắc từng tài liệu, chứng cứ thật vững chắc, áp dụng pháp luật thật chính xác và cũng cần có một niềm tin nội tâm chắc chắn rằng người bị kết án “tử hình” không hề và không thể bị oan mới có thể có sự thanh thản về quyết định của mình; còn khi tuyên một bản án tử hình mà trong lòng còn băn khoăn, chưa đủ niềm tin như vậy thì cần phải thận trọng xem xét lại. Thực tiễn xét xử hình sự ở nước ta đã có những bài học đau xót như thế, khiến lương tâm chúng ta day dứt về một lỗi lầm không-thể-nào-khắc-phục được khi tuyên “Tử hình” một người với một tội danh không đúng, gây oan ức cho họ. Theo tôi, đây là vấn đề cốt tử đặt ra trước phiên tòa phúc thẩm hôm nay.

Tôi cũng xin cảm ơn Quý Hội đồng xét xử, đặc biệt là vị thẩm phán chủ tọa đã tổ chức phiên tòa một cách khoa học, áp dụng phương pháp xét hỏi theo từng nhóm tội, từng vấn đề, từng bị cáo... từ đơn giản đến phức tạp theo lối cuốn chiếu cho gọn, theo thứ tự: Hội đồng - Đại diện VKS - Luật sư. Những vấn đề xét hỏi được giải quyết tập trung, cọ sát trực tiếp theo nhiều chiều khai thác, làm rõ các đối tượng cần chứng minh. Các luật sư được mời hỏi trong tinh thần tôn trọng, không hạn chế và thực sự dân chủ. Kết thúc từng vấn đề xét hỏi, nếu thấy cần quan tâm, thẩm phán nêu để các KSV, Luật sư chú ý tập trung vào phần tranh luận, đối đáp để HĐXX lắng nghe và tham khảo, đánh giá, kết luận. Đề cập đến vấn đề bản án sơ thẩm kết tội Nguyễn Xuân Sơn "Tham ô tài sản" với mức hình phạt "Tử hình" đã khiến nhiều chuyên gia pháp luật hình sự, nhiều luật sư...có ý kiến phản hồi băn khoăn về các các căn cứ kết tội trong việc áp dụng pháp luật. Thẩm phán mong rằng tại phiên tòa này các luật sư bào chữa cho bị cáo Thắm, bị cáo Sơn là những luật sư có "uy tín", "danh tiếng" (lời thẩm phán) sẽ tranh luận, đối đáp đến tận cùng với các KSV cao cấp đầy kinh nghiệm để làm rõ bản chất, sự thật của vấn đề, giúp HĐXX có một phán quyết khách quan, đúng pháp luật , bảo đảm các quyền cơ bản của các bị cáo, phục vụ cho mục đích đấu tranh phòng chống tội phạm trong công cuộc chống thamnhũng của Nhà nước ta hiện nay. Thực lòng, chúng tôi không dám nhận những lời khen đó mà chỉ xin hứa sẽ làm hết sức mình với lương tâm và trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp để bảo vệ những quyền lợi hợp pháp của Nguyễn Xuân Sơn theo đúng quy định của pháp luật.

Thật tiếc rằng, trong lời kết luận của vị đại diện VKS, tôi không thấy Quý vị sử dụng kết quả xét hỏi điều tra công khai tại phiên tòa với nhiều tài liệu chứng cứ được thẩm định  có giá trị chứng minh mà chỉ nhắc lại những quan điểm đánh giá sai lầm của bản án sơ thẩm và đề nghị bác kháng cáo của Nguyễn Xuân Sơn, khiến tôi thật chạnh lòng. Mong Quý vị hãy thông cảm cho tâm trạng đó để “chiều lòng” chúng tôi trong lần đối đáp sau khi nghe bài bào chữa này để chúng ta cùng đi đến tận cùng sự thật khách quan của vụ án.

