(LSVN) - Bộ Nội vụ đang dự thảo Thông tư quy định phân cấp, ủy quyền một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo của Bộ Nội vụ.
Ảnh minh họa.
Bộ Nội vụ cho biết, ngày 29/12/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 95/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo thay thế Nghị định số 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo.
Theo Luật và Nghị định thì Bộ Nội vụ phải thực hiện 55 thẩm quyền, trách nhiệm. Căn cứ vào tính chất, mức độ tác động ảnh hưởng của từng thẩm quyền, nhiệm vụ, dự thảo Thông tư quy định cụ thể như sau:
Bộ trưởng sẽ trực tiếp quyết định các nội dung quản lý, nhóm nhiệm vụ, thẩm quyền theo quy định của Luật và Nghị định thuộc thẩm quyền của Bộ Nội vụ có tính chất quan trọng, nhạy cảm, có sự tác động lớn đến các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, cơ sở đào tạo tôn giáo, đồng thời Ban Tôn giáo Chính phủ là đơn vị tiếp nhận hồ sơ, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định trình Bộ trưởng quyết định. Theo đó, dự thảo Thông tư quy định, Bộ trưởng xem xét quyết định các nội dung sau đây:
- Công nhận tổ chức tôn giáo có địa bàn hoạt động ở nhiều tỉnh; chấp thuận thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáotrực thuộc có địa bàn hoạt động ở nhiều tỉnh; chấp thuận thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo; chấp thuận tổ chức tôn giáo ở Việt Nam gia nhập tổ chức tôn giáo nước ngoài;
- Cấp đăng ký pháp nhân phi thương mại cho tổ chức tôn giáo trực thuộc có địa bàn hoạt động ở nhiều tỉnh; đình chỉ toàn bộ hoạt động của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có hoạt động ở nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đình chỉ hoạt động đào tạo của cơ sở đào tạo tôn giáo;
- Quyết định phục hồi toàn bộ hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có địa bàn hoạt động ở nhiều tỉnh, thành phố trực thuộcTrung ương; Quyết định phục hồi hoạt động đào tạo của cơ sở đào tạo tôn giáo;
- Chấp thuận tự giải thể của tổ chức tôn giáo có địa bàn hoạt động ở nhiều tỉnh theo quy định của hiến chương; chấp thuận giải thể tổ chức tôn giáo trực thuộc có địa bàn hoạt động ở nhiều tỉnh theo quy định hiến chương của tổ chức;
- Giải thể tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có địa bàn hoạt động ở nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 31 của Luật; chấp thuận giải thể cơ sở đào tạo tôn giáo theo quyết định của tổ chức tôn giáo; giải thể cơ sở đào tạo tôn giáo theo quy định tại điểm b và điểm c khoản1 Điều 42 của Luật;
- Công bố công khai việc đình chỉ, phục hồi, giải thể tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, cơ sở đào tạo tôn giáo trên Cổng thông tin điện tử của Bộ; 01 số báo in hoặc báo điện tử ở trung ương hoặc địa phương nơi tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, cơ sở đào tạo tôn giáo có trụ sở trong thời hạn 15 ngày sau khi bị đình chỉ, được phục hồi hoạt động và giải thể.
Dự thảo Thông tư cũng quy định, tùy trường hợp cụ thể, Bộ trưởng ủy quyền cho Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo xem xét, ký các văn bản thuộc thẩm quyền nêu trên.
Đối với các thẩm quyền còn lại, Ban Tôn giáo Chính phủ sẽ là cơ quan được phân cấp trong việc tiếp nhận, phối hợp thẩm định và quyết định. Các thẩm quyền này bao gồm:
- 20 thẩm quyền tiếp nhận thông báo (quy định tại Điều 4 dự thảo).
- 9 thẩm quyền liên quan đến cấp chứng nhận, chấp thuận một số nội dung liên quan đến tổ chức, hoạt động tôn giáo.
- 8 thẩm quyền trong quản lý nhà nước đối với một số hoạt động tôn giáo có yếu tố nước ngoài.
- 2 thẩm quyền liên quan đến hướng dẫn chương trình, nội dung giảng dạy môn học về lịch sử Việt Nam và Pháp luật Việt Nam.
- Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện 02 môn học tại các cơ sở đào tạo tôn giáo.
- Thẩm quyền trong việc kiểm tra, lập biên bản và ban hành kết luận về việc tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, cơ sở đào tạo tôn giáo vi phạm một trong các trường hợp quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 5 của Luật để làm cơ sở đình chỉ toàn bộ hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, đình chỉ hoạt động đào tạo của cơ sở đào tạo tôn giáo.
PHƯƠNG ANH
Kiến nghị thu hẹp diện chủ thể người bào chữa theo hướng nâng cao tính chuyên nghiệp