/ Trao đổi - Ý kiến
/ Đề xuất tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về xác định thiệt hại vụ án, giá trị tài sản chiếm đoạt do tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ

Đề xuất tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về xác định thiệt hại vụ án, giá trị tài sản chiếm đoạt do tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ

03/05/2025 08:01 |25 ngày trước

(LSVN) - Tội phạm về tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ và các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt diễn ra ở nhiều quốc gia trên thế giới không phân biệt chế độ chính trị, điều kiện và trình độ phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì thế, các tội phạm này không còn là vấn đề riêng của từng quốc gia mà đã trở thành vấn đề toàn cầu. Không chỉ Việt Nam mà toàn thế giới đang tập trung đấu tranh phòng và chống tệ nạn này xảy ra.

Để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống các tội phạm về tham nhũng, chức vụ, đồng thời xác định giá trị tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại chính xác nhằm xử lý, đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm cũng không làm oan người vô tội, để có hướng thu hồi tài sản triệt để Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao ban hành Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 về hướng dẫn áp dụng một số quy định của bộ luật hình sự trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo Điều 10 hướng dẫn xác định trị giá tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại do tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ gây ra như sau:

(1) Trị giá tài sản bị chiếm đoạt làm căn cứ xử lý hình sự được xác định tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội. Trường hợp tội phạm thực hiện liên tục, kéo dài thì trị giá tài sản bị chiếm đoạt được xác định tại thời điểm kết thúc hành vi phạm tội. Đối với trường hợp hành vi phạm tội đang diễn ra nhưng bị phát hiện, ngăn chặn thì trị giá tài sản bị chiếm đoạt được xác định tại thời điểm hành vi phạm tội bị phát hiện, ngăn chặn.

(2) Thiệt hại tài sản làm căn cứ để xử lý hình sự tùy từng trường hợp cụ thể được xác định như sau:

- Trường hợp thiệt hại xảy ra tại thời điểm tội phạm được thực hiện thì thiệt hại được xác định tại thời điểm này; đối với tội phạm liên tục, kéo dài thì thiệt hại được xác định tại thời điểm tội phạm được phát hiện ngăn chặn hoặc tội phạm kết thúc.

- Trường hợp thiệt hại xảy ra hoặc kéo dài sau khi tội phạm được thực hiện hoặc sau khi tội phạm đã kết thúc thì thiệt hại được xác định tại thời điểm thiệt hại được ngăn chặn.

- Trường hợp không thể xác định được thiệt hại theo hướng dẫn tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP thì thiệt hại được xác định tại thời điểm khởi tố vụ án.

(3) Việc xem xét trách nhiệm dân sự thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự:

Hướng dẫn đã xác định trị giá tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại do tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ gây ra, cơ bản đáp ứng được yêu cầu về hoàn thiện pháp luật trong việc đấu tranh phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử các vụ án về tham nhũng, chức vụ thời gian qua, giữa các cơ quan tiến hành tố tụng còn nhiều quan điểm khác nhau về việc xác định thời điểm tính giá trị tài sản bị chiếm đoạt, xác định thiệt hại trong vụ án. Việc hiểu và áp dụng thời điểm để xác định giá trị thiệt hại trong các vụ án tham nhũng, chức vụ chưa thống nhất.

Điển hình như vụ án: “Đất vàng” Lê Duẩn, Quận 1, có quan điểm cho rằng: Xác định thiệt hại thực tế là số tiền Nhà nước thất thu tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội là không phù hợp. Bởi, bản chất hành vi gây thất thoát lãng phí phải được xác định từ thời điểm giao đất, cho thuê đất trái pháp luật dẫn đến nhà nước mất quyền sử dụng, mất quyền khai thác tài sản và giá trị tăng thêm của khu đất. Vì vậy, thiệt hại phải tính đến thời điểm cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố vụ án, tức là vào năm 2018 với số tiền hơn 1.927 tỉ đồng.

Quan điểm khác cho rằng: Thời điểm tội phạm hoàn thành với tội danh tại Điều 219 Bộ luật Hình sự là khi người được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước đã thực hiện hành vi vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí. Trương trường hợp này, các bị cáo nhận được đất do Nhà nước giao, sau đó đầu tư, phát triển khu đất làm tăng giá trị của khu đất. Nếu lấy giá trị đất tại khởi điểm khởi tố để áp dụng cho hành vi phạm tội thực hiện vài năm trước là không hợp lý, giá trị khu đất càng cao thì tội bị cáo càng nặng.

Do đó, trong trường hợp này việc xác định áp dụng thời điểm thực hiện hành vi hay thời điểm khởi tố vụ án để xác định thiệt hại phải tuân thủ nguyên tắc áp dụng có lợi cho bị can, bị cáo.

Đề nghị liên ngành các cơ quan tư pháp Trung ương cần có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này như sau:

- Thứ nhất, việc xác định thời điểm tính giá trị tài sản bị chiếm đoạt nên xác định là thời điểm kết thúc việc thực hiện hành vi phạm tội, tức thời điểm tội phạm hoàn thành. Việc xác định giá trị tài sản bị chiếm đoạt được tính khi tội phạm hoàn thành sẽ phù hợp với lý luận về các giai đoạn thực hiện tội phạm. Còn việc xác định giá trị tài sản bị chiếm đoạt tại thời điểm khởi tố vụ án là không phù hợp. Tại vì thời điểm này tội phạm đã hoàn thành thì sẽ không thể xảy ra trường hợp chiếm đoạt tài sản được.

- Thứ hai, về xác định thiệt hại trong vụ án. Thiết nghĩ đó là toàn bộ các thiệt hại được phát sinh thực tế do hành vi phạm tội của bị can, bị cáo, được tính từ giai đoạn thực hiện hành vi phạm tội cho đến giai đoạn giải quyết vụ án. Ví dụ, bị cáo dùng thủ đoạn gian dối, chiếm đoạt tài sản của ngân hàng thông qua hợp đồng vay tài sản là 8.000.000.000 đồng. Khi giải quyết vụ án theo thủ tục xét xử sơ thẩm, ngân hàng xác định bị cáo chiếm đoạt 8.000.000.000 đồng tiền gốc và 2.500.000.000 tiền lãi suất. Theo như đề xuất trên, thì giá trị tài sản chiếm đoạt là 8.000.000.000 đồng và thiệt hại của vụ án được xác định là 10.500.000.000 đồng.

- Thứ ba, cần ban hành hướng dẫn cụ thể một thông tư liên tịch giữa các cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án) quy định rõ ràng, cụ thể hơn về thời điểm xác định thiệt hại và phương pháp xác định thiệt hại trong các vụ án hình sự. Tránh tình trạng mâu thuẫn, thiếu thống nhất mỗi cơ quan có những đánh giá khác nhau khi giải quyết các vụ án.

HOÀNG THÙY LINH

Tòa án Quân sự Quân khu 7

Các tin khác