Một số điểm cơ bản trong luận cứ bào chữa cho Nguyễn Xuân Sơn về “Tội tham ô tài sản”

Điều 278 Bộ luật Hình sự quy định về “Tội tham ô tài sản” như sau: “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý…”. Như vậy, để kết Nguyễn Xuân Sơn về tội “Tham ô tài sản” thì phải chứng minh cho được hai yếu tố cấu thành quan trọng sau đây:

Về chủ thể: Nguyễn Xuân Sơn là người có “chức vụ, quyền hạn, có trách nhiệm quản lý tài sản” ở Ocean Bank; Về khách thể: Số tiền 320.797.800 đồng bị quy là chiếm đoạt phải là tiền thuộc sở hữu hợp pháp của Nhà nước.

Tham ô tài sản được quy định tại Điều 278 BLHS được hiểu là người có chức vụ quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý, là dấu hiệu quan trọng nhất để xác định hành vi phạm tội tham ô tài sản. Do những đặc điểm riêng về chủ thể của tội tham ô tài sản, nên khoa học luật hình sự cho rằng, chủ thể của tội tham ô tài sản là chủ thể đặc biệt, tức là chỉ có những người có chức vụ, quyền hạn trong việc quản lý tài sản mới tham ô được; nếu họ không có trách nhiệm quản lý tài sản thì cũng không thể là chủ thể của tội tham ô tài sản. Đây là điều kiện cần và đủ để một người có thể trở thành chủ thể của tội tham ô tài sản và cũng là dấu hiệu để phân biệt với một số tội phạm khác có tính chất chiếm đoạt.

Trong luận cứ này, tôi sẽ phân tích và chứng minh  hành vi của Nguyễn Xuân  Sơn không hội đủ hai yếu tố cấu thành trên đây của “Tội tham ô tài sản” như quy buộc của Bản án sơ thẩm.

II.1. Nguyễn Xuân Sơn không phải là chủ thể tội tham ô theo Điều 278 BLHS

Luật sư Nguyễn Minh Tâm tranh tụng tại tòa. Ảnh: Internet

II.1.1. Nguyễn Xuân Sơn không phải là “Người đại diện phần vốn góp của PVN tại OJB” theo quy định của pháp luật.

Bản án chỉ dùng tài liệu là Công văn số 3166/DKVN-HĐTV ngày 6/12/2010 của Chủ tịch HĐTV PVN gửi OJB giới thiệu Nguyễn Xuân Sơn làm người đại diện phần góp vốn của PVN tại OJB để làm căn cứ cho rằng Sơn là người có chức vụ, quyền hạn. Tuy nhiên, Bản án không trích dẫn hết nội dung quan trọng của Công văn 3166/DKVN-HĐTV, sau phần giới thiệu là đoạn … “ Tập đoàn dầu khí Việt Nam đề nghị Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Đại dương tiến hành các thủ tục để thay đổi nhân sự trên theo quy định của Pháp luật và Điều lệ Ngân hàng”. Theo tôi, Công văn số 3166/DKVN-HĐTV ngày 6/12/2010 của Chủ tịch HĐTV PVN gửi OJB giới thiệu Nguyễn Xuân Sơn không phải là căn cứ pháp lý để xác định Nguyễn Xuân Sơn là Người đại diện phần vốn góp của PVN tại OJB.

Để làm rõ vấn đề này, phải dựa trên các quy định của pháp luật và Điều lệ Ngân hàng Đại dương về người đại diện vốn (khi trình bày, chỉ nêu tóm tắt - PV).

*Quy định của pháp luật về “Người đại diện” (có 06 văn bản pháp luật,pháp quy quy định về vấn đề này).

1) Nghị định số 59/2009/NĐ-CPngày 16/7/2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của các Ngân hàng Thương mại, tại Điều 14, quy định: Các chức danh trong Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chuẩn y.

2) Nghị định số 09/2009/NĐ-CP ngày 05/02/2009 của Chính phủ về quản lý tài chính của Công ty Nhà nướcvà quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác, Điều 44 quy định về “Quyền và nghĩa vụ của đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác”, tại điểm b khoản 2 quy định:

“b. Cử người đại diện phần vốn nhà nước hoặc người đại diện theo ủy quyền để thực hiện quyền của cổ đông (tôi nhấn mạnh)… trong các kỳ họp Đại hội đồng cổ đông…”

Cử, bãi miễn, khen thưởng, kỷ luât người đại diện phần vốn nhà nước hoặc người đại diện theo ủy quyền tại doanh nghiệp khác, quyết định tiền lương, phụ cấp, tiền thưởng và các vấn đề đãi ngộ đối với người đại diện, trừ trường hợp người đại diện đã được hưởng lương từ doanh nghiệp khác”.

