Thực trạng đào tạo về pháp lý khởi nghiệp cho sinh viên

02/08/2021 16:04 | 2 năm trước

(LSVN) - Hiện nay, các quốc gia đang phát triển như Việt Nam đã và đang đưa ra các chương trình hỗ trợ, khuyến khích người dân tham gia khởi nghiệp thông qua các chính sách thúc đẩy thành lập doanh nghiệp, trợ giúp khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ và các đề án hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp với nhiều ưu đãi… Xuất phát từ thực tế đó, với chủ trương đào tạo bài bản, lấy ý tưởng khởi nghiệp từ sinh viên, đào tạo Khởi nghiệp trong sinh viên hiện nay cũng đang được chú trọng.

   ​Luật sư Nguyễn Thị Thu Hoài, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội. 

Những thuận lợi cho sinh viên khi khởi nghiệp

Hiện nay, rất khó để đánh giá khách quan những kết quả mà nhà nước và Hệ thống giáo dục, đào tạo đã làm để thúc đẩy sự hiểu biết về pháp lý khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên. Ở các trường cấp 3 thường tổ chức khóa học dạy nghề cho học sinh để học sinh biết và làm quen với thực tế công việc. Các trường đại học cũng tổ chức những buổi chia sẻ về công việc, về định hướng nghề nghiệp cho sinh viên…

Tuy vẫn chưa đồng bộ và thống nhất nhưng về cơ bản, các em cũng đã được làm quen, tiếp xúc với môi trường nghề. Hơn nữa, việc đào tạo về ngoại ngữ tốt cũng khiến các sinh viên tự tin hơn, giao tiếp tốt hơn và giúp mở rộng con đường du học đến những nước phát triển để học hỏi nền kinh tế nước ngoài cũng như cách vận hành công ty của họ nhằm học tập và vận dụng.

Những khó khăn cho sinh viên khi khởi nghiệp

Môi trường pháp lý cho những người trẻ khởi nghiệp hiện nay được đánh giá là chưa thực sự đạt hiệu quả tốt so với nhiều nước trong khu vực do những hạn chế về giáo dục và đào tạo về pháp lý nói chung và pháp lý doanh nghiệp nói riêng. Việc nhà nước vẫn chưa ban hành một hành lang pháp lý cụ thể quy định chi tiết về các vấn đề liên quan đến khởi nghiệp như: ưu đãi, hỗ trợ, gọi vốn… khiến các nhà đầu tư e ngại khi muốn góp vốn cho những người trẻ khởi nghiệp.

Có thể nói, hiện nay môi trường pháp lý khởi nghiệp đang chưa được chú trọng đúng với quy mô và định hướng phát triển kinh tế khởi nghiệp của đất nước. Qua nghiên cứu tìm hiểu, tác giả nhận thấy còn tồn tại một số vấn đề sau:

(i) Chưa có bộ giáo trình đồng bộ, thống nhất dạy về pháp lý khởi nghiệp cho sinh viên

Hiện nay, trên thị trường, rất dễ để tìm thấy một cuốn sách viết về “khởi nghiệp”. Tuy nhiên sẽ rất khó để tìm được một cuốn sách giáo trình giúp sinh viên tìm hiểu một cách đầy đủ, tổng hợp về pháp lý doanh nghiệp khi khởi nghiệp. Để khởi nghiệp thành công, ngoài những yếu tố về nội hàm như yếu tố con người như: có trí, kiên trì, dám dấn thân… và chuyên môn như kinh doanh, thị trường, lựa chọn mặt hàng, ngành nghề kinh doanh, cách đầu tư có lãi… thì không thể thiếu các yếu tố về pháp lý. Trước khi thành lập doanh nghiệp, ngoài những vấn đề đã nêu, các sinh viên cần biết các vấn đề sau: Hiểu biết pháp lý về các loại hình doanh nghiệp; Vấn đề pháp lý về vốn, tài chính và phân chia lợi nhuận; Các vấn đề pháp lý về thuế; Các vấn đề pháp lý khi ký kết hợp đồng kinh tế với đối tác; Các vấn đề pháp lý về sở hữu trí tuệ; Các vấn đề về lao động và quản lý lao động; Các vấn đề về Bảo hiểm xã hội;…

Đây đều là những vấn đề pháp lý cơ bản và quan trọng khi khởi nghiệp nhưng ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa có một bộ sách hay một giáo trình cụ thể nào chia sẻ cho sinh viên những kiến thức pháp lý cơ bản đó.

