Đắk Lắk: Bao giờ chính quyền địa phương mới trả lại đất cho dân?!

26/12/2017 23:41 | 6 năm trước

LSVNO - Năm 1985, khi khởi công xây dựng Cầu 14 bắc qua dòng sông Sêrêpốk (xã Hòa Phú, thị xã Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), chính quyền địa phương đã mượn đất của một số hộ dân làm nơi tập kết...

LSVNO - Năm 1985, khi khởi công xây dựng Cầu 14 bắc qua dòng sông Sêrêpốk (xã Hòa Phú, thị xã Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), chính quyền địa phương đã mượn đất của một số hộ dân làm nơi tập kết vật liệu và dựng lán trại cho công nhân. Tuy nhiên, sau khi xây dựng xong cầu, chính quyền địa phương không trả lại mà đã bán số đất này cho nhiều người dân khác làm nhà ở.

Khu vực đất đã bán cho những hộ gia đình khác.

Theo đó, gia đình ông Nguyễn Xuân Độ (sinh năm 1920, ở thôn 2 cũ, xã Hòa Phú) cũng thuộc diện các hộ đã cho mượn đất để làm cầu với diện tích hơn 5 sào, nhưng không nhận đất làm nhà tạm thời mà ở nhờ đất của người con trai cả. Năm 1990, sau khi Cầu 14 mới hoàn thành, ông Độ đã đòi lại đất nhưng chính quyền địa phương khất lần này đến lần khác, không giải quyết. Đến năm 1993, ông Độ mất, các con ông tiếp tục khiếu kiện và đến năm 2008, con dâu ông là bà Nguyễn Thị Bình được gia đình chồng ủy quyền đại diện đòi lại đất cũ.

Trong nhiều năm liền, việc giải quyết của chính quyền kéo dài vòng vo và cuối cùng không chấp nhận khiếu nại với lý do: “Ông Nguyễn Xuân Độ đã từng nhận đất do xã Hòa Phú bố trí nhưng đã sang nhượng lại cho người khác”!

Cho rằng việc giải quyết có nhiều khuất tất, vi phạm pháp luật, bà Bình đã làm đơn tố cáo một số cán bộ lãnh đạo UBND xã Hòa Phú và UBND TP. Buôn Ma Thuột lên cơ quan công an yêu cầu khởi tố vụ án hình sự. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã thụ lý đơn, tiến hành xác minh bước đầu và ra Bản kết thúc xác minh số 64/KTXM-PC44 ngày 25/11/2013 với kết luận: “Vụ việc bà Bình tố cáo liên quan đến việc đòi lại đất cho gia đình, không có dấu hiệu tội phạm”.

Đồng thời, ngày 26/11/2013, Cơ quan cảnh sát điều tra có Thông báo số 2179/PC44 khẳng định: "Có sự việc UBND xã Hòa Phú vận động các hộ dân tại khu vực đầu Cầu 14 (trong đó có hộ ông Nguyễn Xuân Độ, là bố chồng bà Nguyễn Thị Bình) di dời đến khu đất của Hội phụ lão xã Hòa Phú để lấy mặt bằng tập kết vật liệu và làm lán trại cho công nhân ở xây dựng Cầu 14 vào thời điểm năm 1985. Việc di dời này bằng hình thức mượn đất có thời hạn của người dân, khi xây dựng cầu xong sẽ trả lại đất. Khi di dời, gia đình ông Nguyễn Xuân Độ không nhận đất tại khu đất của Hội Phụ lão xã mà đi nơi khác, cho đến nay gia đình ông Độ chưa được cấp lô đất nào khác vì lý do di dời năm 1985. Do đó, việc bà Bình khiếu kiện đòi lại lô đất cũ tại khu vực đầu Cầu 14 của bố chồng là hoàn toàn có cơ sở. Việc bà Bình khiếu kiện đòi lại đất của gia đình bố chồng thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền các cấp tỉnh Đắk Lắk".

Với kết luận này, bà Bình tiếp tục khiếu nại lên các cấp. Ngày 26/9/2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk ra Thông báo số 2661-TB/TU về ý kiến kết luận, chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk ông Niê Thuật tại cuộc họp liên ngành ngày 15/9/2014 nội dung: “Giao cho Ban cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh triển khai thực hiện việc chỉ đạo các ngành chức năng và UBND TP. Buôn Ma Thuột xem xét hỗ trợ, cấp cho gia đình ông Nguyễn Xuân Độ do bà Nguyễn Thị Bình đại diện 01 lô đất ở theo quy định của pháp luật và Luật đất đai để ổn định cuộc sống”.