3) Nghị định số 101/2009/NĐ-CP ngày 5/11/2009 Chính phủ

Theo quy định khoản 9 Điều 22, khoản 7 Điều 28 của Nghị định số 101/2009/NĐ-CP ngày 5/11/2009 của Chính phủ về thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước về Nhiệm vụ quyền hạn của Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty mẹ “Hội đồng quản trị Công ty mẹ cử người đại diện phần vốn góp của Công ty mẹ tại các doanh nghiệp khác theo đề nghị của Tổng giám đốc”

          4) Quyết định số 4070/QĐ-DKVN ngày 06/12/2007 của PVN về việc ban hành Quy chế người đại diện của PVN tại các doanh nghiệp khác quy định để trở thành người đại diện phần vốn góp của PVN tại OJB, theo khoản 1 Điều 4 Quy chế thì thẩm quyền cử người đại diện được quy định như sau:

          1- Hội đồng quản trị Tập đoàn: Trên cơ sở đề nghị của Tổng giám đốc Tập đoàn và căn cứ nghị quyết của Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Hội đồng quản trị Tập đoàn quyết định bổ nhiệm/giới thiệu để bầu cán bộ làm Người đại diện của Tập đoàn vào các chức vụ: a. Chủ tịch và ủy viên HĐQT, Trưởng ban và thành viên Ban kiểm soát tại công ty cổ phần; và b. Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên, kiểm soát viên tại công ty TNHH;

          2- Tổng giám đốc Tập đoàn: Sau khi có ý kiến chấp thuận của Hội đồng quản trị Tập đoàn và căn cứ Nghị quyết của Thường vụ Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn quyết định bổ nhiệm/giới thiệu để bổ nhiệm cán bộ làm Người đại diện vốn của Tập đoàn vào các chức vụ :   a.Giám đốc và Phó giám đốc công ty; và b. Kế toán trưởng công ty.

          3- Quy trình và thủ tục cử cán bộ làm Người đại diện thực hiện theo Quy định của pháp luật và Quy chế quản lý cán bộ của Tập đoàn.

          (Quy chế quản lý cán bộ trong Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Viêt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 158-QĐ/ĐU ngày 28/01/2011 của Đảng ủy Tập đòan Dầu khí Quốc gia Việt Nam quy định tại mục 8, Điều 8 thì Hội đồng thành viên Tập đoàn có quyền “Giới thiệu ứng cử, thay đổi Người đại diện của Tập đoàn đối với các chức danh Chủ tịch và các thành viên Hội đồng quản trị, Trưởng ban và các thành viên Ban kiểm soát của Công ty cổ phần và các loại hình doanh nghiệp khác có vốn góp của Tập đoàn”).

         4- Hội đồng quản trị/Tổng giám đốc có văn bản giới thiệu ứng cử viên do Tập đoàn đề cử gửi Đại hội đồng cổ đông/Hội đồng quản trị để bầu/bổ nhiệm vào các chức vụ quản lý, điều hành của công ty.

         5- Sau khi cán bộ mà Tập đoàn giới thiệu được Đại hội đồng cổ đông/Hội đồng quản trị công ty bầu/bổ nhiệm vào các chức vụ trên, Hội đồng quản trị/Tổng giám đốc Tập đoàn chính thức ra quyết định giao nhiệm vụ/điều động cán bộ để đảm nhận chức vụ đó”.

Khi thay đổi người đại diện phải thực hiện theo quy định tại khoản 2, 3, Điều 5, Quy chế 4090/QĐ-DKVN: “Thẩm quyền và thủ tục thay thế người đại diện được thực hiện như đối với việc cử người đại diện quy định tại Điều 4 của Quy chế này” .

Người đại diện được PVN chi trả phụ cấp và tiền thưởng đối với người đại diện theo khoản 7 Điều 6 và khoản 2 Điều 8, Quy chế 4090. Được PVN chi trả tiền lương, phụ cấp trách nhiệm, tiền thưởng và các lợi ích khác do PVN chi trả theo khoản 3 Điều 42 của Điều lệ PVN được ban hành theo Quyết định số 190/QĐ-TTg ngày 29/1/2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định về tiền lương, thưởng, quyền lợi của người đại diện.

