Đền Chợ Củi nổi tiếng linh thiêng

29/03/2022 02:24 | 2 năm trước

(LSVN) - Từ núi Hồng Lĩnh đến chùa Thiên Tượng có một nhánh tách ra qua xã Xuân Lam đến xã Xuân Hồng, chia ra nhiều ngọn núi trông như một đàn nghé đua nhau chạy xuống tắm dòng sông Lam. Trong đó, một ngọn đứng riêng lẻ như một con nghé sắp lội qua sông Lam, gọi là núi Cô Độc Lâm Lưu. Dân sở tại gọi núi Bà, bởi dưới chân núi là đền thờ bà Liễu Hạnh. Đền thờ bà Liễu Hạnh còn gọi là Linh Từ Thánh Mẫu. Đền gần Chợ Củi, người dân thường gọi Đền Chợ Củi nổi tiếng linh thiêng, ở xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.

Quang cảnh của Đền Chợ Củi. 

Nơi đây, núi Hồng Lĩnh vươn mình sà vào dòng sông Lam, tạo nên cảnh non nước hữu tình, ít nơi nào có được, làm đắm say không biết bao thi sĩ. Bùi Dương Lịch viết, Võ Hồng Huy dịch: Núi dồn nhau xuống phía Đông/ Để rơi một ngọn cạnh bờ sông/ Chân lèn sâu, cạn, triều lên xuống/ Mõm núi dày, thưa, cỏ chéo chồng/ Tai không rửa bẩn, nước nguồn trong/ Lướt bè trên nguyệt, đêm qua lạnh/ Vẽ lại ngân hà cảnh đẹp chung.

Đền Chợ Củi không những tọa lạc dưới một ngọn núi đẹp, mà còn ở vùng đất địa linh nhân kiệt, bởi nó hội tụ tinh hoa của núi Hồng, sông Lam. Đền xây vào thời Hậu Lê, tựa lưng vào núi, quay mặt về hướng Bắc, soi mình xuống dòng sông Lam. Các tòa điện cao dần theo thế núi uy nghi, đường bệ, trong ngút ngàn của rừng cây cổ thụ, tạo nên một không gian vừa huyền ảo, linh thiêng, khoáng đạt mà gần gũi.

Tam quan ở cạnh bến sông cao 2 tầng có có lưỡng long chầu nguyệt, đường nét uyển chuyển, tinh xảo. Mặt trước tam quan có 2 câu đối: Lam Giang hiển hách tựa thiên thu/ Ngũ mã anh linh chung tú khí;  Kim quyến giáng thần bất tử anh linh nguyên tự cổ/ Sùng Sơn hiển thánh như sinh khí phách giáng lai kim. Nghĩa là: Thần giáng cửa vàng, anh linh bất tử nguyên từ cổ/ Thánh thăng trên núi (sùng), khí phách như sinh thịnh đến nay.

Mặt trong tam quan có khắc: Chính trực tâm vi thiên hạ mẫu/ Cao minh đức độ tứ phương dân. Nghĩa là: Mẫu thiên hạ gin tâm chính trực/ Bốn phương hưởng đức độ cao minh. 

Qua tam quan vòng qua hồ bán nguyệt, lên 7 bậc thềm là đến sân, leo lên 5 bậc nữa đến hạ điện.

Đền cấu trúc hình chữ Tam gồm có: hạ điện, trung điện và thượng điện, nối liền với nhau theo trục thần đạo. Bố trí các cung thờ trên xuống: cung thờ Thánh Mẫu (thờ Tam Phủ), cung thờ Ngũ vị Tôn ông, cung thờ quan Hoàng Mười, cung Chầu Mười và cung Trần Triều. Tòa thượng điện (hậu cung), nơi đặt bàn thờ Tam tòa Thánh mẫu, gồm: Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải. Mẫu Liễu Hạnh  trang phục màu đỏ, Mẫu Thượng Ngàn trang phục màu xanh, Mẫu Thoải trang phục màu trắng.

