Chuyên gia Trung Quốc khẳng định Dịch Covid-19 ở Bắc Kinh đã được kiểm soát

18/06/2020 18:08 | 3 năm trước

(LSO) - Nếu không được phát hiện kịp thời, ổ dịch Covid-19 ở Bắc Kinh còn nghiêm trọng hơn Vũ Hán.

Ông Ngô Tôn Hữu, Chuyên gia trưởng về dịch tễ học của CDC Trung Quốc. Ảnh: Nhật báo Bắc Kinh

Chuyên gia Trung Quốc: Dịch Covid-19 ở Bắc Kinh đã được kiểm soát

Trong cuộc họp báo chiều 18/6 của thành phố Bắc Kinh, ông Ngô Tôn Hữu, Chuyên gia trưởng về dịch tễ học của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Trung Quốc khẳng định, đến nay, dịch Covid-19 ở Bắc Kinh đã được kiểm soát, tuy nhiên trong những ngày tới vẫn xuất hiện thêm các ca bệnh, nhưng đây không phải là những người nhiễm mới mà là các trường hợp đã có triệu chứng bệnh từ trước.

Ông Ngô Tôn Hữu cũng cho biết thêm, đợt dịch lần này ở Bắc Kinh nằm "trong dự liệu" của Trung Quốc, bởi trước tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn đang lan rộng, nước này luôn xác định, tất cả các địa phương đều có nguy cơ xuất hiện trở lại các ca bệnh lẻ trong cộng đồng do vẫn còn dịch xâm nhập. Tuy nhiên, dịch xảy ra ở Bắc Kinh cũng "vượt ngoài dự đoán", bởi một lần nữa nơi khởi phát là một khu chợ và số ca bệnh khá nhiều.

“Nếu Bắc Kinh không kịp thời thực thi các biện pháp, kịp thời phát hiện, sẽ bùng phát dịch giống như ở Vũ Hán hồi đầu năm, thậm chí còn nghiêm trọng hơn”, ông Ngô Tôn Hữu nói.

Được biết, nếu xét về diện tích, chợ đầu mối Tân Phát Địa lớn gấp hơn 20 lần chợ hải sản Hoa Nam. Không chỉ chiếm 60% lượng giao dịch nông sản của 5 tỉnh vùng Hoa Bắc Trung Quốc, đây còn là khu chợ được đánh giá có lượng giao dịch lớn nhất châu Á. Sản phẩm ở đây xuất khẩu sang hơn 20 nước trên thế giới.

Cũng theo chuyên gia này, trong số những người dương tính với SARS-CoV-2 ở Tân Phát Địa, các ca bệnh ở khu vực hải sản là nhiều nhất và phát bệnh sớm nhất, tiếp đến là khu bán thịt bò và thịt cừu, bởi các mặt hàng này được xếp cùng một nơi. Các mẫu trong môi trường có virus ở khu vực hải sản và thịt bò, thịt cừu cũng nhiều hơn và đây là nơi ô nhiễm hơn các khu vực khác.

Kết hợp với chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán, ông cho biết, khi đó sự nghi ngờ nhằm vào động vật hoang dã, trong khi động vật hoang dã được bày bán cùng với hải sản tại đây. Kết quả thu được ở chợ Tân Phát Địa đã vạch ra hướng nghiên cứu mới về nguồn lây nhiễm ở chợ hải sản Hoa Nam.

Những phân tích bước đầu cho thấy, cả 2 đợt dịch đều bùng phát ở nơi có bán đồ hải sản, đây là những khu vực có nước, đông lạnh, nhiệt độ thấp, ẩm ướt, phù hợp cho virus tồn tại. Tuy nhiên, theo ông, vẫn cần nghiên cứu và phân tích thêm về cơ chế lây của virus.

EU chính thức phê chuẩn quyết định gia hạn lệnh trừng phạt Nga

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu dự kiến sẽ chính thức phê chuẩn quyết định gia hạn các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga cho đến hết tháng 1/2021 vào ngày 19/06.

Dự kiến vào sáng 19/6, 27 nhà lãnh đạo các quốc gia thuộc liên minh châu Âu sẽ cùng tham gia một Hội nghị cấp cao trực tuyến để cùng thảo luận và thông qua lệnh gia hạn trừng phạt kinh tế đối với Nga.

