Điều chỉnh hành vi bán hàng đa cấp bất chính dưới góc độ Luật Cạnh tranh

05/11/2017 19:47 | 6 năm trước

Bán hàng đa cấp là một phương thức kinh doanh đã tồn tại trên thế giới từ rất lâu và chính thức xuất hiện ở Việt Nam vào những năm cuối của thế kỷ XX. Tuy nhiên, kinh doanh đa cấp từ một mô hình tiê...

Bán hàng đa cấp là một phương thức kinh doanh đã tồn tại trên thế giới từ rất lâu và chính thức xuất hiện ở Việt Nam vào những năm cuối của thế kỷ XX. Tuy nhiên, kinh doanh đa cấp từ một mô hình tiên tiến đã dần bị biến tướng thành “bán hàng đa cấp bất chính” gây rối loạn trật tự xã hội. Bài viết này bàn về thực trạng điều chỉnh hành vi bán hàng đa cấp bất chính theo pháp luật cạnh tranh và đề xuất một số kiến nghị.

Khái quát về hành vi bán hàng đa cấp bất chính

Khái niệm bán hàng đa cấp bất chính

Khái niệm bán hàng đa cấp được quy định tại khoản 11 Điều 3 Luật Cạnh tranh năm 2004 và tại khoản 2 Điều 3 Nghị định số 42/2014/NĐ-CP ngày 14/5/2014 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp (Nghị định số 42/2014/NĐ-CP), theo đó, kinh doanh theo phương thức đa cấp là hình thức kinh doanh thông qua mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh khác nhau, trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác từ hoạt động kinh doanh của mình và của mạng lưới do mình xây dựng.

Tuy nhiên, thế nào là bán hàng đa cấp bất chính, theo Hiệp hội bán hàng trực tiếp của Hoa Kỳ, thì kinh doanh đa cấp bất chính là một chuỗi người (gồm nhiều tầng) mà trong đó những người thuộc tầng cuối cùng trả tiền cho một vài người ở tầng cao nhất. Pháp luật Hoa Kỳ xác định kinh doanh đa cấp hợp pháp (chân chính) hoặc bất hợp pháp (kinh doanh đa cấp bất chính) trên cơ sở nguyên tắc: Nếu doanh nghiệp trả tiền cho người tham gia nhờ việc bán hàng của người mà họ tuyển dụng và cả những người do mạng lưới của họ tuyển dụng, thì đó là kinh doanh đa cấp chân chính; ngược lại, nếu doanh nghiệp trả tiền cho những người tham gia (trực tiếp hoặc gián tiếp) chỉ vì người này giới thiệu hay tuyển dụng người mới tham gia vào mạng lưới thì đó là kinh doanh đa cấp bất chính. Pháp luật Canada có quy định về mô hình kim tự tháp ảo (tên gọi khác của bán hàng đa cấp bất chính) là các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp lấy tiền của người tham gia và dùng người tham gia để tuyển dụng những người dễ lừa gạt khác.

Sau hơn một năm hoạt động, Liên Kết Việt bị cáo buộc đã lừa đảo khoảng 60.000 người, chiếm đoạt 1.900 tỷ đồng                                    Ảnh: Internet

Pháp luật Việt Nam định nghĩa về kinh doanh theo mô hình “kim tự tháp” tại khoản 10 Điều 3 Nghị định số 42/2014/NĐ-CP, theo đó, “kinh doanh theo mô hình kim tự tháp là việc tiến hành hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, trong đó, thu nhập của người tham gia xuất phát chủ yếu từ việc tuyển dụng người tham gia mới, việc gia hạn hợp đồng của người đã tham gia; phí, tiền đặt cọc và khoản đầu tư của người tham gia trong mạng lưới”. Khái niệm này cho phép chúng ta nhận diện để ngăn chặn hành vi bán hàng đa cấp bất chính.