(ii) Ở các trường học, trường đại học vẫn chưa có một chương trình đào tạo cụ thể về kinh doanh khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên

Với thực tế như đã nêu ở trên, các nhà trường nên có những buổi chia sẻ về công việc trong tương lai. Vậy nhưng, với kinh nghiệm từng tham dự một số buổi chia sẻ tại các trường đại học tại Hà Nội, tác giả thấy rằng việc chia sẻ về khởi nghiệp ở đây chỉ mang tính chia sẻ thuần túy, chưa được đề cao, chú trọng để định hướng cho sinh viên. Rất nhiều sinh viên khi ra trường vẫn còn rất mơ hồ về định hướng, về công việc tương lai, điều này vô hình chung tạo thành một hệ sinh thái khởi nghiệp yếu kém, thiếu tự tin so với các sinh viên mới ra trường tại các nước trong khu vực khác. Ngoài ra, đối với nhiều người trẻ khởi nghiệp, do chưa được đào tạo bài bản, có hệ thống về kinh doanh khởi nghiệp nên khi khởi nghiệp, họ cũng gặp rất nhiều vướng mắc mà loay hoay không biết làm như thế nào. Có nhiều người trong số đó, mặc dù trước đó rất quyết tâm nhưng sau đó phải buông tay do gặp phải một số khó khăn mà trước khi khởi nghiệp họ chưa hình dung hết được.

Theo Báo cáo Chỉ số Đổi mới Toàn cầu 2020 (GII 2020) của WIPO vừa được công bố ngày 02/9/2020 đã phân tích xu hướng đổi mới sáng tạo mới nhất  trên toàn cầu và xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo hàng năm của 131 nền kinh tế, Việt Nam duy trì thứ hạng thứ 42/131

Theo Báo cáo Chỉ số khởi nghiệp toàn cầu 2017/2018 thì Chỉ tiêu của Hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam như giáo dục kinh doanh sau phổ thông được đánh giá là thấp so với các nước trong khu vực (Chỉ số là 40/54).

Do đó, nếu nhà nước không quan tâm đúng mức, kịp thời và phối hợp với các bộ, ban, ngành có liên quan để đưa ra một chương trình hoặc một lộ trình giáo dục, đào tạo về khởi nghiệp nói chung và pháp lý khởi nghiệp nói riêng thì sẽ rất  khó để thúc đẩy nền kinh tế khởi nghiệp lên ngang hàng với các nước trong khu vực.

(iii) Nhà trường chưa có sự kết nối thường xuyên với những diễn giả đào tạo về pháp lý khởi nghiệp

Hiện nay, nhiều trường đại học trên cả nước thường tổ chức các buổi chia sẻ về khởi nghiệp cho sinh viên, nhưng có một thực trạng chung là chưa có nhiều sự kết nối với các diễn giả có chuyên môn trong lĩnh vực của họ. Ví dụ, trong một buổi chia sẻ về khởi nghiệp có các phần khác nhau như: chia sẻ về yếu tố thuận lợi, khó khăn trong kinh doanh, kỹ năng tìm hiểu thị trường, các vấn đề pháp lý khởi nghiệp… Theo quan điểm cá nhân tác giả, mỗi phần của buổi chia sẻ đều nên có một diễn giả có kinh nghiệm/đã thành công trong lĩnh vực chuyên môn đó trao đổi, truyền kinh nghiệm thì khi chia sẻ sẽ giúp cho sinh viên dễ hiểu hơn rất nhiều, mang tính thực tế nhiều hơn và hiệu quả của buổi chia sẻ sẽ cao hơn.

(iv) Chưa có sự liên kết chặt chẽ với các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp và cộng đồng khởi nghiệp

Nếu như các buổi chia sẻ, định hướng nghề là lý thuyết thì việc thực tập tại các công ty, doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ giúp các sinh viên được làm quen, tiếp xúc và thực hành sớm với việc kinh doanh.

Hiện nay, có một số trường đại học ở Việt Nam đã kết hợp phương thức học đi đôi với hành, có liên kết, ký hợp đồng hoặc được các doanh nghiệp tài trợ việc đào tạo nghề nghiệp thực tế, giúp sinh viên có kiến thức và kinh nghiệm thực tế ngay sau khi được học lý thuyết trong giảng đường đại học.

Một số đề xuất hoàn thiện

Để giúp sinh viên vững bước khởi nghiệp, cần có những biện pháp cụ thể, thiết thực nhất nhằm giúp sinh viên đánh giá đúng tầm quan trọng của pháp lý khởi nghiệp. Xuất phát từ thực tế, tác giả đề xuất phương án cụ thể như sau:

Thứ nhất, nên đưa khởi nghiệp là một môn học tự chọn tại trường học

Nếu chỉ dừng lại ở những buổi chia sẻ có tần suất 1 buổi/1 kỳ học thì tác giả cho rằng điều này chưa đủ để thay đổi nhận thức của sinh viên và hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam. Lấy ví dụ về nền bóng đá nước nhà, Việt Nam cũng đầu tư rất nhiều vào việc đào tạo bóng đá và việc đào tạo phải kéo dài nhiều năm, đào tạo “gà nòi” từ nhỏ thì mới có thể đạt được thành tựu như ngày hôm nay. Giáo dục về khởi nghiệp cũng vậy, cũng cần được xây dựng nền móng, được đầu tư đúng mức bằng cách xây dựng môn “Khởi nghiệp và pháp lý khởi nghiệp” là môn học chính hoặc tự chọn cho sinh viên tại các trường đại học.