Địa giới diện tích đất vốn là của gia đình bà Bình.

Tiếp đó, ngày 13/11/2014, UBND tỉnh Đắk Lắk ra Công văn số 8100/UBND-NN&MT nội dung: “UBND TP. Buôn Ma Thuột giải quyết cấp cho gia đình bà Bình 1 lô đất ở xã Hòa Phú nhưng có thu tiền sử dụng đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất. Thực hiện nội dung công văn này, UBND TP.Buôn Ma Thuột đã trình UBND tỉnh Đắk Lắk chủ trương thu hồi 1.389 m2 của HTX Phú Vinh (xã Hòa Phú)”.  

Đến ngày 5/10/2015, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định số 2671/QĐ-UBND thu hồi số diện tích trên và giao cho UBND TP. Buôn Ma Thuột quản lý. Trên cơ sở đó, UBND TP. Buôn Ma Thuột quyết định giao cho gia đình bà Bình 1 lô đất diện tích 190,5m2 tại đây. Cơ quan chức năng của Thành phố yêu cầu bà Bình đến nộp đơn xin giao đất để Thành phố lập thủ tục giao đất ở theo thủ tục, trình tự của pháp luật.

Tuy nhiên phía bà Bình không đồng ý vì diện tích đất quá nhỏ so với diện tích gia đình bà đã cho Nhà nước mượn; đồng thời lập luận rằng không phải gia đình bà xin đất mà chỉ đòi Nhà nước trả đất nên bà không làm đơn xin giao đất theo yêu cầu của Phòng Tài nguyên – Môi trường TP. Buôn Ma Thuột, không chấp nhận nộp tiền sử dụng đất theo yêu cầu của UBND tỉnh Đắk Lắk.

 

Bà Bình đứng trên mảnh đất của gia đình chồng cho mượn đã bị bán.

Đến nay UBND TP. Buôn Ma Thuột đã 2 lần thông báo cho các thành viên trong gia đình ông Nguyễn Xuân Độ về việc giao đất có thu tiền sử dụng đất nhưng không có ai đến liên hệ để thực hiện nội dung thông báo. UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo UBND TP. Buôn Ma Thuột tiếp tục mời bà Nguyễn Thị Bình đến trao đổi, thống nhất để bàn giao 1 lô đất có thu tiền sử dụng đất theo quy định, nếu quá thời hạn mà bà Bình không hợp tác thì chấm dứt giải quyết.

Còn phía bà Bình đưa ra nguyện vọng, đề nghị trả lại cho gia đình bà lô đất cũ đã cho Nhà nước mượn (vì hiện lô đất đó vẫn chưa làm bìa đỏ cấp cho ai), hoặc tìm quỹ đất có giá trị tương đương để trả bù hoặc trả bằng tiền theo giá hiện hành.

Qua quá trình diễn tiến vụ việc, có thể thấy, việc bà Nguyễn Thị Bình đòi lại đất của gia đình đã cho Nhà nước mượn là hoàn toàn có cơ sở; tuy nhiên việc giải quyết của các cấp chính quyền ở đây không phù hợp với bản chất của vụ việc. Đó là việc yêu cầu bà Bình làm đơn xin giao đất cùng với nộp tiền sử dụng đất là áp dụng cho trường hợp hộ gia đình, cá nhân xin Nhà nước trao quyền sử dụng đất, chẳng khác nào “đánh đố” người khiếu nại!

Đối với trường hợp này, tại Công văn gửi UBND tỉnh Đắk Lắk số 35/CV-TTr ngày 18/3/2008 về việc giải quyết đơn của bà Nguyễn Thị Bình, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hướng dẫn: “… việc giải quyết nội dung đề nghị và phản ánh nêu trên thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh Đắk Lắk theo quy định tại Điều 116 của Luật Đất đai năm 2003; Điều 112 của Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai”.

Theo đó, tại khoản 2 Điều 116 đã nêu quy định: a)Trả lại quyền sử dụng đất đã mượn nếu đất đó chưa giao cho người khác sử dụng; b)Bồi thường bằng tiền hoặc giao đất mới, chỗ ở mới nếu đất đó đã giao cho người khác sử dụng. Do vậy, thiết nghĩ UBND tỉnh Đắk Lắk cần giải quyết sát đúng với bản chất của vụ việc để chấm dứt vụ khiếu kiện đã kéo dài quá lâu.

PV Tây Nguyên