5) Quyết định số 2007/QĐ-DKVNngày 13/4/2007 của Chủ tịch Hội đồng quản trị PVN về Quy chế làm việc của HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Tại khoản 5 Điều 5: “Chủ tịch HĐQT ký ban hành Nghị quyết, Quyết định của HĐQT khi có ít nhất 4/7 ý kiến biểu quyết tán thành đối với các lĩnh vực công việc quy định tại khoản 1 trên; 3/5 ý kiến biểu quyết tán thành đối với các lĩnh vực công việc quy định tại khoản 2 trên...”

6) Điều lệ của OJB

Theo quy định tại Điều lệ Oceanbank được NHNN thông qua số 328/NHNN-CNVP ngày 7/4/2003 và sửa đổi theo Quyết định số 105/QĐ -NHNN ngày 9/1/2007, thì để trở thành thành viên HĐQT, thay thế thành viên HĐQT đại diện quản lý vốn của các cổ đông cần:

Được Đại hội đồng cổ đông Oceanbank thông qua theo quy định tại:

- Điều 29 của Điều lệ OJB quy định: Quyền hạn của Đại hội đồng cổ đông gồm bầu, bãi nhiệm, miễn nhiệm thành viên HĐQT nếu hết nhiệm kỳ hoặc bầu bổ sung, thay thế .

- Khoản 3 Điều 48 về thay thế thành viên HĐQT: Thành viên HĐQT muốn từ chức phải có đơn gửi HĐQT để trình Đại hội đồng cổ đông quyết định. Tại Khoản 4 - Điều 48 quy định: Trong vòng 60 ngày khi không đủ số lượng thành viên HĐQT theo quy định thì HĐQT phải triệu tập Đại hội đồng cổ đông để bầu bổ sung thành viên HĐQT. Trường hợp khác cuộc họp gần nhất của Đại hội đồng cổ đông sẽ bầu thành viên HĐQT mới thay thế cho thành viên HĐQT bị miễn nhiệm, bãi nhiệm. Người được bầu thành viên HĐQT mới phải đảm nhận ngay công việc của chức danh được bầu.

Phải có bàn giao công việc cho thành viên HĐQT mới được bầu xử lý theo khoản 6 Điều 48: Thành viên HĐQT bị miễn nhiệm, bãi nhiệm có trách nhiệm bàn giao công việc cho thành viên HĐQT mới được bầu xử lý (ông Nguyễn Ngọc Sự không có bàn giao cho Nguyễn Xuân Sơn). Được NHNN chuẩn y theo khoản 3 Điều 44: kết quả bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên HĐQT Oceanbank phải được NHNN chuẩn y. Phải sở hữu ít nhất 1% cổ phần của Oceanbank theo khoản 2 Điều 44. Được Chủ tịch HĐQT OJB phân công nhiệm vụ thực hiện quản trị hoạt động của Ngân hàng theo khoản e Điều 46.

Từ các quy định trên đây cho thấy, để trở thành “Người đại diện phần vốn góp của PVN tại OJB” phải qua các bước sau:

- Bước 1: Hội đồng quản trị/HĐTV PVN có văn bản gửi OJB giới thiệu Người đại diện vốn của PVN để Đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị OJB tiến hành các thủ tục bầu người đó vào các chức danh theo quy định của pháp luật và Điều lệ của OJB;

- Bước 2: Kết quả bầu các chức danh này của OJB phải được sự chuẩn y của Ngân hàng Nhà nước.

- Bước 3: Hội đồng quản trị/HĐTV PVN phải ra quyết định chính thức giao nhiệm vụ người đó làm đại diện;

- Bước 4: Khi chấm dứt tư cách Người đại diện vốn của PVN tại OJB, người đó phải có Quyết định của Hội đồng quản trị/HĐTV PVN và cơ quan này ra văn bản thông báo cho OJB biết để OJB tiến hành các thủ tục miễn nhiệm, chấm dứt chức vụ mà người đã được OJB bầu trước đó theo quy định của pháp luật và Điều lệ OJB.