Dấu hiệu nhận diện bán hàng đa cấp bất chính

Khi xem xét dấu hiệu chủ quan để xác định tính bất chính của hành vi, pháp luật một số quốc gia (như Canada, Đài Loan) tập trung vào bản chất gian dối của hành vi vi phạm (mô tả các thủ đoạn gian dối của doanh nghiệp để thiết lập được hệ thống phân phối đa cấp) chứ không căn cứ vào “thu lợi bất chính”. Theo quy định tại Điều 48 Luật Cạnh tranh năm 2004, dấu hiệu chủ quan để nhận diện hành vi bán hàng đa cấp bất chính là mục đích thu lợi bất chính mà doanh nghiệp bán hàng đa cấp mong muốn đạt được và dấu hiệu khách quan để nhận diện hành vi bán hàng đa cấp bất chính là doanh nghiệp đã thực hiện một trong bốn hành vi sau:

Thứ nhất, yêu cầu người tham gia phải đặt cọc, phải mua một số lượng hàng hóa ban đầu, trả phí dưới nhiều hình thức khác nhau để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp.

Các công ty bán hàng đa cấp bất chính thường ép buộc người tham gia bán hàng đa cấp phải trở thành người tiêu thụ bất đắc dĩ các sản phẩm không thể trả lại với giá mua sản phẩm quá cao so với giá bán sản phẩm trên thị trường. Với giá này, người tiêu dùng thường sẽ không chấp nhận, vì vậy, sản phẩm chỉ bán được cho những người muốn tham gia hoặc đã tham gia mạng lưới. Thực tế thời gian vừa qua đã xảy ra tình trạng này với vụ việc của Công ty đa cấp Liên Kết Việt: “Mua càng nhiều tiền sẽ được làm sếp”. Sau hơn một năm hoạt động biến tướng, trá hình, mạo danh công ty của Bộ Quốc phòng, Liên Kết Việt bị cáo buộc đã lừa đảo khoảng 60.000 người, chiếm đoạt 1.900 tỷ đồng. Để tham gia vào mạng lưới của công ty này, mỗi nhà phân phối tham gia vào hệ thống bán hàng của Liên Kết Việt phải đóng số tiền tối thiểu 8,6 triệu đồng để được cấp một mã số kinh doanh, được quyền mua một mã hàng gồm một máy Ozone và 04 loại thực phẩm chức năng. Đây là một vụ việc điển hình đã được Cục Quản lý cạnh tranh xử lý trong năm 2015 và Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố tháng 02/2016.

Thứ hai, không cam kết mua lại với mức giá ít nhất là 90% giá hàng hóa đã bán cho người tham gia để bán lại.

Doanh nghiệp bất chính thường yêu cầu người tham gia phải bán được một lượng hàng hóa nhất định trong mỗi tháng để duy trì quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp của người đó. Bởi vậy, doanh nghiệp đã không cam kết mua lại với mức giá ít nhất là 90% giá hàng hóa đã bán cho người tham gia để bán lại. Trên thực tế, không phải lúc nào người tham gia bán hàng đa cấp cũng bán được sản phẩm theo yêu cầu nhưng họ cũng không thể trả lại hàng hoặc yêu cầu doanh nghiệp mua lại. Với tâm lý lo sợ mất quyền tham gia mạng lưới nên một số người phải tìm mọi cách để tiêu thụ hàng hóa đó, như: Bỏ tiền túi, vay mượn, thậm chí là tự biến mình thành người đi lừa đảo người thân để mua sản phẩm cho doanh nghiệp dù họ không có nhu cầu tiêu dùng. Cho đến khi người tham gia bán hàng đa cấp lâm vào cảnh nợ nần không thể bán được hàng, không lôi kéo được người tham gia mới đồng loạt quay lại đòi trả hàng thì hệ thống bắt đầu sụp đổ và những người đứng đầu doanh nghiệp cũng ôm tiền biến mất.

Thứ ba, cho người tham gia nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác từ việc dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp.