Được biết, đây là năm thứ sáu liên tiếp Liên minh châu Âu kéo dài các biện pháp trừng phạt Nga sau khi sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea và Sevastopol năm 2014, cũng như cáo buộc Nga hỗ trợ lực lượng đối lập tại miền Đông Ukraine. Các biện pháp trừng phạt kinh tế của Liên minh châu Âu nhằm vào ngành năng lượng, quốc phòng và tài chính của Nga hiện nay có hiệu lực đến cuối tháng 7 tới.

Hàn Quốc yêu cầu WTO mở hội đồng giải quyết tranh chấp thương mại với Nhật Bản

Phiên họp của đảng cầm quyền Hàn Quốc về việc Nhật Bản hạn chế xuất khẩu tại Seoul ngày 31/7/2019. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Động thái trên được đưa ra khoảng hai tuần sau khi Seoul thông báo sẽ tiếp tục khiếu nại lên WTO về các chính sách hạn chế xuất khẩu của Tokyo, khi căng thẳng giữa hai nước liên quan đến vấn đề này vẫn chưa có diễn biến tích cực nào.

Năm ngoái, Seoul đã bỏ khiếu nại tại WTO về các chính sách hạn chế xuất khẩu của Tokyo trong một động thái thể hiện thiện chí nhằm tìm kiếm sự đột phá cho căng thẳng thương mại giữa hai nước. Căng thẳng bắt đầu khi Nhật Bản đưa ra lệnh cấm xuất khẩu nhiều nguyên liệu chủ chốt sang Hàn Quốc vào tháng 7/2019. Đây là những nguyên liệu quan trọng cho ngành sản xuất chip và màn hình, vốn là hai trụ cột của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á.

Đến tháng Năm năm nay, Seoul lại hối thúc Tokyo dỡ bỏ các quy định hạn chế xuất khẩu, đồng thời kêu gọi quốc gia láng giềng này cùng nỗ lực để vượt qua tác động kinh tế của dịch Covid-19.

Hàn Quốc trước đó cho biết, quá trình khiếu nại lên WTO là nhằm ngăn chặn những bất ổn về chuỗi cung ứng toàn cầu cho doanh nghiệp cả hai nước. Căng thẳng thương mại này đang gây thiệt hại nhiều hơn cho Nhật Bản. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc sang Nhật Bản giảm 6,9% xuống 28 tỷ USD, trong khi xuất khẩu của Nhật Bản sang nước láng giềng này giảm mạnh hơn, ở mức 12,9%, xuống 47 tỷ USD.

Vợ chồng cựu Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản bị bắt

Ông Kawai Katsuyuki và vợ là bà Anri. Ảnh: NHK

Cựu Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nhật Bản, ông Kawai Katsuyuki và vợ là bà Anri đã bị công tố viên bắt giữ vì tình nghi vi phạm luật bầu cử. Cả hai người đều là nghị sĩ và thuộc Đảng Dân chủ Tự do trước đây.

Theo NHK, Công tố viên cho biết ông Kawai Katsuyuki đã dùng 200.000 đôla Mỹ tiền mặt trong quỹ chiến dịch tranh cử để phát cho những chính trị gia địa phương và những cá nhân khác để thu được phiếu bầu cho vợ ông.

Còn Bà Anri tranh cử trong cuộc bầu cử Thượng viện hồi tháng 7 năm ngoái và đã trúng cử. Bà Anri cũng bị cáo buộc đã phát 10.000 đôla tiền mặt. Riêng chồng bà, sau cuộc bầu cử năm ngoái được bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhưng đã bị buộc phải từ chức ngay sau đó vì cáo buộc gian lận bầu cử.

Trước đó, tòa sơ thẩm Hiroshima đã tuyên án 18 tháng tù treo đối với thư ký của bà Anri. Người này bị buộc tội đã trả tiền thù lao cho những nhân viên trợ giúp chiến dịch tranh cử với số tiền cao hơn mức quy định của luật pháp.

Ngày 17/6, vợ chồng ông Kawai Katsuyuki đã đệ đơn xin ra khỏi đảng Dân chủ Tự do. Tuy nhiên, các nguồn tin cho biết do cả 2 vẫn không thừa nhận có hành động phạm pháp nên họ sẽ không có ý định từ bỏ ghế tại quốc hội.

LÂM HOÀNG (t/h)

/bac-kinh-o-dich-covid-19-khoi-phat-tu-mot-thang-truoc-nang-muc-chong-dich-covid-19-khien-nhieu-tinh-thanh-khac-bi-cuon-theo.html