Cựu đại úy công an kêu oan 37 năm

10/12/2017 20:24 | 6 năm trước

LSVNO - Ông Bùi Thanh Long, cựu đại úy công an, là con liệt sỹ và BMVNAH, cháu nội BMVNAH, vừa gửi đơn kêu oan đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương và nói với phóng viên, ông kêu oan đã 37 năm.

LSVNO - Ông Bùi Thanh Long, cựu đại úy công an, là con liệt sỹ và BMVNAH, cháu nội BMVNAH, vừa gửi đơn kêu oan đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương và nói với phóng viên, ông kêu oan đã 37 năm.

Vợ bán bột mỳ, chồng chịu tội

Căn nhà tình nghĩa quận tặng cho vợ ông là thương binh 4/4, và đồng đội cũ của ông giúp thêm tiền để làm ở số 482/21/24, đường Cách Mạng Tháng Tám, phường Bùi Hữu Nghĩa (Bình Thủy, Cần Thơ). Nhắc chuyện cũ, vợ chồng ông đều đã gần 80 tuổi lại khóc. Ông kể, ông theo cách mạng năm 1956, vào Đảng năm 1962, sau giải phóng với cấp bậc đại úy, làm Phó trưởng Công an TP Cần Thơ (quận Ninh Kiều bây giờ), có nhiều thành tích.

Vợ chồng ông Long trong căn nhà tình nghĩa mong được giải nỗi oan  

Thế nhưng, theo bản án sơ thẩm ngày 29/11/1980, của TAND tỉnh Hậu Giang cũ (thành phố Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và Hậu Giang bây giờ): năm 1978, lụt to, cả nước mất mùa, “bộ đội phải ăn độn mì với tỷ lệ cao”. Quân khu 9 có chủ trương đổi mỳ lấy gạo cho bộ đội. Vợ ông Long cùng ông Nguyễn Minh Hồng và Trần Văn Sang là cán bộ kháng chiến, ở tổ hợp làm bánh mì bằng thùng phuy thuộc Liên hiệp Hợp tác xã, đã mua gạo đổi được nhiều bột mỳ. Để lâu sợ bột mỳ hư nên họ chia sẻ với lò bánh mỳ lớn của bà Nguyễn Thị Phú cũng ở Cần Thơ. Bà Phú tiếp tục chia sẻ với người ở tỉnh An Giang thì bị Công an tỉnh An Giang bắt, mở ra vụ án “đầu cơ kinh tế”. Điều tra cho rằng, việc bán bột mỳ cho bà Phú có sự gợi ý của ông Long nên ông cũng bị khởi tố. Sơ thẩm tuyên án rất nặng cho nhiều người (vợ ông Long không bị khởi tố).

Phiên phúc thẩm của Tòa phúc thẩm tại TPHCM xử ngày 20/11/1981, nhận xét, đổi gạo lấy mỳ theo chủ trương chung, lại mua gạo với bán bột mỳ đều giá thị trường “trục lợi khoản tiền không nhiều” nên giảm án cho tất cả. Ông Long từ 18 tháng tù giam thành tù treo. Theo án phúc thẩm, những người này đổi được 65,8 tấn bột mỳ và bà Phú đưa đi tỉnh An Giang bán 5,8 tấn.

Đơn của ông Long kêu oan về bản án và khiếu nại việc khai trừ ông khỏi Đảng. Ông bị khởi tố ngày 17/6/1980, theo quy định lúc đó, ông còn là đảng viên nên tòa không xử được mà phải yêu cầu phải khai trừ ông để xử. Theo lời ông, các cuộc họp kiểm điểm quy thêm cho ông hai việc: bảo lãnh ông Trần Văn Sang bị bắt trong vụ án bán bột mỳ ở An Giang và xin 60 két bia buôn lậu ở tỉnh Long An, để ngày 1/10/1980, ông bị khai trừ Đảng.

Trong lúc, hồ sơ chứng cứ còn lưu, việc bảo lãnh ông Sang là do ông Nguyễn Minh Trình, Phó viện trưởng Viện KSND tỉnh Hậu Giang. Ngày 23/8/1983, ông Trình đã làm giấy xác nhận (có đóng dấu Viện KSND tỉnh) ghi rõ: “Tôi thụ lý hồ sơ vụ án nên có sang An Giang nhận can phạm Trần Văn Sang về. Chuyến đi này hoàn toàn không có anh Bùi Thanh Long. Việc làm của VKS, anh Long không biết gì hết”. Còn việc xin bia ở Long An, xảy ra giữa năm 1979, một cán bộ ở Cần Thơ lên TPHCM mua bia về làm đám cưới. Theo biên bản tạm giữ ngày 15/7/1979, của Công an tỉnh Long An, chỉ có 4 thùng bia lon, 2 két bia chai và 14 chai bia rời, không phải 60 két. Lúc đó, ông Long có viết thư cho người anh bà con làm ở Công an tỉnh Long An để xin giùm, và số bia đã được giải quyết đem về kịp cho đám cưới.

