Đề xuất căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm theo quy định của Bộ Luật Tố tụng Dân sự, Luật Tố tụng hành chính

20/08/2020 04:56 | 3 năm trước

(LSO) - Tòa án nhân dân tối cao đang dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính về thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Trong đó, đề xuất các căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm theo quy định của Bộ Luật Tố tụng Dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, Điều 14 dự thảo Nghị quyết quy định các căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm gồm:

- Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự là trường hợp Tòa án không xem xét, đánh giá toàn diện các tài liệu, chứng cứ được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được; không căn cứ vào tài liệu, chứng cứ được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa dẫn đến kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án không phù hợp với các tài liệu, chứng cứ phản ánh sự thật khách quan của vụ án, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích chính đáng của đương sự, có thể gây thiệt hại cho họ về vật chất, tinh thần.

Ví dụ 7: Trong vụ án tranh chấp về di sản thừa kế, đương sự xuất trình di chúc hợp pháp của người để lại di sản thừa kế nhưng Tòa án nhận định di chúc đó không hợp pháp và giải quyết chia di sản thừa kế theo pháp luật.

- Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm cho đương sự không thực hiện được quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ không được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Xác định không đúng hoặc không đầy đủ tư cách tham gia tố tụng của người tham gia tố tụng dẫn đến họ không thực hiện được các quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình;

b) Không đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án vào tham gia tố tụng dẫn đến xâm phạm nghiêm trọng quyền, lợi ích hợp pháp của họ;

c) Nhập hoặc tách vụ án không đúng quy định tại Điều 42 Bộ luật Tố tụng dân sự, Điều 35 Luật Tố tụng hành chính;

d) Không cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng cho đương sự, những người tham gia tố tụng khác theo đúng quy định của pháp luật dẫn đến xâm phạm nghiêm trọng quyền, lợi ích hợp pháp của họ;

đ) Không có người phiên dịch trong trường hợp người tham gia tố tụng dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình hoặc người tham gia tố tụng khuyết tật nghe, nói;

e) Không từ chối tiến hành, tham gia tố tụng hoặc thay đổi người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng trong trường hợp quy định tại các điều 52, 53, 54, 60, khoản 2 Điều 80, khoản 2 Điều 82 Bộ luật Tố tụng dân sự, các điều 45, 46, 47, 50, khoản 3 Điều 63, khoản 3 Điều 64 Luật Tố tụng hành chính;

g) Việc thu thập tài liệu, chứng cứ để chứng minh đối với vụ án không đúng trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính;

h) Các trường hợp khác mà pháp luật có quy định.

- Sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra bản án, quyết định không đúng, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba là trường hợp Tòa án áp dụng không đúng quy định của pháp luật để giải quyết vụ án dẫn đến việc ra bản án, quyết định không đúng, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.

Ví dụ 8: Ngày 01/01/2019, ông A vay 1.000.000.000 đồng của bà B với lãi suất 30%/năm, thời hạn vay là 01 năm. Đến hạn trả nợ, ông A không trả được nợ gốc và lãi nên bà B khởi kiện tại Tòa án, yêu cầu ông A trả nợ gốc và lãi trong hạn với mức lãi suất 30%/năm, lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả. Toà án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đã giải quyết chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn. Việc giải quyết của Tòa án như trên là có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật, vì theo quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự thì “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay… Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.”

THANH THANH

/du-thao-can-cu-khang-nghi-theo-thu-tuc-giam-doc-tham.html