Sự tích lưu truyền Mẫu Liễu Hạnh là hóa thân của Mẫu Thượng Thiên, chính nhân sáng tạo ra bầu trời, làm chủ mây, mưa, sấm chớp. Mẫu Liễu Hạnh là công chúa Quỳnh Hoa, con của Ngọc Hoàng, do phạm lỗi, bị giáng xuống trần, làm con của Lê Thái Công tên là Giáng Tiên, kết duyên với Đào Lang sống với nhau rất hạnh phúc, sinh hạ được 2 người con. Năm Giáng Tiên 21 tuổi thì nàng qua đời, vì hết hạn ở trần gian trở về trời. Khi về thiên đình nàng sầu não thương nhớ gia đình khôn nguôi, xin Ngọc Hoàng về lại hạ giới, Ngọc Hoàng thấy thương tình đồng ý. Nàng xuống trần mang tên là Liễu Hạnh. Vì là thần tiên nàng chỉ có thăm cha mẹ, chồng con, chứ không sống như người trần được. Liễu Hạnh đi mây về gió, hóa phép khôn lường, thẳng tay trừng trị những kẻ độc ác, bất nhân. Sự hiển linh của Thánh Mẫu Liễu Hạnh được nhân dân nhiều nơi lập đền thờ, được triều đình phong Mã Hoàng Công Chúa và gia tặng Chế Thắng Hòa Diếu Đại Vương, dân gian gọi là Bà chúa Liễu, cai quản muôn phương là Mẫu nghi thiên hạ - Mẹ của thiên hạ.

Mẫu Thượng Ngàn là hóa thân Thánh Mẫu toàn năng trông coi miền rừng núi, địa bàn sinh sống chính của tộc người thiểu số. Truyền thuyết kể lại: Vào thời Hùng Định vương (một trong 18 vị vua Hùng), Hoàng hậu mang thai mãi mà không sinh, lúc đầu mọi người lo sợ, nhưng sau cũng quen dần. Vào năm thứ 3, một hôm Hoàng hậu đi chơi trong rừng bất ngờ cơn đau ập đến, những người theo hầu lúng túng không biết ra sao, còn Hoàng hậu đau quá chỉ biết ôm chặt lấy cây quế. Cuối cùng sinh ra một cô con gái, vì quá kiệt sức đã qua đời, để lại cho nhà vua cô con gái yêu đặt tên là Mỵ Nương Quế Hoa. Lớn lên cô vừa xinh đẹp, ngoan ngoãn, đến tuổi cập kê mà nàng không màng tới chuyện chồng con.

Sau khi biết rõ ngọn nguồn của người mẹ sinh ra mình, công chúa quyết định vào rừng tìm mẹ. Nàng tận mắt thấy cảnh bần hàn, cơ cực của người dân. Công chúa thương xót tìm cách giúp người dân thoát khỏi cảnh cơ hàn, cực khổ. Một hôm, giữa đại ngàn công chúa linh tính thấy hơi ấm của mẹ, nàng thốt lên gọi: “Mẹ ơi… Mẹ ơi…”. Một ông tiên hiện lên trao cho nàng phép thần thông có thể dời núi, lấp sông giúp dân lành mang lại mùa màng tốt tươi, cuộc sống ấm no hạnh phúc. Một hôm, có đám mây ngũ sắc hạ xuống đón Mỵ Nương cùng 12 thị nữ bay lên trời. Từ đó người dân lập đền thờ tôn vinh Mỵ Nương là Bà chúa Thượng Ngàn, cai quản 81 cửa rừng ở cõi Nam Giao, hàng năm mở hội vào ngày Mồng 1 tháng 4 âm lịch, ghi nhớ công ơn của Thánh Mẫu.

Mẫu Thoải vị là thần sông nước, theo truyền thuyết nàng là con vua Long Vương ở hồ Động Đình, được Kinh Dương Vương lấy làm vợ sinh ra Sùng Lãm, chính là Lạc Long Quân – Thủy tổ Bố Rồng của Lạc Việt. Nàng được vua cha giao cho trông coi vùng sông nước, ao hồ. Sau này, Mỵ Nương được suy tôn là Mẫu Thoải.

Có truyền thuyết Mẫu Thoải là vợ của vua Thủy Tề, được Thượng đế phong Nữ Vương Nam Nữ Nam Hải Đại Vương trông coi sông, biển, làm mưa, chống lũ lụt giúp dân. Ba vị thần được đặt nơi thâm nghiêm và ngự trị ở nơi cao quý nhất của đền thờ.

Tiếp đến cung thờ Ngũ vị Tôn, từ quan Đệ Nhất đến quan Đệ Ngũ. Trong Ngũ vị quan lớn thì quan Đệ Nhất và quan Đệ Nhị xuất thân là nhiên thần. Quan Đệ Nhất vâng lệnh Ngọc Hoàng xuống trần gian giúp dân khỏi sự quấy phá của tà quan.