Nghị quyết của Tỉnh ủy Hậu Giang cho ông Long từ nơi làm thuê về “nhận nhiệm vụ mới”.

Nhân chứng còn sống cũng khóc

Một số người trong vụ việc, còn sống ở Cần Thơ, khi nhắc lại cũng khóc. Bà Nguyễn Thị Phú, sinh năm 1938, sống ở nhà số 18/12, đường Lê Hồng Phong, phường Bình Thủy (Bình Thủy, Cần Thơ), làm giấy xác nhận khẳng định: “Mua bán, trao đổi gạo với bột mỳ của vụ án bột mỳ năm 1980, tôi chưa từng gặp và cũng không biết ông Long, cũng không có quan hệ mua bán gì với ông Long”.

Giấy xác nhận của bà Nguyễn Thị Phú

Ông Nguyễn Minh Hồng, sinh năm 1949, ở nhà số 22/2B, đường Trần Hoàng Na, phường Hưng Lợi (Ninh Kiều, Cần Thơ), khi bị xử tù là Phó phòng Hành chính quản trị báo Hậu Giang. Ông cũng có giấy xác nhận: “Việc đổi bột mỳ với Quân khu 9 và bán bột mỳ cho bà Phú là do tổ hợp bánh mì, tôi với anh Sang trực tiếp mua bán với bà Phú. Còn ông Long không tham gia bàn bạc, mua bán và chỉ đạo gì cả”.

Một cựu thượng úy công an là ông Lâm Thanh Hồng cho biết thêm về các cuộc họp kiểm điểm để khai trừ Đảng ông Long. Ông Hồng sinh năm 1943, ở nhà số 178/46/9A, khu dân cư 178, đường 3/2, phường Hưng Lợi (Ninh Kiều, Cần Thơ). Ông kể, kỷ luật trên đưa xuống, cấp dưới phải chấp hành chứ vụ bán bột mỳ do tổ hợp của vợ ông Long làm “không gây ảnh hưởng hay thiệt hại gì cả”, còn “vụ 60 két bia, vụ lãnh anh Sang là những tố cáo không chứng cứ”. Ông Hồng nói: “Ông Long đã khiếu nại, kiến nghị từ khi mới triển khai quyết định kỷ luật cho đến nay đã nhiều lần, nhiều nơi nhưng không có cơ quan nào minh oan”.

Hồi mới xử sơ thẩm, ngày 18/12/1980, ông Long bị Công an Hậu Giang “buộc thôi việc về địa phương sản xuất”. Ông Long kể, bị đuổi việc, ông phải phiêu bạt nhiều nơi làm mướn để kiếm gạo nuôi 5 đứa con. Vợ ông thương binh nên hay đau yếu, khi tòa xử ông, bà đã tính tự thiêu để phản đối nhưng thương con nên ráng sống, lúc ấy xin một chỗ ngồi bán cơm ở vỉa hè đường xuống bến phà Hậu Giang. Cô con gái đầu mới 10 tuổi một buổi đi học buổi đi bán trà đá còn con trai sau đi bán vé số.

Gia đình sống lay lắt mấy năm, lúc ông đang làm mướn ở Cà Mau thì đột ngột, có lệnh gọi ông về “nhận nhiệm vụ mới”. Đó là, các đơn kêu oan của ông không được xem xét nhưng ngày 2/5/1985, Tỉnh ủy Hậu Giang lại có nghị quyết “chấp nhận cho đồng chí Bùi Thanh Long, đại úy Công an TP Cần Thơ nghỉ dài hạn, nay về Ban Tài chính Quản trị Tỉnh ủy nhận nhiệm vụ mới”. Ông được bố trí công tác với mức lương đại úy, làm việc đến năm 1991 nghỉ hưu.

Sáu Nghệ

“Khẩn thiết kính xin Ủy ban Kiểm tra Trung ương bằng trách nhiệm, quan tâm kiểm tra, xem xét sự oan ức của tôi để tôi sớm được giải oan, nhằm giúp cho tôi bớt buồn tủi lúc tuổi già, khi tôi gần đất xa trời và cũng để các con cháu an tâm trong công tác, phấn đấu tích cực vì sự nghiệp cách mạng, không để lem ố đến thanh danh truyền thống của gia đình”.

Trích Đơn kêu cứu của ông Long