Thứ hai, cần xây dựng một hệ thống giáo dục pháp lý khởi nghiệp đồng bộ, thống nhất và đưa ra các nội dung cần lưu ý khi khởi nghiệp

Song song với việc đưa môn học Khởi nghiệp và pháp lý khởi nghiệp vào giảng dạy cũng cần phải xây dựng một hệ thống giáo trình giảng dạy chuẩn mực, đồng bộ, có sự cập nhật thay đổi theo thị trường, xu hướng kinh doanh và gắn với quy định pháp luật thực tế… Ví dụ môn học chia thành các phần về kinh doanh, thị trường, pháp lý, kỹ năng... có thể giúp sinh viên hiểu cụ thể từng kĩ năng này bằng cách xây dựng một công ty ảo cho mỗi sinh viên và đưa ra các tình huống tương ứng với mỗi kỹ năng/ kiến thức sinh viên cần học, yêu cầu sinh viên giải quyết các tình huống đó. Việc xây dựng một hệ thống giáo dục vừa có kiến thức vừa có kinh nghiệm thực tế sẽ giúp các sinh viên tăng hiểu biết và tự tin với việc thành lập công ty khởi nghiệp sau này.

Ví dụ, với các nội dung pháp lý cần giảng dạy như sở hữu trí tuệ thì cần đưa tình huống cụ thể, những sai lầm thực tế từ các Công ty ở Việt Nam và nước ngoài như vụ việc việc mất tên miền thương hiệu Legendeecoffee của Công ty CP Tập Đoàn Trung Nguyên tại Mỹ dẫn đến việc nếu không đàm phán, mua lại tên thương hiệu này, Công ty Trung Nguyên sẽ không thể xuất khẩu cà phê mang thương hiệu Legendee Coffee tại thị trường Mỹ. Có thể nói, các vấn đề pháp lý là rất quan trọng trong kinh doanh, bởi nếu không cẩn thận như Công ty Trung Nguyên trong vụ việc vừa rồi, có thể đánh mất cả thị trường và thiệt hại về kinh tế là rất lớn.

Thứ ba, thường xuyên mời những người có trình độ chuyên môn, giàu kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực kinh doanh, pháp lý  để chia sẻ cho sinh viên

Trong các chương trình, nên kết hợp các bài giảng lý thuyết với các tình huống thực tế. Bài giảng nên được kết hợp và thực hiện bởi các giảng viên đến từ doanh nghiệp. Trong các bài giảng này thường có sự lồng ghép các kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn của giảng viên để cho học viên dễ hình dung, liên hệ từ những kiến thức đã học. Kinh nghiệm khởi nghiệp của người đi trước là vốn quý của người đi sau, nó giúp cho người đi sau học được, rút được kinh nghiệm và bài học thực tế, rút ngắn thời gian khởi nghiệp và có thể nhanh chóng đi đến thành công. Do đó, rất cần sự phối hợp giữa các giảng viên chuyên môn và các giảng viên đến từ doanh nghiệp.

Thứ tư, tổ chức những chương trình/cuộc thi về mô hình khởi nghiệp sáng tạo và cách vận hành/xử lý công việc trong doanh nghiệp khởi nghiệp

Sau khóa học về khởi nghiệp và pháp lý khởi nghiệp có thể tổ chức những cuộc thi như: Dự án khởi nghiệp sáng tạo hay hiểu biết pháp lý khởi nghiệp hoặc trình bày cách xử lý vấn đề vướng mắc khi khởi nghiệp… nhằm tạo môi trường tìm hiểu và tạo động lực thúc đẩy thế hệ người Việt trẻ khởi nghiệp hiện nay.

Thứ năm, tạo sự kết nối giữa nhà trường và các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp và cộng đồng khởi nghiệp

Với mong muốn tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh mẽ, có tri thức và nguồn khởi nghiệp chuyên nghiệp, chất lượng cao, có đủ khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực, cần có sự đầu tư bài bản của nhà nước, cần sự vào cuộc và kết hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể có liên quan, và hơn hết là sự hỗ trợ của các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp, các mạnh thường quân và cộng đồng khởi nghiệp để cùng chung tay tạo ra môi trường khởi nghiệp thuận lợi, giúp sinh viên có môi trường va chạm thực tế, tích lũy kinh nghiệm và học hỏi tinh thần khởi nghiệp sáng tạo từ những người đi trước.

Luật sư NGUYỄN THỊ THU HOÀI

Công ty Luật TNHH Thuế và Luật Hà Nội

Bộ Y tế hướng dẫn tiêu chí mới xác định ca nghi mắc Covid-19