Di dân khỏi vùng nguy hiểm theo kiểu 'đau đẻ chờ sáng trăng'

09/03/2018 00:02 | 6 năm trước

LSVNO – Từ khi dự án Núi Pháo tái khởi động và đi vào sản xuất, chủ đầu tư và các cấp chính quyền địa phương cam kết đây là dự án tiêu chuẩn về môi trường, giải quyết công ăn việc làm cho rất nhiề...

LSVNO – Từ khi dự án Núi Pháo tái khởi động và đi vào sản xuất, chủ đầu tư và các cấp chính quyền địa phương cam kết đây là dự án tiêu chuẩn về môi trường, giải quyết công ăn việc làm cho rất nhiều lao động. Tuy nhiên, cho đến nay, người dân sống trong vùng nguy hiểm của dự án phải chịu ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe.

Dự án Khai thác khoáng sản Núi Pháo (tại xóm 2 xã Hà Thượng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) có tổng diện tích mỏ là 921,1 ha do Công ty TNHH khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo (thuộc Công ty Cổ phần tài nguyên Masan - Tập đoàn Masan) làm chủ đầu tư, được Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Thái Nguyên cấp phép.

Dự án chính thức khởi động trở lại và đi vào khai thác từ tháng 3/2014, đây là dự án đa kim được các nhà khoa học và kinh doanh khoáng sản trong nước và chuyên gia quốc tế đánh giá trữ lượng lớn thứ hai trên thế giới về Vonfram, chỉ sau Trung Quốc, khoảng 36% tổng sản lượng trên toàn cầu.

Đến nay, nhà đầu tư đã đổ khoảng 1,2 tỷ USD vào dự án này, doanh thu bán hàng chiếm trên 36% thị phần Vonfram thế giới (khoảng 500 triệu USD).

Nhà máy khai thác khoáng sản Núi Pháo.

Ngay từ khi tái khởi động dự án và đi vào sản xuất, phía chủ đầu tư và các cấp chính quyền địa phương cam kết đây là “dự án tiêu chuẩn về môi trường, giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương, cải thiện căn bản cuộc sống của người dân”.

Tuy nhiên, ngay khi bắt đầu khai khoáng và sản xuất lô hàng đầu tinh chế, doanh thu của Masan đã lên sàn chứng khoán và tăng kỷ lục thì cũng là lúc đời sống của người dân bản địa quanh khu vực nhà máy bị “lao dốc”. 

Theo người dân, nguyên nhân khiến đời sống của họ trở nên khó khăn, bệnh tật và nghèo đói là do chính các hoạt động của dự án này gây ra. Họ bị thông báo thu hồi đất, thống kê, kiểm đếm nhiều năm nhưng không được thu hồi đất, bồi thường tài sản, hàng ngày phải gánh chịu ô nhiễm khí độc, khói bụi, chất độc nguồn nước và tiếng ồn, liên tục kêu cứu khẩn cấp,…

Nhà cửa hư hỏng, bỏ hoang tiêu điều của các hộ dân sống gần Nhà máy khai thác khoáng sản Núi Pháo chưa được bồi thường, di dời.

Môi trường ô nhiễm, tính mạng người dân bị đe dọa

Điều đáng nói, trước khi dự án đi vào khai thác, Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo phải giải phóng mặt bằng và di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm để sản xuất theo Quyết định số 3733/2002/QĐ-BYT ngày 10/10/2002 của Bộ Y tế về 21 tiêu chuẩn vệ sinh lao động, trong đó quy định vùng sản xuất luyện kim màu độc hại bắt buộc phải cách xa khu dân cư tối thiểu từ vùng phát tán bụi, sản xuất đến nơi sinh sống là 1.000 m.

Tuy nhiên, phớt lờ quy định này, công ty này vẫn đưa nhà máy sản xuất nghiền quặng vào sản xuất thuộc khu dân cư đang sinh sống mà không di dời, giải phóng mặt bằng đối với họ.

Theo quan sát của PV Luật sư Việt Nam Online, nhiều hộ gia đình ngay sát tường rào nhà máy và hàng trăm hộ dân chỉ cách khu liên hợp sản xuất từ 100 – 150 m. Do đó, tình trạng bụi phát tán chứa chất độc asen, nước thải chứa hóa chất, khói bụi, rung lắc của nhà máy đang ngày đêm uy hiếp người dân.

Ngồi ủ rũ, ông Long (ở xóm 3, Hà Thượng) nghẹn ngào: “Tôi đầu tư 1,2 tỷ đồng mở quán thịt dê, trước đây mỗi ngày bán từ 5 – 7 con dê, lãi từ 200 – 300 nghìn đồng mỗi ngày đủ nuôi gia đình và tạo lao động cho 4 người, mấy năm nay cửa hàng bỏ hoang, nhân công không có việc làm, không được bồi thường để di chuyển đi nơi khác coi như hết kế sinh nhai, khiếu nại phản ánh khắp các cơ quan Đảng, chính quyền thì họ đều trả lời do Nhà nước chưa thu hồi đất của ông thì không có căn cứ bồi thường”.