- Khi nhận nhiệm vụ hoặc chấm dứt vai trò làm Người đại diện phải có bàn giao công việc giữa người chấm dứt cho người mới nhận.

- Bước 5: Người làm nhiệm vụ đại diện phần vốn góp của PVN được PVN chi trả tiền lương, phụ cấp trách nhiệm, tiền thưởng và các lợi ích khác.

* Đối chiếu với các quy định trên đây, căn cứ hồ sơ vụ án, Người đại diện hợp pháp phần vốn góp của PVN tại OJB” chỉ có ông Nguyễn Ngọc Sự và bà Vũ Thị Thanh Hương.

          1) Đối với ông Nguyễn Ngọc Sự:

- Quyết định số 3190/QĐ-DKVN ngày 29/12/2008 của Chủ tịch Hội đồng quản trị PVN cử  ông Nguyễn Ngọc Sự làm Người đại diện phần vốn góp của PVN tại OJB. Từ Quyết định này ông Sự được Đại hội đồng cổ đông OJB bầu làm thành viên Hội đồng quản trị OJB và được Hội đồng quản trị OJB bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị theo Biên bản họp Hội đồng quản trị OJB ngày 06/5/2009. Ông Sự đã được sự chuẩn y của Ngân hàng Nhà nước.

- Đến ngày 06/12/2010, Chủ tịch HĐTV PVN có Văn bản số 3166/DKVN-HĐTV gửi Đại hội đồng cổ đông/Hội đồng quản trị OJB thông báo v/v ông Nguyễn Ngọc Sự thôi làm đại diện phần vốn của PVN tại OJB và giới thiệu Nguyễn Xuân Sơn, Phó tổng giám đốc Tập đoàn thay ông Sự làm Người đại diện vốn của PVN. Ông Nguyễn Ngọc Sự được Hội đồng quản trị OJB chấp thuận cho miễn nhiệm chức Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị OJB theo Nghị quyết  ngày 03/3/2011. Nhưng mãi đến ngày 16/4/2011, Đại đội cổ đông OJB mới chính thức miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT OJB (biên bản họp Đại hội cổ đông OJB ngày 16/4/2011). Trong lúc đó, PVN và Ngân hàng Nhà nước không có quyết định nào cho ông Sự thôi nhiệm vụ thành viên hội đồng quản trị, đại diện phần vốn của PVN tại OJB (trái với Điều  định số 59/2009/NĐ-CP ngày 16/7/2009 của Chính phủ, khoản 3 Điều 5 Quy chế 4090 và trái với khoản 3 Điều 44 Điều lệ OJB).

Như vậy, về mặt pháp lý, ông Nguyễn Ngọc Sự làm “Người đại diện vốn góp của PVN tại OJB” từ ngày 29/12/2008 đến hết ngày 16/4/2011.

Đối với bàThị Thanh Hương:

Ngày 18/4/2011, PVN có văn bản giới thiệu bà Vũ Thị Thanh Hương là người đại diện vốn góp PVN tại OJB; giới thiệu Đại hội đồng cổ đông, HĐQT OJB để Bà Hương ứng cử chức danh Phó Chủ tịch HĐQT OJB. Ngày 10/5/2011 PVN có Quyết định số 1329/QĐ-DKVN về việc giao nhiệm vụ quản lý vốn góp của PVN tại Oceanbank cho bà Hương và được Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 30/6/2011 thông qua việc thay đổi người đại diện vốn góp và bầu bà giữ chức Phó chủ tịch OJB. Sau đó HĐQT OJB có Nghị quyết số 01 ngày 25/7/2011 phân công nhiệm vụ cụ thể cho bà Hương với tư cách Phó chủ tịch HĐQT OJB đại diện vốn cho PVN. Đến ngày 16/6/2015 PVN có Quyết định số 1384/QĐ-DKVN về việc chấm dứt nhiệm vụ quản lý phần vốn của PVN tại OJB.

Như vậy, bà Vũ Thị Thanh Hương là “Người đại diện phần vốn của PVN tại OJB” từ ngày 18/4/2011 đến ngày 16/6/2015.

