Công tác lập pháp năm 2023 của Quốc hội đã đáp ứng kỳ vọng của Nhân dân

07/02/2024 12:48 | 3 tháng trước

(LSVN) - Có thể nói, trong năm 2023, công tác lập pháp của Quốc hội đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng, hiệu quả lập pháp được chú trọng, chất lượng lập pháp ngày càng được nâng cao. Với số lượng 16 dự án luật và 05 nghị quyết được thông qua và cho ý kiến lần đầu đối với 16 dự án luật khác tại 02 kỳ họp (thứ 5 và thứ 6), cho thấy số dự án luật và nghị quyết được thông qua và cho ý kiến lần đầu đối với dự án luật khác là rất lớn so với các kỳ họp của các nhiệm kỳ Quốc hội trước đó, đáp ứng kỳ vọng của các tầng lớp Nhân dân, kịp thời hoàn thiện thể chế, chính sách để tạo nên động lực mạnh mẽ phục vụ cho sự phát triển của đất nước.


Ảnh minh họa.

Quốc hội và các đại biểu Quốc hội đã quán triệt và triển khai hiệu quả Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, không để xảy ra tình trạng cài cắm "lợi ích nhóm", "tham nhũng chính sách" hoặc cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật.

Quy trình xây dựng và ban hành các dự án Luật hết sức chặt chẽ, khoa học, khác quan; các dự án Luật được lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp Nhân dân, các nhà khoa học, học hỏi kinh nghiệm quốc tế và quan trọng nhất là các dự án Luật đều đã được tổng kết từ thực tiễn; nội dung các dự án Luật đã được các đại biểu Quốc hội phân tích, tham gia ý kiến một cách thấu tình, đạt lý…

Do đó, các dự án Luật được thông qua sẽ có "sức sống" lâu dài, hạn chế thấp nhất tình trạng phải sửa luật sau khi Quốc hội vừa mới thông qua.

Công tác chuẩn bị phục vụ hai kỳ họp của Quốc hội được thực hiện chu đáo, trách nhiệm, chủ động, khẩn trương, nhất là trong việc rà soát, hoàn thiện các dự án Luật; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức nhiều phiên họp liên tục để cho ý kiến việc tiếp thu, giải trình kỹ lưỡng, thấu đáo ý kiến của các đại biểu Quốc hội về các dự án Luật, nhất là các vấn đề lớn, các nội dung còn có ý kiến khác nhau…

Dấu ấn đậm nét nhất là quá trình hoàn thiện, thông qua Luật Đất đai (sửa đổi). Theo kế hoạch, ngày 29/11/2023, ngày cuối cùng của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ bấm nút thông qua dự Luật Đất đai (sửa đổi) nhưng do còn nhiều ý kiến khác nhau nên Quốc hội đã thống nhất chưa thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp 6. Đến ngày 18/01/2024, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Luật Đất đai (sửa đổi) đã chính thức được Quốc hội khóa XV biểu quyết thông qua với tỉ lệ tán thành cao. Điều này cho thấy, trong lịch sử lập pháp của Quốc hội, chưa dự án Luật nào trải qua quy trình đặc biệt như dự án Luật Đất đai lần này khi trải qua 4 kỳ họp Quốc hội, 02 Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, 08 phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhiều buổi làm việc do Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì. Kết quả này cho thấy, tư duy và phương pháp làm việc của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội thường xuyên được đổi mới, quyết liệt hành động nhưng rất cẩn trọng, đề cao chất lượng và hiệu quả trong hoạt động lập pháp.

Như vậy, có thể khẳng định, trong năm 2023, công tác lập pháp của Quốc hội nước ta rất thành công, hiệu quả toàn diện, với cách làm đổi mới, sáng tạo, hiệu quả cao; các đại biểu Quốc hội đã phát huy tinh thần trách nhiệm, trí tuệ, tâm huyết với công tác lập pháp; các ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội đã được nghiên cứu, chuẩn bị chu đáo, công phu và được tiếp thu tối đa trong quá trình hoàn thiện các dự án Luật. Quốc hội và các đại biểu Quốc hội đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ lập pháp trong năm 2023, đáp ứng kỳ vọng của Nhân dân, tạo động lực mạnh mẽ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Luật gia ĐỖ VĂN NHÂN

Chánh Thanh tra Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum

Một số quy định cần hoàn thiện nhằm thúc đẩy thị trường quyền sử dụng đất

Từ khoá : lsvn.vn LSVN