Dưới cung Ngũ vị Tôn ông là cung thờ Quan Hoàng Mười. Các ông Hoàng Mười được gọi theo thứ tự từ ông Hoàng Đệ Nhất tới ông Hoàng Mười. Các quan, các ông Hoàng đều có gốc tích là con trai Long Thần Bát Hải Đại Vương ở hồ Động Đình. Tuy nhiên, theo khuynh hướng lịch sử và địa phương hóa thì mỗi ông Hoàng đều được gắn với một nhân vật nào đó ở cõi nhân gian, những danh tướng có công dẹp giặc, những người khai sáng mở mang bờ cõi cho đất nước, đem lại cuộc sống ấm no cho muôn dân. Tương truyền, ông Hoàng Đệ Nhất là danh tướng Lê Lợi. Hoàng Đệ Nhị là ông Hoàng Đô, người Mán ở Cẩm Phả có công dẹp giặc bảo vệ dân lành. Còn ông Hoàng Đôi ở xứ Thanh là Quan Triệu Tường, người có công mở mang đất nước, giúp dân sinh sống an lành. Ông Hoàng Bơ (Ba) có công phò vua đánh giặc. Ông Hoàng Lục tướng Trần Lựu có công chống giặc Minh. Ông Hoàng Bảy viên quan triều đình trấn giữ vùng Lào Cai - Yên Bái. Còn ông Hoàng Mười theo tâm thức dân gian vùng Nghệ - Tĩnh là hiện thân của Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi, vị tướng tài thời nhà Lê, tham gia nghĩa quân Lam Sơn, lập nhiều chiến công trong cuộc chống lại giặc nhà Minh vào thế kỷ XV. Sau cuộc kháng chiến thắng lợi Lê Lợi giao cho trấn giữ vùng Châu Hoan. Tại đây ông có công giữ yên bờ cõi, chăm sóc vỗ bề dân chúng yên ổn làm ăn. Sau khi mất, ông được dân chúng kính trọng lập đền thờ, rất linh thiêng.

Một truyền khác về ông Hoàng Mười được dân gian đồng nhất là Uy Minh vương Lý Nhật Quang, con trai thứ 8 của vua Lý Thái Tổ, làm Tri châu Nghệ An có nhiều công lao trong việc gìn giữ bờ cõi, đời sống người dân phát triển, được người dân xứ Nghệ tôn thờ, ngưỡng vọng. Ta thấy dù thánh thần, hay nhân vật lịch sử hóa thân thì ông Hoàng Mười rất gần gũi, phù hợp với tâm linh và phong cách người dân xứ Nghệ. Đó là hình ảnh của một bậc đại trượng phu có khí phách, văn võ song toàn, biết lo nghĩ cuộc sống, luôn bảo vệ dân chúng bình yên. Tất cả đức tính ấy, đặc điểm tâm lý ấy đều hội tụ ở ông Hoàng Mười, ông là thần thánh, nhưng rất gần gũi, nhưng linh thiêng.

 Tòa dưới cùng là cung Trần Triều thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo. Hưng Đạo Vương là một nhân vật lịch sử có thật thời nhà Trần, có công đầu trong các cuộc kháng chống giặc Nguyên xâm lược, được nhân dân Đại Việt tôn xưng là Thánh. Trong tín ngưỡng Đạo Mẫu, ông thường được quy về dòng Long Vương, Bát Hải Đại Vương. Ở Đền Chợ Củi, ông được đặt riêng ra thành một phủ - phủ Trần Triều.

Từ lâu lắm, Đền Chợ Củi nổi tiếng linh thiêng. Quanh năm người muôn phương về đây hành hương vãn cảnh, hành lễ. Hàng năm vào dịp giỗ Thánh Mẫu (ngày mồng 3 tháng 3 âm lịch) và ngày 10 tháng 10 âm lịch (ngày giỗ Quan Hoàng Mười) là lễ hội được tổ chức long trọng nhất trong năm. Các sinh hoạt văn hóa dân gian như hát chầu văn, tế hầu đồng diễn ra thường xuyên tại đền, lễ hội rất sống động, được du khách muôn phương về đây chiêm bái.

Năm 1993, Đền Chợ Củi được công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đền được Liên hiệp Hội UNESCO Việt Nam chứng nhận đạt tiêu chuẩn Tam Tứ Phủ (tín ngưỡng thờ mẫu) theo nghi lễ truyền thống Việt Nam, một điểm du lịch văn hóa tâm linh nổi tiếng ở huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh thu hút du khách trong và ngoài nước đến khám phá, trải nghiệm.

                                                                                HẢI HƯNG

Bị can Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố: Trách nhiệm pháp lý của ekip và các trang mạng xã hội

Từ khoá : Hà Tĩnh lsvn.vn LSVN