Đắk Lắk: Cần làm rõ trách nhiệm để mất rừng tại Buôn Ja Wầm

24/02/2018 19:25 | 6 năm trước

LSVNO - Theo phản ánh của người dân, thời gian qua trên địa bàn xã Ea Kiết (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) tình trạng phá rừng tại Công ty TNHH MTV Buôn Ja Wầm diễn ra như chỗ không người. Mới đây nhấ...

LSVNO - Theo phản ánh của người dân, thời gian qua trên địa bàn xã Ea Kiết (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) tình trạng phá rừng tại Công ty TNHH MTV Buôn Ja Wầm diễn ra như chỗ không người. Mới đây nhất Hạt Kiểm lâm huyện đã bắt một khối lượng lớn gỗ lậu.

Vào rừng, rừng ở đâu?

Con đường quốc lộ 29 xuyên qua huyện Cư M’gar, huyện Buôn Đôn nơi đây đã được người dân gọi với cái tên khiến chúng ta liên tưởng tới thời kỳ giao thương giữa các nước trong khu vực châu Á với Trung Quốc - “con đường tơ lụa mang tên gỗ lậu”.

Cuối cùng, cửa rừng cũng hiện ra trước mắt. Rừng đây ư? Chúng tôi phải thốt lên kinh ngạc. Vì sao ư? Tất cả các con số báo cáo mà chúng tôi được cung cấp đều đẹp như tranh vẽ. Tôi phải ồ lên kinh ngạc, chỉ 20 năm ấy thôi. Mà giờ đây trước mắt tôi cái này cũng được gọi là rừng sao? Thắc mắc của tôi cũng như đồng nghiệp và dư luận rất cần câu trả lời thỏa đáng từ các cơ quan chức năng quản lý Công ty TNHH MTV Buôn Ja Wầm.

Rừng bị đốt trụi.

Tại các tiểu khu họ gọi là rừng ấy. Chúng tôi tiến sâu vào trong khoảng 10 m so với con đường “tơ lụa” chỉ còn lác đác vài cây gỗ dầu thưa thớt đến tang thương. Những gốc cây còn ứ nhựa có đường kính từ 30-60cm vừa mới bị lâm tặc cắt lấy đi phần đẹp nhất, chủ yếu là gỗ dầu, bằng lăng và bình linh. Càng tiến vào sâu chúng tôi càng kinh ngạc hơn, ngoài những cây con mới tái sinh bị đè rạp vì bên cạnh vài ba cây vừa bị hạ. Kể cũng lạ, chúng lấy gỗ, chặt gỗ theo lộ trình, ban đầu là gỗ thuộc nhóm Ia, 2a đến giờ nhóm gỗ ấy đã tuyệt chủng trên cánh rừng Buôn Ja Wầm, chỉ còn trơ ra những gốc cây là vết tích về một thời rừng giàu của tỉnh Đắk Lắk.

Gốc cây còn ứ nhựa.

Theo quan sát của chúng tôi thì hàng trăm cây gỗ dầu, bằng lăng, bình linh xanh còn sót lại có đường kính từ 30-50 cm đã bị cắt hạ nhưng phần thân cây đã bị lấy đi không để lại một dấu vết. Điều lạ lùng hơn số cây bị cắt cách hai trạm kiểm soát bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV Buôn Ja Wầm không đầy 2km, mà để hạ những cây này thì lâm tặc phải dùng cưa máy để cưa, chẳng lẽ tiếng cưa máy được lắp thêm bộ phận giảm thanh và máy biến hình để tránh lực lượng tuần tra kiểm soát. Hay trạm bảo vệ rừng chỉ đặt đó cho vui để canh ngày tàn của rừng, để trồng tiêu, trồng bơ và trồng lại rừng tăng thu nhập cho cán bộ công nhân viên của công ty?.

Rừng đã biến mất, thay vào đó là những đồi tiêu bạt ngàn.

Đóng cửa rừng, rừng vẫn mất?

Khi nhận được tin phản ánh của người dân chúng tôi đã có mặt tại nơi rừng bị tàn phá nhưng băn khoăn nhất của chúng tôi là bằng cách nào mà lâm tặc có thể mang gỗ ra khỏi rừng mà không bị lực lượng chức năng phát hiện. Chúng dấu gỗ ở đâu?

Đến ngày 05/02, nhận được tin báo của người dân, Hạt Kiểm lâm huyện Cư M’gar bắt được 5 xe công nông chở gỗ. Theo ước tính ban đầu khoảng 30m3 gỗ có đường kính từ 40-60cm tại địa bàn xã Ea Kiết.

Nguồn tin từ Hạt Kiểm lâm huyện cho biết, ngày 05/02 Hạt Kiểm lâm huyện mới bắt được 5 xe chở gỗ lậu trên địa bàn, hiện đã đưa 2 xe về hạt, còn lại 3 xe gửi ở Ủy ban nhân dân xã Ea Kiết, hiện đang tiến hành thủ tục để hoàn thiện hồ sơ nên chưa rõ danh tính của chủ xe và chủ gỗ, huyện đã chỉ đạo cung cấp biên bản xử lý cho các cơ quan báo chí.

Gỗ rừng còn sót lại cũng bị xẻ nốt.

Ông Nguyễn Văn Minh - Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cư M’gar cho biết: “Trong năm 2017 trên địa bàn huyện Cư M’gar, các cơ quan đã bắt và lập biên bản tạm giữ tổng cộng 10 phương tiện, trong đó có 3 xe tô, 7 xe cày độ chế. Nhưng phần lớn không bắt được chủ gỗ và chủ phương tiện”.

Theo chúng tôi được biết, trên địa bàn xã Ea Kiết có Lâm trường Buôn Ja Wầm, từ Lâm trường vào cửa rừng có rất nhiều trạm bảo vệ nhưng những xe gỗ này vẫn hiên ngang qua các trạm, lưu thông về trung tâm xã giữa ban ngày như chốn không người.

Hàng ngàn héc ta rừng giao cho Công ty TNHH MTV Buôn Ja Wầm quản lý, bảo vệ và chăm sóc, nhưng đến nay rừng đã biến mất, nhường chỗ cho các vườn tiêu, cao su, hậu quả việc phá rừng hết sức nghiêm trọng, báo chí đã từng phản ảnh và đã cung cấp nhiều tư liệu cho các cơ quan chức năng ở Đắk Lắk, nhưng không hiểu sao không có cơ quan chức năng nào vào cuộc. Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công an điều tra làm rõ: Vì sao đã có chỉ đạo của Thủ Tướng Chính Phủ đóng hoàn toàn cửa rừng, nghiêm cấm mọi hành vi khai thác trái phép, nhưng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và đặc biệt ở các lâm trường trong đó có Công ty TNHH MTV Buôn Ja Wầm được giao bảo vệ, quản lý lại để mất rừng?.

Thần Nông – Huyền Linh