Có thư tình mới cho nhận con: Đòi hỏi máy móc!

22/12/2017 18:42 | 6 năm trước

LSVNO - Bài “Muốn nhận con phải có thư tình của cha?” (Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh ngày 10/11/2017) phản ánh trường hợp của anh Nguyễn Hoàng Phương (thường trú tại 36/5A thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà B...

LSVNO - Bài “Muốn nhận con phải có thư tình của cha?” (Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh ngày 10/11/2017) phản ánh trường hợp của anh Nguyễn Hoàng Phương (thường trú tại 36/5A thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh) gần hai tháng nay vẫn chưa thể làm thủ tục nhận con để bé được cấp khai sinh mang họ cha.

Vợ chồng anh Nguyễn Hoàng Phương đang mong mỏi có giấy khai sinh cho con. Ảnh: N.HIỀN

Buộc nộp tất cả tài liệu là không cần thiết

Tôi cho rằng từ cách hiểu không đúng về quy định của Luật Hộ tịch và Thông tư 15/2015/TT-BTP của Bộ Tư pháp mà Ủy ban nhân dân thị trấn Nhà Bè đã đưa ra yêu cầu không phù hợp, vô tình gây khó khăn cho anh Phương trong việc làm khai sinh cho con.

Theo khoản 1 Điều 11 của Thông tư nêu trên, chứng cứ để chứng minh quan hệ cha con là văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền. Thông thường, đó là kết quả xét nghiệm ADN. Kế tiếp, theo khoản 2 Điều 11, nếu không có kết quả này thì phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng.

Tuy khoản 2 liệt kê về các chứng cứ không có từ “hoặc” để minh định là chỉ cần vài chứng cứ trong số đó là được nhưng các cơ quan thực thi vẫn cần xác định là không cần có hết thảy, bởi lẽ không cần thiết. Theo đó, anh Phương chỉ cần nộp vài tài liệu có được cùng bản cam đoan là đủ. Nếu thấy việc nhận cha con của anh là đúng và không có tranh chấp, Ủy ban nhân dân thị trấn Nhà Bè có thể giải quyết yêu cầu đăng ký khai sinh kết hợp việc nhận cha con.

Trường hợp cần xác minh thêm, địa phương phải chủ động thực hiện để giải quyết cho dân. Đòi hỏi phải có thêm thư từ (như thư tình của cha mẹ bé) mới cho cha nhận con trong khi người cha đã nộp được nhiều chứng cứ; mẹ bé, người thân hai bên đều tự nguyện thống nhất đó là cha của bé là một yêu cầu máy móc, khó được chấp nhận.

Linh động đối chiếu số chứng minh nhân dân

Nghị định 123/2015/NĐ-CP có quy định người yêu cầu đăng ký hộ tịch phải nộp bản chính chứng minh nhân dân. Tuy nhiên, anh Phương đã bị mất chứng minh nhân dân và việc anh chưa được cấp thẻ căn cước công dân để thay thế không phải lỗi của anh mà là của cơ quan công an.

Chính vì thế, địa phương vẫn có thể căn cứ vào biên nhận chờ được cấp thẻ căn cước, số chứng minh nhân dân của anh Phương ghi trong sổ hộ khẩu hay các loại giấy tờ khác được cấp hợp pháp để linh động giải quyết. Sau này, khi anh Phương được cấp thẻ căn cước thì có thể bổ sung thông tin này vào hồ sơ. Có như thế đứa trẻ mới kịp thời được cấp khai sinh để được hưởng những quyền lợi chính đáng.

 

 Tân Trào