Đắk Lắk: Huyện Cư M’gar có kiên quyết xử lý hoạt động xây dựng, đốt than trái phép?

10/03/2018 23:49 | 6 năm trước

LSVNO - Sau khi Luật sư Việt Nam Online phản ánh tình trạng bùng phát nhiều cơ sở xây dựng, đốt than trái phép trên địa bàn huyện Cư M’gar (Đắk Lắk), ảnh hưởng trực tiếp môi trường và tài nguyên r...

LSVNO - Sau khi Luật sư Việt Nam Online phản ánh tình trạng bùng phát nhiều cơ sở xây dựng, đốt than trái phép trên địa bàn huyện Cư M’gar (Đắk Lắk), ảnh hưởng trực tiếp môi trường và tài nguyên rừng, các cơ sở này vẫn không bị tháo dỡ mà chỉ bị xử phạt hành chính nhẹ nhàng nên không đủ sức răn đe.

>>>Đắk Lắk: Hàng loạt lò than không phép vô tư hoạt động

Thường xuyên thanh kiểm tra nhưng vẫn tồn tại?

Trong nhiều năm qua tại huyện Cư M’gar, tình trạng “than tặc” ngang nhiên hoạt động, thậm chí có dấu hiệu coi thường pháp luật, bất chấp tất cả để hoạt động. Mặc dù các cơ quan thông tấn báo chí liên tiếp phát hiện và phản ánh nhưng không biết nguyên nhân nào mà nhiều cơ sở đốt than trái quy định pháp luật vẫn “trường tồn mãi” với thời gian.

Đúng như lời ông Lưu Tiến Hiệp - chủ cơ sở đốt than Mỹ Hiệp tại thôn 5, xã Cư Đliêng M’nông, huyện Cư M’gar, nói: “Khi tôi xây dựng lò than, hoạt động đốt than, Ủy ban nhân dân (UBND) xã Cư Đliêng M’nông biết nhưng không đủ thẩm quyền xử lý, khi đoàn thanh tra liên ngành của huyện Cư M’gar kiểm tra thì có lập biên bản nhưng không bị xử lý, không bị xử phạt. Sau đó, tôi có lên xã, huyện xin cấp phép đốt than nhưng không được cấp”.

Khi trao đổi với PV vì sao UBND huyện không cấp phép cho ông hoạt động thì ông Hiệp cho biết: “Vì khu vực thôn 5 đã quy hoạch khu dân cư nên huyện không cấp nhưng tôi vẫn đốt than và đang xây dựng thêm, nhưng có ai hỏi gì đâu. Tôi không làm gì vi phạm pháp luật thì việc gì phải sợ thậm chí còn phải khen tôi ấy chứ. Vì tôi tạo ra công ăn việc làm cho vài người”.

Ông Hiệp cho biết thêm, cách đây mấy tháng ông Nhật - Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, có dẫn đoàn kiểm tra lập biên bản rồi ra về, thấy không bị gì nên tôi vô tư đốt than thôi. Anh chị thấy đấy tôi thu mua rất nhiều gỗ cà phê, gỗ muồng, ba lò đốt không kịp nên tôi đang tiến hành xây dựng thêm”.

Như vậy, các cơ sở xây dựng mới, đốt than trái phép, mặc dù các cơ quan chức năng của huyện Cư M’gar biết nhưng không kiên quyết xử lý, nên tính riêng tại xã Cư Đliêng M’nông đến nay có tới 13 cơ sở đốt than với 35 lò đang hoạt động mà chỉ có 3 cơ sở được cấp phép, trong đó 2 cơ sở được cấp tỉnh cấp đầy đủ hồ sơ phòng cháy chữa cháy, giấy chứng nhận môi trường… và một cơ sở đốt than trái phép của ông Tưởng (tại thôn 5, Buôn Rar và buôn Rào xã Cư Đliêng M’nông) đã được UBND huyện cấp phép, còn lại 10 cơ sở trái phép vẫn đang hoạt động bình thường, trong đó có cơ sở đốt than Mỹ Hiệp.

Lò than Mỹ Hiệp hoạt động và xây dựng trái phép, tại Cư M' gar.

Vậy UBND cấp huyện có đủ thẩm quyền cấp phép cho hoạt động xây dựng, đốt than - một trong những ngành nghề đặc thù, tiềm ẩn nhiều vấn đề phát sinh như ảnh hưởng đến môi trường, nguy cơ cháy, gián tiếp và trực tiếp tiêu thụ gỗ rừng, phá rừng?

Chỉ chỉ đạo khi báo chí phản ánh

Tình trạng các cơ sở xây dựng và hoạt động đốt than trái phép tồn tại bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, công tác thanh kiểm tra của các cơ quan chức năng mang nặng tính hình thức, qua loa chiếu lệ chưa quyết liệt, triệt để trong khâu xử lý vi phạm. Chỉ khi các cơ quan báo chí phát hiện, phản ánh thì mới tiến hành công tác kiểm tra, xử lý.

Ngày 07/02, Luật sư Việt Nam Online có bài phản ánh “Đắk Lắk: Nhiều lò than không phép ở huyện Cư M’gar”, sau khi phản ánh, PV đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Minh - Phó chủ tịch UBND huyện Cư M’gar. Ông Minh cho biết: “Sau khi nhận được sự phản ánh của người dân cũng như phản ánh của cơ quan báo chí. Ngày 12/02, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các ngành liên quan và UBND xã Cư Đliêng M’nông kiểm tra, xác minh, trực tiếp là ông Trần Tuấn Ngọc thành lập đoàn kiểm tra, xử phạt cơ sở đốt than Mỹ Hiệp, tại thôn 5, xã Cư Đliêng M’nông”.

Công văn gửi chỉ đạo xã Cư Đliêng M'nông xử lý các cơ sở đốt than trái phép.

Theo đó, sau khi kiểm tra, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với cơ sở đốt than trái phép Mỹ Hiệp với số tiền là 3 triệu đồng. Đến ngày 21/02, UBND huyện ban hành công văn số 315/UBND-TNMT về việc giao cho UBND xã Cư Đliêng M’nông kiểm tra, đình chỉ hoạt động và tháo dỡ các cơ sở đốt than trái phép trên địa bàn. Hộ nào không chấp hành thì tổ chức cưỡng chế theo quy định và báo cáo UBND huyện trước ngày 18/3.

Trong thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, sau khi các cơ quan báo chí phản ánh về tình trạng đốt than trái phép gây ô nhiễm môi trường ở các huyện Ea H’leo, Ea Kar,.. chính quyền các địa phương này đã kiên quyết xử lý tháo dỡ trả lại môi trường trong sạch nhận được sự đồng tình của nhân dân.

Nhưng riêng tại huyện Cư M’gar tình trạng xây dựng, đốt than trái phép thì không bị tháo dỡ mà chỉ bị xử phạt hành chính nhẹ nhàng nên có dấu hiệu bùng phát trở lại với quy mô lớn hơn và nhiều hơn về số lượng, nhất là tại xã Cư Đliêng M’nông. Phải chăng xử phạt hành chính không đủ sức răn đe nên các cơ sở này bất chấp tấp cả vì siêu lợi nhuận?

Được biết UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh mới đủ thẩm quyền cấp. Vậy UBND huyện Cư M’gar cấp phép cho các hộ xây dựng, hoạt động đốt than có đúng thẩm quyền hay không? Dư luận cũng như các cơ quan báo chí rất cần câu trả lời thỏa đáng của cơ quan ban ngành tỉnh Đắk Lắk.

Nhóm PV Tây Nguyên