Trên cơ sở các văn bản trên đây thấy ông Nguyễn Ngọc Sự làm người đại diện phần vốn góp của PVN tại OJB từ ngày 29/12/2008 đến 16/4/2011 và bà Vũ Thị Thanh Hương làm người đại diện phần vốn góp của PVN tại OJB từ ngày 18/4/2011-16/6/2015. Như vậy, người đại diện phần vốn góp của PVN tại OJB chỉ có hai người là ông Nguyễn Ngọc Sự  và bà Vũ Thị Thanh Hương.

Đối với Nguyễn Xuân Sơn:

Về phía PVN: Từ ngày 29/12/2008 đến 15/10/2010, Nguyễn Xuân Sơn làm TGĐ OJB và đã được PVN ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động, trở thành người làm thuê cho OJB, không đại diện cho PVN tại OJB. Ngày 15/11/2010, Nguyễn Xuân Sơn thôi giữ chức OJB về nhận nhiệm vụ Phó tổng giám đốc PVN theo Quyết định số 2986/QĐ-DKVN Ngày 15/11/2010 của Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN và Nguyễn Minh Thu được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc OJB. Lúc này ông Nguyễn Ngọc Sự là người đại diện của PVN tại OJB. Theo quy định tại Điều 38 Điều lệ OJB và khoản g  Điều 35 của Luật các Tổ chức tín dụng số 47/2010-QH12 về đương nhiên mất tư cách thì Nguyễn Xuân Sơn đương nhiên thôi tham gia HĐQT OJB.

Tại hồ sơ vụ án, Nguyễn Xuân Sơn chỉ có duy nhất Công văn số 3166/DKVN-HĐTV ngày 6/12/2010 của Hội đồng thành viên PVN về việc giới thiệu làm Người đại diện phần vốn góp của PVN tại OJB.

Như vậy, khi tiến hành giới thiệu đại diện vốn góp của PVN đối với Nguyễn Xuân Sơn thì PVN không có văn bản đề xuất của Tổng giám đốc PVN + Không có Nghị Quyết của Thường vụ Đảng ủy PVN + Không có Nghị quyết của HĐTV PVN + HĐTV PVN cũng không có Quyết định chính thức giao nhiệm vụ đại diện vốn góp cho ông Sơn như quy định.

Về phía OceanbankMặc dù PVN có Công văn bản số 3166/DKVN-HĐTV ngày 6/12/2010 giới thiệu Nguyễn Xuân Sơn làm người đại diện phần vốn góp của PVN tại OJB, trong đó có nêu “Tập đoàn dầu khí Việt Nam đề nghị Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Đại dương tiến hành các thủ tục để thay đổi nhân sự trên theo quy định của Pháp luật và Điều lệ Ngân hàng nhưng OJB không tiến hành Đại hội đồng cổ đông để thực hiện thủ tục bầu thay thế Nguyễn Xuân Sơn làm thành viên HĐQT OJB  đại diện của PVN tại OJB  theo quy định của pháp luật.

Ông Sơn cũng không được nhận bàn giao từ ông Sự và ông Sơn cũng không có bàn giao cho Bà Hương về nhiệm vụ đại diện vốn PVN như quy định nêu trên.

Ông Sơn không nhận được chỉ đạo nào của PVN theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Quy chế 4090 về việc chỉ đạo của PVN đối với người đại diện. Ông Sơn cũng không có biểu quyết nào với tư cách là đại diện vốn của PVN tại OJB trong tất cả các kỳ Đại hội đồng cổ đông OJB. Ông Sơn không có báo cáo nào tới PVN với tư cách đại diện vốn cho PVN...

        (Nhắc lại lời xác định của Hà Văn Thắm tại phiên tòa ngày 24/4/2018).