Kinh doanh đa cấp bất chính cũng có bán lẻ sản phẩm, nhưng thực chất, việc bán lẻ sản phẩm chỉ hướng đến những người muốn tham gia mạng lưới hay đã tham gia mạng lưới chứ không hướng đến người tiêu dùng. Doanh nghiệp đa cấp bất chính chủ yếu bán những sản phẩm không phổ biến, dùng chiêu dụ, tuyển dụng người khác tham gia mạng lưới và để kích thích động lực kinh doanh của các phân phối viên. Các nhà tổ chức bán hàng đa cấp thường trích lại hoa hồng cho người tham gia rất cao. Vì thế, người tham gia trước sẽ không quan tâm đến việc bán hàng mà chỉ tìm cách sử dụng các chiêu thức dụ dỗ nhiều người quen tham gia vào mạng lưới để nhanh chóng thu hồi được khoản tiền mà mình bỏ ra và được hưởng hoa hồng từ việc giới thiệu người mới cho doanh nghiệp. Người lợi nhất là doanh nghiệp bán hàng đa cấp bất chính bởi họ sẽ luôn bán được hàng. Rủi ro với cảnh nợ nần, bế tắc dễ đến với những người tham gia bị dụ dỗ do họ vừa mất tiền mua hàng, vừa có thể không bán được hàng. Đơn cử như vụ việc của Công ty Nino Vina (công ty phân phối sản phẩm nước trái nhàu). Công ty có quy định để trở thành thành viên cấp I, các phân phối viên phải mua một thùng nước với giá gốc 2,7 triệu đồng. Nếu thành viên cấp I giới thiệu được thêm 03 người khác tham gia (mỗi người lại đóng 2,7 triệu đồng) thì thành viên cấp I sẽ được trích 20% tổng số tiền mà 03 thành viên này mua sản phẩm. Nếu 03 thành viên cấp II giới thiệu được thành viên tham gia vào mạng lưới, thì thành viên cấp I được hưởng 5% tổng số tiền các thành viên này bỏ ra mua sản phẩm. Cứ như vậy, khi mạng lưới phát triển đến tầng thứ 8 thì số tiền được chuyển về tài khoản của thành viên cấp I ít nhất sẽ là 56,2 triệu đồng. Theo mô hình trả hoa hồng này, thu nhập thu được không phải xuất phát từ việc bán sản phẩm, mà là do chiếm dụng tiền của các thành viên tiếp theo trong mạng lưới.

Thứ tư, cung cấp những thông tin gian dối về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp và về tính chất, công dụng của hàng hóa để dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp.

Khi tham gia bất kỳ hoạt động kinh doanh nào, chủ thể kinh doanh phải nghiên cứu tìm hiểu thông tin thị trường, mặt hàng, lĩnh vực kinh doanh, lợi nhuận tối thiểu phát sinh từ hoạt động kinh doanh... Trên cơ sở những thông tin này, họ mới quyết định có tham gia hay không và nếu tham gia thì nên đầu tư ở mức độ nào. Tuy nhiên, với sức hút siêu lợi nhuận các công ty bán hàng đa cấp bất chính đã và đang dụ dỗ, lôi kéo người tham gia bằng việc tác động vào bản tính “hám lợi” của con người qua việc cung cấp những thông tin không đúng về lợi ích của người tham gia đang được hưởng hoặc sẽ được hưởng nếu tham gia, vì thế, rất nhiều người đã bất chấp lôi kéo người thân, họ hàng, bạn bè tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp. Thực tế, giá thành này không tương xứng với chất lượng sản phẩm nhưng để người tham gia bán hàng đa cấp và người tiêu dùng chấp nhận mức giá đó, các doanh nghiệp bán hàng đa cấp bất chính thường đưa ra những công dụng không đúng với chất lượng thật của sản phẩm. Sự lừa dối này không chỉ làm giảm uy tín của người tham gia trước người tiêu dùng, mà còn đe dọa đến lợi ích chính đáng của khách hàng, của xã hội, nhất là khi những sản phẩm được tiêu thụ là sản phẩm kém chất lượng. Trên thực tế, rất nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ, có chất lượng trung bình hoặc kém, nhưng hiệu quả đã được thổi phồng và tung ra thị trường với mức chiết khấu 30-50% cho người bán hàng.