Tương tự như hoàn cảnh nhà ông Long, chị Nguyễn Thị Cẩm Vân (cùng xóm) cho biết: “Kinh tế gia đình em kiệt quệ, con em là cháu Lê Kim Phượng (02 tuổi) ốm đi viện vì viêm đường hô hấp cấp không có cả tiền để ăn ở, chăm nuôi con phải vay mượn khắp nơi, nay nợ nần chồng chất”.

Hiện nay, trong vùng bị ảnh hưởng khoảng 260 hộ dân với gần 1.000 nhân khẩu đang hàng ngày, hàng giờ phải tiếp xúc với khói bụi, khí độc, tiếng ồn, ô nhiễm nguồn nước gây hệ lụy trực tiếp đến cuộc sống sinh hoạt.

Thống kê và khảo sát, trong phạm vi bán kính 300m xung quanh nhà máy thì có 10 người già trên 70 tuổi, 87 trẻ em dưới 5 tuổi, trong đó có 53 người thường xuyên đi viện để điều trị các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp tại các bệnh viện Trung ương và tỉnh, tỷ lệ bệnh liên quan đến đường hô hấp, tim mạch là 87%.

Sổ khám bệnh của hàng trăm người dân sống xung quanh Nhà máy khai thác khoáng sản Núi Pháo.

Hoạt động của dự án Núi Pháo đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh hoạt của nhân dân, như: các ngôi nhà tốc mái, đổ sập hoặc nứt toác, không được sửa chữa, những hàng quán, biển hiệu, bàn ghế một thời thịnh vượng nay vứt chỏng chơ không người quản lý.

Ngày 27/4/2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có kết luận thanh tra số 2065 chỉ rõ nhiều vi phạm của dự án Núi Pháo. Trong đó, các vấn đề ô nhiễm môi trường, đất, nước, không khí được xác nhận và kiến nghị Công ty TNHH khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo khẩn trương di dời các hộ dân khỏi vùng nguy hiểm. Tuy nhiên, sau gần 01 năm việc di dời các hộ dân vẫn dậm chân tại chỗ.

Di dân khỏi vùng nguy hiểm theo kiểu “đau đẻ chờ sáng trăng”

Theo quyết định của Bộ Y tế thì ngay từ khi Nhà máy chế biến của Núi Pháo đi vào hoạt động bán kính xung quanh đã phải bảo đảm an toàn cho người dân là 1.000 m. Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã nhận được lời cam kết của Công ty TNHH khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo và chính quyền Thái Nguyên về việc di dời các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm, trước hết cho phạm vi bán kính 500 m. Nhưng đến nay, phía đơn vị vẫn khai thác, sản xuất mà “phớt lờ” tính mạng, sức khỏe người dân.

Sau khi có kết luận của Bộ TN&MT, tháng 10/2017 UBND tỉnh Thái Nguyên mới ban hành văn bản chỉ đạo việc thực hiện kết luận thanh tra. Theo đó, đến tháng 11/2017 UBND huyện Đại Từ mới ban hành quyết định ban hành kế hoạch thu hồi đất, khảo sát, đo đạc kiểm đếm di dời các hộ dân.

Theo bản kế hoạch này, lộ trình di dời 254 hộ được thực hiện hai bước: Bước 1 - hoàn thành di dời trong năm 2017 là 55 hộ; Bước 2 - số còn lại sẽ được thực hiện năm 2018. Nhưng đến nay, 55 hộ dân chưa hộ nào được nhận tiền bồi thường và di dời; số hộ 199 hộ còn lại chưa biết đến bao giờ?

Văn bản số 4843/UBND-CNN của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc bồi thường giải phóng mặt bằng tại xóm 2, xóm 3, xóm 4 xã Hà Thượng, dự án khai thác khoáng sản Núi Pháo.

Bức xúc trước việc “coi thường” tính mạng người dân, một số hộ dân đã tìm đến các văn phòng luật sư và trung tâm tư vấn pháp luật. Tuy nhiên, cái khó nhất để có thể khởi kiện là các hộ chưa có quyết định thu hồi đất.

Ông Tô Ngọc Thận - Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật và chính sách cho biết: “Đơn vị tôi sau khi được người dân tìm đến để xin tư vấn pháp luật thì tôi thấy được những bất cập, vướng mắc, sau đó chúng tôi đã ban hành Văn bản số 14/TV-TVPL ngày 02/02/2018 gửi các cấp chính quyền của tỉnh Thái Nguyên và Công ty TNHH khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo, nhưng đến nay vẫn “bặt vô âm tín”?.

Từ cách giải quyết của UBND tỉnh Thái Nguyên để Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo ngang nhiên hoạt động khi chưa đủ điều kiện đảm bảo an toàn đang đi ngược lại với cam kết của Đảng và Nhà nước trong phát triển kinh tế khi đánh đổi môi trường và tính mạng sức khỏe người dân bằng bất kỳ giá nào. Rất mong các cơ quan có thẩm quyền là Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hậu kiểm kết luận thanh tra để đánh giá việc chấp hành pháp luật của Công ty này sau thanh tra của Bộ TN&MT.

Đoàn Vĩnh