Như vậy trình tự, thủ tục giới thiệu Nguyễn Xuân Sơn và việc thực hiện các thủ tục để Nguyễn Xuân Sơn trở thành đại diện vốn của PVN tại OJB chưa được PVN, OJB và Ngân hàng nhà nước thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Do đó, Công văn số 3166/DKVN-HĐTV ngày 6/12/2010 giới thiệu Nguyễn Xuân Sơn làm người đại diện phần vốn góp của PVN tại OJB là chưa hoàn thành quy trình bổ nhiệm Đại diện vốn góp của PVN tại OJB, đã vi phạm nghiêm trọng các văn bản sau đây: Nghị định số 09/2009/NĐ-CP ngày 05/02/2009, Nghị định số 59/2009/NĐ-CP ngày 16.7.2009 của Chính phủ, Quy chế số 4090/QĐ-DKVN ngày 06/12/2007 của PVN, Quyết định số 2007/QĐ-DKVN ngày 13/4/2007 của Hội đồng quản trị PVN về Quy chế làm việc của HĐQT Tập đoàn dầu khí Việt Nam Quyết định số 105/QĐ-NHNN ngày 9/1/2007 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về ban hành Điều lệ OJB  về thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng, đại diện vốn của PVN tại OJB.

Việc Bản án sơ thẩm số 330/2017/HS-ST sử dụng Công văn số 3166/DKVN-HĐTV ngày 6/12/2010 là văn bản vi phạm pháp luật, không có hiệu lực - làm chứng cứ để quy kết cho Nguyễn Xuân Sơn là người có chức vụ, quyền hạn trong quản lý tài sản, thì không những sai lầm cơ bản về nguyên tắc đánh giá chứng cứ mà còn không phù hợp với các tài liệu chứng cứ khác của hồ sơ vụ án, dẫn đến vi phạm nguyên tắc “suy đoán vô tội” trong tố tụng hình sự.

          Ngoài ra, có hai vấn đề sau đây cần phải xem xét:

(Giả sử) cứ quy buộc Nguyễn Xuân Sơn là Người đại diện vốn của PVN tại OJB từ 06/12/2010 đến 10/5/2011 là “lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt” thì trong thời gian đó, hồ sơ vụ án cho thấy, Nguyễn Xuân Sơn chỉ nhận tiền một lần duy nhất vào ngày 29/01/2011 từ Nguyễn Xuân Thắng số tiền 05 tỷ đồng (nhưng đã được hoàn ứng vào ngày 12/11/2011 - chứ không phải số tiền 49 tỷ đồng trong suốt thời gian bà Vũ Thị Thanh Hương là người đại diện phần vốn của PVN tại OJB). Từ ngày 30/01/2011 cho đến ngày 10/5/2011, Nguyễn Xuân Sơn không hề nhận một khoản tiền nào từ OJB theo chỉ đạo của Hà Văn Thắm chuyển qua Nguyễn Xuân Thắng. Việc quy kết cho Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt số tiền 49 tỷ đồng cả trong thời gian hơn 4 năm do bà Vũ Thị Thanh Hương làm người đại diện vốn của PVN tại OJB là không có căn cứ. (Cũng giả sử) cứ quy buộc Nguyễn Xuân Sơn là Người đại diện phần vốn của PVN tại OJB thì cũng không phải là căn cứ để quy buộc Sơn là chủ thể của tội tham ô, là người “có chức vụ quyền hạn” ở OJB, có quyền quản lý tiền bạc của OJB để chiếm đoạt tiền của PVN ở OJB. Bởi vì, nếu là Người đại diện phần vốn góp của PVN tại OJB thì Sơn cũng chỉ là người đại diện cổ đông PVN như đại diện các cổ đông pháp nhân khác, chỉ có tư cách đồng sở hữu chủ tài sản của OJB, chứ không có tư cách người chủ sở hữu, có quyền quản lý trực tiếp một cách tách rời phần vốn góp 20% của PVN ở OJB được. Vì nguồn vốn này khi đã được PVN góp vào OJB có nghĩa là nó đã nằm trong khối tài sản chung, thống nhất của OJB. Nguyễn Xuân Sơn không phải là “người có chức vụ, quyền hạn, không có trách nhiệm quản lý tài sản của OJB” thì không thể lợi dụng cái mình không có để chiếm đoạt tài sản của OJB được.

Những căn cứ pháp lý và thực tế trên đây cho thấy không đủ cơ sở để quy buộc Nguyễn Xuân Sơn là “Người đại diện vốn của PVN tại JOB”.

Kỳ II: Chưa đủ căn cứ pháp lý buộc tội Nguyễn Xuân Sơn phạm tội “Tham ô tài sản”