Xử lý vi phạm bán hàng đa cấp bất chính ở Việt Nam

Thời gian vừa qua, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp bao gồm xử lý các doanh nghiệp bán hàng đa cấp bất chính được đặc biệt chú trọng và đẩy mạnh. Cục Quản lý cạnh tranh đã điều tra, xử phạt 05 doanh nghiệp về hành vi bán hàng đa cấp bất chính với số tiền phạt 590 triệu đồng, tuy nhiên, việc phát hiện và xử lý hành vi bán hàng đa cấp bất chính vẫn chưa thật sự hiệu quả. Hành vi “yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải đặt cọc hoặc đóng một khoản tiền nhất định” chỉ phát hiện được 01 trường hợp; hành vi “cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác từ việc dụ dỗ người khác” cũng chỉ phát hiện được 01 trường hợp; hành vi “cung cấp thông tin gian dối về lợi ích của việc tham gia mạng lưới, thông tin sai lệch về tính chất, công dụng của hàng hóa để dụ dỗ người khác tham gia” phát hiện được 03 trường hợp trên tổng số 41 trường hợp vi phạm pháp luật về bán hàng đa cấp... Điều này cho thấy, khả năng giám sát từ phía Nhà nước trong lĩnh vực này là rất kém hiệu quả. Đơn cử như trong vụ án của Công ty đa cấp Liên Kết Việt, khi vụ việc được công khai vào đầu năm 2016, số người bị hại đã lên tới gần 60.000 người với hơn 1.900 tỷ đồng bị chiếm đoạt. Mặc dù những sự việc tương tự như trên diễn ra khá phổ biến trong thời gian qua, nhưng việc xử lý về bán hàng đa cấp bất chính còn gặp nhiều khó khăn.

Thực tế cho thấy, cơ quan chức năng rất khó xác định làm rõ nguồn gốc tài chính để trả hoa hồng cho các phân phối viên. Nếu bị điều tra, các công ty này sẽ có các câu trả lời “rất đúng luật” là do tiết kiệm từ chi phí quảng cáo, từ các khâu lưu thông hàng hóa. Hoặc những người tham gia mạng lưới phân phối viên đã đủ 18 tuổi, tự nguyện tham gia chứ công ty không bắt buộc, người tham gia chỉ là đối tác của công ty, phân phối viên không phải nhân viên của công ty, do đó, họ phải chịu mọi trách nhiệm về hành vi kinh doanh của mình. Ngoài ra, chế tài xử phạt đối với những hành vi bán hàng đa cấp bất chính chưa tương xứng với mức độ gây thiệt hại của hành vi này. Mức xử phạt được quy định tại Điều 36 Nghị định số 71/2014/NĐ-CP ngày 21/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh chỉ từ 60.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, hành vi vi phạm từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên tối đa là 200.000.000 đồng. Thiết nghĩ, chế tài xử phạt hành chính như trên so với quy mô và hậu quả của doanh nghiệp bán hàng đa cấp bất chính gây ra là chưa tương xứng, không đủ sức răn đe và phòng ngừa vi phạm.  

Một số kiến nghị 

Thứ nhất, Luật Cạnh tranh năm 2004 mới chỉ điều chỉnh phương thức bán hàng đa cấp đối với hàng hóa mà chưa thừa nhận và điều chỉnh đối với hoạt động cung ứng dịch vụ theo phương thức đa cấp. Hoạt động kinh doanh đa cấp bất chính dưới dạng cung ứng dịch vụ sẽ không có nguồn pháp luật để điều chỉnh. Ở nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã thừa nhận và điều chỉnh đối với phương thức cung ứng dịch vụ theo phương thức đa cấp, bao gồm cả dịch vụ điện thoại, bảo hiểm, tài chính, đầu tư và đương nhiên các hành vi bán hàng, cung ứng dịch vụ theo phương thức đa cấp bất chính đều bị ngăn chặn (cấm) và xem xét xử lý nghiêm khắc.

