Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp: Tiêu chí quan trọng để được tham dự Kỳ kiểm tra hết tập sự hành nghề Luật sư

04/02/2023 06:00 | 1 năm trước

(LSVN) - Nghề Luật sư là một nghề có truyền thống cao quý, gắn liền với số phận pháp lý của con người. Thông qua hoạt động nghề nghiệp Luật sư thực hiện sứ mệnh cao cả: Bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, cơ quan, bảo vệ sự độc lập của tư pháp, góp phần bảo vệ công lý, công bằng, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ảnh minh họa.

Sông có nguồn, cây có gốc rễ, như một điều tự nhiên đạo đức và ứng xử nghề nghiệp là nguồn, là gốc, là nền tảng cơ bản của nghề Luật sư. Nghề Luật sư không thể tồn tại, phát triển nếu không có đạo đức nghề nghiệp.

Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam quy định chuẩn mực đạo đức và ứng xử của người Luật sư, là cơ sở để mỗi Luật sư tự giác rèn luyện, tu dưỡng bản thân trong cuộc sống đời thường cũng như trong quá trình hành nghề Luật sư. Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam là thước đo giúp Luật sư giữ gìn phẩm chất, uy tín, từ đó khiêm tốn học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm và kỹ năng hành nghề. Đây cũng chính là một trong những văn bản quan trọng nhất mang tính quy phạm thể hiện rõ nét cơ chế quản lý quản lý nhà nước kết hợp với tự quản của nghề Luật sư tại Việt Nam.

Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam không chỉ là khuôn mẫu cho sự ứng xử, tu dưỡng, rèn luyện của Luật sư mà ngay từ khi tập sự người tập sự hành nghề Luật sư đã phải tuân thủ.

Trong toàn bộ quá trình tập sự, người tập sự hành nghề Luật sư phải học tập, tu dưỡng và tuân thủ các quy định của Bộ Quy tắc, khi đăng ký tập sự hành nghề Luật sư, cá nhân người đăng ký phải đáp ứng điều kiện là người có phẩm chất đạo đức tốt. Điều này được quy định rõ trong khoản 1 Điều 3 Thông tư số 10/2021/TT-BTP ngày 10/12/2021 của Bộ Tư pháp hướng dẫn tập sự hành nghề Luật sư: Người đăng ký tập sự phải là “a) Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt;”.

Khoản 2 Điều 3 Thông tư số 10/2021/TT-BTP quy định: “Người đang tập sự hành nghề Luật sư mà bị phát hiện không đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này thì phải chấm dứt tập sự và không được công nhận thời gian tập sự. Người đã hoàn thành thời gian tập sự mà bị phát hiện không đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này thì không được công nhận thời gian tập sự”.

Phẩm chất đạo đức tốt là điều kiện quan trọng để cá nhân có thể đăng ký tập sự, để người tập sự hành nghề Luật sư được công nhận thời gian tập sự, đủ điều kiện để có thể tham gia kiểm tra hết tập sự. Người tập sự hành nghề Luật sư phải rèn luyện, trau dồi không chỉ về kiến thức pháp lý chuyên môn mà song song cùng với đó là phẩm chất đạo đức của bản thân.

Thông tư số 10/2021/TT-BTP ngày 10/12/2021 của Bộ Tư pháp hướng dẫn tập sự hành nghề Luật sư quy định chặt chẽ điều kiện tham gia kiểm tra hết tập sự, được thể hiện qua Báo cáo quá trình tập sự hành nghề Luật sư mà người tập sự hành nghề Luật sư phải nộp cho Liên đoàn Luật sư Việt Nam để đăng ký tham gia kiểm tra hết tập sự. Theo đó tại Phụ lục số 02 của Báo cáo quá trình tập sự hành nghề Luật sư, người tập sự hành nghề Luật sư phải tự đánh giá bản thân, tự nhận xét về tư cách đạo đức, năng lực chuyên môn, ý thức tổ chức kỷ luật, ý thức chấp hành pháp luật nói chung và việc chấp hành pháp luật về Luật sư và hành nghề Luật sư, Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam trong quá trình tập sự. Phụ lục số 02, Báo cáo quá trình tập sự hành nghề Luật sư bắt buộc Luật sư hướng dẫn và của Đoàn Luật sư nơi người tập sự hành nghề Luật sư đăng ký tập sự phải có đánh giá phẩm chất đạo đức người tập sự hành nghề Luật sư.

Trường hợp Luật sư hướng dẫn hoặc Đoàn Luật sư không xác nhận về việc tuân thủ chấp hành Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp người tập sự không đủ điều kiện để tham dự Kỳ kiểm tra hết tập sự hành nghề Luật sư.

Phẩm chất đạo đức tốt là tiêu chí tiên quyết để đánh giá người tập sự hành nghề Luật sự có đủ điều kiện để tham gia kỳ thi kiểm tra hết tập sự hay không. Đồng thời đây cũng là nội dung quna trọng khi thi hết tập sự hành nghề Luật sư.

NGUYỄN THỊ HƯỚNG

Người tập sự hành nghề Luật sư Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang

Liên đoàn Luật sư Việt Nam là tổ chức xã hội - nghề nghiệp thống nhất trong toàn quốc của các Đoàn Luật sư, các Luật sư Việt Nam