Thứ hai, pháp luật của nhiều quốc gia cũng như pháp luật Việt Nam hiện hành không cấm hành vi bán hàng đa cấp mà chỉ cấm bán hàng đa cấp bất chính. Hành vi bán hàng đa cấp bất chính được nhận diện bởi các dấu hiệu có tính bất chính (không lành mạnh) của hành vi cần thiết phải được ngăn cấm và kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm khắc để bảo vệ lợi ích của những người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp và xa hơn nữa là bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Nghiên cứu để tăng mức xử phạt vi phạm hành chính với hành vi bán hàng đa cấp bất chính.

Thứ ba, cần phải nhận diện bán hàng đa cấp là hành vi thương mại đặc thù được điều chỉnh bởi Luật Thương mại năm 2005 và khi hành vi này có tính bất chính, thì cần phải cấm như một số hành vi bị cấm trong Luật Thương mại năm 2005, chứ không thể coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh và bị xử lý theo Luật Cạnh tranh. Chủ thể thực hiện hành vi bán hàng đa cấp bất chính đã không trực tiếp cạnh tranh và cũng không trực tiếp xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể cạnh tranh khác hay người tiêu dùng. Đối tượng trực tiếp bị xâm phạm của hành vi bán hàng đa cấp bất chính lại chính là những người tham gia vào mạng lưới của hệ thống bán hàng đa cấp. Quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia mạng lưới đa cấp này đáng được bảo vệ trước sự tấn công và xâm phạm của những hành vi có tính bất chính nhưng không phải là sự bảo vệ của Luật Cạnh tranh với tư cách là hành vi cạnh tranh không lành mạnh mà phải được bảo vệ bởi Luật Thương mại với tư cách một hành vi thương mại đặc thù bị cấm do có tính không chính đáng. Vì vậy, các quy định về bán hàng đa cấp và bán hàng đa cấp bất chính bị cấm cần được quy định trong Luật Thương mại - với tư cách là hành vi thương mại đặc thù bị cấm khi có tính bất chính.

Thứ tư, cần có sự quy định thống nhất giữa khoản 3 Điều 48 Luật Cạnh tranh năm 2004 và điểm đ khoản 1 Điều 5 Nghị định số 42/2014/NĐ-CP. Trong khi Nghị định đặt ra quy định cấm tuyệt đối “cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác từ việc dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp” thì Luật Cạnh tranh năm 2004 chỉ cấm “cho người tham gia nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác chủ yếu từ việc dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp”. Độ vênh của 02 văn bản pháp luật khi quy định về cùng một vấn đề tạo ra sự không thống nhất trong việc giải thích và gây khó khăn trong áp dụng pháp luật.

Tóm lại, hoạt động kinh doanh đa cấp hiện nay có rất nhiều hình thức biến tướng, gọi là hành vi bán hàng đa cấp bất chính. Pháp luật Việt Nam đã đề cập đến hình thức biến tướng này dưới dạng hành vi cạnh tranh không lành mạnh của doanh nghiệp. Tuy những quy định đã cố gắng cụ thể hóa dưới dạng liệt kê những hành vi bán hàng đa cấp bị cấm nhưng vẫn còn nhiều hạn chế dẫn đến bỏ sót hành vi. Hy vọng trong thời gian tới, các quy định pháp luật điều chỉnh về bán hàng đa cấp và hành vi bán hàng đa cấp bất chính sẽ ngày càng hoàn thiện, góp phần hạn chế và loại trừ hành vi bán hàng đa cấp bất chính.

Nguồn: Tạp chí DC&PL